Từ điển Marketing thời trang: 12 thuật ngữ chuyên ngành bạn cần biết
Ngày đăng: 13/09/24
Nhiều người nghĩ Fashion Marketing chỉ đơn giản là tạo ra những chiến dịch quảng cáo bắt mắt nhưng trên thực tế không chỉ có vậy. Sau đây là các chỉ số quan trọng cho thấy sự phức tạp đằng sau mỗi chiến dịch marketing thời trang thành công.
Trước khi một chiến dịch ra mắt và gây ấn tượng được với công chúng, các marketers phải tiến hành nhiều khảo sát và phân tích dữ liệu kỹ càng để hiểu rõ thị trường mục tiêu, hành vi người tiêu dùng cũng như định vị thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh. Tất cả đều là những bước quan trọng không thể thiếu để đảm bảo một chiến dịch marketing thành công và thực sự có hiệu quả.
Nếu bạn đang cân nhắc theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực marketing thời trang hoặc muốn nâng cao chuyên môn của mình thì việc am hiểu các thuật ngữ Fashion Marketing sẽ cho bạn một nền tảng vững chắc.
Brand Identity (Nhận diện thương hiệu)
Nhận diện thương hiệu bao gồm tất cả các yếu tố có thể nhìn thấy được của một thương hiệu, giúp phân biệt thương hiệu đó trong tâm trí người tiêu dùng một cách rõ ràng. Những yếu tố này bao gồm logo, màu sắc, thiết kế, chất liệu, kiểu chữ, và biểu tượng, tất cả cùng hòa quyện để tạo nên một tổng thể thẩm mỹ và giá trị riêng biệt cho thương hiệu.
Đơn cử như khi bạn nhìn thấy bao bì màu cam của Hermès, logo của Chanel, hoặc họa tiết kẻ sọc của Burberry, bạn có thể nhận ra ngay những thương hiệu này.
Những biểu tượng này không chỉ là dấu hiệu nhận diện mà còn mang theo cả giá trị, phong cách, và cảm xúc mà thương hiệu muốn truyền tải đến khách hàng. Chính vì thế, xây dựng nhận diện thương hiệu là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong marketing thời trang. Một thương hiệu mạnh với nhận diện rõ ràng không chỉ thu hút sự chú ý mà còn tạo ra kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người tiêu dùng.
Brand Equity (Giá trị thương hiệu)
Đây là giá trị mà một thương hiệu cung cấp trong từng sản phẩm và dịch vụ, là cách người tiêu dùng cảm nhận về chất lượng và sự kết nối cảm xúc với thương hiệu.
Một thương hiệu với giá trị cao không chỉ đơn thuần là một cái tên; nó đại diện cho sự tin cậy, uy tín và những cam kết mà thương hiệu đã xây dựng qua thời gian.
Ví dụ, khi bạn nghĩ đến một chiếc túi xách của Louis Vuitton, không chỉ là chất lượng và thiết kế đẳng cấp mà còn là cảm giác tự hào khi sở hữu sản phẩm từ một thương hiệu danh giá. Chính sự kết hợp giữa giá trị thực tế và cảm xúc này tạo nên lòng trung thành bền vững của khách hàng, dẫn đến việc tăng doanh số bán hàng và củng cố vị thế của thương hiệu trên thị trường.
Target Market (Thị trường mục tiêu)
Thị trường mục tiêu là một phân khúc khách hàng cụ thể mà thương hiệu muốn tập trung vào. Việc xác định thị trường mục tiêu không chỉ dựa vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính và mức thu nhập, mà còn cần phân tích các đặc điểm nhân khẩu học, hành vi và sở thích của người tiêu dùng.
Ví dụ, một thương hiệu thời trang cao cấp có thể nhắm đến nhóm khách hàng là những người trưởng thành có thu nhập cao, trong khi một thương hiệu thời trang nhanh có thể tập trung vào giới trẻ yêu thích các xu hướng mới và giá cả phải chăng.
Hiểu rõ thị trường mục tiêu là cốt lõi để tạo ra các thông điệp và sản phẩm phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Từ đó gia tăng khả năng sản phẩm được đón nhận rộng rãi, giúp thúc đẩy doanh số và nâng cao vị thế của thương hiệu trên thị trường.
