10 gia tộc có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong giới thời trang, họ là ai?
Ngày đăng: 13/05/23
Từ Pradas đến Pinaults, những gia tộc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành thời trang. Họ đã góp phần xây dựng và tạo nên những di sản cho giới thời trang đương đại.
Trong ngành thời trang từ trước đến nay, việc duy trì, thừa kế hay điều hành công ty gia đình không phải là hiếm. Ngành công nghiệp thời trang được biết đến với những mối quan hệ gia đình gắn bó. Prada, Fendi và Hermès được biết đến như những tên tuổi hàng đầu với mối quan hệ gia đình, nhưng cũng có nhiều thế hệ gia đình duy trì việc kinh doanh của mình theo cách ẩn danh hay ít khi xuất hiện trước công chúng, ví dụ như gia tộc Arnaults.
Nếu bạn tò mò, thì danh sách 10 gia tộc quan trọng hàng đầu trong ngành thời trang sẽ giúp bạn có thêm cái nhìn về họ.
Versaces
Vào cuối những năm 1970, nhà thiết kế thời trang Gianni Versace đã ra mắt thương hiệu cùng tên của mình cùng với anh trai và em gái, Santo và Donatella, tại Ý. Nhãn hiệu này đã trở nên nổi tiếng nhờ việc Gianni sử dụng màu sắc táo bạo và những đường cắt quyến rũ. Nhà Versace được ghi nhận rất nhiều trong việc phát triển sự nghiệp của Naomi Campbell, Christy Turlington và Linda Evangelista. Sau vụ ám sát thương tâm của Gianni vào năm 1997, Donatella tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành của công ty. Ngày nay, bà giữ vai trò giám đốc sáng tạo, trong khi con gái bà là Allegra là chủ sở hữu phần lớn cổ phần công ty.
Pradas
Mario Prada thành lập thương hiệu cùng tên vào năm 1913 với tư cách là một công ty sản xuất đồ da. Sau khi ông qua đời vào năm 1958, con gái Luisa của ông tiếp quản, trước khi giao lại quyền lực cho cháu gái Miuccia Prada vào năm 1978. Dưới thời của mình, Prada đã mua lại các thương hiệu khác như Jil Sander, Helmut Lang và Azzedine Alaïa, phân nhánh sang quần áo nam và ra mắt nhãn hiệu con Miu Miu, mà Miuccia cũng đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo.
Ferragamos
Năm 1927, thợ đóng giày trẻ tuổi Salvatore Ferragamo ra mắt một thương hiệu ở Florence, Ý, thu hút sự chú ý của các ngôi sao Hollywood như Greta Garbo và Marilyn Monroe. Sau khi ông qua đời, vợ ông là Wanda và 6 người con của họ đã tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, biến nó thành một hãng thời trang hàng đầu. Đáp ứng hình ảnh của sự sang trọng mà nhãn hiệu này thể hiện, Ferragamos cũng thành lập chuỗi khách sạn Lungaro ở Ý. Ngày nay, thế hệ thứ ba của Ferragamos tiếp quản duy trì hoạt động dưới thương hiệu với nhiều vai trò khác nhau.
Roitfelds
Trong 10 năm làm Tổng biên tập tạp chí Vogue Paris, Carine Roitfeld đã khẳng định tên tuổi của mình với tư cách là một trong những tiếng nói đầu tiên của ngành công nghiệp thời trang. Sau khi bà ra đi, người sáng lập CR Fashion Book vẫn duy trì mối quan hệ với các nhà thiết kế lớn như Karl Lagerfeld và Tom Ford. Giống như mẹ của mình, con gái Julia Restoin-Roitfeld đã tư vấn cho các thương hiệu lớn như Jean-Paul Gaultier và Miu Miu. Cô cũng là gương mặt đại diện cho chiến dịch sản xuất nước hoa Black Orchid của Tom Ford. Con trai Vladimir Restoin Roitfeld là chủ tịch của CR và các tạp chí con của nó.
