Phân tích thị trường thời trang nội địa: 10 yếu tố quan trọng để hồi phục thương hiệu hậu COVID-19
Ngày đăng: 04/09/20
COVID-19 mang đến nhiều thách thức lẫn cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá lại kế hoạch phát triển thương hiệu thời trang. Thị trường nội địa giờ đây có sự cạnh tranh gay gắt hơn cả khi ngày càng có nhiều thương hiệu được thiết lập, với chiến lược tiếp thị giống nhau, tính thẩm mỹ và đối tượng khách hàng cũng không có sự khác biệt quá lớn. Còn chưa kể các thương hiệu quốc tế đang gia nhập thị trường ngày càng tăng với số vốn đầu tư khổng lồ.
Nhiều doanh nghiệp thời trang nội địa đang đuối dần về doanh thu, không giữ được khách hàng thân thiế và việc tiếp thị không mang lại hiệu quả. Nếu khả quan hơn thì tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tuy vẫn còn ổn định, nhưng đang loay hoay đi tìm những giải pháp hay định hướng phát triển mới. Tuy nhiên, khó khăn về kinh tế sẽ khiến cho những kế hoạch bị đình trệ, đối sách phải thay đổi, nguồn lực cũng cần được phân bổ cẩn trọng hơn.
Chính vì thế mà bài viết này sẽ gợi mở những xu thế chuyển dịch của ngành thời trang toàn cầu, những dự toán, những chiến lược, thành tựu đáng tham khảo từ những doanh nghiệp tiên phong của thời trang nội địa.
Ngừng việc mở cửa hàng theo chuỗi
Việc mở cửa hàng theo chuỗi đã được chứng minh về tính lãng phí và vận hành kém hiệu quả ở thì hiện tại. Chính bởi lí do đó, các doanh nghiệp mới nên đầu tư vào một mặt bằng kinh doanh đẹp, thay vì là nhiều cửa hàng nhỏ tản mác ở nhiều khu vực (ở cùng một thành phố) với mong muốn chiếm được thị phần tại khu vực đó.
5 cửa hàng nhỏ sẽ không đem tới doanh thu, hiệu quả hoạt động và tiềm năng phát triển bằng chỉ 1 cửa hàng lớn ở vị trí đắc địa, nhất là khi thương hiệu đó chỉ là doanh nghiệp mới, bởi vì các yếu tố sau:
Tính nhận diện: Nếu ở vị thế đẹp, các thương hiệu nên đầu tư xây dựng đây là một cửa hàng flagship store, đại diện cho giá trị thương hiệu, tính thẩm mỹ và truyền cảm hứng về thời trang lẫn phong cách sống tới cho khách hàng ghé thăm. Một cửa hàng tại một vị thế trọng điểm cũng có giá trị lâu dài trong việc thu hút các đối tượng khách hàng vãng lai, vốn chưa biết tới thương hiệu. Đây là tiềm năng không thể dự đoán chuẩn xác được từ đầu khi đầu tư vào mặt bằng kinh doanh.
Tính kết nối: Việc chỉ có một cửa hàng đại diện giúp đẩy mạnh yếu tố duy nhất và nếu thật sự cảm thấy yêu thích sản phẩm và chất lượng dịch vụ của thương hiệu, khách hàng sẽ phải dành thời gian và công sức để đến mua sắm tại cửa hàng. Điều này tạo nên sự gắn kết ở mức độ thân mật giữa thương hiệu. Yếu tố duy nhất cũng góp phần làm gia tăng ham thích của khách hàng khi nói đến sự trải nghiệm và mong muốn kết nối của họ với doanh nghiệp.
Tính hiệu quả trong đầu tư: Những chi phí khác phát sinh trong quá trình vận hành và kiểm soát cả 5 chuỗi cửa hàng về nhân lực, thuế, sửa chữa và bảo trì… cũng là tâm thế cần chuẩn bị mà doanh nghiệp cần phải có. Vậy tại sao không chỉ tập trung tiềm lực vào một cửa hàng trọng điểm duy nhất ở vị trí đắc địa, tuy cũng sẽ tốn kém tương đương nhưng lại hiệu quả và bớt rủi ro hơn?
