Virtual Influencers: Liệu xu hướng người mẫu ảo sẽ sớm thay thế người thật?
Ngày đăng: 06/04/21
Nguồn tin trong ngành cho biết chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của những influencers ảo. Công bố vào năm 2018 do Weibo thực hiện cho biết định giá ngành KOL là hơn 15 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, một người mẫu ảo có hơn 250.000 người theo dõi trên Weibo, một người khác đã làm việc với nam diễn viên Trung Quốc Lý Hiện. Thậm chí phía sau còn có một agency chuyên quản lý người mẫu ảo.
Rae đến từ Singapore đã làm một việc vào đầu năm nay khi hầu hết người dân của thành phố này đã không thể làm được trong một thời gian vì giãn cách xã hội. Cô ấy đã “đi du lịch” đến Thượng Hải. Tại đây, cô người mẫu với phong cách streetstyle cá tính đã xuất hiện trên bìa tạp chí Jstyle cùng nữ rapper hàng đầu Trung Quốc, Vava.
Tuy nhiên, Rae không phải là người thật – cô ấy là một tác phẩm CGI được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo. Cô có vóc dáng mảnh mai cùng mái tóc nhuộm xanh ấn tượng. Chỉ vừa ra mắt vào tháng 10 năm ngoái, Rae nhanh chóng trở thành một trong những người mẫu ảo nổi tiếng trên Weibo với hơn 250.000 người theo dõi.
Rae không phải là trường hợp duy nhất thành công. Trước cô, đã có các influencers ảo như Lil Miquela, Shudu Gram và Noonoouri tại phương tây thường xuyên tham gia vào những dự án hợp tác thời trang cao cấp với những người nổi tiếng trong vài năm qua.
Gần đây, thương hiệu thời trang nam của nước Ý Ermenegildo Zegna đã ghép Noonoouri với nam diễn viên Trung Quốc Lý Hiện trong chiến dịch mới nhất của mình.
Tiềm năng phát triển người mẫu ảo tại Châu Á
Sự hiện diện của các influencer ảo ngày càng rõ rệt ở châu Á. Vào tháng 11/2020, influencer ảo Ling xuất hiện trên chương trình tìm kiếm tài năng Bravo Youngsters của Trung Quốc với tư cách là thí sinh. Trong khoảng thời gian đó, nhóm nhạc nữ K-pop Aespa ra mắt với các thành viên vừa thực và ảo.
Nhằm ra mắt bộ sưu tập thời trang Ireneisgood K mới nhất của mình, người mẫu kiêm doanh nhân Irene Kim đã hợp tác với Rozy (influencer ảo đầu tiên của Hàn Quốc). Vào tháng 3, Tập đoàn L’Oreal đã ra mắt idol ảo đầu tiên của họ – Mr Ou. Đây là một nhân vật xây dựng theo phong cách anime và đảm nhiệm chia sẻ nội dung liên quan đến xu hướng làm đẹp, chủ đề bền vững và các cuộc phỏng vấn cùng người nổi tiếng.
Các chuyên gia cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu cho sự phát triển của những influencer ảo và người sáng tạo ra họ. Một ước tính của Weibo vào năm 2018 đã định giá ngành KOL hơn 15 tỷ đô la Mỹ.
Kim Leitzes, giám đốc điều hành vùng Thái Bình Dương của nền tảng marketing thời trang Launchmetrics nhận xét: “Thế hệ Influencer ảo của Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn sơ khai so với phương Tây, nhưng năm 2020 đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu hướng này.”
Một trường hợp thành công khác chính là sự kết hợp giữa người mẫu ảo Ling và thương hiệu ô tô điện Tesla (Mỹ) đã đem đến 30% thành công về mặt truyền thông, hơn cả khi kết hợp với KOL người thật.
Theo một báo cáo về thần tượng ảo của công ty streaming iQiyi (Trung Quốc) năm 2019 cho biết có đến 64% những người từ 14 đến 24 tuổi là fan cuồng nhiệt của thần tượng ảo. Năm 2020, thời gian xem trung bình hàng tháng những video livestream của thần tượng ảo trên nền tảng chia sẻ video Bilibili (Trung Quốc) tăng 225% so với năm trước.
Vì sao người mẫu ảo sẽ là cơ hội mới cho các thương hiệu trong tương lai?
Không thể phủ nhận những lợi thế khi tạo nên một hình tượng ảo so với việc quảng bá con người thật. Họ không có tai tiếng, không bị ràng buộc bởi ranh giới địa lý, không cần thời gian nghỉ ngơi và có thể được tin tưởng để duy trì liên tục hình ảnh cá nhân.
Đây là một trong những lý do nhiếp ảnh gia thời trang Shavonne Wong hiện đang làm việc tại Singapore đã ra mắt Gen V – một công ty quản lý người mẫu ảo bao gồm những thần tượng ảo mà cô đã tạo vào năm ngoái.