Sell-Through Rate (Tỷ lệ bán hàng)
Sell-through rate đo lường phần trăm hàng tồn kho được bán ra trong một khoảng thời gian cụ thể. Hiểu rõ tỷ lệ bán hàng là cần thiết để tinh chỉnh chiến lược marketing cho từng sản phẩm.
Ví dụ, nếu một thương hiệu nhận thấy rằng tỷ lệ bán hàng của một dòng sản phẩm nhất định đang thấp, họ có thể giảm giá, tổ chức các chương trình khuyến mãi hoặc tăng cường quảng cáo để kích thích doanh số.
Ngược lại, nếu sản phẩm nào đó có tỷ lệ bán hàng cao, thương hiệu có thể xem xét việc sản xuất thêm hoặc tập trung vào quảng bá sản phẩm đó nhiều hơn.
Tỷ lệ bán hàng cũng giúp quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng hàng hóa không bán được và tránh lãng phí tài nguyên. Nếu thường xuyên theo dõi và phân tích tỷ lệ bán hàng, thương hiệu có thể thích nghi nhanh chóng với các thay đổi trong nhu cầu của thị trường và đảm bảo rằng các sản phẩm phù hợp được đưa ra thị trường đúng thời điểm.
Customer Lifetime Value (Giá trị vòng đời khách hàng)
Giá trị vòng đời khách hàng là dự đoán toàn bộ lợi nhuận khách hàng có thể mang lại cho thương hiệu. Hiểu rõ điều này không chỉ giúp thương hiệu tối ưu hóa chi phí marketing mà còn định hướng cách tiếp cận khách hàng trong suốt hành trình mua sắm của họ bằng cách tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm nhất quán và phù hợp.
Ngoài ra, giá trị vòng đời khách hàng còn giúp thương hiệu dự báo được nhu cầu trong tương lai, từ đó điều chỉnh các chiến lược sản phẩm, dịch vụ và truyền thông sao cho phù hợp.
Với những khách hàng có giá trị vòng đời cao, việc đầu tư vào các chương trình khách hàng thân thiết hoặc dịch vụ chăm sóc cá nhân hóa sẽ mang lại lợi ích dài hạn đáng kể.
Ngược lại, đối với nhóm khách hàng có giá trị vòng đời thấp, các chiến lược tập trung vào tăng cường chuyển đổi và tối ưu hóa chi phí tiếp cận sẽ phù hợp hơn.
Customer Acquisition Cost (CAC – Chi phí thu hút khách hàng)
CAC bao gồm tất cả các chi phí để thu hút một khách hàng mới, như chi phí quảng cáo, chi phí thực hiện các chiến dịch khuyến mãi và lương của đội ngũ bán hàng.
CAC thấp cho thấy các chiến lược marketing đang hoạt động hiệu quả, giúp thương hiệu có được khách hàng với chi phí bỏ ra thấp hơn. Từ đó cho phép thương hiệu đầu tư vào các hoạt động khác như nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc mở rộng thị trường.
Việc theo dõi và phân tích CAC thường xuyên sẽ giúp các thương hiệu thời trang duy trì sự cân bằng giữa chi phí và doanh thu, đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh nhạy cảm về giá cả như hiện tại.
Net Promoter Score (NPS – Chỉ số hài lòng của khách hàng)
NPS thường được đo lường bằng câu hỏi đơn giản: “Bạn có sẵn sàng giới thiệu thương hiệu này cho bạn bè hoặc người thân không?” Dựa trên câu trả lời, khách hàng được chia thành ba nhóm: Promoters (Ủng hộ), Passives (Trung lập), và Detractors (Từ chối).
NPS cao thường cho thấy thương hiệu đang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mà khách hàng cảm thấy hài lòng đến mức họ muốn chia sẻ với người khác. Điều này tạo ra hiệu ứng truyền miệng tích cực (WOM – Word of mouth) – một trong những cách quảng bá sản phẩm tự nhiên, hiệu quả và ít tốn kém nhất.