Tính vận hành hiệu quả: một cửa hàng duy nhất sẽ làm gia tăng tính hiệu quả của việc vận hành bởi sự kết nối mật thiết giữa bộ phận quản lý và nhân viên bán hàng. Vận hành hiệu quả còn đến trong việc quản lý nhân sự lắng nghe chuyên tâm vào nguyện vọng và yêu cầu của nhân viên kinh doanh, bán hàng để có phương cách quản lý, hỗ trợ hiệu quả hơn trong tương lai. Góp phần xây dựng một hệ thống nhân lực trung tín, giàu kinh nghiệm và có độ tín nhiệm được gia tăng thêm hơn theo thời gian.
Tính rủi ro: như tranh chấp quyền lợi hợp đồng, cạnh tranh khách hàng, cạnh tranh về không gian kinh doanh không thuộc phần quản lý, sức ép từ chính quyền như quản lý đô thị, quản lý trật tự an ninh… sẽ được giảm thiểu tối đa, bởi doanh nghiệp chỉ phải lo nghĩ về một cửa hàng duy nhất, thay vì mở quá nhiều chuỗi cửa hàng.
Nhận thức đúng về Influencer marketing – tiếp thị cùng người nổi tiếng
Influencer Marketing giờ là một khía cạnh được quan tâm rất lớn bởi các doanh nghiệp thời trang, khi là một nhân tố chủ chốt của hệ sinh thái truyền thông. Tiếp thị cùng người nổi tiếng cũng cần phải có mục tiêu định rõ, bài bản và có chọn lọc, bởi tính hiệu quả của công cụ marketing này sẽ cần phải được nhìn nhận, đánh giá về lâu dài, chứ không phải nhất thời hay ngắn hạn.
Influencer Marketing không đơn thuần chỉ là một công cụ tiếp thị như chạy quảng cáo, bởi tùy thuộc vào mục đích đề ra của thương hiệu (tăng độ nhận diện, phủ sóng của chiến dịch truyền thông, chuyển hóa thành sale, tiếp cận khách hàng mới…) mà doanh nghiệp sẽ cần đến những sự lựa chọn và chiến lược khác nhau. Ở từng mức độ khác nhau thì các influencer cũng có những tác động cốt yếu khác nhau.
Phân tầng và mục đích hợp tác của influencer đã được định rõ: macro influencer để củng cố giá trị và nhận diện của thương hiệu; mid influencer để truyền tải thông điệp, câu chuyện mà thương hiệu đang xây dựng; micro influencer để chuyển hóa thành doanh thu và nano influencer để tiếp cận với các khách hàng tiềm năng mới.
Các thương hiệu nên thực hành phương pháp tiếp cận theo hai hướng. Một hướng ứng dụng các hình thức hợp tác duy-chỉ-một-lần để tiếp thị những sản phẩm, dịch vụ mới và đánh giá tiềm năng hợp tác. Một hướng khác là duy trì sự liên kết với một nhóm các influencer mà thương hiệu đã duy trì sự hợp tác lâu dài trên nhiều phương tiện và các giai đoạn phát triển khác nhau trước đây.
Khi hợp tác lâu dài, thương hiệu cũng nên khai triển những kế hoạch dài hạn để dần dần khai thác hết được tất cả lợi ích khi tiếp thị cùng người nổi tiếng, bằng việc lên nội dung, sản xuất hình ảnh, tổ chức các hoạt động, kêu gọi sự tham gia từ người theo dõi influencer… đều là những kế hoạch sẽ cần đến thời gian để vận hành.
