Yohji Yamamoto – Bậc thầy của sự chỉn chu trong thời trang
Ngày đăng: 08/11/20
Hơn bốn thập kỷ qua, nhà thiết kế người Nhật Yohji Yamamoto đã tạo nên những bộ trang phục bất tuân quy tắc. Khi mà thời trang bắt đầu trở nên phóng khoáng hơn bao giờ hết, tầm nhìn và sự cống hiến ấy đã có sức ảnh hưởng vô cùng lâu dài.
Sự phản thời trang, chống xu hướng ấy có lẽ khởi nguồn từ buổi trình diễn đầu tiên của ông tại Paris năm 1981. Vào thời điểm mà các nhà thiết kế trang phục nữ của châu Âu đề cao những đường cắt tạo ảo giác mảnh mai hoặc làm nổi bật những đường cong trên cơ thể, Yamamoto đã phủ lên cơ thể người phụ nữ tấm vải sẫm màu và tạo hình theo một cách bất chấp xu hướng và chuẩn mực thị giác trong thời trang. Mọi thứ ông ấy đã tạo ra vẫn tiếp tục dòng chảy của chính nó – để tách biệt khỏi những lý tưởng của thời trang.
Ông là thành viên trong nhóm các nhà thiết kế Nhật Bản đã tạo nên tiếng vang tại lục địa già bên cạnh Kenzo Takada quá cố, Issey Miyake và Rei Kawakubo. Tuy nhiên, công việc của ông rất khác biệt so với những gì nó được thể hiện.
Yohji Yamamoto sinh năm 1943 tại Tokyo và tiếp xúc với thời trang lần đầu tiên thông qua mẹ của ông. Bà là một thợ may trong thành phố. Sau đó, ông tốt nghiệp cử nhân ngành luật của đại học Keio vào năm 1966. Nhưng Yohji Yamamoto lại quyết định theo đuổi thời trang. Điều này vấp phải sự phản đối của mẹ ông. Trong khi trước đó, bà từng cho phép ông phụ giúp tại cửa hàng của bà, nơi Yohji Yamamoto học cách may vá từ những người phụ tá.
Sau đó, ông theo học trường Cao đẳng Thời trang Bunka (Kenzo Takada và Junya Watanabe cũng từng học tại đây). Ông tốt nghiệp và giành được học bổng trao đổi kéo dài một năm tại Paris. Đỉnh điểm là khi Yohji Yamamoto giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của mình tại Tokyo vào năm 1977.
Mặc dù phải chịu sự phản đối gay gắt từ cha mẹ đối với quyết định theo đuổi thời trang, ông vẫn khuyến khích con gái mình, Limi, trở thành một nhà thiết kế thời trang. “Nhưng tôi tự hỏi liệu đó có phải một sự lựa chọn đúng đắn cho con bé với tư cách một phụ huynh hay không,” Yohji Yamamoto nói. “Ngay thời điểm bạn quyết định trở thành gì đó, phải kiếm sống bằng bất cứ công việc hoặc hình thức nào, nó giống như bạn rơi xuống địa ngục vậy.” Ông thừa nhận rằng ngày cả bản thân ông cũng không chắc rằng thời trang là con đường để thành công. Năm 2000, Limi ra mắt nhãn hiệu Limi Feu, một nhánh của thương hiệu Yohji Yamamoto. Các thiết kế của cô kế thừa biểu tượng đen tối của Yamamoto, sử dụng cách xếp nếp và sự bất đối xứng đi ngược lại các quy ước về trang phục nữ. “Tôi đã nói với con gái mình khi con bé ra mắt, “Chào mừng đến với địa ngục.” ông nói.
Dưới thương hiệu mang tên mình, ông còn có các thương hiệu nhỏ khác. Trong số đó, dòng chính Yohji Yamamoto và Y’s được biết đến nhiều nhất và có lượng người hâm mộ lớn nhất. Còn Y-3 là một dòng hợp tác giữa gã khổng lồ Adidas, được ca ngợi như kiểu mẫu của việc một nhà thiết kế thời trang cao cấp mang đến sản phẩm cho nhiều đối tượng hơn thông qua sự hợp tác với một thương hiệu bình dân. Y-3 được ra đời từ quyết định tự phát của ông khi liên hệ Adidas để được phép sử dụng họa tiết kẻ sọc trong bộ sưu tập Thu-Đông 2000-2001 của ông. Dù Yohji Yamamoto biết chắc rằng thương hiệu sẽ từ chối. Nhưng kỳ lạ thay, Adidas đã đồng ý và sự hợp tác thành công càng thắt chặt mối quan hệ đối tác ấy. Sau đó, Y-3 ra đời như một phân nhánh trong các dòng thể thao của Adidas. Nhãn hiệu này tiếp tục tồn tại và thường xuyên sản xuất những bộ quần áo thể thao truyền thống và thời trang. Nó cũng truyền cảm hứng cho vô số sự hợp tác thời trang cao cấp khác hiện đang diễn ra liên tục trong ngành.
