Tương lai của thời trang xa xỉ đang âm thầm thay đổi sau Paris Couture Week 2024?
Ngày đăng: 23/02/24
Paris Couture Week vừa khép lại, và dễ dàng nhận thấy rằng thế giới thời trang xa xỉ đang chứng kiến những sự thay đổi lặng lẽ trong năm nay.
Dĩ nhiên, những tên tuổi hàng đầu và sự tham dự của các ngôi sao vẫn thu hút sự chú ý mạnh mẽ của truyền thông, nhưng đó là những show mang lại trải nghiệm và cảm xúc mạnh mẽ – như Maison Margiela (do John Galliano thực hiện) và Schiaparelli – gây ấn tượng với khán giả và đi vào lịch sử thời trang nhờ sự tinh tế trong từng chi tiết.
Carlota Rodben, tác giả hai cuốn sách, chuyên gia sáng tạo và người dẫn chương trình podcast, đã đưa ra quan điểm về tương lai của xa xỉ trong cuốn sách mới của mình, Beyond Luxury: The Promise of Emotion. Sau khi bắt đầu sự nghiệp tại Chanel nơi cô thành lập một đội ngũ sáng tạo và làm việc với các ý tưởng mới cho thương hiệu, cuốn sách mới của Rodben ra mắt đúng lúc khi một số yếu tố (như suy giảm kinh tế toàn cầu, tiêu dùng tiết kiệm, ưu tiên bền vững và sự biến đổi công nghệ) đều đóng góp vào việc định nghĩa lại tính độc quyền của thời trang xa xỉ.
Xa xỉ trong thời trang và làm đẹp đã vượt qua giới hạn hữu hình. Nó nằm ở việc tạo ra giá trị kết nối với cảm xúc và tâm trí của chúng ta. Xa xỉ là một trải nghiệm đa giác quan, một cảm xúc sâu sắc mà thu hút, mời chúng ta tiến vào một trạng thái mơ mộng của cái đẹp.” Khi được hỏi về tầm quan trọng của xa xỉ đối với cô, Rodben không ngần ngại chia sẻ. Trong cuốn sách mới của mình, cô phác họa một tương lai trong đó xa xỉ được liên kết chặt chẽ với mục đích và trải nghiệm, minh họa cho sự tiến bộ của ngành công nghiệp thời trang tập trung vào trải nghiệm con người và sự tương tác của cảm xúc.
Năm ngoái, blogger và influencer trong ngành thời trang Bryanboy đã trở nên nổi tiếng nhờ một bài viết về một chiếc áo khoác Miu Miu đơn giản có giá 6.000 đô la bao gồm thuế, và một chiếc túi Chanel tăng giá bán lẻ hơn 100% trong thập kỷ qua. Trong khi đó, Phoebe Philo đã gây tranh cãi trên toàn bộ cõi mạng khi bộ sưu tập mới ra mắt của cô (và các phiên bản giới hạn tiếp theo) đi kèm với những mức giá cao chót vót. Liệu có phải các thương hiệu hàng đầu đang bắt đầu bị thách thức, và họ không thể chỉ đơn giản dựa vào giá trị khát vọng (Aspirational value) và đòi hỏi mức giá cao từ khách hàng mà không cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của từng cá nhân? Tuy nhiên, mặc dù có ý kiến phổ biến rằng các phong cách như Quiet Luxury và Mob Wife là do người tiêu dùng quyết định và vượt ra khỏi tên tuổi thương hiệu, Vogue kết luận rằng các xu hướng thực sự bắt đầu trên sàn diễn của các thương hiệu tầm cỡ.