Để tối ưu hóa nền tảng tiếp thị với người nổi tiếng thì tốt hơn hết là doanh nghiệp vẫn cần có nguồn nhân lực nội bộ (như community leader/ influencer management/ influencer marketing specialist) để làm việc trực tiếp, sâu sát và thân cận với tất cả các influencer mà thương hiệu đã gầy công xây dựng mối quan hệ thân thiết. Việc có đội ngũ nội bộ chuyên trách về lĩnh vực này sẽ tốt về chi phí, lẫn hiệu quả hơn về sự phát triển lâu dài của thương hiệu hơn là khi hợp tác với các agency, công ty dịch vụ bên ngoài.
Tiếp thị thông minh, sáng tạo hơn
Thời trang vốn dĩ là sản phẩm để phục vụ thiết yếu cho nhu cầu tinh thần của con người. Nếu không phải mang giá trị tinh thần, nhu cầu ăn mặc của mỗi người sẽ đơn giản hơn rất nhiều. COVID-19 đã khiến cho sự thật này được nhìn nhận một cách rõ ràng nhất. Chiến lược truyền thông hay tiếp thị cũng vì thế mà cần đánh giá lại những góc độ lẫn tư duy thực tiễn để khai triển đúng đắn, hòa hợp với tâm lý và nhận thức của khách hàng.
Tiếp thị thông minh hơn cũng chính là để loại bỏ sự nhàm chán và rập khuôn thường thấy ở những thương hiệu thời trang lâu năm. Chu kỳ ra bộ sưu tập mới, ra mắt lookbook, chạy quảng cáo, chia sẻ hình ảnh feedback, sale cuối mùa, hợp tác với các doanh nghiệp khác để tiếp cận tệp khác hàng của nhau… đã trở thành một hành vi tiếp thị thụ động, thiếu sáng tạo, quá phổ biến hiện nay. Chính điều này khiến cho thương hiệu không có bản sắc thương hiệu hay nhận diện nổi bật giữa thị trường có quá nhiều sự cạnh tranh. Nếu sản phẩm cũng không nổi trội thì thương hiệu sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa trong việc phát triển.
Nhiều thương hiệu thời trang nội địa nhắm vào nhóm đối tượng khách hàng trẻ bằng những chất liệu tiếp thị sáng tạo, độc đáo, như những đoạn phim giới thiệu tinh thần chủ đạo, họa tiết chính yếu của bộ sưu tập mới. Tiếp thị bằng video với hình ảnh được đầu tư kỹ lưỡng cho thấy giá trị thương hiệu và tinh thần truyền tải của bộ sưu tập, từ đó khiến cho các khách hàng cảm nhận được yếu tố tinh thần được nuôi dưỡng của thương hiệu và có thể gắn kết cảm xúc cùng với nó. Sự gắn kết cảm xúc có lẽ là điều mà bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần phải mưu cầu trong quá trình tiếp thị sản phẩm.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thời trang quốc tế cũng đồng thời tìm kiếm và hợp tác cùng những brand ambassador (đại diện thương hiệu) là những người có cảm thụ thời trang, phù hợp với tinh thần, phong cách mà thương hiệu muốn xây dựng. Cùng với sự gắn kết và hợp tác lâu dài từ brand ambassador, các thương hiệu sẽ tạo ra được những cuộc đối thoại mang tính gần gũi, đáng giá và dễ để chuyển hóa thành doanh thu.
Brand ambassador sẽ khác biệt với influencer ở điểm: brand ambassador không phải là người có sức ảnh hưởng quá sâu sắc như influencer. Họ chỉ là những khách hàng thông thường như những khách hàng khác của thương hiệu. Ở họ có sự yêu chuộng và đồng hành lâu dài cùng thương hiệu, nên từ đó mà kinh phí để duy trì sự gắn kết giữa hai bên có thể là bằng sản phẩm hay những ưu đãi tốt nhất mà thương hiệu có thể dành cho những khách hàng thông thường.
Brand ambassador sẽ tạo ra các cuộc đối thoại mang tính tích cực với các thành viên trong cộng đồng của họ, tạo thành các kênh “Earned media” hợp lệ, ít tốn kém nhưng có giá trị lâu dài đối với thương hiệu, miễn là các brand ambassador cảm thấy hài lòng với sự hợp tác, cũng như tiếp tục dành nhiều sự ủng hộ, yêu mến cho thương hiệu.
