Chúng ta thấy gì từ những scandal của thời trang Việt trong năm vừa qua?

Ngày đăng: 29/01/23

Scandal có thể làm người ta chán ngán, nhưng với thời trang Việt đôi khi khởi nguồn của một scandal lại là hồi chuông cảnh báo, giúp những chủ đề gai góc phơi bày ra trước dư luận. Để từ đó, chúng ta có được các đánh giá đa chiều, những cái nhìn khách quan hơn, về một vấn đề nhạy cảm nào đó.

Cùng nhìn lại những scandal của thời trang Việt trong năm vừa qua, những ồn ào xung quanh vấn đề đạo nhái thiết kế hay chất lượng sản phẩm của local brand. Các scandal tuy không mấy đẹp đẽ, nhưng cũng từ đó có thể thấy thị hiếu tiêu dùng văn minh của người Việt đã và đang giúp các sự phát triển của ngành thời trang Việt như thế nào. 

Áo thun “khô gà” của Sadboiz Aint Cry 

Sadboiz Aint Cry đã mắc lỗi nghiêm trọng khi tung ra một chiếc áo thun Dusty Signature “mỏng như giấy” với mức giá 500.000 đồng. Các khách hàng nhận được áo đã ngỡ ngàng khi chiếc áo gần như có thể bị xé một cách dễ dàng. Điều này khiến cộng đồng giận dữ, khi vấn đề giá bán đi kèm với chất lượng gần như bị thương hiệu thời trang này “bỏ quên”.

Tin tức về chiếc áo “khô gà” đã nhanh chóng lan rộng khắp các hội nhóm và trang tin thời trang trên mạng xã hội. Nhưng Sadboiz Aint Cry lại phạm vào sai lầm khủng khiếp dẫn đến khủng hoảng truyền thông. Thay vì nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi và thông báo hướng giải quyết, thương hiệu này lại tìm cách hack các tài khoản “bóc phốt” để che giấu sự việc. Tuy nhiên, với tốc độ loan tin và sự phẫn nộ ngày một dâng cao của khách hàng, Sadboiz Aint Cry cuối cùng cũng đưa ra phản hồi chính thức sau một ngày trên fanpage chính thức. Theo đó, thương hiệu thông báo ngưng sản xuất mẫu áo này và tiến hành hoàn trả 110% cho các khách hàng đã mua sản phẩm Dusty Signature. Đáng nói hơn, trong bài viết phản hồi, Sadboiz Aint Cry thừa nhận mắc lỗi trong khâu sản xuất, khiến nhiều chiếc áo có nồng độ acid đậm đặc hơn bình thường, dẫn đến việc vải trở nên dễ đứt rách hơn hẳn. 

Sự kiện chấn động này là lời cảnh tỉnh rõ nét nhất trong năm 2022 về cái “tâm” cần có của những thương hiệu thời trang Việt, cũng như vai trò ngày một quan trọng của phản hồi khách hàng cho sự phát triển của một nhãn hàng. Cũng từ sự việc này, khái niệm “định lượng vải” – độ dày mỏng của vải – và đơn vị gsm trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu của giới trẻ trong việc xác định chất lượng áo thun.

Ngọc Trinh bị tố mặc váy đạo nhái thiết kế của thương hiệu REN 

Đạo nhái trong thời trang là vấn đề vốn đã tồn tại từ rất lâu, khơi mào cho rất nhiều tranh cãi, và vẫn luôn tiếp diễn qua từng năm. Trong 2022, một trong những vụ bê bối đạo nhái lớn nhất tại Việt Nam có lẽ là vụ tranh cãi xoay quanh chiếc đầm tím của Ngọc Trinh, được đăng vào giữa tháng 4. 

Cụ thể, chính chủ nhân cùng chiếc váy đã bị nhà thiết kế Haixi Ren, nhà sáng lập thương hiệu REN và cũng là tác giả của thiết kế gốc được fashionista Kendall Jenner lựa chọn, nêu đích danh trong một bài đăng vào ngày 16.4. Sự việc nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán tâm điểm của cộng đồng thời trang Việt Nam lẫn quốc tế, với phần đồng nghiêng về thương hiệu REN và kịch liệt “lên án” hành vi làm giả thiết kế của Ngọc Trinh và ekip. 

Đứng trước sự việc, Ngọc Trinh đã ra sức bảo vệ stylist của mình, hướng dư luận của mọi người về phía mình. Thậm chí, vài ngày sau, trong một video phỏng vấn, Ngọc Trinh còn cho biết cô không xin lỗi vì cho rằng thương hiệu “không tôn trọng mình” khi hành xử như sự việc đã diễn ra. Chính thái độ này của cô nàng càng khiến mọi người thêm phần tức giận. 

Sau sự việc này của Ngọc Trinh, trăn trở về ý thức tôn trọng bản quyền trong thời trang tiếp tục là một chủ đề được bàn tán sôi nổi tại Việt Nam.

