Trò chuyện cùng Ths. Nguyễn Vũ Cẩm Ly: Tính nguyên bản trong thời trang giữa thời đại số
Ngày đăng: 06/01/22
Thạc sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Ly, từng tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc, sau đó chị theo học tại Malaysia một năm về kỹ thuật nhuộm batik, xử lý chất liệu, thiết kế, minh hoạ thời trang. Chính sự nhiệt huyết và phương pháp giảng dạy của giảng viên, với phương châm “lấy sự sáng tạo là trung tâm của quá trình học tập” đã giúp chị Cẩm Ly mở ra được một cánh cửa mới.
Vào thời điểm 10 năm trước, các môn học nền tảng của thiết kế thời trang vốn chưa được giảng dạy nhiều tại nước ta. Khi về Việt Nam, chị mong muốn “được nghiên cứu về cách mọi người sáng tạo, cách các ý tưởng được chuyển thể vào trang phục và sau đó tôi muốn chia sẻ những điều mình nghiên cứu với mọi người.” Cứ như thế chị bén duyên với “nghề đưa đò” tại Đại học Văn Lang với khoa Thiết kế Thời trang. Mười một năm trôi qua, hành trình của chị chưa hề dừng lại. Mời bạn cùng Style-Republik nghe những chia sẻ của Ths. Nguyễn Vũ Cẩm Ly dưới góc nhìn của một nhà giáo dục về tư duy sáng tạo của sinh viên thời trang với những ảnh hưởng xã hội trong năm vừa qua.
Chào chị, là một người làm trong ngành giáo dục thời trang, giảng viên ngành Thiết kế Thời trang tại Đại học Văn Lang và giảng viên thỉnh giảng của FACE – The Fashion Design Academy? Chị nhận thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng thế nào đến các sinh viên thời trang trong năm vừa qua? Việc học trực tuyến có phù hợp với lĩnh vực thời trang?
Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến các ngành nghề và lịch vực trong cuộc sống chúng ta. Đối với giáo dục nói chung và giáo dục thời trang và các lĩnh vực nói riêng ảnh hưởng đến khá nhiều, đối với ngành thời trang việc học nhấn mạnh thực hành: tiếp xúc với chất liệu, vải vóc, làm việc với máy móc, trang thiết bị liên quan đến ngành may. Chính vì đặc thù này, vào thời gian đầu của những ngày giãn cách, hầu hết các lớp học đều tạm ngưng vì thiếu trang thiết bị, nguyên vật liệu cho việc dạy và học.
Phải mất khoảng gần nửa năm, các cơ sở giáo dục tôi đang làm việc mới có những biện pháp thay đổi về chương trình học, phương pháp dạy học để thích ứng với đại dịch covid. Chính trong giai đoạn này, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng vẫn phải tiếp tục công việc, sự nghiệp học tập của giáo viên và sinh viên ngành thời trang đã có nhiều thay đổi. Giáo viên và sinh viên cập nhật những cách thức, ứng dụng học tập online. Phương pháp flip classroom được ứng dụng nhanh hơn bao giờ hết để giúp học viên trở nên chủ động, là trung tâm thúc đẩy việc học tập của mình. Giáo viên xem xét lại bài giảng, hoàn thiện bài giảng ngắn gọn, thêm các tài liệu tham khảo về phim ảnh, bài đọc, video clip để giúp sinh viên tìm hiểu các vấn đề sâu hơn. Tôi nghĩ các lớp học về lịch sử, phương pháp sáng tạo khá thành công khi dạy online, thậm chí có những bài giảng tôi thấy mình giảng tốt hơn, học viên do đã xem tài liệu trước nên tiếp thu nhanh hơn nên việc trao đổi với các em cũng thuận lợi hơn.
Đặc biệt trong giai đoạn này, không có việc gì làm ngoài việc học, rất nhiều các bạn sinh viên của tôi có thời gian nhiều cho nghiên cứu, tập trung cho sở trường cá nhân, với các em này tôi thấy có sự tiến bộ rõ rệt. Có bạn tập trung vào kỹ thuật nhuộm vải tự nhiên, xử lý chất liệu. Chính hoàn cảnh thiếu thốn, các bạn đã sáng tạo nhiều hơn. Nói cho cùng, khi có thêm thử thách con người lại càng thêm sáng tạo.
Tôi hiện tại đã thay đổi rất nhiều về thói quen học tập của mình, tôi thích học online, online cho tôi có khả năng tham gia học thêm được nhiều hơn ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, là điều mà trước dịch tôi không thể làm được vì không có nhiều thời gian, việc đi lại cung mất thời gian, chưa có nhiều lựa chọn các lớp online phù hợp.
Chị cảm thấy sinh viên thời trang hiện nay có gì khác biệt với thời của mình, những năm 2000?
Tại thời điểm những năm 2000, còn đang thiếu thốn rất nhiều về có sở vật chất, chương trình học, sự cởi mở của xã hội đối với ngành nghề, thế hệ 7x, 8x chúng tôi phải tự học rất nhiều, những thiết kế dù chưa theo xu hướng mới nhưng lại ít bị ảnh hưởng, chi phối, tính nguyên bản trong mỗi người vẫn được thể hiện rất nhiều. Rất nhiều các anh chị, bạn bè của tôi đã thành công, góp phần trong lịch sử phát triển của thời trang Việt Nam, mở đường cho những thế hệ sau này.