Nắm bắt xu thế chuyển dịch của thị trường thời trang
Theo các dự đoán của các chuyên gia trong ngành, fast fashion sẽ có tốc độ tăng trưởng suy giảm đến tận 24% trong vòng 5 năm tới, nhường thị phần cho thời trang bền vững, resale và dịch vụ rental (thuê quần áo). Những dự kiện được phân tích này rất đáng tin cậy và cần được nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc từ các chủ doanh nghiệp.
Suy ra, doanh nghiệp thời trang nội địa không chỉ phải cạnh tranh với thời trang quốc tế, mặt hàng xa xỉ, hay các đối thủ kinh doanh khác đang cùng chia sẻ thị phần, mà giờ đây còn phải để tâm đến sự phát triển nhanh chóng của thị trường thời trang resale, thời trang bền vững lẫn dịch vụ rental (tuy còn mới ở thị trường Việt Nam nhưng sẽ sớm có những doanh nghiệp startup nắm bắt được xu thế này). Chính vì có nhiều sự cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết nên các chủ doanh nghiệp thời trang cần phải định rõ đây là thời điểm thích hợp nhất để khai triển những kế sách nhằm thay đổi định hướng phát triển.
Về đối tượng khách hàng trong các năm sắp tới của doanh nghiệp thời trang sẽ là người trẻ thuộc thế hệ Millennial và Gen Z. Nhận định về Gen Z và late-Millennial sẽ là thế hệ người trẻ rất thích trưng diện và khẳng định bản thân thông qua các nền tảng mạng xã hội. Người trẻ thuộc lớp này lớn lên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Facebook, Instagram, Tiktok, Snapchat… Với nhu cầu thể hiện bản thân thông qua thời trang, thế hệ này cũng là thế hệ được định hướng và truyền thụ tư tưởng thời trang bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vô cùng mạnh mẽ. Điều này gây sức ảnh hưởng rất lớn đối với quyết định tiêu dùng mặt hàng thời trang của họ.
Những thương hiệu thời trang nhanh Forever21, Topshop, H&M hay thậm chí là Zara giờ chỉ còn thịnh hành và là điểm đến mua sắm của thế hệ đi trước Gen Z. Đối với Gen Z, việc mua sắm các mặt hàng second-hand hay tìm đến dịch vụ thuê quần áo là một điều rất phổ biến. Đây sẽ là một thói quen được phát triển theo thời gian cho đến khi họ có khả năng chi trả cho những mặt hàng thời trang cao cấp để khẳng định bản thân.
Nhận thức về thời trang bền vững
Ngày càng nhiều doanh nghiệp thời trang lớn trên thế giới đứng ra chiến tuyến trong việc chuyển mình thành thương hiệu thời trang bền vững, nổi bật trong đó là Burberry, Reformation, Colovos, Gucci (Jane Fonda và Emma Watson – hai nhân tố ủng hộ thời trang bền vững đều gia nhập tập đoàn Kering để giới thiệu bộ sưu tập bền vững của Gucci trong thời gian tới).
Thời trang bền vững khi được nhắc đến trong các bài viết chuyên đề, hay phân tích kỹ lưỡng thì dường như trở thành một khái niệm khó để nắm bắt hay cam kết thực hiện bởi các thương hiệu thời trang nhanh. Thực chất chỉ có ba yếu tố chính yếu nhất mà một thương hiệu cần cam kết để giúp ích cho môi trường sống của nhân loại trong tương lai: chú trọng vào chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, trả công xứng đáng cho nguồn nhân công lao động.
