Ý tưởng gieo mầm sáng tạo trong giáo dục nghệ thuật từ nhà mốt Alexander McQueen
Ngày đăng: 18/08/21
Sarah Burton, người đang dẫn dắt nhà mốt Alexander McQueen kể từ khi người sáng lập nên thương hiệu qua đời. Cô đã và đang không ngừng duy trì việc giáo dục thời trang thông qua các dự án của nhà mốt đến thế hệ thanh thiếu niên đương thời, đồng thời bày tỏ niềm yêu quý sâu sắc đến nghệ thuật thủ công cũng như những giá trị mà nó mang lại cho ngành thời trang.
Thời trang là một ngành rất giỏi che giấu những bí ẩn của nó, cho dù đó là huyền thoại về bộ smoking tuxedo hay dạng hình học theo phong cách Art Deco. Trong nhiều thập kỷ – thậm chí nhiều thế kỷ – các nhà thiết kế đã đứng ở trên nhìn xuống, và kết quả là, thời trang vẫn chỉ phản chiếu giới thượng lưu. Cảm giác độc quyền, giàu có hơn người có lẽ được cảm nhận rõ ràng nhất bởi tầng lớp này. Nhưng đối với hầu hết những người khác, trải nghiệm có thể khác hoàn toàn. Cửa hàng thời trang là nơi giá cả không được tiết lộ, đồ nội thất không thoải mái và các trợ lý cửa hàng soi xét trước khi quyết định có giúp bạn hay không. Các cửa hàng, hoặc các thương hiệu cao cấp, được chủ định thiết kế để tạo cảm giác bạn không được mời chào.
Ở London, bạn sẽ tìm thấy những cửa hàng này chủ yếu trên Phố Old Bond, thánh địa của sự sang trọng ở Mayfair với những người mua sắm mặc đồ lông chồn. Bầu không khí có thể lạnh giá, mặc dù nội thất sang trọng và các loại vải duyên dáng được trưng bày. Tuy nhiên, ở vị trí số 27, đằng sau chiếc lưới xếp tầng với những con bọ và bướm thêu tay là cửa hàng Alexander McQueen, mở cửa vào năm 2019. Trần nhà cao vút và những tác phẩm điêu khắc màu mật ong của nghệ sĩ người Chile Marcela Correa sẽ theo chân bạn tham quan cửa hàng. Nó mang lại cảm giác ấm áp và hấp dẫn, gần giống như một ngôi nhà đẹp giao thoa giữa cổ điển và hiện đại. Nhưng nó có một sự khác biệt rõ ràng đối với những cửa hàng ở cạnh bên. Tầng trên cùng của không gian rộng 11.000 foot vuông, thường được dành cho mua sắm tư nhân trong hầu hết các cửa hàng sang trọng, ở đây lại là không gian cho các hội thảo giáo dục cho sinh viên, thợ thủ công và bất kỳ ai và mọi người quan tâm đến việc tìm hiểu về vải, kỹ thuật thời trang cao cấp và quy trình giả kim của Đội ngũ thiết kế của McQueen.
Sarah Burton, nhà thiết kế cho biết: “Khi chúng tôi mở tầng này nhằm mục đích giáo dục ở cửa hàng Old Bond Street, chúng tôi thực sự muốn nó trở thành một không gian để minh bạch và làm sáng tỏ quá trình sáng tạo, làm cho thời trang trở nên hữu hình hơn cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về nó”. Đây là nỗ lực muốn phá bỏ sự băng giá và sáo rỗng đáng sợ của thời trang.
Sarah, sinh ra ở Cheshire, được học ở trường Central Saint Martins, là người dẫn dắt thương hiệu McQueen kể từ khi người sáng lập, Lee, qua đời vào năm 2010. Nhưng cô đã là một phần của thương hiệu từ khi còn là sinh viên, tham gia với tư cách là một thực tập sinh. Trên thực tế, Lee đã giúp cô tìm nguồn vải cho bộ sưu tập cuối cùng của mình, khi cô đã rời đi một thời gian ngắn để hoàn thành trước khi trở lại với tư cách là một sinh viên tốt nghiệp vào năm 1997. Cô vẫn trung thành với McQueen kể từ đó. “Chúng tôi rất may mắn khi được làm những gì chúng tôi đang làm và tôi muốn giới thiệu cho các nhà sáng tạo mới những vị trí đa dạng có sẵn trong ngành,” cô tiếp tục. “Đó cũng là một dự án mà cả nhóm đã đóng góp, bàn bạc – thực sự, chúng tôi là một cộng đồng của những người sáng tạo trước khi là bất kỳ điều gì khác”.