Oyuna Tserendorj, nhà sáng lập và giám đốc sáng tạo của thương hiệu cashmere OYUNA, chia sẻ quan điểm của mình. “Nhiều người không hiểu biết nhiều về việc tạo ra một thương hiệu tốt,” Tserendorj nói. “Cần rất nhiều nỗ lực để tạo ra một thương hiệu nhất quán và truyền cảm hứng. Nó đòi hỏi sự khéo léo, kiến thức, kinh nghiệm, tài năng, tầm nhìn đúng đắn và chất liệu vượt trội. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, người ta không chỉ đơn giản là trả tiền cho ‘cái tên thương hiệu’. Nhưng nếu một thương hiệu sử dụng chất liệu không cao cấp nhưng thu giá cao cho những sản phẩm được gọi là cao cấp, thì điều đó hoàn toàn không có đạo đức.”
Rodben đồng ý, và nói rằng cách tiếp cận của Phoebe Philo trong việc cân bằng khát vọng doanh nghiệp với mức định giá cao trong phân khúc thời trang là một case study thú vị. “Khả năng thuyết phục mức giá 6.000 đô la cho một chiếc túi đến từ việc hiểu rõ đối tượng khách hàng của cô và giá trị của việc kể chuyện trong việc xây dựng thương hiệu xa xỉ.”
“Điều làm Phoebe nổi bật là cô ấy như một ‘câu chuyện sống,'” Rodben tiếp tục. “Thời gian làm việc và ảnh hưởng của Philo tại Celine đã làm cho cô ấy trở thành một hình mẫu lý tưởng, tạo ra nhận thức thương hiệu sâu sắc vượt ra ngoài các sản phẩm. Hơn nữa, cách tiếp cận của Philo trong việc sản xuất số lượng hạn chế, ít hơn 30 sản phẩm mỗi SKU và ít hơn nhiều so với tiêu chuẩn của ngành công nghiệp, nói lên cam kết của cô ấy đối với tính độc quyền và bền vững.”
Các siêu thương hiệu đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng về việc phân bổ ngân sách hạn chế trong các lĩnh vực độc quyền và bền vững. Nhiều thương hiệu độc lập, mặc dù có nguồn lực hạn chế so với các tên tuổi lớn trong ngành và phải đối mặt với chi phí sản xuất ngày càng tăng, nhưng lại nghiêm túc hơn về việc thực hành kinh doanh bền vững, dẫn đến một tương lai xa xỉ có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, họ gặp phải không ít khó khăn.
“Tôi cảm thấy thách thức hơn trong việc tìm cách duy trì sự sáng tạo và vận hành doanh nghiệp của mình trong khi cố gắng tăng cường tính bền vững bằng cách sử dụng ít tài nguyên hơn và sản xuất ít hơn.” Bora Aksu, người sáng lập và nhà thiết kế của thương hiệu mang tên mình chia sẻ. “Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức và khuyến khích sự thay đổi trong hành vi của khách hàng.”
Đối với Aksu, thời trang xa xỉ xoay quanh tính cá nhân, tính độc đáo và một thông điệp ý nghĩa. “Bây giờ, hơn bao giờ hết, ưu tiên bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên là điều quan trọng.” Nhà thiết kế chỉ ra rằng vài mùa trước đó, thương hiệu đã bắt đầu hành trình tận dụng số lượng vải còn tồn đọng thay vì tìm nguồn vật liệu mới. “Việc tích hợp những mảnh vải này vào bộ sưu tập mang ý nghĩa quan trọng. Thời trang tất nhiên có thể trở nên bền vững hơn, nhưng nó yêu cầu sự chung tay của tất cả mọi người. Chúng ta cần phải hiểu rằng bền vững là một trong những con đường chính chúng ta cần đi để giúp thiên nhiên khôi phục lại chính mình.”
