Từ nay sẽ không còn những chiếc túi da bò sát được sản xuất từ Chanel
Ngày đăng: 04/12/18
Nhà mốt của Pháp vừa ra tuyên bố sẽ không sử dụng da của bò sát như rắn, cá sấu, thằn lằn trong quá trình sản xuất những chiếc túi xách, giày hay trang phục, do khó khăn trong việc tìm nguồn cung thích hợp theo chuẩn mực đạo đức mà họ đề ra. Điều này được hi vọng sẽ mang lại sự tiến bộ hơn, cũng như gợi ý cho các thương hiệu xa xỉ khác trong ngành thời trang noi theo.
Các loại da mà Chanel tuyên bố ngưng sử dụng gồm có: rắn, cá sấu, thằn lằn và cá đuối. Trên website của thương hiệu, Chanel đã đưa ra danh sách hàng chục sản phẩm sản xuất từ những loại chất liệu này. Trong đó có chiếc túi xách da trăn mang tên “Classic” có giá 10.300 đô la, gấp đôi chiếc túi xách từ da bò hay vải tweed.
Thực tế, những thiết kế sử dụng các loại da bò sát, như túi xách, giày và trang phục nằm ở hàng đầu những sản phẩm có giá đắt đỏ và mang đến lợi nhuận khổng lồ – so với những sản phẩm thiết kế tương tự bằng chất liệu khác. Các nhà hoạt động vì quyền lợi của động vật, từ lâu đã phản đối việc sử dụng những loại chất liệu này trong thiết kế, nguồn da bất hợp pháp gây nguy hại đến sự tồn tại của động vật hoang dã.
Quyết định của Chanel đã làm PETA bất ngờ. Christina Sewell, giám đốc của các chiến dịch thời trang của PETA cho biết họ thực sự ngạc nhiên. Năm 2015 tổ chức đã viết thư cho giám đốc điều hành của Chanel về việc sử dụng các loại da trong thiết kế nhưng không nhận được tín hiệu hưởng ứng nào. Quyết định của Chanel sẽ được PETA dùng để đẩy mạnh chiến dịch vận động các nhà mốt khác noi theo.
Nhiều nhà mốt hiện đang sử dụng da bò sát, tuy nhiên họ tự tạo nguồn cung ứng cho mình, như tập đoàn Kering (sở hữu Gucci, Saint Laurent, Balenciaga) và những nhà mốt khác vào năm 2017, đã đầu tư vào một trang trại nuôi trăn ở Thái Lan. Hermes và LVMH cũng vận hành các cơ sở nuôi bò sát. Tuy nhiên, bà Sewell, giám đốc PETA cho biết rất khó trong việc xác minh nguồn gốc da sử dụng có được sản xuất theo tiêu chuẩn đạo đức đề ra hay không.
Các nhà phân tích cho biết, hành động của Chanel không ảnh hưởng đến doanh số của thương hiệu. Chanel còn tuyên bố họ đang thực hiện việc “tạo ra một thế hệ mới của sản phẩm cao cấp” bằng cách sử dụng các nguyên liệu khác.
Luca Solca, người đứng đầu hàng hóa cao cấp tại BNP Exane Paribas, nhận xét hành động của Chanel là “một động thái táo bạo”. Điều này cũng phản ánh sự thay đổi về giá trị mà khách hàng trẻ tuổi ngày nay hướng đến. Những khách mua sắm và thế hệ Z đang dịch chuyển xu thế mua sắm sang các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn đạo đức và thân thiện với môi trường.
Thực hiện: Koi
Theo BOF