Trò chuyện cùng Huyền Châu – Founder của VAN•HOA: Câu chuyện về văn hoá và những sản phẩm “nhìn là thấy Việt Nam”

Ngày đăng: 05/03/24

Style-Republik đã có cuộc trò chuyện cùng chị Huyền Châu – Founder của công ty VAN•HOA để hiểu thêm về những dự án sáng tạo dựa trên nền tảng văn hoá và di sản Việt.

Cùng khám phá và tìm hiểu thêm về VAN•HOA và những cá nhân tài năng đã đồng hành trong hành trình tìm tòi và nghiên cứu, để không chỉ từ đó cho ra những sản phẩm mà còn nỗ lực xoa dịu nỗi trăn trở làm sao để giúp những người nghệ nhân sống và tồn tại được với nghề.

Những nỗ lực sáng tạo dựa trên việc tìm tòi và trân trọng nét đẹp của VAN•HOA để mang đến những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng là điều mà Style-Republik muốn lan tỏa đến bạn đọc qua buổi trò chuyện sau. 

Chân dung chị Huyền Châu – Founder của dự án VAN•HOA

Chào chị, Style-Republik rất vui được trò chuyện cùng chị. Chị có thể cho biết về sự ra đời của VAN•HOA? Chị có thể bật mí ý nghĩa riêng đằng sau cái tên VAN•HOA không?

Chào Style-Republik. Cảm ơn các bạn đã có lời mời Huyền Châu tham dự buổi trò chuyện này, cũng như cho phép mình được chia sẻ về tên gọi VAN•HOA.

Từ khi nhen nhóm ý tưởng mở một công ty thiết kế những sản phẩm “nhìn là thấy Việt Nam”, mình đã luôn mong muốn có một tên gọi hơi hướng tiếng Việt, nhưng lại thân thiện và dễ dùng khi giới thiệu cho người nước ngoài. Nhưng khi tham dự một hội thảo ở khu vực Đông Nam Á, mình mới thấy Việt Nam là nước duy nhất hoàn toàn phải sử dụng tiếng Anh khi giao tiếp với các nước láng giềng, trong khi các nhóm Lào-Thái-Cam, hay Philippines-Malaysia-Indo… vẫn có các nhóm sử dụng tiếng địa phương để nói chuyện được với nhau. 

Điều này khiến mình nhận ra sự “độc nhất vô nhị” của tiếng Việt nhờ quá trình hình thành và phát triển qua những giai đoạn giao thoa văn hóa trong lịch sử. Hơn nữa, bộ chữ Quốc ngữ của chúng ta, chính là một “biểu tượng văn hoá” chung – vẫn đang được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của cả ba miền Bắc-Trung-Nam. 

Với những dòng suy nghĩ này, mình tạo ra tên gọi cho “VAN•HOA” – nhấn mạnh vào sự độc đáo của Tiếng Việt bằng cách… giấu con dấu đi. Khi viết không dấu, lại cho phép sự biến đổi đa dạng hơn trong tiềm thức của người đọc, phụ thuộc theo ngữ cảnh và bối cảnh của tình huống. Với mình điều này cũng đại diện cho góc nhìn về sự tiếp biến và chuyển động đa dạng của “văn hoá” theo cuộc sống và thời cuộc. 

Về hình thức, mình luôn đặt một dấu chấm • rất đặc trưng trong tên gọi VAN•HOA, được lấy cảm hứng từ bản vẽ tay của một trưởng bản người Mông khi ông mô tả lời bài hát truyền thống của dân tộc về hoạt động nối sợi lanh – đại diện cho sự “kết nối”.  

Tới nay, trên hành trình tìm tòi nghiên cứu để có được ngôn ngữ thiết kế riêng, chúng mình cũng tự thấy bản thân là một thế hệ “mất dấu” văn hoá và còn nhiều thiếu sót. Thế nên tên gọi “VAN•HOA” giờ còn có vai trò nhắc nhở chúng mình về những hạn hẹp trong hiểu biết của mình, để tự ý thức về việc cần cởi mở học hỏi và tiếp thu thêm kiến thức cho quá trình sáng tác.  

Hiện tại team VAN•HOA có bao nhiêu người và vai trò của mỗi thành viên trong team như thế nào? Văn hoá của công ty là gì và làm sao để các thành viên chúng ta tìm được tiếng nói chung để cùng nhau phát triển?

Team VAN•HOA hiện nay có 5 nhân sự full time tại Việt Nam và 1 Creative Lead đang sinh sống và làm việc từ Anh. Team full-time là nhóm sẽ trực tiếp thực hiện các khảo sát và nghiên cứu, triển khai số hoá dữ liệu văn hoá, cũng như các ý tưởng thiết kế ban đầu. Ngoài ra, VAN•HOA xây dựng và duy trì một mạng lưới với các nhà thiết kế và thực hành văn hoá và sáng tạo để hợp tác theo từng dự án.  