Ông còn mạo hiểm bước vào lĩnh vực thiết kế phục trang. Bắt đầu từ các vở diễn opera, ông lần đầu tiên may trang phục cho các tác phẩm ở nước ngoài – “Madame Butterfly” của Nhà hát Opera Quốc gia Lyon vào năm 1990, “Tristan và Isolde” của Wagner Opera vào năm 1993 – và sau đó, trở lại Nhật Bản cho Lễ hội Nghệ thuật Kanagawa Opera’s “Susanoo” năm 1994 và “Life” của Ryuichi Sakamoto năm 1999.
Ông cũng chuyển sang môn nghệ thuật điện ảnh với việc làm trang phục cho các bộ phim và hợp tác với nhà làm phim Takeshi Kitano để thiết kế quần áo cho các tác phẩm của Kitano như “Brother” (2000) và “Dolls” (2002). Khi được hỏi liệu việc thiết kế trang phục cho phim ảnh và thiết kế thời trang mà ông hay làm có gì khác nhau không, ông đã giải thích rằng: ” Có những nhân vật có tính cách khác nhau trong phim, sẽ không thành vấn đề nếu tất cả họ đều mặc quần áo theo phong cách Yohji Yamamoto. Trên thực tế, một bộ phim không nhất thiết phải có trang phục nổi bật. Vì vậy, việc tôi phải làm ngược lại hoàn toàn so với những gì tôi thường làm trong thiết kế rất khó khăn.”
“Tôi chưa bao giờ may quần áo cho đối tượng cụ thể trước đây,” Yohji Yamamoto khẳng định, một tuyên bố hiển nhiên trong cách ông thoát khỏi những quan điểm chính thống, thách thức tính thẩm mỹ và chính trị của mọi thời đại mà ông đã tham gia. Hầu hết các nhà thiết kế và thương hiệu thời trang liên tục thích ứng với thị hiếu của người tiêu dùng và thời đại, ngay cả khi họ dường như ủng hộ sự phản văn hóa với những câu chuyện chống lại những quan niệm truyền thống về chủng tộc, giới tính và bản sắc như một xu hướng. Trong khi đó, Yohji Yamamoto đã tạo ra một tầm nhìn của riêng mình ngay từ đầu, và sự độc đáo ấy đã mang lại cho ông một ảnh hưởng vẫn còn mạnh mẽ và phù hợp cho đến tận ngày nay.
Cốt lõi của tầm ảnh hưởng này nằm trong thiết kế của Yohji Yamamoto, được thể hiện rõ nhất bằng sự phức tạp thông qua kỹ thuật. Các đường cắt và trang trí có vẻ hỗn loạn, nhưng khi xem xét kỹ lưỡng, nó thực sự rất thông minh và vô cùng chi tiết. Cách xếp nếp và thử nghiệm với tỷ lệ đạt mức bậc thầy của ông đã xóa nhòa lằn ranh giữa nữ tính và nam tính, đẹp và xấu, thanh lịch và bần hèn. Những thứ vốn đã trở nên cố hủ trong thời trang Tây phương.
Yohji Yamamoto – Bậc thầy của sự chỉn chu trong thời trang
Bên cạnh kỹ thuật, thông điệp chính là linh hồn của sản phẩm. Bộ sưu tập trang phục nam giới mới nhất với chủ đạo là áo khoác ngoài và áo chẽn quân đội; gam màu tối được tạo điểm nhấn bởi một số màu đỏ tươi và trắng; các bản in với khẩu hiệu thời hậu tận thế như “Hãy giao phó cho những chiến binh tham gia cuộc chiến từ thế giới hỗn loạn này với tương lai.” Các nút áo trên chiếc áo chẽn dài đến đầu gối là cách Yamamoto nói rằng “Tôi đang quan sát những gì đang xảy ra trên thế giới và tương lai,” trong khi khẩu hiệu mà anh ấy vẽ trên tay áo – “Trái đất là màu xanh lam” – ám chỉ đến biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái cũng như Covid-19 và tác động tàn phá của bản ngã con người.