Average Order Value (AOV – Giá trị đơn hàng trung bình)
AOV (Average Order Value) là một chỉ số vô cùng quan trọng để nắm được thói quen mua sắm của khách hàng. Chỉ số này đo lường số tiền trung bình mà mỗi khách hàng chi tiêu cho mỗi lần mua sắm. AOV tăng cho thấy các chiến lược upselling và bán chéo (cross-selling) đang phát huy hiệu quả, khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều hơn.
Để cải thiện AOV, thương hiệu có thể áp dụng một số chiến lược sau:
- Đề xuất các sản phẩm cao cấp với tính năng hoặc chất liệu tốt hơn để thúc đẩy khách hàng chi nhiều hơn.
- Tạo nhiều combo như quần áo với phụ kiện đi kèm, để khuyến khích khách hàng mua nhiều sản phẩm cùng lúc với giá ưu đãi.
- Đưa ra các khuyến mãi cho những đơn hàng lớn, ví dụ giảm 10% cho đơn hàng từ 1 triệu đồng trở lên.
Inventory Turnover Rate (Tỷ lệ quay vòng hàng tồn kho)
Trong ngành thời trang, xu hướng luôn thay đổi liên tục, đòi hỏi các thương hiệu phải cập nhật và làm mới bộ sưu tập của mình thường xuyên. Tỷ lệ quay vòng hàng tồn kho cao cho thấy sản phẩm của thương hiệu không chỉ được bán ra nhanh chóng mà còn được cập nhật liên tục để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này giúp thương hiệu giảm thiểu rủi ro hàng cũ, lỗi thời, hoặc phải giảm giá mạnh để giải phóng hàng.
Return Rate (Tỷ lệ trả hàng)
Tỷ lệ trả hàng là phần trăm sản phẩm khách hàng trả lại sau khi mua. Tỷ lệ trả hàng cao phản ánh nhiều vấn đề về sản phẩm như chất lượng không đạt yêu cầu, kích thước không phù hợp, hoặc kỳ vọng của khách hàng không được đáp ứng.
Tỷ lệ trả hàng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, số lượng hàng tồn kho, sự hài lòng của khách hàng và hiệu quả vận hành từ dịch vụ khách hàng, logistics đến kho bãi. Việc hiểu rõ nguyên nhân return rate cao là rất cần thiết để thương hiệu có những điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Brand Sentiment Analysis (Phân tích cảm xúc thương hiệu)
Đây là một công cụ dùng để đo lường và đánh giá cảm nhận của khách hàng đối với thương hiệu. Bằng việc phân tích các đánh giá, đề cập trên mạng xã hội, phản hồi từ khách hàng, và các bài viết trên báo chí, thương hiệu có thể hiểu rõ hơn cách mà khách hàng nhìn nhận và cảm nhận về sản phẩm và dịch vụ của mình.
Cảm xúc tích cực thường đồng nghĩa với việc thương hiệu có nhận thức tốt, xây dựng được lòng tin và tạo ấn tượng sâu đậm trong tâm trí khách hàng. Ngược lại, cảm xúc tiêu cực có thể là dấu hiệu của những vấn đề cần được giải quyết, từ chất lượng sản phẩm đến dịch vụ khách hàng.
Khi hiểu rõ những cảm xúc này, thương hiệu có thể tạo ra những thông điệp marketing thực sự chạm đến trái tim của khách hàng, giúp duy trì và củng cố vị thế của thương hiệu trên thị trường.
Seasonal Sales Performance (Hiệu suất bán hàng theo mùa)
Với đặc thù của ngành thời trang, doanh số có thể dao động mạnh mẽ tùy thuộc vào thời điểm, ví dụ như mùa lễ hội, các dịp giảm giá, hay thời gian ra mắt bộ sưu tập mới.
Do đó, theo dõi chặt chẽ hiệu suất bán hàng theo mùa không chỉ giúp thương hiệu hiểu rõ hơn xu hướng tiêu dùng mà còn cung cấp thông tin cần thiết để đánh giá sự thành công của các chiến dịch marketing và các bộ sưu tập theo mùa.
Phân tích hiệu suất bán hàng theo mùa còn giúp giảm thiểu rủi ro hàng tồn đọng và đảm bảo rằng các sản phẩm phù hợp luôn có sẵn khi nhu cầu tăng cao. Điều này giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng khi họ luôn tìm thấy những sản phẩm hợp thời trang và đúng thời điểm.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo Glam Observer