Vén màn bí mật đằng sau chiếc áo choàng lông vũ Marabou của những góa phụ giàu có
Ngày đăng: 26/08/22
Cũng là một loại quần áo thời trang bình thường, nhưng tại sao những chiếc áo choàng lông vũ hay Marabou lại là một “vũ khí” ghê gớm của những người đàn bà góa phụ giàu có?
Hãy nhắm mắt lại đưa bản thân vào miền tưởng tượng ở những năm 1930 xa xưa và đang tận hưởng một buổi tối cùng bát cherry đỏ mộng khi chồng bạn vắng nhà, nhưng chính bạn là người bỏ một ít thuốc độc vào ly whisky của chồng và đợi anh ấy về đón mời anh ấy. Khi mọi chuyện xuôi, cảnh sát đến điều tra, bạn đang mặc gì? Quá rõ ràng đó chắc chắn là một chiếc áo choàng Marabou – thân váy tựa một chiếc váy dạ hội tuyệt đẹp (có thể là màu hồng nhạt, trắng hoặc đen) cùng đôi tay áo chuông được trang trí bằng lông vũ không thể lẫn vào đâu được và có một độ rũ mềm mại chạy dọc cơ thể tuyệt đẹp của bạn.
Những chiếc áo choàng Marabou hay còn được mệnh danh là “những chiếc áo choàng chết chóc” – một thứ “vũ khí” của những góa phụ giàu có dùng để giết chồng của mình. Tuy nhiên, trên thực tế chẳng có một tên sát nhân nào mặc chúng cả, mà đây thực chất chỉ là một phép ẩn dụ, một cách viết nhanh bằng hình ảnh trong các bộ phim gần một thế kỷ trước và cả trong những chiếc meme giải trí mỉa mai “vượt thời gian”. Nổi lên vào những năm 1930, áo choàng Marabou được giới thiệu với người xem trong các bộ phim mang đến sự đột phá đáng kinh ngạc khỏi sự hỗn loạn và bất ổn của thời đại. Vào những năm 2010 và 2020, món đồ thời trang này đã trở lại trên các đường băng, video ca nhạc và quan trọng nhất là trên mạng xã hội. Gần đây nhất, vào đầu năm 2021, áo choàng Marabou bắt đầu trở nên rầm rộ trên TikTok và đã có nhiều người tưởng rằng đây là một xu hướng mới nổi nhưng thực chất Marabou đã tồn tại trong thế giới thời trang trong suốt 90 năm.
Jean Harlow, Marlene Dietrich, Lizzo, Marilyn Monroe và Rihanna đều là những ngôi sao từng khuấy động cộng đồng mạng với những phiên bản khác nhau của Marabou từ chiếc áo choàng đen của Gucci trên thảm đỏ BET đến chiếc áo choàng có chùm lông vũ hoành tráng của Christian Dior trong bộ phim Hitchcock. Đó là những chiếc áo choàng dành cho người phụ nữ thích giản dị và yêu vẻ đẹp sang trọng miễn nhiễm với dòng chảy thời trang và đó cũng là một trong những món đồ hiếm hoi truyền tải được đầy đủ câu chuyện đằng sau chúng chỉ bằng sự tồn tại.
Bàn luận về thời trang của những ngày xưa cũ, với vẻ đẹp Old Hollywood, Carla Valderrama – chủ thành lập tài khoản Instagram @ThisWasHollywood nổi tiếng – một người them đuổi phong cách cổ điển này từ khi còn bé, đã lật lại quyển biên niên sử thời trang, trở về gần một thế kỷ trước cùng loạt ví dụ về những chiếc Marabou trên phim. Hình ảnh người phụ nữ sang trọng, dùng nhan sắc để lừa dối hay diện Marabou điển hình là Jean Harlow trong Dinner at Eight (1933). Vào những năm 1920, không thể không nhắc đến những chiếc áo choàng của Barbara La Marr trong Heart of the Siren (1925) và chiếc mà Clara Bow tự tử trong Children of Divorce (1925) – đây đều là những chiếc áo choàng “đời đầu”, Valderrama chia sẻ, “Đó không phải là những người phụ nữ thẳng tay giết người chồng giàu có của mình nhưng cô ấy ắt hẳn sẽ là kẻ ngoại tình với vị bác sĩ riêng của người chồng già.”
Một trong những chiếc Marabou gây “ám ảnh” nhất và trở thành nguồn cảm hứng thời trang bất tận đến nhiều thế hệ sau đó chính là chiếc mà Jean Harlow diện khi hóa thành Kitty Packard trong Dinner at Eight (1933). Đó là một chiếc váy dài đến sàn, được đính kết bằng lông đà điểu của nhà thiết kế huyền thoại thời hoàng kim Adrian. Chiếc Marabou thướt tha đến mức khiến cơ thể của cô vô cùng uyển chuyển trên chiếc giường êm ái, làm bật lên vẻ đẹp cổ điển ngút ngàn với đôi lông mày lá liễu điệu đà.