Nữ nhiếp ảnh gia nhận định: “Tôi nghĩ rằng với tình hình đại dịch đang diễn ra khó lường như hiện nay, những influencer và người mẫu ảo sẽ nổi trội hơn cả vì họ sẽ có thể làm việc 24/7 tại bất cứ nơi đâu trên khắp thế giới mà không phải lo lắng quá nhiều về việc đi lại hay vấn đề hậu cần.”
“Họ có thể trở thành người mẫu thời trang, diễn trên sàn diễn ảo hoặc thực hiện quảng cáo mà không cần rời khỏi nhà của người sáng tạo của họ,” cô cho hay. Ngoài ra chính cảm giác của chủ nghĩa thoát ly thực tại mà các người mẫu ảo đem đến càng khiến họ trở nên ấn tượng.
Những người nhút nhát hoặc dè dặt trên mạng xã hội cũng có thể thích sử dụng nhân vật CGI làm gương mặt thương hiệu. Đó cũng là một trong những lý do Wei Lin, người sáng lập thương hiệu dệt kim hiện đại PH5, đã giới thiệu Ama với tư cách là thành viên CGI chủ chốt của hãng này tại Tuần lễ thời trang New York gần đây.
“Khác hẳn với những nhà thiết kế thời trang yêu thích sự chú ý và nổi tiếng trên mạng xã hội, cả tôi và giám đốc sáng tạo Zoe Champion cảm thấy dễ chịu hơn khi đứng sau hậu trường.” Lin giải thích. Ngoài ra PH5 còn là thương hiệu thời trang tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn khi họ đã thực hiện thử đồ cho người mẫu ảo Lil Miquela.
“Chúng tôi hiểu rằng để có thể tạo trải nghiệm cá nhân hơn với khách hàng của mình, chúng tôi cần đem đến sự liên kết đặc biệt từ PH5 đến họ. Và Ama sẽ là gương mặt đại diện cho thương hiệu, đóng vai trò là cầu nối giữa chúng tôi và những người theo dõi.”
Những khó khăn trong lĩnh vực người mẫu ảo
Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại những thách thức trong lĩnh vực người mẫu ảo. Một trong số đó là việc bản thân họ chính là sự thừa nhận của những tiêu chuẩn của xã hội về vẻ đẹp châu Á – làn da trắng không tì vết và một vóc dáng mảnh mai. Bên cạnh đó, số lượng người mẫu ảo nam còn rất hạn chế khi thị trường có xu hướng tập trung vào nữ nhiều hơn.
Để khuyến khích sự đa dạng trong lĩnh vực này, nhiếp ảnh gia Shavonne Wong có kế hoạch tạo ra nhiều người mẫu ảo hơn nữa với nhiều tính cách và hình thể khác nhau.
“Tôi muốn có những người mẫu phù hợp với kích cỡ cơ thể, màu da và độ tuổi,” cô nói và cho biết thêm rằng cần phải có thời gian để tạo ra từng người mẫu từ đầu.
Những influencers thật vốn đã rất phong phú và khác biệt với nhau – một khía cạnh mà họ có lợi thế hơn so với những đồng nghiệp ảo của mình.
“Đông Nam Á là một khu vực bao gồm nhiều chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau với niềm tin chính trị, giá trị, tăng trưởng kinh tế và khát vọng lối sống khác nhau. Sẽ là một thách thức rất lớn để tìm “một gương mặt” đại diện cho số đông rất lớn như vậy.” Kausern Hieu, quản lý cấp quốc gia của công ty quản lý influencers và nội dung marketing Nuffnang Malaysia chia sẻ. “Việc duy trì một influencer ảo cũng rất tốn kém và mất thời gian, vì mọi dự án đều phải được thiết kế và hoàn thiện từ đầu,” anh cho biết thêm.
Dựa trên một nghiên cứu của Nielsen cho thấy 83% người tiêu dùng có xu hướng tin tưởng các đề xuất từ gia đình và bạn bè hơn là quảng cáo. Influencers có thể đem đến hiệu quả mà các thương hiệu đều mong muốn, đó là hiệu ứng marketing truyền miệng (word-of-mouth)
Kim Leitzes bổ sung: “Có rất nhiều thành phần tạo nên tầm ảnh hưởng của influencers vượt xa các rào cản công nghệ. Mục đích của influencer marketing là tận dụng các mối quan hệ cá nhân mà những KOLs này chia sẻ với khán giả của họ. Điều quan trọng đối với các thương hiệu là phải nhớ rằng bạn không chọn một influencer vì họ nổi tiếng, mà vì họ mang lại tính xác thực và uy tín cao cho thương hiệu của bạn. Từ đó sẽ tạo ra chuyển đổi thành doanh thu như bạn mong muốn.”
Chuyển ngữ: Như Quỳnh
Theo SCMP