White Tie – Dress code thứ hai của Met Gala 2022
Ngày đăng: 29/04/22
Bên cạnh Gilded Glamour, White Tie chính là dress code thứ hai của Met Gala năm nay.
Dạ tiệc thời trang lớn nhất hành tinh – Met Gala 2022 đã bước vào giai đoạn countdown, với chủ đề cũng như dress code chính Gilded Glamour, Met ắt hẳn đã khuấy động làng mốt cũng như phải khiến dàn khách mời tham dự phải chuẩn bị cho sự xuất hiện trên thảm đỏ sao cho “slay” nhất, sành điệu nhất và đặc biệt là đẻ lại khoảnh khắc thời trang ấn tượng nhất theo dòng thời gian. Nếu Gilded Glamour là chủ đề khá phong phú và đa dạng, thì dress code thứ hai White Tie sẽ yêu cầu người mặc tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt.
Là đôi bạn cùng tiến, “như hình với bóng” với black tie, những White Tie có lẽ là dress code chuẩn nhất dành cho những buổi tiệc sang trọng bậc nhất. Với sự biến đổi của dòng thời gian, Black Tie đã thay thế white tie như một dress code cho hầu hết các sự kiện như đám cưới, dạ tiệc và dạ hội. Nhưng thật ra White Tie mới thật sự là “quy tắc ăn mặc” sang trọng nhất. Đối với bữa tiệc thời trang lớn nhất hành tinh, Met Gala yêu cầu khách mời phải bắt buộc chọn dress code trang trọng nhất và mang tính lịch sử.
White Tie chính thức xuất hiện lần đầu tiên vào những ngày đầu của thời kỳ Victoria, Anh Quốc (khoảng năm 1840), nhưng nếu so sánh thì quy tắc ăn mặc này lại có phần đơn giản và tối giản hơn với trang phục dạ hội truyền thống ngày đó. Cánh mày râu sành điệu chỉ thích phối hai gam màu đen trắng và thắt nơ đơn giản thay vì những chiếc áo có bèo nhúng, nhiều chi tiết.
Đến những năm 1870 – Thời đại Vàng son (Gilded Age) ở Mỹ mở ra – White Tie chính thức trở thành dress code sang trọng của giới thượng lưu. Nó thường xuất hiện ở các màn biểu diễn opera, các buổi dạ hội hay bất kỳ bữa tiệc lộng lẫy nào do các gia đình giàu có tổ chức. Theo một số tài liệu, những năm 1885 đã có những người trẻ ở Paris đã cố gắng thay đổi màu trắng bằng một màu đỏ rực, nhưng phổ biến được một thời gian thì white tie vẫn giành lại được “ngôi vương” của mình
Vào thế kỷ 20, khi xã hội phát triển, hiện đại hơn, white tie không còn được ưa chuộng. Thế chiến thứ nhất đã khiến những dịp trang trọng, và cả thời trang không còn nhộn nhịp nữa. Giai đoạn sau Thời đại nhạc Jazz, với tinh thần thoải mái đặc trưng, bộ vest tuxedo với áo khoác ngắn hơn đã trở thành trang phục được lựa chọn trong phần lớn các sự kiện. Công nghiệp hóa ngày càng phát triển, khi cách khu công nghiệp bắt đầu mọc nhanh như nấm ở Hoa Kỳ, thì quy tắc lựa chọn trang phục dạ hội cũng trở nên dễ dàng hơn. Các nhà thiết kế bắt đầu tạo ra nhiều thiết kế thoải mái hơn từ chất liệu vải đến màu sắc. Bộ phận lịch sử, nghệ thuật và lưu trữ của Hạ viện Hoa Kỳ cho biết: “Chiếc áo khoác đuôi tôm nhanh chóng mất vị thế khi áo khoác dạ và váy dạ hội “ít trang trọng hơn” ngày càng trở nên phổ biến”.
Muốn diện được White Tie, đòi hỏi người mặc phải “tuân lời” theo những nguyên tắc nghiêm ngặt nhất định. Đối với cánh mày râu, chiếc áo khoác đuôi tôm là item bắt buộc phải có trong dress code này. Áo khoác đuôi tôm trong White Tie phải là màu đen với đường may thật sắc sảo và vừa vặn với cơ thể người mặc. Đuôi áo kết thúc ở sau đầu gối và không được dài quá điểm ấn định này. Ve áo thì được dập thật sắc nét và may phủ bằng satin hoặc lụa. Quần của White Tie đặc biệt không có đai xỏ thắt lưng vì thế yêu cầu cũng được may chuẩn xác với cơ thể. Áo sơ mi trắng phải thẳng thớm, vạt ngực được bạ cứng, phần cổ áo cánh én với cổ dựng có phần mũi tam giác bẻ cúp ngay vị trí để thắt nơ. Áo gile bên trong cũng không thể “vắng mặt”, gile màu trắng hoặc màu kem, phải che được lưng quần và đủ ngắn để không lộ ra dưới gấu trước của jacket, phom dáng phải ôm vừa cơ thể. Chiếc nơ ở cổ cũng không thế thiếu. Nơ màu trắng đồng bộ với áo gile. Có hai loại nơ, thắt sẵn và tự thắt nhưng với nhiều người, nơ thắt sẵn bị xem là nỗi “sỉ nhục” với white tie. Top hat, khăn tay, găng tay trắng,… là những phụ kiện đi kèm theo bộ suit White Tie.
Đối với phái nữ, những chiếc váy phủ kín chân, không hở mắt cá hay gót chân là những sự lựa chọn đòi hỏi trong White Tie. Tất nhiên, những chiếc đầm cocktail ngắn, khoe da thịt sẽ bị hạn chế trong quy tắc ăn mặc trang trọng này. Găng tay trắng, tóc tai gọn gàng, kiểu trang điểm thanh lịch, phụ kiện, trang sức sang trọng,… là những điều cần lưu ý tiếp theo.
Ngày nay, White Tie vẫn tồn tại trong một số sự kiện cực kỳ trang trọng. Ngày 2 tháng 5 này, nó sẽ một lần nữa giành trọn spotlight tại thảm đỏ thời trang ngay trung tâm tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
Thực hiện: Huỳnh Trân
Theo: Vogue