Trong vai trò của mình, Sarah giám sát mọi thứ tại McQueen: Từ trang phục nữ, trang phục nam, phụ kiện cho đến những chiến dịch truyền thông, bán lẻ. Cô là người bảo vệ một trong những di sản và tài liệu lưu trữ quý giá nhất trong lịch sử thời trang, một trong những di sản cô đã góp phần tạo ra trong hơn nửa cuộc đời của mình. Tầm nhìn của cô về thời trang có lẽ nhẹ nhàng hơn so với người tiền nhiệm, tính biểu diễn, sân khấu ít hơn, nhưng không kém phần lãng mạn hay nữ tính. Trong suốt thời gian làm Giám đốc Sáng tạo, Sarah đã tôn vinh nghề thủ công tỉ mỉ, cho dù đó là hàng may đo chuẩn xác, hàng dệt thủ công hay hàng thêu trang trí công phu. Cô thường bắt đầu mỗi bộ sưu tập bằng cách đưa nhóm thiết kế của mình đi thực tế để tận mắt tìm kiếm nguồn ý tưởng, thay vì sao chép và dán hình ảnh lên moodboard. Và khi cô lớn lên ở Macclesfield, một thị trấn trong bóng tối nông thôn của Quận Peak, được bao quanh bởi các nhà máy và xưởng sản xuất hàng dệt truyền thống của Anh, không có gì ngạc nhiên khi cô hoàn toàn cống hiến cho việc bảo tồn thủ công mỹ nghệ.
Trong suốt thời gian làm Giám đốc Sáng tạo, Sarah đã tôn vinh nghề thủ công tỉ mỉ, cho dù đó là hàng may đo chuẩn xác, hàng dệt thủ công hay hàng thêu trang trí công phu. Cô thường bắt đầu mỗi bộ sưu tập bằng cách đưa nhóm thiết kế của mình đi thực tế để tận mắt tìm kiếm nguồn ý tưởng, thay vì sao chép và dán hình ảnh lên moodboard.
Tuy nhiên, khi bắt đầu thiết kế cửa hàng, cô quyết định phải làm một điều gì đó triệt để. Trên tầng cao nhất là một số tác phẩm nguyên bản từ kho lưu trữ ngoạn mục của McQueen, được trưng bày với đầy đủ tinh thần. Họ đã tạo ra bối cảnh cho các hội thảo, mở ra quá trình sáng tạo phức tạp cho sinh viên từ khắp nước Anh – hoặc bất kỳ ai ham muốn học hỏi. Họ cung cấp không gian cho các buổi hướng dẫn cắt may, phác thảo cách xếp nếp từ Sarah và Judy Halil, người đứng đầu xưởng may của McQueen, cũng như các hội thảo vẽ chân thực do nghệ sĩ Julie Verhoeven giám sát. Vào một buổi chiều, một thế hệ những người sáng tạo non trẻ có thể học cách xoáy một miếng vải taffeta thành một bông hồng rực rỡ; mặt khác, làm thế nào để nắm bắt phom dáng của một chiếc váy hoặc cắt một chiếc áo khoác tinh tế.
Và mặc dù nó bắt đầu như là một khái niệm cửa hàng thân thiện, nó đã dần dần trở thành một sáng kiến văn hóa toàn diện. Ngay sau đó, McQueen bắt đầu quyên góp các loại vải thừa của mình cho sinh viên các trường đại học thời trang trên khắp Vương quốc Anh – giống như Lee đã làm cho Sarah – như một cách giảm lãng phí và ủng hộ thời trang upcycle của thế hệ mới. Sarah giải thích: “Đó liên quan đến việc hỗ trợ những người trẻ tuổi, những người quan trọng để giữ cho ngành của chúng tôi tồn tại. Ngày nay còn khó hơn và vào thời điểm mà tất cả chúng ta đều cảm thấy các nguồn tài nguyên quý giá phải được sử dụng đúng cách.” Và khi cô và nhóm thiết kế của mình đến thăm xứ Wales để tham gia chuyến đi nghiên cứu cho bộ sưu tập Thu Đông 2020, họ đã bắt gặp một dự án có tên là It’s called Ffasiwn, tổ chức các buổi hội thảo sáng tạo miễn phí cho trẻ em trên khắp các Thung lũng South Wales do Charlotte James và Clementine Schneidermann dẫn đầu và ghi lại qua ảnh chụp tư liệu. Họ đã làm việc cùng dự án đó trong một buổi chụp ảnh có những đứa trẻ mặc trang phục Thu Đông 2020 của McQueen, được chỉnh sửa thành thành kích thước nhỏ hơn; họ cũng tổ chức một chương trình hội thảo về casting (tuyển diễn viên), viết sáng tạo, thêu, tạo kiểu và chụp ảnh, những người tham gia có thể sử dụng nguyên vật liệu của McQueen, chỉnh sửa tác phẩm của họ và được chụp ảnh cùng với những người cùng thời.