Christina Blüm tố Dear José đạo nhái thiết kế và chỉ trích ngành thời trang “độc hại”

Tháng 4.2022, thương hiệu thời trang khá được lòng phái nữ Việt Nam là Dear José ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2022 với những thiết kế mang màu sắc rực rỡ nổi bật, hướng tới những cô gái trẻ trung năng động nhưng vẫn mang những nét nữ tính, lãng mạn. Trong bộ ảnh campaign được truyền thông, có một thiết kế vừa bị chỉ đích danh “đạo nhái” bởi nhà thiết kế Christina Blüm, chủ của thương hiệu cùng tên.

Chủ thương hiệu thời trang bền vững Christina Blüm đăng tải một bài viết công khai chỉ trích thương hiệu Dear José vì hành động đạo nhái nguyên y một thiết kế mang tên Kassidy Skirt của mình. Nhà thiết kế bức xúc vì hành động thương mại hóa và sản xuất hàng loạt thiết kế của Dear José mà không có sự đồng ý của cô, gay gắt chỉ trích chủ thương hiệu Dear José vì không có lời giải thích thỏa đáng đồng thời lên án ngành thời trang là “độc hại” cũng như kêu gọi tẩy chay Dear José. 

Tình hình trở nên khá căng thẳng khi Christina kiên quyết giữ bài post, liên hệ với luật sư, đồng thời đăng cập nhật thêm các đoạn tin nhắn trao đổi giữa hai bên. Tuy nhiên, Founder của Dear José cũng phản biện bằng cách khẳng định sự khác biệt giữa 2 sản phẩm, một bên là váy (Christina Blüm) một bên là quần giả váy (Dear José). Vị Founder này cũng chỉ rõ việc Christina Blüm không đăng ký cấp bằng sáng chế cho thiết kế này, hay được công nhận bởi một tổ chức đa quốc gia. Tuy nhiên sau đó, Dear José đã xóa mọi hình ảnh và bài viết liên quan đến chiếc váy gây tranh cãi này.

Từ vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà thiết kế độc lập hay những người bắt đầu gia nhập ngành thời trang: tìm hiểu luật bản quyền không bao giờ là điều thừa thãi. Với những đứa con tinh thần của mình, các tác giả nên tìm hiểu cách đăng ký sở hữu trí tuệ cũng như việc đăng ký bản quyền khi vận hành doanh nghiệp, để tránh rơi vào tình trạng “thấp cổ bé họng” không biết kêu ai. 

Chợ Trời Band tố cáo local brand The Freckles Studios đạo nhái

Vào ngày 14/06/2022, thương hiệu thời trang trẻ Chợ Trời Band đã chính thức lên tiếng tố cáo local brand The Freckles Studios đạo nhái một thiết kế, cụ thể là chiếc áo cut-out được tạo bằng những mảnh vải màu sắc hình lục giác được nối với nhau bằng chi tiết thắt nơ. 

Theo Chợ Trời Band cho biết, thiết kế này nằm trong BST của NTK trẻ Nguyễn Thanh Hưng và được thương hiệu lần đầu tiên ra mắt tại trong buổi lễ bảo vệ tốt nghiệp tại Trường Đại học Văn Lang ngày 22/12/2021. Sau đó vào ngày 12/06/2022, The Freckles Studios đã cho ra mắt bộ sưu tập mùa hè với tên gọi “Sun-dazed” trong đó có mẫu thiết kế Fire Cracker Top bị tố cáo đạo nhái  thiết kế của Chợ Trời Band.

Sau khi bị tố cáo, The Freckles Studios đã đăng bài đính chính và công khai xin lỗi trên tài khoản Instagram chính thức của thương hiệu. Cuối cùng đôi bên cả cùng ngồi lại và tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng. 

Cốt lõi của thời trang vẫn là sự sáng tạo, thời trang Việt muốn tồn tại và phát triển, không thể thiếu sự đầu tư vào việc xây dựng giá trị thương hiệu. Người tiêu dùng Việt ngày nay không ủng hộ cho hành vi đạo nhái và đang dần bày trừ các thương hiệu có hành vi đạo nhái chất xám. Không ít Gen Z lên tiếng “thà mặc đồ secondhand còn hơn mặc hàng nhái” cho thấy ý thức bảo vệ giá trị sáng tạo đang dần được người Việt coi trọng. Điều này cũng thúc đẩy, trong tương lai, muốn xây dựng và phát triển một thương hiệu thời trang, thì người làm thời trang cần kết hợp giữa việc nâng cao yếu tố sáng tạo và xây dựng thương hiệu bài bản, chỉn chu. Bởi cho dù là đặt chân vào bất cứ lĩnh vực nào, sáng tạo nghệ thuật hay kinh doanh, cũng không thể nào “tuỳ tiện”. 

Còn ý kiến của bạn thì sao? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi bằng cách gửi bài viết về hộp thư info@style-republik.com. 

Thực hiện: S-R (tổng hợp)