Vì sao túi Book Tote của Dior hay Hourglass của Balenciaga không được lòng giới tiêu dùng Trung Quốc?
Ngày đăng: 17/08/20
Năm 2018, Dior ra mắt thiết kế Dior Book Tote với phom dáng rộng rãi, đặc tính linh hoạt và rất hợp với xu thế, chiếc túi ngay lập tức trở thành It bag kể từ khi ra mắt năm 2018 cho đến bây giờ. Không chỉ ra mắt nhiều phiên bản với hoạt tiết khác biệt, Dior còn áp dụng thêm dịch vụ ABCDior để khách hàng có thể sở hữu một chiếc túi Dior mang tên mình.
Ở thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng cũng có cơ hội sở hữu một chiếc Dior Book Tote với tên tiếng Trung được thêu trên bề mặt túi. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhà mốt, người dân đại lục không mấy quan tâm đến dịch vụ này, thậm chí còn dấy lên ý kiến chỉ trích “như một mánh lới quảng cáo để thu hút người tiêu dùng địa phương”.
Jing Daily nêu ra ý kiến trong bài phân tích: “Nhiều người nghĩ rằng các ký tự Trung Quốc, được khâu ngang mặt trước của Book Tote bằng phông chữ này, khiến chiếc túi không chỉ trông rẻ tiền mà còn giống như hàng nhái so với bản gốc.”
Dior đã sử dụng font chữ Han Sans, bị đánh giá là “máy móc”, “công nghiệp”, “lỗi thời”. Mặc dù được quảng bá bởi Angelababy cùng dàn diễn viên tên tuổi khác, chiếc túi vẫn không tạo được tiếng vang với người dùng, nhất là người tiêu dùng trẻ tuổi.
“Có lằn ranh khác biệt giữa một chiếc lược thông minh nhằm bản địa hóa món đồ với một mánh lới quảng cáo, điều này tiết lộ sự hiểu biết của một thương hiệu phương Tây – hoặc hiểu sai – về văn hóa Trung Quốc”.
Sự khác biệt về văn hóa phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc, ngày càng trở thành yếu tố khiến các thương hiệu xa xỉ phương Tây đau đầu.
Mới đây, nhằm kỷ niệm ngày Thất Tịch (lễ tình nhân theo văn hóa Trung Hoa), thương hiệu Balenciaga đã ra mắt 4 phiên bản mới từ chiếc túi xách Hourglass nổi tiếng, những phiên bản giới hạn này ra mắt trên nền tảng Tmall thuộc Alibaba. Trên bức ảnh quảng bá, một chàng trai đang tặng một chiếc túi Hourglass màu đỏ thắm với dòng ký tự tiếng Trung mang ý nghĩa “Anh ấy yêu tôi” cho một cô gái, người đang nhìn chằm chào món quà với sự kinh ngạc và thích thú. Hai người họ đang đứng trước bức phông nền thác nước với biểu tượng hoa hồng và trái tim.
Tuy nhiên, hình ảnh quảng bá bị đánh giá là quê mùa, dẫn đến mẫu túi còn bị nhiều cư dân mạng gắn mác “nhạt nhẽo” hoặc thậm chí chửi rủa bằng tiếng Trung Quốc vì nó xấu xí và thiết kế quá đơn điệu. Mặc dù Balenciaga đã sử dụng phong cách graffiti để làm mới cho các ký tự tiếng Trung, nhưng giới tiêu dùng không hào hứng mấy.
Jing Daily cho biết “nhiều thương hiệu thời trang dạo phố đã thiết kế bằng các ký tự Trung Quốc, nhưng sử dụng phông chữ vui tươi, sống động và vui nhộn, cảm thấy đúng với bản sắc của thương hiệu và tạo ra một trạng thái cuốn hút.”
Có vẻ như câu chuyện từ chiếc túi Book Tote của Dior hay Hourglass của Balenciaga đưa ra một kết luận: không dễ dàng gì trong việc nắm bắt sở thích của giới tiêu dùng Trung Quốc, và đặc biệt là khi trong bối cảnh văn hóa khác biệt thì đây là thách thức không nhỏ cho các thương hiệu phương Tây.
Thực hiện: Koi