Chú trọng vào chất lượng sản phẩm và giúp giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường sẽ hoàn toàn nằm ở khâu lựa chọn chất liệu sản xuất. Nếu doanh nghiệp chọn lựa nguồn chất liệu bền vững (độ bền cao), thân thiện với môi trường, tính năng được đề cao, dễ dàng tái chế thì sản phẩm làm ra chắc chắn sẽ đáp ứng được hai điều kiện kể trên. Vậy nên việc hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp cung ứng chất liệu tốt sẽ là sự lựa chọn tối ưu hơn là các loại chất liệu rẻ tiền, kém bền chắc. Tại thị trường Việt Nam thì Faslink là đơn vị uy tín trong việc cung ứng chất liệu vải tân tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường mà các doanh nghiệp cần quan tâm.
Các doanh nghiệp nên sớm khai triển và chuyển mình thành mô hình doanh nghiệp bền vững, có nhận thức tốt về vấn đề bảo vệ môi trường sống của con người; bởi đây đã không còn là xu thế đơn thuần của ngành thời trang nữa, mà nó là một giải pháp, một hướng đi cần thiết, một bài toán kinh doanh, mà không sớm thì muộn sẽ loại bỏ những kẻ đứng ngoài cuộc cách mạng xanh này của ngành thời trang toàn cầu.
Tạo ra sức ảnh hưởng cùng công nghệ hiện đại
Trong chiến lược tiếp thị, sản phẩm vẫn sẽ luôn là trọng tâm của việc kinh doanh và việc đi tìm unique selling point (điểm thu hút độc nhất) của sản phẩm sẽ chính là giải pháp giúp thương hiệu được nhắc nhớ đến nhiều nhất. Đơn cử, nếu tất cả các thương hiệu thời trang đều bán áo tee-shirt thì phải làm sao để trở nên thu hút và độc đáo hơn hẳn?
Thương hiệu thời trang nội địa UNIQ ra đời từ 2012 với tôn chỉ #BeUNIQ – mọi thiết kế đều hướng tới trải nghiệm mang bản sắc cá nhân, tự do và độc nhất của chính khách hàng. Có cửa hàng nằm ở The New PlayGound (Quận 1) và đi theo phong cách thiết kế dành cho giới trẻ, UNIQ đã phát kiến ra các loại áo thun có in họa tiết graphic độc quyền, kết hợp cùng công nghệ AR được tích hợp trong ứng dụng điện thoại để đem đến một trải nghiệm sống động cho người mặc.
Thời trang kết hợp với công nghệ tân tiến đã và đang tạo ra sức ảnh hưởng nhất định đối với người trẻ, nhóm khách hàng thuộc Gen-Z và Milennials. Trang phục thực tế ảo, sàn diễn thời trang 3D, tiện ích công nghệ giúp nâng tầm sự trải nghiệm của khách hàng đối với sản phẩm thời trang là những công cụ tiếp thị được chú trọng đầu tư, khai thác trong thời điểm dạo gần đây bởi nhiều doanh nghiệp thời trang lớn trên thế giới, với những kết quả khả quan, tích cực, đáng khích lệ.
Thương hiệu UNIQ cũng vừa mới đây cho ra mắt filter AR trên kênh Instagram của mình để người theo dõi có thể trải nghiệm filter này trong chế độ story cá nhân và đăng tải lại nó. Đây hiển nhiên là một bước tiến tiệm cận được với xu thế của thời trang thế giới, khi mà có rất nhiều thương hiệu thời trang quốc tế cũng đang khai thác tính năng filter của Instagram để giới thiệu sản phẩm mới như Jacquemus, Dior, Louis Vuitton, Gucci…
Tìm kiếm cơ hội ở thị trường khác trong khu vực
Xuất khẩu quần áo sang các nước khác trong khu vực dường như là một bài toán chỉ áp dụng được cho các thương hiệu thời trang nội địa đã vận hành lâu năm. Thực tế, vẫn có những cách thức để khiến cho những doanh nghiệp thời trang nhập khẩu ở thị trường nước ngoài biết tới thương hiệu của bạn. Cách đơn giản nhất là chạy quảng cáo trên mạng xã hội và đặt mục tiêu là là các khu vực mà doanh nghiệp cảm thấy có tiềm năng thương mại tốt. Vai trò của doanh nghiệp sẽ là bị động cho đến khi có những lời mời giao thương của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đến từ các nước khác.