Nina Hopkins thành lập thương hiệu lông giả không độc hại Jakke vào năm 2015, với niềm tin rằng phụ nữ có thể mua thời trang có đạo đức một cách tự tin. Những chiếc áo khoác lông giả không độc hại với giá cả phải chăng, được thiết kế theo hướng bền vững, đã nhanh chóng thu hút được đối tượng khán giả không chỉ thời thượng mà còn chú trọng đến môi trường-xã hội. Khi được hỏi về quan điểm về thời trang xa xỉ, Hopkins nói: “Đó là một thương hiệu không ngừng cam kết trách nhiệm với môi trường và xã hội, trong mọi khía cạnh của danh tính của một thương hiệu. Nơi các sản phẩm phản ánh sự tinh tế trong nghệ thuật thủ công, sử dụng vật liệu có nguồn gốc từ thực vật, đảm bảo tác động tối thiểu lên hệ sinh thái.”
“Tôi tin rằng các thương hiệu xa xỉ có thể trở nên bền vững hơn.” Là một thương hiệu độc lập, Hopkins lưu ý về ảnh hưởng của các thương hiệu xa xỉ như là những lực lượng dẫn đầu trong ngành, cho rằng họ đã thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn bằng cách thiết kế các sản phẩm bền vững, với một số thương hiệu cung cấp dịch vụ tân trang để chứng minh cam kết của họ đối với việc giảm tác động lên môi trường.
“Nhưng sự minh bạch cần đươc đặt lên hàng đầu, cung cấp cho người tiêu dùng hiểu biết sâu sắc về hành trình sản phẩm từ lúc bắt đầu đến thành phẩm cuối cùng,” Hopkins bổ sung. “Họ cần phải giáo dục khách hàng nhiều hơn và cuối cùng; họ là những người có nguồn lực tài chính để thực hiện các biện pháp bền vững và thiết lập tiêu chuẩn đạo đức của ngành.”
Aksu khai thác sâu hơn vào sức mạnh của người tiêu dùng. “Khách hàng là người quyền lực và ảnh hưởng nhất, và nếu họ có những lựa chọn bền vững thì các sản xuất hàng loạt sẽ phải chiều theo ý họ. Thời trang có một ngôn ngữ hình ảnh mạnh mẽ và khả năng gợi lên cảm xúc. Thời trang nên mang lại hy vọng và sự khích lệ vào thời kỳ chúng ta đang sống và hướng chúng ta về một thế giới tốt đẹp hơn.
Cuối cùng, chúng ta không nên chỉ tiêu thụ mà còn tái sử dụng chúng.” Aksu nhấn mạnh niềm tin mạnh mẽ về sức mua ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc (nhà thiết kế đã mở một cửa hàng tại trung tâm YinTai cao cấp ở Bắc Kinh). “Có một danh tính thương hiệu mạnh mẽ và rõ ràng là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Khách hàng trung thành sẽ muốn đầu tư vào những sản phẩm đặc trưng của thương hiệu.”
Carlota nói thêm rằng: “Dịch Covid đã thay đổi hành vi tiêu dùng tại châu Á, sự suy giảm trong chi tiêu đã thúc đẩy người tiêu dùng tìm kiếm các trải nghiệm bản địa chân thật hơn. Điều này định nghĩa lại mô hình kinh doanh xa xỉ, tập trung vào việc tạo ra giá trị thông qua các trải nghiệm và thực hành bền vững cho những người tiêu dùng tinh tế ngày nay.”
“Theo tôi tưởng tượng, tương lai của xa xỉ được đánh dấu bằng một sự thay đổi bước ngoặt về giá trị và sự phô diễn. Đó là một bước tiến về xa xỉ không vật chất, nơi tập trung chuyển dịch từ sản phẩm sang các trải nghiệm đáng nhớ. Xa xỉ cá nhân hóa sử dụng công nghệ và các điểm chạm để tạo ra những trải nghiệm cá nhân sâu sắc.” Cộng đồng, kết nối và sự thuộc về cũng rất quan trọng, theo Rodben, khi cô nhận xét về xu hướng xa xỉ đặt con người làm trọng tâm. “Có một sự chuyển đổi về xa xỉ nhấn mạnh vào tính bền vững và các mô hình kinh doanh tuần hoàn trở thành các nguyên tắc cốt lõi.”
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo Forbes