Fendis
Năm 1925, Eduoardo và Adele Fendi khai trương một cửa hàng đồ da nhỏ ở Rome. Năm cô con gái của họ là Carla, Paola, Anna, Alda và Franca sau này đã thừa kế công ty, đã trở thành một nhãn hiệu lâu đời trên thị trường xa xỉ. Silvia Venturini Fendi, con gái của Anna, gia nhập thương hiệu vào những năm 1990, cùng với Karl Lagerfeld, và vẫn là giám đốc sáng tạo của công ty.
Jalous
Di sản của gia đình Jalou là xuất bản thời trang, kể từ khi ngành công nghiệp này bắt đầu bùng nổ vào thế kỷ 20. Gia nhập L’OFFICIEL với tư cách giám đốc nghệ thuật vào năm 1932, Georges Jalou đã chuyển nó từ một tạp chí thương mại thành một ấn phẩm dành cho phụ nữ được đánh giá cao. Jalou sau đó thành lập tập đoàn Jalou Media và mua lại L’OFFICIEL, sau đó truyền lại cho các con của ông, Laurent Jalou, Marie-José Susskind-Jalou, và Maxime Jalou. Ngày nay, Marie-José giữ vai trò chủ tịch của Tập đoàn Truyền thông Jalou trong khi con trai bà, Benjamin Eymere, là Giám đốc điều hành.
Missonis
Ottavio và Rosita Missoni thành lập xưởng dệt kim của họ vào năm 1953 và 5 năm sau đó, giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của nhà mốt sang trọng của Ý. Được biết đến với họa tiết zig-zag đầy màu sắc, thương hiệu Missoni đã trường tồn qua nhiều thế hệ. Sau khi Ottavio và Rosita chuyển sang những hướng đi khác vào những năm 1990, các con của họ tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình với Vittorio trở thành Giám đốc tiếp thị, Luca làm Nhà thiết kế trang phục nam và Angela giám sát trang phục nữ. Giờ đây, Margherita, cháu gái của Rosita và Ottavio, giám sát dòng M Missoni, và nó được coi là gương mặt đại diện của gia đình đối với di sản Missoni.
Hermès
Gia đình Hermès là một trong những gia đình giàu có và lâu đời nhất trong thế giới thời trang. Được thành lập bởi thợ da lành nghề Thierry Hermès vào thế kỷ 19, thương hiệu xa xỉ này đã cung cấp những sản phẩm đồ da được đánh giá cao nhất trong hơn một thế kỷ qua. Con trai của ông là Émile-Charles Hermès sau này đã tiếp quản thương hiệu, sau đó Hermès được tiếp nối bởi các cháu của ông, Adolphe và Èmile-Maurice Hermès. Vào giữa thế kỷ 20, thế hệ thứ tư của gia đình tiếp quản, Robert Dumas, cháu trai của Èmile-Maurice, đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành và Giám đốc sáng tạo. Thương hiệu Pháp đã trở thành tên tuổi tiêu biểu trong ngành thời trang dưới thời Jean-Louis Dumas, con trai của Robert. Ngày nay, có hơn 10 người thừa kế khối tài sản trị giá 49,2 tỷ USD của Hermès, trong đó anh em họ Pierre-Alexis và Axel Dumas đứng đầu thương hiệu.
Arnaults
Đứng sau thương hiệu sang trọng LVMH là gia đình Arnault, đứng đầu là chủ sở hữu và là ứng cử viên cho “Người giàu nhất thế giới” Bernard Arnault. Con gái ông, Delphine, là Giám đốc điều hành tại Louis Vuitton, trong khi các con trai của ông là Frédéric, Antoine và Alexandre lần lượt là Giám đốc điều hành của Tag Heuer, Berluti và Rimowa.
Pinaults
Tập đoàn thời trang Kering được biết đến với việc sở hữu các hãng thời trang lớn như Gucci, Balenciaga và Alexander McQueen. Bản thân là một công ty di sản, Kering được François Pinault thành lập với tên gọi PPR vào năm 1963. Con trai của ông, François-Henri Pinault tham gia công việc kinh doanh của gia đình vào những năm 80 và trở thành Giám đốc điều hành của Kering vào năm 2000. Pinaults cũng sở hữu nhà đấu giá Christie’s.
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Theo L’Officiel