Đây không phải là một loại sáng kiến tiếp thị được thiết kế để giành được khách hàng Thế hệ Z (Gen Z) hoặc nuôi dưỡng lòng trung thành với thương hiệu ngay từ khi còn nhỏ. Nó rất thuần túy và đơn giản. Các cuộc triển lãm bom tấn của McQueen chứng minh được rất nhiều điều, đó là việc những nhà mốt hoài nghi nhất cũng phải kinh ngạc về thương hiệu và kho lưu trữ đáng kinh ngạc. Trên thực tế, đôi khi có cảm giác như thể bản thân nó đã là một thiết chế văn hóa. Sarah nói: “Một trong những điều truyền cảm hứng nhất về dự án đó ở Wales là xem những người trẻ tuổi tham gia đã tạo ra mọi thứ cá nhân và họ có thể sáng tạo như thế nào. Tôi thực sự quan tâm đến việc tương tác với các nhà sáng tạo ở độ tuổi trẻ hơn, những người không nhất thiết phải chăm chăm muốn mình trở thành nhà thiết kế – hoặc thậm chí làm việc trong lĩnh vực thời trang – và cho họ phương tiện để thể hiện bản thân.”
Đối với nhiều người trong số họ, sự nghiệp trong lĩnh vực thời trang có vẻ xa vời, nhưng dù sao thì ý tưởng gieo mầm sáng tạo và thể hiện bản thân vẫn có sức ảnh hưởng lớn. “Ý tưởng đằng sau những gì chúng tôi đang làm là mở ra không gian đó cho họ, giải thích rằng có các nhiếp ảnh gia thời trang, nhà tạo mẫu, nhà thiết kế – rằng có những nhóm người sáng tạo lớn kết hợp với nhau để tạo nên mọi hình ảnh, mọi chương trình,” cô nói thêm. “Nó quay trở lại ý tưởng minh bạch những gì chúng tôi làm ở đây và đảm bảo rằng thế hệ trẻ có thể nhìn thấy những tiềm năng dành cho họ trong tương lai.”
Sau đó, Covid xuất hiện. Bond Street và cửa hàng McQueen bị buộc phải đóng cửa. Khi cả thế giới nhìn nhau qua màn hình máy tính, sáng kiến giáo dục của McQueen cũng vậy – và có lẽ nó cần thiết hơn bao giờ hết, vì trẻ em bị mắc kẹt ở nhà, không thể thử nghiệm với sơn và Pritt Sticks (hồ dán) trong các lớp học nghệ thuật ở trường. McQueen bắt đầu tổ chức các buổi hướng dẫn trên mạng, thiết lập một cách ngắn gọn và khuyến khích mọi người trên khắp thế giới gửi ảnh về công việc của họ. Chúng bao gồm kết xuất hoa 3D làm quần áo (một ý tưởng được khám phá lần đầu tiên trong bộ sưu tập Xuân Hè 07 ‘Sarabande’ của McQueen), hướng dẫn trên YouTube về cách ghép một bức tranh thêu ong đơn giản (một họa tiết từ BST Xuân Hè 13) hoặc một lớp học hướng dẫn việc tạo các tác phẩm chắp vá từ các vật thể có thể tìm thấy và các loại vải từ xung quanh nhà (lấy cảm hứng từ phong cách intarsia của mùa Thu Đông 2020). Đó là một cách để mọi người tham gia với sở thích chế tạo ở cấp độ thời trang cao cấp.
Sarah giải thích: “Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người làm việc với đôi tay của họ trong thời gian này và cung cấp một cơ hội sáng tạo, hỗ trợ họ học cách xếp nếp, in, may và thêu tại nhà. “Nó không chỉ nhắm vào học sinh. Đó cũng là một sáng kiến để giúp mọi người vượt qua hoàn cảnh hiện tại, tận hưởng sự thể hiện sáng tạo mà bản thân chúng tôi có đủ đặc ân để được hưởng lợi từ nó”.
Giáo dục nghệ thuật ngày càng là một đặc ân dành riêng cho một số ít người, chứ không dành cho những ai với ước mơ lớn nhưng lại không có đủ nguồn lực – chẳng hạn như Lee McQueen, người đã từ học việc cắt may trở thành một sinh viên trung cấp tại Central Saint Martins và đã không kiếm được tiền trong bước đầu lập nghiệp. Chỉ trong năm ngoái, việc cắt giảm nghiêm trọng tài trợ cho nghệ thuật đã đồng nghĩa với việc một thế hệ thanh niên, ngay từ bậc tiểu học đến đại học nghệ thuật, đã có ít cơ hội theo đuổi các nghiên cứu sáng tạo hơn. Một cuộc khảo sát của BBC cho thấy 9/10 trường trung học đã cắt giảm thời gian, nhân viên hoặc cơ sở vật chất cho ít nhất một môn nghệ thuật sáng tạo trong 5 năm qua. Một nghiên cứu sâu hơn của Tate cho thấy rằng nếu sự sụt giảm trong việc cung cấp các môn nghệ thuật ở trường trung học tiếp tục diễn ra, nhiều trẻ em có thể có ít cơ hội tham gia các môn nghệ thuật vào năm 11 tuổi.