Mặc dù thế giới đã thay đổi, đặc biệt là trong năm nay, Yohji Yamamoto vẫn không thay đổi sở thích châm biếm hoặc cách thức sáng tạo của mình. Bằng việc đối mặt với sự đau khổ và mong manh của con người, nhà thiết kế vẫn giữ được sự hợp thời và được ưa chuộng, như ông đã làm trong suốt những năm qua – một kỳ tích khi xét đến mặt doanh thu tại hầu hết các hãng thời trang hàng đầu.
Các nghệ sĩ thành công phải sống để kể một câu chuyện. Ở một thời điểm quan trọng trong sự nghiệp, họ có thể truyền cảm hứng cho nhiều người khác làm nghệ thuật, như thể đó là cách của vũ trụ để đảm bảo rằng sự khao khát này của con người vẫn tồn tại. Nhà thiết kế 77 tuổi nhớ lại thời điểm đầu tiên trong sự nghiệp của mình tại New York, khi giữa buổi trình diễn, điện bị mất và bóng tối bao trùm không gian. Ông kể lại: “Các nhiếp ảnh gia đã bật rất nhiều ánh chớp và tạo ra nhiều ánh sáng, và các vị khách trên khán đài dậm chân tại chỗ và chơi theo nhịp điệu [thay cho] âm nhạc. “Tôi đã rất ấn tượng.” Yohji Yamamoto đã bước vào thời trang vào những năm 80 như một kẻ nổi loạn; những thiết kế của ông ấy và bản sắc châu Á khác xa với những gì mọi người đã quen. Nhưng ông đã thành công trong việc theo kịp thời đại trong khi vẫn giữ được sự thanh khiết vượt thời gian, kiên trì trong việc xây dựng trang phục thông minh cho những người có tư duy.
Tầm ảnh hưởng toàn diện của Yohji Yamamoto còn vượt ra ngoài việc ông mặc lên mọi người những bộ quần áo bất tuân quy tắc trong nhiều thập kỷ. Khả năng định hình cuộc sống của ông ấy đã tạo nên một cộng đồng những người đàn ông không chỉ ăn mặc mà còn biết chải chuốt bản thân (như ông). Yohji Yamamoto chứng minh việc lớn lên trong thời kỳ hậu chiến tạo nên sự quyết đoán. Người ta có thể nhận ra ông ta ngay lập tức bởi mái tóc dài ngang vai, giờ đã ngả màu xám ở hai bên khuôn mặt được cuộn tròn hướng lên trên và hướng ra ngoài, chiếc mũ đen và kiểu trang phục màu đen, buông xõa nhưng không bao giờ lỗi mốt. Mặc dù nhà thiết kế thường nói về sự tức giận với thực trạng xã hội và chuyển tải điều đó thành tác phẩm của mình trên đường băng, nhưng đôi mắt hẹp có phần trầm ngâm, chiếc mũi nổi bật và bộ râu bác học của ông ấy lại truyền tải kiểu dáng mà người ta thường thấy ở một người nổi bật, có học; những người đàn ông xuất hiện trong các bức họa của Trung Quốc cổ đại.
“Tôi là một người lười biếng, vì vậy tôi nghĩ rằng mặc những món đồ giống nhau, như đồng phục vậy, sẽ giúp tôi thức dậy vào buổi sáng và chỉ nghĩ đến công việc ngay lập tức,” Ông nói. “Tôi cho rằng đó là lý do tại sao tôi tiếp tục mặc những món đồ giống nhau và kết quả là chúng trở thành một phần cuộc sống của tôi”. Suy nghĩ này rất tương đồng với Mark Zuckerberg trong chiếc áo phông và quần màu xám hay Barack Obama trong bộ vest xám hoặc xanh – thói quen này giống như một dấu hiệu thành công.
Năm 2000, Yohji Yamamoto nói với Suzy Menkes trong tờ The New York Times rằng bản thân đã nghĩ về xem việc khám phá các loại hình nghệ thuật khác, chẳng hạn như viết lách. Nhưng ông ấy cũng bày tỏ rằng bản thân không thể tưởng tượng được việc từ giã thời trang. Hai mươi năm trôi qua, Yohji Yamamoto nói rằng không có gì thay đổi. Ông ấy đang phát triển mạnh mẽ trong ngành, và những lời ông đã nói với Suzy Menkes vào năm 2011 vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay: “Với đôi mắt hướng về quá khứ, tôi đi ngược lại tương lai.”
Biên dịch: Hiếu Lê
Theo: T Singapore