Thời trang đã khác rất nhiều nhờ internet, văn hoá sử dụng mạng xã hội của tất cả mọi người, các brand quốc tế cũng đã vào Việt Nam rất nhiều nên việc cập nhật xu hướng, phương pháp học đã giúp sinh viên gần tiếp cận được với các trào lưu của thế giới. Ngày nay cách bạn trẻ dễ tham gia vào lĩnh vực thời trang (làm brand, bán shop, stylist…) vì nhu cầu của mọi người cao hơn. Sự phát triển nhanh chóng dẫn đến một số hệ luỵ: cạnh tranh về giá cả dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa được tốt, các thiết kế bị ảnh hưởng bởi xu hướng nên chưa tạo ra nhiều giá trị, câu chuyện riêng biệt.
Việc học đã dễ dàng hơn, chỉ cần có niềm say mê, cố gắng và định hướng các bạn dễ tìm thấy được niềm vui, sự thành công nhất định cho bản thân mình. Cũng chính vì điều này, các bạn dễ học, dễ bỏ, nhưng không sao cứ học thôi, học tập sẽ mở ra những con đường mới, những cơ hội mới.
Bây giờ thời đại của mạng xã hội bùng nổ, internet không thể tách rời khỏi đời sống của chúng ta. Chị có cảm thấy mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến tính nguyên bản trong sáng tạo của sinh viên thời trang ngày nay?
Nếu nguyên bản là những điều con người tạo ra mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ các yếu tố nào thì điều này chỉ có thể tìm được thấy ở trẻ con. Xã hội, văn hoá, giáo dục… đã làm chúng ta mất đi tính “nguyên bản”. Đôi khi tôi cũng tự hỏi liệu có tính nguyên bản nếu chúng ta xem thời trang là ngành thiết kế, phục vụ đời sống của con người? Nguyên bản là giai đoạn sơ khai trong quá trình sáng tạo, nguyên bản có thể tạo ra một tác phẩm khác lạ, chưa từng thấy nhưng để trở thành một thiết kế có tính công năng thì tính nguyên bản cần kết hợp được với chức năng, nhu cầu của con người.
Tôi nghĩ trong thời trang để giữ được tính nguyên bản sẽ rất khó. Tuy nhiên vẫn có một số phương pháp có thể giúp chúng ta thể hiện được cảm xúc, sự chân thành nguyên bản nhưng chỉ là giai đoạn đầu của quá trình sáng tạo. Đây cũng là điều đặc biệt của thế hệ, xã hội của chúng ra, tôi nghĩ mình nên vui vẻ chấp nhận điều này, biết đâu chúng ta sẽ tìm được nguyên bản của mình trong sự ảnh hưởng của những cái xung quanh.
Tôi nghĩ trong thời trang để giữ được tính nguyên bản sẽ rất khó. Tuy nhiên vẫn có một số phương pháp có thể giúp chúng ta thể hiện được cảm xúc, sự chân thành nguyên bản nhưng chỉ là giai đoạn đầu của quá trình sáng tạo.
Theo chị, việc giáo dục nên tập trung vào những điều cốt lõi nào để giúp các sinh viên ngành thời trang có thể tìm được công việc phù hợp nhất với mình sau khi ra trường?
Tôi nghĩ quan trọng nhất là phương pháp sáng tạo, khả năng xác định mục tiêu và giải quyết vấn đề sẽ không làm giới hạn chúng ta, với những khả năng này các bạn có thể làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện tại việc sử dụng, điều tiết cảm xúc của cá nhân cũng vô cùng quan trọng. Cảm xúc giúp chúng ta sáng tạo bằng tâm hồn thấu cảm, giúp chúng ta sống như một “con người” trong thế giới rất nhiều các công việc được thay đổi với AI, máy móc.
Ngành công nghiệp thời trang hiện nay với sự trỗi dậy của thế hệ nhà thiết kế trẻ được đào tạo nghiêm túc và bài bản hơn so với trước đây, với nhiều nguồn thông tin về thời trang được cập nhật mỗi ngày. Chị dự đoán tương lai của ngành thời trang Việt Nam trong 5 năm tới sẽ như thế nào?
Tôi dự đoán sau 5 năm số lượng các bạn theo học ngành thời trang sẽ giảm, thay vì về số lượng của các nhà thiết kế sẽ là những thương hiệu, những câu chuyện có chất lượng hơn. Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp thời trang trong 5-10 năm tới với sự kết hợp chặt chẽ của các chính sách, đầu tư, nhu cầu xã hội, giáo dục, truyền thông và giải trí.
Chị có thể chia sẻ về những vui buồn trong nghề giáo dục của mình? Là một người đưa đò những kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?
Chắc tôi nhớ nhất lúc đi phỏng vấn xin việc, thầy hiệu trưởng hỏi: Làm gì để có thể thay đổi ngành thời trang trường Văn Lang hiện tại, tôi có nói với thầy cho mình xin dạy môn Cơ Sở Thiết Kế Thời Trang (phương pháp sáng tạo), và cho đến giờ tôi vẫn còn rất nhiều hứng khởi trong việc nghiên cứu và giảng dạy môn này.
Nghề nào nghiệp nấy, đôi lúc cũng gặp chuyện buồn nhưng tôi luôn nghĩ đó là một phần công việc của mình, làm việc hết mình, lạc quan vì bên cạnh mình luôn có đồng nghiệp hỗ trợ chia sẻ những ước mơ, có các em sinh viên với thật nhiều thành công.
Cám ơn chị đã chia sẻ cùng Style-Republik!
Thực hiện: Hoàng Khôi