Rất có thể sản phẩm xuất khẩu qua thị trường nước ngoài sẽ không theo hình thức nhượng quyền thương hiệu mà chỉ đơn thuần là giao dịch thương mại thông thường. Nhãn mác của thương hiệu có thể sẽ bị thay thế hoặc loại bỏ trước khi đến được tay người tiêu dùng ở thị trường đó.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý về những vấn đề liên quan văn hóa, phong cách sống, dáng người của người bản địa ở khu vực được lựa chọn làm đối tượng của quảng cáo. Để tối ưu hóa việc sản xuất thì việc lựa chọn thị trường xuất khẩu là điều cần thiết. Khi đó doanh nghiệp sẽ không phải tốn quá nhiều công sức để sửa lại size áo quần cho phù hợp với vóc dáng người bản địa, hay lo lắng rằng phong cách định sẵn của bộ sưu tập sẽ không được đón nhận bởi thị trường mới. Những thị trường thời trang trong khu vực châu Á mà các doanh nghiệp thời trang Việt Nam có thể dễ dàng giao thương là Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Singapore.
Bên cạnh việc chạy quảng cáo trên mạng xã hội để tìm kiếm những đơn đặt hàng từ nước ngoài thì Alibaba, Aliexpress, SheIn cũng là những trang thương mại lớn mà các doanh nghiệp thời trang Việt Nam nên tìm hiểu và cân nhắc việc quảng cáo sản phẩm. Khá nhiều boutique quần áo, kinh doanh thời trang tìm kiếm nguồn hàng thời trang từ các nước khác trên hai trang này.
Các doanh nghiệp thời trang có thể thông qua một bên thứ ba cung ứng các dịch vụ, giải pháp để tối ưu hóa gian hàng trực tuyến của thương hiệu trên các trang Alibaba hay Aliexpress. Lúc đó nhiệm vụ của doanh nghiệp chỉ là đảm bảo đủ số lượng sản phẩm cung ứng cho các đơn hàng trực tuyến được xác nhận thành công trên đấy.
Thể nghiệm phong cách thiết kế mới
Nếu đã xác định được nhóm đối tượng khách hàng và phong cách mang bản sắc thương hiệu thì có lẽ rất nhiều doanh nghiệp sẽ cảm thấy đắn đo hay không khả quan trong việc thay đổi phong cách thiết kế. Nhưng liệu việc thay đổi phong cách thiết kế sẽ khiến cho các khách hàng thân thiết cảm thấy không còn tín nhiệm hay ưa chuộng thương hiệu có thật sự là nhận định đúng hay không thì phải xem lại; bởi lý do mà khách hàng thân thiết, khách hàng lâu năm không còn hứng thú với thương hiệu sẽ không bị tác động quá lớn bởi việc thay đổi phong cách thiết kế thường thấy của thương hiệu.
Tuy là vậy, để dễ dàng hơn thì thương hiệu có thể từ từ tạo ra sự thay đổi theo một cách từ tốn, bằng việc vẫn duy trì các mẫu thiết kế mang bản sắc thương hiệu trước đây và nhường chỗ cho một vài thiết kế thể nghiệm mang tinh thần, phong cách mới mẻ, sau đó chờ xem khách hàng đón nhận thế nào; qua đó mà thương hiệu cũng sẽ có thời gian để khắc phục hay tiếp nhận những ý kiến đóng góp từ khách hàng để cải tiến hơn mẫu mã, phom dáng và thẩm mỹ.
Sự thay đổi phong cách thiết kế mới là điều không có gì lạ đối với ngành thời trang của thế giới, nhất là đối với các thương hiệu thời trang xa xỉ khi các giám đốc sáng tạo gắn bó với một thương hiệu một vài năm và sau đó lại chuyển sang một thương hiệu khác. Tư duy thiết kế của họ cũng từ đó mà được tái lập hay xóa bỏ, nhường chỗ cho những tinh thần mới mẻ hơn bởi người tiếp quản mới. Thường thì sự thay đổi sẽ luôn vấp phải những sự tranh cãi, nhưng tình hình kinh doanh lại khả quan và đáng mừng vui hơn cả. Điển hình nhất chính là trường hợp “cải cách thành công” của Maria Chiuri khi đầu quân cho Dior và Alessandro Michele với Gucci.
