Tỷ phú Francois Pinault nỗ lực cứu vãn Gucci và tập đoàn Kering khỏi suy thoái
Ngày đăng: 26/05/24
Gần đây, những người mua sắm tại Gucci đã thích thú với các thiết kế được giảm giá mạnh. Đó là hậu quả của sự định vị mơ hồ trong phân khúc thời trang cao cấp và chiến lược quản lý yếu kém, khiến công ty mẹ Kering phải vật lộn để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh về doanh thu.
Sự giảm giá của Gucci dường như là điều không thể tưởng tượng được đối với các nhà mốt xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel và Hermès.
Kering, công ty có được hơn 2/3 lợi nhuận từ Gucci, đã mất khoảng 1/3 giá trị, khiến họ phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất kể từ khi gia đình tỷ phú đứng đầu tập đoàn – Pinaults – bước vào thế giới xa xỉ. Trong khi đó, cổ phần của các đối thủ cạnh tranh, LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE và Hermès International SCA, tăng lên gấp đôi kể từ tháng 3 năm 2020, đưa người sáng lập công ty này, Bernard Arnault, người giàu nhất thế giới và gia đình đứng sau Hermès International trở thành những người giàu nhất Châu Âu.
Khi Kering cố gắng xoay chuyển tình thế, khoảng 10 nhà đầu tư dài hạn, những người từng ở trong bộ máy nội bộ, và các chuyên gia trong ngành cho rằng tập đoàn này cần một cuộc đại trùng tu mạnh mẽ hơn nhiều so với kế hoạch.
Một số người thậm chí còn đặt câu hỏi liệu Giám đốc điều hành François-Henri Pinault, con trai 61 tuổi của người sáng lập, có phải là người phù hợp cho công việc này sau gần hai thập kỷ nắm quyền hay không.
Họ nói rằng có lẽ đã đến lúc ông nên giao lại quyền điều hành cho một người như đồng Phó giám đốc điều hành Francesca Bellettini để tiếp thêm sinh lực cho tập đoàn.
Stefania Saviolo, giảng viên thời trang tại Đại học Bocconi, cho biết: “Gucci là một câu chuyện về sự thay đổi và tái xây dựng thương hiệu, nhưng hiện tại có thể là một trong những giai đoạn khó khăn nhất vì họ phải cứu vãn thương hiệu và cả công ty”.
Sự biến động mạnh mẽ của Gucci và Kering trong những năm qua có thể bắt nguồn từ việc cố gắng kết hợp thời trang và sự sang trọng, hai phân khúc đòi hỏi các mô hình kinh doanh khác biệt và có thể xung đột với nhau. Một bên dựa vào các xu hướng liên tục thay đổi, trong khi bên còn lại cần sự bền vững và trường tồn với thời gian.
Trước đây, Kering cho phép Gucci bán những sản phẩm theo xu hướng nhất thời, nhưng điều này cũng khiến tập đoàn dễ bị tổn thương trước những thay đổi thất thường của nhóm người tiêu dùng dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế.
Các đối thủ cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, như Hermès và Chanel, tập trung vào các thiết kế kinh điển và không lỗi thời. Họ thường bán với số lượng thiếu hụt để khiến các mặt hàng này được ưa chuộng. Mario Ortelli, đối tác sáng lập của công ty tư vấn Ortelli & Co. ở London, cho biết: “Danh mục đầu tư của Kering chủ yếu bao gồm các thương hiệu thời trang cao cấp hơn là các thương hiệu di sản cao cấp.”
“Bản chất của thời trang là sự biến động, vì các làn sóng thời trang đến rồi đi. Bạn có thể cưỡi sóng một lúc nhưng nó sẽ không tồn tại mãi mãi.”
Một người thân cận với công ty cho biết tập đoàn này đã thừa nhận công khai rằng họ cần phải khôi phục doanh số bán hàng tại các cửa hàng đang làm xói mòn giá trị thương hiệu. Đồng thời, giải quyết bài toán của Gucci, vốn đang gây ra sự biến động cho các cổ đông của Kering. Tuy nhiên, thị trường xa xỉ đang trở nên cạnh tranh hơn và tốc độ phát triển chậm lại. Do vậy, các biện pháp được đề xuất để giải quyết những vấn đề đó sẽ mất nhiều thời gian hơn để cho thấy kết quả.