Ở VAN•HOA, chúng mình thực hành triết lý “sáng tạo tập thể” (collaborative create), hướng về việc tôn trọng đa dạng hành vi, tính cách, quan điểm trên cơ sở lắng nghe cũng như đóng góp ý tưởng để xây dựng môi trường chung an toàn và nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Với quy mô nhỏ, VAN•HOA cũng hướng tới việc linh hoạt trong mô hình vận hành để mỗi thành viên có điều kiện và không gian gia tăng trải nghiệm và liên tục cập nhật, trau dồi chất liệu sáng tác thông qua các chuyến đi điền dã, các dự án tạo tác động cộng đồng và các dự án hợp tác liên ngành. 

Theo chị, đâu là các yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc hợp tác triển khai các dự án sáng tạo? Nhất là khi chúng ta kể một câu chuyện thông qua sản phẩm dựa trên yếu tố văn hoá?

Với mình, sáng tạo là một quá trình rất “con người”. Do đó, yếu tố quan trọng hàng đầu đối với mình khi triển khai các dự án sáng tạo là sự phù hợp về mục tiêu, tầm nhìn, cũng như việc lắng nghe và cũng xây dựng quy tắc ứng xử, để những con người – hầu hết đều rất cá tính và có chính kiến riêng – có thể thuận lợi hợp tác, trao đổi và phối hợp với nhau. 

Đối với các công đoạn cụ thể của quá trình sáng tạo sau đó, đa phần sẽ được các bạn thực hành sáng tạo đảm nhiệm và triển khai khi có quy trình và môi trường tốt. 

Tuy nhiên, đối với các sản phẩm có xây dựng trên yếu tố văn hoá ở Việt Nam, thì hiện nay cần thêm một yếu tố nữa là nguồn dữ liệu thông tin văn hoá tốt để phục vụ cho việc nghiên cứu và sáng tác. Tới nay chúng ta còn thiếu hụt nhiều nguồn thông tin chính thống và chất lượng cho nhiều chủ đề văn hoá – cả về dữ liệu thông tin dạng “chữ”, và dạng “hình”.  

Được biết, công ty của mình đã thực hiện khá nhiều dự án, vậy theo chị đâu là dự án “khó nhằn” nhất và vì sao? Tuy nhiên, chắc hẳn việc vượt qua nó đã mang đến cho đội ngũ của chị nhiều điều thú vị đằng sau trải nghiệm này?

Mỗi dự án nghiên cứu của VAN•HOA lại có những sự “khó nhằn” khác nhau. Từ việc các bạn thiết kế trẻ cần trải nghiệm thực tế để có năng lực kết nối và xây dựng được lòng tin với các nhóm cộng đồng hoặc các nghệ nhân lành nghề – qua đó có thể phỏng vấn và thu thập thông tin hiệu quả; cho tới việc xác minh và đối chiếu dữ liệu – đặc biệt ở các nhóm dân tộc đã quá quá trình di cư và có những sự giao thoa tiếp biến văn hoá, v.v.. Ngoài ra còn cần tập trung và tiết chế trong mỗi dự án, vì mỗi lần tiếp xúc một nhóm văn hoá đều mở ra vô vàn các chủ đề khác nhau để khai thác. 

Với quan điểm là những người học hỏi, những sự “khó nhằn” này mở ra cơ hội cho chúng mình tiếp xúc và học hỏi từ những chuyên gia, qua đó mở rộng góc nhìn và phương hướng tiếp cận qua mỗi dự án. 

Ví dụ như ở dự án Bản@Sưng với cộng đồng người Dao Tiền ở xóm Sưng – Hoà Bình, team VAN•HOA may mắn nhận được sự hỗ trợ và tư vấn của chuyên gia Viện nghiên cứu Văn hoá & Nghệ thuật Việt Nam (VICAS) về kinh nghiệm và phương thức tiếp cận và làm việc với cộng đồng, cũng như cách phân loại dữ liệu thông tin.

Ngoài ra, còn có sự đồng hành của nhà thiết kế sản phẩm thủ công voquangty trong việc xác định và lưu trữ các hoa đan độc đáo của địa phương, qua đó trở thành nền tảng phát triển bộ sưu tập sản phẩm mẫu đầu tiên – với mong muốn tạo ra cơ hội sinh kế địa phương. 

Dự án Bản@Sưng với cộng đồng người Dao Tiền ở xóm Sưng – Hoà Bình

Với cái nhìn của chị, người đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cố vấn văn hoá lẫn làm việc với các nghệ nhân/ làng nghề, việc giữ gìn văn hoá bản địa trong thời buổi hiện nay đã và đang diễn ra như thế nào?

Những năm gần đây, mình thấy đã có nhiều cá nhân và tổ chức quan tâm đến “văn hoá” và “văn hoá địa phương” hơn, qua đó cũng xuất hiện có nhiều dự án rất thiết thực, có ý nghĩa cho công tác bảo tồn cũng như phát triển văn hoá. Ngoài các dự án sáng tạo, các hình thức “du lịch cộng đồng”, “du lịch có trách nhiệm” cũng góp phần duy trì bản sắc địa phương khi việc gìn giữ văn hoá gắn bó trực tiếp với sinh kế của họ. 

