Khi siêu xe tham gia vào “cuộc đua” thời trang
Ngày đăng: 27/03/25
Ngành ô tô dần hiện diện mạnh mẽ trong lĩnh vực thời trang, nhiều thương hiệu lớn bắt đầu kết hợp cùng các biểu tượng thể thao như F1 như một cách quảng bá sáng tạo hơn. Liệu xu hướng này chỉ là một trào lưu tạm thời hay một chiến lược lâu dài để nâng cao giá trị thương hiệu?
Sự giữa thời trang và xe cộ đã trở thành xu hướng nổi bật, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà thiết kế, thương hiệu thời trang và cả hội tín đồ thể thao. Mối liên hệ giữa thời trang và xe không chỉ thể hiện qua việc các tay đua chọn mặc đồ bảo hộ như thế nào mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, thậm chí nhiều thương hiệu đã “lấn sân”, chọn trở thành một “player” trên sàn runway với loạt BST thời trang được ra mắt và các tay đua thì hoạt động như những celeb thực thụ.

Công thức 1 (Formula 1) là đỉnh cao của đua xe thể thao thế giới, do Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA) giám sát. Đây không chỉ là cuộc tranh tài tốc độ mà còn là sân khấu của công nghệ tiên tiến, nơi các đội đua liên tục đẩy giới hạn kỹ thuật. Những cỗ máy F1, kết tinh của khí động học, động cơ mạnh mẽ và sự chính xác tuyệt đối, được thiết kế để đạt hiệu suất tối đa trên đường đua. Mỗi mùa giải gồm hàng loạt chặng đua Grand Prix trên khắp thế giới, thu hút sự quan tâm của người hâm mộ thể thao toàn cầu và là nơi các tay đua cạnh tranh để giành danh hiệu vô địch.
Khi mùa giải Công thức 1 (F1) trở lại Thượng Hải vào cuối tuần này với giải đua Grand Prix Trung Quốc, mối quan hệ giữa thể thao tốc độ cao và thời trang cao cấp dần trở thành mối quan tâm “nóng bỏng” mới của truyền thông.
Dưới sự dẫn dắt của Giám đốc sáng tạo Rocco Iannone, Ferrari đã khẳng định dấu ấn tại Milan Fashion Week với bảy buổi trình diễn. Tháng trước, Range Rover bước chân vào lĩnh vực này với một bộ sưu tập tám món, có siêu mẫu Adwoa Aboah làm gương mặt đại diện. Bugatti, sau hơn một thập kỷ, đã khai trương cửa hàng thời trang đầu tiên tại London.
Nhưng dù sở hữu di sản và phong cách riêng, liệu các hãng xe hơi có thể vươn tới đẳng cấp thời trang như những nhà mốt xa xỉ, hay vẫn chỉ dừng lại ở biên giới của sự thử nghiệm?
Sức ảnh hưởng của giải đấu F1
Dạo một vòng Instagram của nhà vô địch F1 Lewis Hamilton, không khó để nhận thấy sự kết hợp táo bạo giữa thể thao và thời trang; từ những bức ảnh về bộ trang phục mới của đội Ferrari, đến bộ sưu tập độc quyền +44 x Sorayama được phát hành trùng với thời điểm diễn ra Grand Prix Thượng Hải của anh. Thậm chí, chính đường đua F1 giờ đây cũng đã trở thành một sàn diễn thời trang, khi các tay đua biến thành những biểu tượng phong cách và thương hiệu chuyển những chiếc xe thành những tác phẩm nghệ thuật sống động.
Nếu F1 từng là sân chơi dành riêng cho những tín đồ tốc độ, thì nay, nó đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Kể từ khi Liberty Media thâu tóm giải đấu vào năm 2016, F1 không chỉ là môn thể thao mà còn là “cỗ máy nội dung” vận hành suốt cả năm. Với chỉ 20 tay đua tranh tài trên lịch đua 24 chặng vào năm 2025, F1 đang xây dựng hình tượng siêu sao cho từng cá nhân – nơi sức hút của họ giờ đây chẳng kém gì những ngôi sao hạng A.

Kết quả là, các tay đua F1 như Lewis Hamilton và Charles Leclerc đã trở thành những gương mặt quen thuộc tại các tuần lễ thời trang, tham gia vào các chiến dịch quảng cáo xa xỉ và đồng thiết kế các bộ sưu tập. Khi đội đua mở rộng giá trị thương hiệu, vai trò của họ trong ngành thời trang ngày càng sâu sắc và mang tính chiến lược.
Xem bài viết này trên Instagram
Các tay đua F1 gia nhập “đường đua” thời trang xa xỉ
Sự giao thoa văn hóa của F1 cũng đang được thúc đẩy bởi chính các tay đua. Họ xuất hiện ở hàng ghế đầu các sự kiện, tham gia các chiến dịch thương hiệu và thu hút lượng fan hùng hậu từ Gen Z trên các nền tảng như TikTok và Xiaohongshu. Giờ đây, hội tay đua mang lại ảnh hưởng không khác gì những ngôi sao hạng A.
PUMA ra mắt bộ sưu tập tri ân 20 năm hợp tác với Ferrari với tay đua Charles Leclerc làm mẫu
Màn hợp tác giữa Ferrari và Puma cho mùa giải 2025 phản ánh sự thay đổi này. Bộ sưu tập nổi bật với chiếc áo khoác kiểu tàu thời Đường nhưng mang hơi hướng Trung Hoa hiện đại và đôi sneaker Speedcat — món đồ đang làm mưa làm gió trong giới trẻ Gen Z.