Sự lao đao của Kering càng trở nên dễ thấy hơn khi tháng trước, họ đã có một cảnh báo hiếm hoi rằng doanh thu của Gucci trong quý đầu tiên sẽ tụt dốc gần 20% do nhu cầu ở Trung Quốc giảm. Trước đó không lâu, nơi đây được xem là động lực tăng trưởng quan trọng của thương hiệu.
Doanh số bán hàng theo quý dự kiến sẽ được công bố vào thứ ba sắp tới. Công ty cho rằng các khoản đầu tư liên tục vào Gucci sẽ làm giảm lợi nhuận của tập đoàn trong năm nay.
Các nhà mốt khác thuộc tập đoàn, bao gồm Yves Saint Laurent, thương hiệu lớn thứ hai, Balenciaga, Bottega Veneta, Alexander McQueen và cổ phần ở Valentino quá nhỏ để bù đắp cho sự suy giảm đó. Thêm vào đó, một số thương hiệu cũng có vấn đề riêng.
Kering cũng bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các công ty cùng ngành do nhu cầu về hàng xa xỉ sụt giảm, đặc biệt là từ nhóm người chi tiền mạnh tay sau đại dịch nhưng lại tiết kiệm hơn khi lạm phát ập đến.
LVMH cũng đã cảm nhận được sự chuyển biến này, nhưng số lượng thương hiệu nhiều hơn đã giúp giảm nhẹ tác động tiêu cực, khiến cho chiến lược của hai tập đoàn có sự khác biệt rõ rệt.
Trong khi François Pinault, người sáng lập Kering, và Arnault, chủ tịch LVMH, đều bắt đầu sự nghiệp của mình với động lực và tầm nhìn như nhau, đế chế của họ đã có sự cách biệt lớn kể từ khi cả hai đối đầu hơn hai thập kỷ trước để mua lại Gucci.
Pinault, 87 tuổi, bỏ học năm 16 tuổi và sau đó tham gia điều hành xưởng cưa của gia đình, đã giành chiến thắng trước Arnault trong cuộc cạnh tranh giành thương hiệu Ý. Vài năm sau, ông giao quyền điều hành cho con trai mình là François-Henri Pinault, người đã bán hết tài sản để tập trung vào hàng xa xỉ và một số thương hiệu cốt lõi.
Trong khi đó, Arnault đã ra mắt khoảng 75 thương hiệu giúp LVMH tiếp cận nhiều phân khúc thị trường, từ rượu vang hảo hạng, khách sạn đến mỹ phẩm. Người đàn ông 75 tuổi này vẫn nắm quyền chỉ huy tập đoàn khổng lồ được thị trường định giá vào khoảng 400 tỷ euro – gấp 9 lần so với Kering.
Gia đình Pinault nắm giữ 42% cổ phần của Kering và 59% quyền biểu quyết. Theo Bloomberg Billionaires Index, đó là hầu hết tài sản của gia đình này, với giá trị tài sản ròng của François Pinault vào khoảng 30 tỷ USD.
Các nhà đầu tư, nhà phân tích và cựu thành viên nội bộ của Kering đổ lỗi cho tình trạng hỗn loạn gần đây của tập đoàn là do rối loạn chức năng trong nội bộ. Không giống như Arnault tại LVMH, người trực tiếp theo dõi tình hình hoạt động của các thương hiệu con bằng cách ngẫu hứng ghé thăm các cửa hàng như Le Bon Marché ở Paris hay Harrods ở London, FHP được cho là quá tự do khi để mặc các thương hiệu tự hoạt động.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của công ty lại ủng hộ phong cách quản lý của FHP, nói rằng ông trao quyền cho các nhà quản lý và nhà thiết kế, nhưng không ngại đưa ra những quyết định khó khăn nếu họ thất bại.