“Tôi luôn cảm thấy những chiếc áo choàng trong phim tiết lộ rất nhiều điều về một nhân vật. Đó là thứ cơ bản bạn ít mặc khi ra đường nhưng lại là thứ khiến bạn trở thành chính bạn, trở nên quyến rũ mà không cần gắn gượng.” Valderrama nói.
Vào những năm 1930, điện ảnh là phương tiện thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của những kiểu trang phục này, đồng thời là nguồn cảm hứng bất tận cho các “bản sao” hiện đại sau này. Valderrama nói: “Đây là thập kỷ rất lớn đối với thời trang và điện ảnh. Trùng hợp với thời điểm bùng nổ của Đại Khủng Hoảng – với vòng xoáy suy thoái kinh tế nặng nề Paris cũng chịu ảnh hưởng không kém – lần đầu tiên Paris không còn được xem là vũ trụ xu hướng, ngoại trừ những bộ phim, điện ảnh trở thành phương tiện giao tiếp với con người. Người xem bắt đầu muốn sao chép phong cách mà các ngôi sao điện ảnh đang mặc. Có lẽ vào khoảng thời gian cuộc sống rơi xuống vực thẳm như thế, nhân loại chỉ muốn thoát ly khỏi thực tại khốn khổ đó, và phim ảnh đã giúp họ làm điều đó. Và khi đại dịch ập đến, khoảng thời gian kinh khủng đấy lặp lại, và không quá ngạc nhiên khi Marabou lại trở nên phổ biến.”
Trong những năm 50 và 60, những chiếc áo choàng Marabou được gắn liền với tuyến nhân vật có số phận bi thảm hơn nhưng luôn sở hữu vẻ đẹp, kiêu hãnh, giàu có và hiểm độc. Mỹ nhân của mọi thời đại Marilyn Monroe vào vai Rose Loomis trong bộ phim Niagara – một người phụ nữ chuyên biến nhan sắc của mình thành cám dỗ trêu người, dùng sự quyến rũ của mình dụ dỗ đàn ông đi đến cái chết của họ gần hơn.” Trong phim, Monroe đã mê hoặc lòng người với chiếc áo choàng lông vũ yêu kiều. Bette Davis cũng đã trở thành một người phụ nữ đầu độc chồng của mình trong Dead Ringer (1964), và bà cũng đã mặc một chiếc Marabou tuyệt đẹp.
Tương tự, đến lượt Marlene Dietrich trong vai diễn viên Charlotte Inwood trong bộ phim Stage Fright năm 1950 của Albert Hitchcock, trên khung hình Charlotte vừa thư giãn trên chiếc ghế dài vừa lo lắng về hành vi liệu cô có sát hại người chồng cũ hay không cùng chiếc áo choàng thướt tha. Hình ảnh này đã trở thành một chiếc meme sinh động vào những năm 2010.
Vào những năm sau đó, những chiếc áo choàng này được tăng thêm tính hài hước và “dramatic” hơn. Bạn còn nhớ chiếc áo choàng xanh với phần tay lông vũ mà Joan Collins đã mặc trong Dynasty không? Một trong những set đồ ngủ phom dáng Marabou của bà cũng đã được bán đấu giá vào năm 2008 với giá 1.100 đô la. Meryl Streep cũng đã từng khuấy động người xem với chiếc marabou trong phân cảnh đầu của bộ phim hài Death Becomes Her. Nhân vật của cô ấy cũng là một kẻ giết người cướp chồng, đâm sau lưng nhưng lại sở hữu một vẻ ngoài rất cổ điển và vô cùng hài hước. Joan Cusack cũng tạo được dấu ấn mạnh mẽ khi thủ vai Debbie trong Addams Family Values (1993) – một người vợ xinh đẹp thường mặc áo choàng lông vũ màu trắng và luôn cố gắng để giết chồng mình.
Những người phụ nữ này đều đều có một đặc điểm chung là xinh đẹp và giàu có, và Marabou chính là một hình ảnh phản chiếu điều đấy một cách trực tiếp – một biểu tượng nhận dạng của tầng lớp thượng lưu xấu xa và độc ác. Vào khoảng năm 2015 hoặc 2016, Marabou được cộng đồng mạng trên các nền tảng trên Tumblr và Twitter đặt cho một danh xưng mới – “chiếc áo choàng giết chồng”. Vào tháng 11 năm 2016, Amiyah Scott cũng đã hưởng ứng phong trào này khi đăng một bức ảnh cô diện một chiếc marabou màu xanh lam vô cùng quyến rũ lên Twitter cùng dòng caption “Khi người chồng giàu có của bạn chết trong hoàn cảnh bí ẩn,”
Trong MV ca nhạc “Needed Me” (2016) của Rihanna, stylist Mel Ottenberg đã cho cô ấy mặc một chiếc áo choàng màu bạc hà xuyên thấu của Rosamosario, cùng khẩu súng trên tay và sau đó đúng như dự đoán cô đã giết một người đàn ông. Trò chuyện với Vogue, Ottenberg chia sẻ “Không có tài liệu tham khảo cụ thể nào cho chiếc áo choàng ‘Needed Me’ của Rihanna. Chỉ đơn thuần là chiếc áo choàng đó thật sự đã tuyệt đẹp trước máy quay và thể hiện được sức mạnh nữ quyền vô cùng mạnh mẽ.”