Mặc dù đa phần các dự án còn nhỏ lẻ, với mình mọi nỗ lực và tham gia từ mỗi cá nhân và tổ chức đều rất đáng quý và đáng học hỏi. 

Về việc phát triển làng nghề, một thực tế khi chúng mình trao đổi với các nhóm nghệ nhân là phần nhiều đều gặp vấn đề về việc bị giới hạn trong các thiết kế gia công đơn giản cho đơn hàng nước ngoài. Điều này khiến họ không có không gian và thời gian được làm những sản phẩm có kỹ nghệ phức tạp, cũng không có cơ hội để nghiên cứu cải tiến công cụ sản xuất. Nhưng có lẽ vì vậy mà các nghệ nhân cũng rất cởi mở khi tiếp nhận những đề xuất khôi phục và ứng dụng các kỹ nghệ truyền thống trong các thiết kế mới từ VAN•HOA. 

Tháng Mười Hai vừa qua, bộ sưu tập Bản@SƯNG của VAN•HOA đã có mặt tại triển lãm A Way To Green Fair & Exhibition 2023. Ngoài Bản@SƯNG, Style-Republik cũng muốn được nghe câu chuyện về việc “mở thêm những tiềm năng phát triển sinh kế với những sản phẩm giá trị cao”. Điều này có ý nghĩa gì với những người làm sáng tạo nói riêng và cộng đồng nói chung?

Trên một chương trình truyền hình, mình tình cờ nghe được một lời cảm thán khá đau xót của một nữ nghệ nhân lớn tuổi, khi có nhiều người đến phỏng vấn hỏi kinh nghiệm từ cô, nhưng về phía làng nghề lại không thu được gì. Vì vậy, mình mong muốn trong sự hợp tác giữa thiết kế và cộng đồng/ nghệ nhân, cần có sự trao đổi về giá trị tương xứng. Việc gìn giữ và duy trì văn hoá địa phương cũng gắn liền với sinh kế của họ. Nếu không thể sống bằng nghề, người dân cũng không có động lực tiếp tục duy trì, bất kể được truyền thông ca ngợi thế nào. 

Việc gìn giữ và duy trì văn hoá địa phương cũng gắn liền với sinh kế của họ. Nếu không thể sống bằng nghề, người dân cũng không có động lực tiếp tục duy trì, bất kể được truyền thông ca ngợi thế nào. 

Do đó, trong lần hợp tác với nhà thiết kế voquangty, VAN•HOA có trao đổi về việc các thiết kế sáng tạo ngoài có tính công năng thực tế và thẩm mỹ, cần giúp phát huy được thế mạnh của địa phương, rút ngắn thời gian đào tạo các kỹ nghệ ngoại lai, để qua đó có thể tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương bằng việc họ có thể làm tốt nhất, với những nguyên vật liệu quen thuộc nhất. 

Rất may mắn là voquangty đã rất thấu hiểu cộng đồng địa phương chỉ trong một lần đi khảo sát. Điều này thể hiện khi team VAN•HOA có đưa sản phẩm lên xóm Sưng để bà con nhận xét, ngoài việc cộng đồng thích thú với dáng hình và công dụng mới, họ cũng tự tin khẳng định “chúng tôi có thể đan được đẹp hơn” khi nhìn thấy các hoa đan quen thuộc.  

Tuy nhiên, để có cơ hội tạo sinh kế cho bà con, cũng cần có sự đồng hành của truyền thông trong việc nêu bật được nét độc đáo và giá trị của những giá trị văn hoá địa phương này. Do đó, việc được đưa Bản@SƯNG tới triển lãm tại A Way to Green Fair & Exhibition 2023 cũng là một cơ hội rất quý giá để VAN•HOA và voquangty có thể lan toả thông điệp tới mọi người.  

Dự án Bản@Sưng với cộng đồng người Dao Tiền ở xóm Sưng – Hoà Bình

Mục tiêu phát triển của chị trong năm 2024 là gì?

Năm 2024, ngoài các hoạt động nghiên cứu kết hợp với các nhà khoa học chuyên ngành, VAN•HOA mong muốn tập trung hơn cho việc ứng dụng. Do đó trong năm tới chúng mình định hướng hợp tác nhiều hơn với các nhà thiết kế và các nhà sản xuất, để cùng nhau phát triển các nhóm sản phẩm ứng dụng từ các dữ liệu đã tích lũy. 

Ngoài ra, VAN•HOA cũng đang tiếp thu và thực hành thêm kiến thức về “thiết kế tuần hoàn” trong các dự án tiếp theo. Đây không chỉ là xu thế của thời đại định hướng “phát triển bền vững”, mà VAN•HOA thật sự tin rằng đây có thể trở thế mạnh thiết kế của Việt Nam, tận dụng từ nền tảng “văn hoá lúa nước” lâu đời. 

Hy vọng trên hành trình này, VAN•HOA có thêm nhiều người bạn đồng hành, qua đó hiện thực hoá dần việc lan tỏa và tạo thêm cơ hội cho các cộng đồng đã và đang duy trì các giá trị văn hoá. 

Thực hiện: Hoàng Khôi

Ảnh: NVCC