Tìm kiếm nhà đầu tư để phát triển
Tìm kiếm nhà đầu tư để phát triển thương hiệu thời trang là một điều tưởng chừng xa vời. Có lẽ là thế nếu như doanh nghiệp chỉ đi theo hình thức là một thương hiệu thời trang nhanh mà không hề tạo dựng được giá trị, bản sắc riêng hay có cống hiến gì cho xã hội, cho chất lượng cuộc sống con người.
Thời trang bền vững, rental hay resale mặt hàng thời trang với tiềm lực phát triển mạnh mẽ trong các năm sắp tới, cộng với những giá trị tích cực mà nó đem lại sẽ giúp cho các nhà đầu tư dễ cân nhắc hơn trong việc đầu tư, nhất là khi doanh nghiệp đang có những ý tưởng đột phát, táo bạo, tích cực hơn trong cách tiếp thị và truyền tải thông điệp sáng tạo, thẩm mỹ nhưng nhân văn, gần gũi của thời trang.
Để tìm kiếm được các nhà đầu tư thì bản thân chủ doanh nghiệp phải thường xuyên tham dự các hội thảo kinh tế, hội thảo doanh nghiệp để mở rộng mạng lưới kết nối của mình, hay là các trang web chuyên biệt (như AngleList) để kết nối với các nhà đầu tư trực tuyến. Có những kiểu đầu tư khác nhau như đầu tư tư nhân (PE), đầu tư mạo hiểm (VC), đầu tư thiên thần (như các Shark trong Shark Tank vậy) mà chủ doanh nghiệp nên tham vấn và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, việc kêu gọi vốn cộng đồng (crow-fund) cũng có cơ may xảy ra nếu như ý tưởng kinh doanh hay câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp thật sự có những ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Kickstarter, GoFundMe và Indiegogo là những trang uy tín, phổ biến để gọi vốn cộng đồng.
Việc cân nhắc theo dõi hay hoạt động tích cực trên các trang mạng cộng đồng như Quora, Linkedin… nơi mà các nhà đầu tư có tài khoản chính thức và tham gia vào các hoạt động của họ để giành được sự nhận diện hay tạo ra những cuộc đối thoại để có được sự quan tâm từ họ cũng là một cách thức thông minh.
E-commerce và M-commerce
Nhiều thương hiệu thời trang nội địa vẫn xem các kênh mạng xã hội (MXH) như Facebook, Instagram là các kênh bán hàng chính của doanh nghiệp. Tính tiện lợi và nhanh chóng của MXH là không thể phủ nhận, tuy nhiên, những dữ liệu và thông tin của khách hàng sẽ không được tổng hợp hay tận dụng hết tiềm lực của nó trong việc phát triển thương hiệu.
Thêm vào đó, các thương hiệu nên tự nhắc nhở bản thân rằng doanh nghiệp không toàn quyền sở hữu tất cả nội dung, tài nguyên của mình một khi đã đăng tải trên MXH, và tất cả dữ liệu, thông tin, hình ảnh… hoàn toàn có thể bị mất nếu không được sao lưu hay đồng bộ hóa một cách chuyên nghiệp.
Để dễ hình dung thì hãy mường tượng rằng doanh nghiệp đang sử dụng MIỄN PHÍ một nền tảng chia sẻ thông tin và kết nối cộng đồng để tiếp thị cho doanh nghiệp cá nhân; và thường cái gì miễn phí cũng đều có cái giá của riêng nó, khi chính tệp dữ liệu khách hàng của doanh nghiệp không được tận dụng bởi doanh nghiệp, mà lại được khai thác và sử dụng bởi chính những công ty thiết lập nên trang mạng xã hội đó là Facebook Inc (Instagram đã cũng đã thuộc quyền sở hữu của Facebook).
