Vì sao thời trang luôn dành “một góc nhỏ trong tim” cho phong cách thủy thủ?

Ngày đăng: 10/04/25

Phong cách thủy thủ – nguồn cảm hứng vĩnh cửu cho các nhà thiết kế, lại một lần nữa “vươn mình đón gió”, lướt trên làn sóng sáng tạo.

Phong cách thủy thủ (maritime) đang trở lại mạnh mẽ trên sàn diễn Xuân 2025, từ những đường sọc Breton tại Prada và Dior cho đến bộ đồ thủy thủ tại Chanel và Moschino. Đây là một xu hướng thời trang không chỉ thể hiện sự nhẹ nhàng và thanh lịch, mà còn gợi nhớ đến di sản lâu dài của quân phục và văn hóa biển cả. Với những sáng tạo năng động, các nhà thiết kế vừa mang đến sự tươi mới cho mùa mốt, vừa truyền tải thông điệp về sự bền vững và đối phó với biến đổi khí hậu.

Liệu làn sóng này là dấu hiệu cho sự quay trở lại của xu hướng cổ điển hay là một cách để ngành thời trang đối mặt với những thách thức của tương lai?

Thực tế, trang phục thủy thủ từ lâu đã nằm trong dòng chảy cổ điển của thời trang. Các nhà thiết kế yêu thích kiểu trang phục này vì nhiều lý do – chúng mang đến vẻ trang trọng, lãng mạn và cả cơ hội để phá vỡ quy tắc. Những đường sọc trước đây được áp dụng vì dễ nhận biết khi có ai đó ngã xuống nước giờ đây đã trở thành biểu tượng của hải quân từ thế kỷ 19. Áo sơ mi sọc Breton, hay tricot rayé, đã trở thành một phần của quân phục hải quân Pháp từ năm 1858, với 21 đường sọc xanh, mỗi đường tượng trưng cho một chiến thắng của Napoleon trên biển trước người Anh.

Cùng thời gian đó, tại Anh, Nữ hoàng Victoria đã có một ý tưởng đáng yêu khi may một bộ đồ thủy thủ cho cậu bé Albert Edward, hay còn gọi là “Bertie”, người sau này sẽ trở thành Vua Edward VII. Cha của Bertie khi đó là Hoàng tử Albert vô cùng thích thú với hình ảnh cậu bé hoàng gia trong bộ đồng phục đến mức đã yêu cầu họa sĩ Franz Xaver Winterhalter vẽ một bức chân dung làm quà Giáng sinh tặng Nữ hoàng. 

Vua Edward VII (1841-1910) vẽ bởi Franz Xaver Winterhalter

Năm 1847, bức tranh được trưng bày tại Cung điện St. James, thu hút hơn 100.000 người tham dự. Chân dung này đã khơi dậy một trào lưu thời trang cho trẻ em ở thời kỳ Victoria, lan rộng không chỉ ở Anh mà còn ở Mỹ và Nhật Bản. Nhật Bản thậm chí đã áp dụng bộ đồng phục thủy thủ, hay seifuku, làm trang phục chính thức cho học sinh cấp hai và cấp ba. Tại Anh, truyền thống này vẫn được duy trì trong gia đình hoàng gia. Công nương Diana đã cho hoàng tử William và Harry mặc đồ thủy thủ khi còn nhỏ. Trong dịp Trooping the Colour năm 2022, Hoàng tử Louis đã mặc lại bộ trang phục mà William, đã mặc hơn ba mươi năm trước.

Trong lịch sử thời trang cao cấp, Coco Chanel là người đưa những đường sọc Breton vào đời sống thường nhật. Vào năm 1912, bà mở một cửa hàng ở thị trấn biển Deauville, lấy cảm hứng từ các môn thể thao giải trí trên biển. Sự nhẹ nhàng, tiện dụng của quần thủy thủ và áo marinière đã trở thành yếu tố then chốt trong phong cách phi giới tính mang tính cách mạng của bà. Những item này sau đó được đưa vào “mã nguồn” thiết kế của Chanel.

