Từ Trương Thanh Hải và Alberta Ferretti nghĩ về tính nguyên bản của thời trang

Ngày đăng: 24/09/21

Từ Balenciaga và nghệ sĩ thị giác người Việt, Gucci và nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân và mới đây nhất là “Prey Nokor” (Xuân Hè 2018) của Trương Thanh Hải và “Touch & Feel” (Xuân Hè 2022) của Alberta Ferretti, có lẽ đây là lúc thích hợp để nhìn nhận lại tính nguyên bản của thời trang.

Alberta Ferretti vừa ra mắt công chúng bộ sưu tập Xuân Hè 2022 tại Milan Fashion Week khoảng một ngày trước và mới đây, nhà thiết kế Trương Thanh Hải đã chỉ ra điểm giống nhau giữa một thiết kế trong bộ sưu tập của nhà mốt Ý với thiết kế trong bộ sưu tập Prey Nokor được anh trình làng vào năm 2017. Style-Republik đã có một buổi phỏng vấn ngắn với nhà thiết kế Trương Thanh Hải về sự việc này.

Xin chào anh Trương Thanh Hải, cảm xúc của anh khi nhìn thấy một thiết kế giống hơn 90% thiết kế của mình đến từ một nhà mốt nổi tiếng, cụ thể là Alberta Ferretti Xuân Hè 2022?

Thật ra trong quá trình thiết kế, khi lên concept cho một bộ sưu tập mới, chúng tôi đều phải đi tham khảo, tìm xem lịch sử kỹ thuật đó hoặc chất liệu hoặc ý tưởng đó đã được các nhà mốt khác thực hiện như thế nào, sau đó mới triển khai chi tiết.

Tôi vẫn cảm thấy mình nhỏ bé. Nền thời trang của nước mình nhỏ bé so với tầm vóc và lịch sử lâu đời của các nhà mốt lớn trên thế giới. Chính vì vậy khi thấy sự giống nhau, tôi thấy thú vị.

Có hai luồng ý kiến khi đặt hai thiết kế giống nhau trên bàn cân: 

  1. Trùng hợp ý tưởng: thường là đối với các nhà mốt lớn hay nhà thiết kế kỳ cựu bởi uy tín lẫn cái tôi của họ khiến việc “thừa nhận” việc “copy, ăn cắp, đạo nhái” là không tưởng.
  2. Copy, ăn cắp, đạo nhái: đối với những thương hiệu nhỏ hay các nhà thiết kế trẻ hơn.

Vậy có ranh giới hay định nghĩa thực sự nào cho việc ý tưởng trùng nhau và ăn cắp đạo nhái? 

Tôi không theo dõi để biết rõ kết quả của các phiên toà xử đạo nhái ý tưởng thời trang trên thế giới là như thế nào. Tuy nhiên việc đạo nhái lẫn nhau nhất là trong thời đại số như bây giờ là điều dễ hiểu và dễ xảy ra. Việc này đúng là sự cảm tính trong suy nghĩ của từng người.

Câu hỏi của bạn rất hay. Nếu trên đời tồn tại nhiều thứ không công bằng thì đây là một trong những điều như vậy. Một nhà thiết kế trẻ hoặc một thương hiệu nhỏ phải khó khăn chật vật để tìm ra tiếng nói riêng và sáng tạo nguyên bản, còn một nhà mốt lớn lâu đời hay một công ty lớn, họ hoàn toàn có thể triển khai dễ dàng và chuyên nghiệp được một ý tưởng đạo nhái.

NTK Trương Thanh Hải chuẩn bị trình diễn BST “Prey Nokor”

Kỹ thuật Macrame có nguồn gốc từ Bắc Phi và vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tại sao anh sử dụng kỹ thuật đó trong BST Prey Nokor để diễn tả thông điệp về Sài Gòn?

Đối với ký ức của tôi Sài Gòn là sự pha trộn giữa điều mộc mạc của dân bản địa và tinh tế lãng mạn của người Pháp. Đó là thời điểm Sài Gòn đẹp nhất. Macrame là kỹ thuật đan dây, là sự pha trộn giữa đan lát mây tre và thời trang. Về mặt thị giác lẫn xu hướng đều phù hợp để tôi đưa vào thể hiện trong Prey Nokor.

Trương Thanh Hải “Prey Nokor” Xuân Hè 2018

Anh có nghĩ việc copy trong thời trang là sai? Có nên hay không lên án, bài trừ việc học tập, bắt chước ý tưởng?

Trong sáng tạo, việc bạn copy ý tưởng, cách thể hiện, phong cách của người khác thể hiện sự non tay và yếu kém của mình. Tuy nhiên, vượt qua được giai đoạn đó sẽ đến giai đoạn bạn nghiên cứu, tham khảo các ý tưởng và phong cách trong lịch sử để phát triển và triển khai nó theo hướng cá nhân, thành công thể hiện ngôn ngữ thời trang riêng của mình.

Công chúng và giới mộ điệu nhìn nhận, đánh giá hai việc này thế nào là còn tùy thuộc vào sự văn minh của xã hội đó.

Từ Trương Thanh Hải & Alberta Ferretti ngẫm về tính nguyên bản của thời trang

Cách nhìn nhận của nhà thiết kế Trương Thanh Hải thể hiện một sự khiêm tốn và tôn trọng dành cho nhà mốt Ý Alberta Ferretti. Tính nguyên bản trong thời trang thực sự vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Trùng hợp ý tưởng hay ăn cắp, đạo nhái vẫn luôn là những cuộc tranh luận không hồi kết. Nếu như không thể phân định rõ ràng trắng đen, nhìn nhận và xử lý điều đó như thế nào có lẽ là điều đáng lưu tâm hơn.

Chúng ta vẫn chưa quên cách đây không lâu, Gucci Beauty bị tố đạo nhái ý tưởng của nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân trong một chiến dịch quảng bá. Căng thẳng lúc đầu đã được giải quyết một cách hết sức văn minh bằng việc Gucci tuyên bố hợp tác với Hứa Như Xuân ngay sau đó. Thay vì “thanh trừng” nhau, họ quyết định bắt tay nhau và thời trang lại có thêm nhiều tác phẩm tuyệt vời. 

Trái lại, khi Balenciaga bị tố đạo nhái ý tưởng của một nghệ sĩ thị giác người Việt, nhà mốt Tây Ban Nha đã im lặng, từ chối bình luận và sau đó lên tiếng chối bỏ nhưng vẫn để lại nhiều điều không thỏa đáng. Điều này dẫn theo nhiều làn sóng chỉ trích mạnh mẽ hơn, khiến nhiều người đào lại những “vết dơ” của thương hiệu. 

Nhìn nhận và đối mặt với vấn đề hết sức nhạy cảm này trong thời trang về lâu về dài sẽ quyết định được sự thành công hay thất bại, ít nhất là về mặt truyền thông cho thương hiệu. Có lẽ điều chúng ta nên mong chờ là một cú bắt tay lịch sử tiếp theo giữa nhà mốt Ý Alberta Ferretti và nhà thiết kế Việt Trương Thanh Hải?


Thực hiện: Mỹ Đỗ