Vậy việc sở hữu e-commerce (hay m-commerce) sẽ có ích lợi gì cụ thể?
1. E-commerce là một kênh giao thương hữu hiệu; rất nhiều doanh nghiệp vẫn trụ vững được giai đoạn COVID-19 là nhờ thương mại trực tuyến. Tất cả mọi thông tin sản phẩm, hình ảnh quảng cáo, tài nguyên, tiện ích khi mua sắm được đồng thời tích hợp trên một địa chỉ trang web chính thức cũng doanh nghiệp, khiến cho việc mua sắm của khách hàng và xử lý đơn hàng của doanh nghiệp trở nên minh bạch, chuyên nghiệp, thuận tiện hơn.
2. E-commerce với giao diện chuyên nghiệp, sẽ phần nào thể hiện được thẩm mỹ, nhân diện của thương hiệu trên thị trường thời trang nội địa và giúp nâng cao sự tín nhiệm của khách hàng dành cho doanh nghiệp. Social media chỉ nên là một nơi để chia sẻ tài nguyên tiếp thị đơn thuần, và để khách hàng tương tác, nắm bắt những gì chính yếu mà thương hiệu đang muốn truyền tải, chứ không phải là nơi để giao thương trực tuyến.
3. E-commerce, nếu được đầu tư bài bản, có quy trình và kỹ thuật, sẽ giúp doanh nghiệp thu thập được dữ liệu quý giá từ khách hàng; chẳng hạn nhu cầu, sở thích, màu sắc, họa tiết, kích thước phổ biến, chi tiết thiết kế, phản hồi hay góp ý từ chính khách hàng về dịch vụ và sản phẩm của doanh nghiệp. Tất cả những tài nguyên này sẽ giúp ích rất lớn để thương hiệu duy trì những sản phẩm/ dịch vụ được khách hàng tín nhiệm, yêu thích, nhưng cũng đồng thời phát kiến thêm nhiều sáng tạo mới mẻ để giúp làm mới thương hiệu và tiếp cận được với khách hàng mới.
4. E-commerce cũng nên được xây dựng là nơi để truyền cảm hứng cho người theo dõi, bằng những thông tin, kiến thức hữu ích được chắt lọc, giám tuyển và sản xuất được đầu tư hợp lý. Đây là cách để thương hiệu thời trang nội địa thật sự nâng tầm và giá trị của thương hiệu lên một cấp độ mới, thay vì những lời tiếp thị, thông tin mang tính sáo rỗng, bị hạn chế hay dễ dàng lặp lại khi đăng tải trên MXH.
5. E-commerce hiện nay có những tính năng, tiện ích được phát triển cho các doanh nghiệp thời trang trong việc tổng hợp được những sở thích ăn mặc, chi tiết thiết kế trên trang phục, tâm lý tiêu dùng của đại đa số khách hàng để tạo ra thuật toán và đưa ra những gợi ý sản phẩm thích hợp đúng với nhu cầu của khách hàng. Tiện ích này sẽ rất hữu dụng đối với những doanh nghiệp thời trang lâu năm, có nhiều mẫu mã thiết kế.
Tiện ích này cũng sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc gợi ý cho khách hàng những sản phẩm đã qua mùa, tồn kho nhưng phù hợp với nhu cầu hiện tại của họ, mà không cần đến nhân lực phải ghi nhớ hay tốn công đối soát những sản phẩm cũ. Những tiện ích nổi bật hiện nay như Taxonomy, Psykhe – trí thông minh nhân tạo ứng dụng trên e-commerce đang được thử nghiệm rộng rãi bởi rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ thời trang như Farfetch, Nordstrom, Rebag… và được giới thiệu bởi các trang tin công nghệ thời trang lớn, trong đó Vogue Business.
*bài viết chuyên đề này hoàn toàn mang nhận định, kinh nghiệm, kiến thức và tư duy thực tiễn của tác giả.
Thực hiện: Fellini Rose