Ở một diễn biến khác, rapper A$AP Rocky đang dẫn dắt mối quan hệ giữa Formula 1 và PUMA với tư cách Giám đốc Sáng tạo, chịu trách nhiệm thiết kế các BST thời trang lấy cảm hứng từ đường đua. Đây là một phần trong thỏa thuận dài hạn mà PUMA đã ký với F1, cho phép hãng cung cấp giày dép, quần áo và phụ kiện độc quyền trên lẫn ngoài đường đua. Những bộ sưu tập do A$AP Rocky giám sát sẽ được ra mắt ngay tại các chặng đua, đưa giải đấu F1 tiến xa hơn trên bản đồ thời trang toàn cầu.
Tại sao các thương hiệu ô tô đang nhắm đến thời trang?
Đối mặt với sự bất ổn của thị trường, các thương hiệu ô tô đang tìm kiếm cơ hội cũng như hướng đi mới. Bentley đã chứng kiến lợi nhuận hoạt động giảm từ 589 triệu euro trong năm 2023 xuống còn 373 triệu euro trong năm 2024, trong khi đó, Porsche thông báo kế hoạch cắt giảm 4.000 việc làm sau khi doanh số bán hàng giảm 28% tại Trung Quốc. BMW cũng ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 37% trong năm 2024. Trong bối cảnh này, thời trang mang đến cơ hội tái tạo hình ảnh với sự nổi bật và ảnh hưởng văn hóa.
Tuy nhiên, dù các thương hiệu ô tô xuất sắc trong việc xây dựng giá trị thương mại, không nhiều hãng thực sự chạm đến sự tín nhiệm văn hóa. Dù sở hữu thiết kế chỉn chu và tay nghề tinh xảo, các BST thời trang của Ferrari vẫn chưa đạt được vị thế ngang hàng với những nhà mốt xa xỉ truyền thống. Hiện tại, khoác lên mình logo của một thương hiệu xe hơi vẫn mang dáng dấp của một món đồ lưu niệm hơn là tuyên ngôn phong cách.
Dù sở hữu thiết kế chỉn chu và tay nghề tinh xảo, các BST thời trang của Ferrari vẫn chưa đạt được vị thế ngang hàng với những nhà mốt xa xỉ truyền thống. Hiện tại, khoác lên mình logo của một thương hiệu xe hơi vẫn mang dáng dấp của một món đồ lưu niệm hơn là tuyên ngôn phong cách.


Thời trang và siêu xe, không chỉ là công thức: logo + trang phục
Để chinh phục khách hàng xa xỉ ngày nay, các thương hiệu ô tô cần vượt qua trào lưu “logomania” – phong cách phô trương logo mà thiếu đi chiều sâu thiết kế. Thay vào đó, đổi mới chất liệu, cắt may tinh tế và xây dựng câu chuyện thương hiệu có thể giúp họ định vị mình như những tên tuổi thực thụ trong ngành thời trang.
Bằng cách khai thác triết lý thiết kế và di sản văn hóa của mình, các thương hiệu như Rolls-Royce, Ferrari hay Porsche có thể vạch ra con đường riêng, thay vì đơn thuần mô phỏng các hãng thời trang thể thao. Khi F1 mở rộng ảnh hưởng văn hóa, một viễn cảnh dần hiện rõ: nơi mà các BST thời trang gắn liền với giải đua này có thể được đánh giá nghiêm túc và đứng ngang hàng với những show diễn danh giá tại Paris.
Việt Nam và làn sóng giao thoa giữa ô tô và thời trang
Không chỉ trên thế giới, tại Việt Nam, sự kết hợp giữa ngành ô tô và thời trang đã và đang xảy ra. ELLE MAN Fashion Show 2024 là một ví dụ, nơi VinFast không chỉ giới thiệu các mẫu xe điện tiên phong như VF 3, VF 8, VF 9, mà còn mang đến một cái nhìn mới mẻ về sự gắn kết giữa thời trang và công nghệ.
Việc VinFast xuất hiện trong sự kiện thời trang không đơn thuần là chiến lược quảng bá sản phẩm, mà còn phản ánh bước đi dài hạn trong định vị thương hiệu. Khi những mẫu xe không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn trở thành một phần của phong cách sống, VinFast đang từng bước mở rộng phạm vi ảnh hưởng, hướng đến tệp khách hàng có gu thẩm mỹ và tư duy đổi mới.
Bên cạnh đó, sự kiện còn cho thấy cách thời trang Việt Nam đang ngày càng phát triển, không ngừng tiệm cận với xu hướng quốc tế. Trong tương lai, không loại trừ khả năng VinFast và các thương hiệu xe hơi khác tại Việt Nam sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào các bộ sưu tập thời trang, hoặc hợp tác cùng các nhà thiết kế để tạo nên những sản phẩm mang đậm dấu ấn của cả hai lĩnh vực. Nếu điều đó xảy ra, ngành thời trang và ô tô tại Việt Nam không chỉ phát triển song song, mà còn có thể bổ trợ lẫn nhau, tạo nên một hệ sinh thái phong cách sống đầy tiềm năng.
Theo Jing Daily
Thực hiện: Elio và Lenna