Nhiều thập kỷ sau, người đồng nghiệp Pháp nổi loạn của Chanel – Jean Paul Gaultier đã biến những đường sọc thủy thủ thành yếu tố quan trọng trong ngôn ngữ thiết kế của mình. “Bà của tôi thường hay mặc cho tôi những chiếc áo Breton, vì vậy khi nghĩ về sọc thủy thủ, tôi cảm thấy hoài niệm về thời gian mình lớn lên” – ông từng chia sẻ. “Vào đầu những năm 1980, tôi bắt đầu mặc lại áo sọc Breton. Tôi mặc chúng mọi lúc, ngay cả khi kết hợp với tuxedo trong những buổi dạ tiệc.”

Lấy cảm hứng từ bộ phim thủy thủ đầy gợi cảm Querelle (1982) của Rainer Werner Fassbinder, Gaultier đã cho người mẫu mặc những chiếc áo crop và hở lưng đầy khiêu gợi. Đến những năm 1990, họa tiết yêu thích của ông đã được bất tử hóa trên chai nước hoa Le Male. Khi một xu hướng được chuyển thành nước hoa, chúng ta biết rằng xu hướng đó sẽ tồn tại lâu dài.

Dù được lấy cảm hứng từ tầng lớp thượng lưu, người lao động hay các thủy thủ quyến rũ, phong cách hàng hải luôn được đặc trưng bởi sự rõ ràng, giản dị của những màu sắc cơ bản và tính may đo tiện dụng. Với xu hướng này, không có gì gọi là “quá tay”, chỉ có sự hoàn hảo trong từng chi tiết.

Trên sàn runway Spring 2025 lần này, phong cách thủy thủ được thể hiện một cách sống động qua những thiết kế khác biệt. Nếu Duran Lantink mang đến nét táo bạo với bộ bodysuit sọc đỏ trắng được phóng đại nổi bật thì Marni tạo ấn tượng bằng sự phối hợp hài hòa giữa chiếc mũ thủy thủ xanh và trang phục tông màu đen, đỏ, trắng đầy màu sắc. Moschino giữ vững tinh thần cổ điển với áo thủy thủ trắng tinh khôi, điểm xuyết bằng chiếc khăn xanh sọc trắng và mũ đặc trưng. Tất cả đều hòa chung trong tinh thần tự do và sáng tạo gắn liền với hình ảnh biển cả. Phong cách maritime một lần nữa chứng minh sức hút vượt thời gian của mình.

Không chỉ có đường đua quốc tế, thị trường nội địa Việt Nam cũng vô cùng hưởng ứng sức hút không thể chối từ mang đậm hơi thở hàng hải này. Với BST Xuân Hè 2025 vừa ra mắt, các local brand đã thành công khơi gợi sự háo hức về một kỳ nghỉ Hè “cháy” hết mình!

Dành tặng những cô nàng yêu biển, BST mới của Lace.swimwear cũng hòa nhịp với xu hướng maritime qua các thiết kế tinh tế, kết hợp cổ áo thủy thủ, họa tiết kẻ sọc và phụ kiện lấy cảm hứng từ biển cả.
Dins.swimwear đã chọn khắc họa “những nàng thủy thủ” của mình vô cùng quyến rũ qua các thiết kế sọc vàng trắng nổi bật thay vì xanh như thông thường, mang đến cảm giác tươi trẻ và năng động đặc trưng của thương hiệu.

Phong cách thủy thủ hứa hẹn sẽ khơi dậy tinh thần phóng khoáng và năng lượng sôi động của mùa Hè. Hãy sẵn sàng hòa mình vào làn sóng xu hướng này để tận hưởng trọn vẹn nhịp sống rực rỡ của biển cả!

Theo W Magazine

Thực hiện: Elio