Nói một cách thẳng thắn, như Liên minh Học tập Văn hóa, đã có sự sụt giảm 35% trong số những người trẻ tuổi ở Anh tham gia các môn nghệ thuật ở cấp độ GCSE (chứng chỉ giáo dục phổ thông trung học) trong thập kỷ qua. Chưa kể đến những chi phí không thể bỏ qua khi học tại các trường thời trang ở bậc học cao hơn. Trong thời gian giãn cách, điều đó chỉ trở nên tồi tệ hơn, những đứa trẻ có thu nhập thấp hơn học ở nhà bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở Tower Hamlets, các cộng đồng thiểu số bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm tài trợ và các môn học liên quan đến Nghệ thuật thậm chí không có trong chương trình giảng dạy tại một số trường học, điều này càng gây cản trở cho những người trẻ muốn dấn thân vào lĩnh vực sáng tạo. McQueen, về phần mình, đã hỗ trợ A-Team Arts, để tổ chức các buổi hội thảo cho những người trẻ đang học ở đó. Các thành viên của nhóm studio đã tổ chức các lớp học về in, xếp nếp và thêu, dạy từng người một về các sáng tạo trẻ trong suốt cả tuần.
Tuy nhiên, việc chính phủ không ngừng cắt giảm tài trợ cho nghệ thuật và giáo dục không chỉ là tàn nhẫn mà còn thiển cận khi coi các công việc sáng tạo là công việc ít bị ảnh hưởng nhất bởi tự động hoá. Rốt cuộc, làm thế nào một robot có thể thay thế được mọi công đoạn sáng tạo? Làm sao nó có thể đạt được vẻ đẹp đầy cảm xúc của một bản phác thảo minh họa bằng tay, được dựng rập trên giấy và tạo thành một chiếc váy làm từ vải lanh Ireland (loại vải trồng từ cây lanh hữu cơ) và được làm thủ công ở Bắc Ireland do một phụ nữ làm chủ nông trại? Nhân tiện, chiếc váy đó là kết quả của một trong những buổi hội thảo của McQueen, các bản phác thảo của sinh viên đã được phát triển thành một chiếc váy thêu do người mẫu quá cố Stella Tennant mặc trong buổi trình diễn catwalk Xuân Hè 2020 của thương hiệu. Đó là một ví dụ về nguồn cảm hứng mang tính biểu tượng. Nhóm thiết kế của McQueen tìm kiếm nguồn cảm hứng của họ trong một dự án truyền cảm hứng cho sinh viên. Tất cả các sinh viên đã được ghi nhận bằng tên cho tác phẩm nghệ thuật của họ trong các phần credit của chương trình được đặt trên mọi chỗ ngồi tại triển lãm ở Paris, cũng như các thành viên trong khắp doanh nghiệp – từ nhà báo, kế toán cho đến những thực tập sinh – những người mà Sarah cho thêu tay tên như một cách trân trọng họ tại trụ sở chính của McQueen.
Sarah cho biết: “Tình hình bây giờ trở nên khó khăn hơn rất nhiều đối với những người trẻ sáng tạo, hành động để chia sẻ nguồn lực của chúng tôi và mở rộng tầm mắt đón nhận các cơ hội đã trở thành một cam kết chính trong nội bộ công ty.” Thông thường, ở hậu trường tại các buổi biểu diễn của mình, cô vẫn đeo đệm ghim vào cổ tay và cách tiếp cận thực tế của cô đã thấm nhuần vào văn hóa doanh nghiệp toàn cầu mà cô ấy dẫn dắt.
“Chúng tôi làm việc như một nhóm tại McQueen. Nơi lợi ích tập thể luôn được đặt lên hàng đầu. Các cánh cửa luôn rộng mở giữa chúng tôi và việc chia sẻ ý tưởng là rất quan trọng” cô nói thêm. “Chúng tôi cố gắng tạo ra một môi trường nơi mọi người không ngại đưa ra ý tưởng và phá bỏ ranh giới giữa tất cả chúng ta, tạo ra một phong cách làm việc rất hòa nhập, đoàn kết.” McQueen là hãng thời trang, là ngôi nhà của sự sáng tạo. Sarah kết luận: “Có rất nhiều người đã làm việc cho công ty trong nhiều năm – ngay cả khi Lee còn ở đây – và chúng tôi thực sự hoạt động như một gia đình”. Giờ đây, nhờ cô ấy, một thế hệ sáng tạo và thợ thủ công mới cũng đang là một phần của nó.
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Nguồn: ID Vice