Dưới sự giám sát của François-Henri Pinault, tập đoàn Kering được xem là một trò chơi xa xỉ. Các thương hiệu chủ chốt của Kering, bao gồm cả Gucci, đôi khi đã công bố mức doanh số đáng kinh ngạc.
“Nếu bạn nhìn vào những gì họ đã làm trong 10, 15 năm qua, thì đó là một thành tích đặc biệt,” Rachid Mohamed Rachid, Chủ tịch Valentino, thương hiệu mà Kering nắm giữ 30% cổ phần, chỉ ra sự tăng trưởng mạnh mẽ của Gucci trước những khó khăn gần đây. Ông cho biết ông tin tưởng ban lãnh đạo của tập đoàn “sẽ có thể đưa tất cả các thương hiệu này đi đúng hướng”.
Tuy nhiên, trong thời gian François-Henri Pinault nắm quyền, ông đã không thể giúp tập đoàn ổn định hơn và thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Gucci.
Những người thân cận với công ty cho rằng việc mua cổ phần của Valentino và đầu tư vào phân khúc kính mắt có nhiều tiềm năng dài hạn. Kering hiện đứng thứ 2 về kính mắt xa xỉ sau EssilorLuxottica SA, và việc mua toàn bộ Valentino sẽ giúp tập đoàn có được một thương hiệu cao cấp khác bên cạnh Gucci.
Năm 2014, khi doanh số bán hàng của Gucci chậm lại, FHP đã chia sẻ rằng việc tập trung vào số lượng hơn chất lượng “sẽ là mối nguy hiểm lớn nhất đối với thương hiệu”.
Giờ đây, khi doanh số bán hàng của Gucci lại trượt dốc, FHP đang đưa ra cam kết “nâng cao” thương hiệu, rằng “nếu việc này được thực hiện tốt, chúng tôi sẽ phát triển phân khúc sang trọng, cao cấp hơn với nhóm khách hàng có sức mua lớn hơn.”
Gucci hiện đang đấu tranh để lấy lại cái gọi là “sự khao khát”, chiếc chén thánh được tất cả các thương hiệu xa xỉ tìm kiếm. Thứ hạng của Gucci trên chỉ số Lyst theo tìm kiếm đã giảm xuống mức thấp nhất là vị trí thứ 12 trong quý 3 năm 2023 – xếp sau các đối thủ thậm chí còn nhỏ hơn như Prada và Miu Miu.
Thương hiệu không được lợi từ những thay đổi về nhà thiết kế và quản lý. Kể từ khi huyền thoại Tom Ford rời đi vào năm 2004, Gucci đã trải qua ba đời giám đốc sáng tạo trong hai thập kỷ, trong khi các nhà mốt khác có thể giữ chân các nhân tài trong một thời gian dài.
Sự sụt giảm của Gucci xảy ra sau khi Michele rời đi vào cuối năm 2022, khi doanh số bán hàng yếu kém và bất đồng về những vấn đề của thương hiệu. Đầu năm 2023, François-Henri Pinault đã bổ nhiệm Sabato De Sarno làm Giám đốc sáng tạo mới, với bộ sưu tập đầu tiên được trình làng tại Milan vào tháng 9.
Những thay đổi trên mặt trận sáng tạo trùng hợp với cuộc cải tổ quản lý sâu rộng tại Kering và Gucci. Điều này đã không làm dịu đi những lo ngại của các nhà phân tích về triển vọng của tập đoàn. Trong những năm qua, sự thành công tại Gucci đến từ mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Nhà thiết kế và Giám đốc điều hành.
Trong thời đại Tom Ford, nhà thiết kế này đã hợp tác với Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Domenico De Sole. Kết quả là nhóm “Tom and Dom” đã đưa Gucci trở lại từ bờ vực thẳm vào những năm 1990. Bộ đôi này nghỉ việc trong bối cảnh tranh giành quyền lực với gia đình Pinault, sau khi Gucci được sáp nhập vào tập đoàn.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo Fashion Network