Ottenberg có một mối quan hệ thân thiết với một nhà thiết kế nổi tiếng với những bộ trang phục lộng lẫy – Catherine D’Lish, người đã làm việc nhiều năm với mỹ nhân Dita Von Teese. Có thể bạn chưa nghe nói về D’Lish, nhưng có thể bạn biết được những tác phẩm của bà ấy. Những chiếc áo choàng Cassandra của bà ấy chính là nguồn gốc của câu nói cổ điển trên những chiếc meme hay caption trên mọi nền tảng xã hội “Tôi cần chiếc áo choàng này khi cảnh sát đến và nói với tôi rằng người chồng giàu có của tôi đã chết một cách bí ẩn” Ottenberg nói về D’Lish: “Tôi ngưỡng mộ cách bà ấy mắc kẹt với nỗi ám ảnh về chiếc áo choàng nữ tính của mình và khiến chiếc áo choàng của bà ấy ngày càng hoàn hảo hơn.”
Là một người làm nghệ thuật chân chính và luôn đặt sự quan trọng của bản sắc cá nhân, D’Lish lần đầu tiên tạo ra Cassandra vào đầu những năm 2000. “Tôi thích tạo ra những thứ thú vị để mặc, và Cassandra chắc chắn là điều đó!”cô nói. Sự xa hoa là một phần của sự hấp dẫn. Mặc dù đây không phải là thiết kế duy nhất mà D’Lish tạo ra, nhưng đây là phong cách nổi tiếng nhất và thể hiện được bản thân của bà nhất. “Sẽ có lúc bạn sẽ cần một chút xa hoa, một chút quyến rũ trên bộ trang phục của mình.”, nhà thiết kế chia sẻ. D’Lish cũng cho biết chiếc meme với những chiếc áo choàng của bà vào năm 2015 đã khiến doanh thu của thương hiệu phát triển vượt bật.
Theo dữ liệu trên Google Trend, những cụm từ khóa tìm kiếm “ áo choàng sugar baby robe,” “áo choàng giết hôn phu” và “ áo choàng của góa phụ giàu có” đã tăng vọt đột biến vào mùa hè năm 2016, và tương tự vào năm 2020 và 2021. Và chính “vũ trụ xu hướng” TikTok đã khiến phong cách D’Lish viral trở lại, thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Từ đây, áo choàng marabou trở nên phổ biến, được lăng xê ở khắp nơi thậm chí là sản sinh ra loạt biến thể hàng nhái. Gucci Love Parade ắt hẳn là một minh chứng cho sự phổ biến của xu hướng cổ điển này, hay chiếc váy với phom dáng marabou mà Lizzo mặc đến Lễ trao giải BET, với phần tay áo bằng lông vũ hình thác nước.
Với giá 500 đô la, áo choàng của D’Lish không phải là một lựa chọn phù hợp với túi tiền. Tuy nhiên, sự trở lại của Marabou kéo theo hàng loạt “bản sao” không phải điều mà bất kỳ nhà thiết kế mong muốn, D’Lish cũng thế “Đã có hàng nghìn người bán hàng trên khắp thế giới sử dụng hình ảnh từ những chiếc áo choàng của tôi và sau đó ngày càng nhiều hàng nhái đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Nó đang lan rộng như cháy rừng và là một tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi.”
Sự nổi lên của hàng nhái là một phần lý do tại sao D’Lish không cảm nhận được sự hài hước của meme dù chính bà là người “vô ý” tạo ra chúng. Tuy nhiên bà luôn nhận thức được vị trí tiên phong của chính mình. Bà đã gửi áo choàng cho các nhà thiết kế để họ sử dụng trong các show diễn của họ như bộ sưu tập mùa thu năm 2017 của Wolk Morais. “Một thời gian trước, tôi đã mua hàng từ một trong những người đạo nhái tôi và thứ họ gửi đi là một thứ rác rưởi thảm hại, nhỏ bé nằm gọn trong lòng bàn tay bạn.” nhà thiết kế chia sẻ.
Vậy tại sao trong 90 năm, giết người và Mrabou lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau? Câu trả lời chính là chủ nghĩa thoát ly (Escapism). Ảo tưởng đưa con người ra khỏi một thực tại “xấu xí” và nó không thực sự là một kẻ giết người. Chẳng ai cấm bạn tưởng tượng ra một người đàn bà ác độc nhưng đẹp đẽ với chiếc áo choàng tuyệt đẹp miễn là ngoài thực tế bạn không phải là một kẻ phạm tội. Không phải ai cũng sống một cuộc sống thượng lưu, xa hoa, nhưng với 500 đô la trở xuống cùng một chiếc Marabou thực thụ, bất kỳ ai cũng có thể tận hưởng một tí một cuộc đời xa xỉ – thời trang hay cụ thể là một chiếc áo choàng đã giúp người mặc thoát ly được thực tế khó khăn. Và đấy là chủ nghĩa thoát ly thuần túy.
Thực hiện: Huỳnh Trân
Theo Vogue