40 năm “selfie” của một “tín đồ thời trang” thời Phục Hưng
Ngày đăng: 12/05/22
Ở thời mà sẽ bị coi là ngu ngốc nếu thể hiện phong cách y phục của riêng mình, Matthäus Schwarz chính là một kẻ cực kỳ đam mê thời trang đúng theo cách hiểu của chúng ta ngày nay. “Trachtenbuch” của ông, là một trong những tài liệu độc đáo nhất trong lịch sử thời trang, là quyển sách làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về quá khứ.
Matthäus Schwarz (19.02.1497 – 1574) là một kế toán trưởng người Đức, sinh ra và lớn lên ở Augsburg [1]. Schwarz nổi tiếng từ việc biên soạn Klaidungsbüchlein, hay còn gọi là Trachtenbuch (cũng thường được dịch sang tiếng Anh là “Book of Clothes” hay “Costume Book”). Đó là một cuốn sách liệt kê những bộ y phục mà ông mặc trong khoảng thời gian từ năm 1520 đến năm 1560. Trachtenbuch được các học giả xem là “quyển sách thời trang đầu tiên trên thế giới” từng được biết đến.
Matthäus Schwarz bị cuốn hút mãnh liệt bởi quần áo, ông đã dành phần lớn thu nhập của mình cho việc ăn diện và phần lớn thời gian của cuộc đời để ghi chép lại “thời trang” của chính ông kể từ khi sinh ra, đến lúc trưởng thành và cho đến khi qua đời.
Từ năm 1520 đến năm 1560, khi ông từ 23 tuổi cho đến khi 63 tuổi, Schwarz uỷ thác cho các hoạ sỹ vẽ các bức tranh màu nước chính xác theo tỷ lệ và chi tiết từng bộ trang phục mà ông mặc trên giấy da, sau đó đóng lại thành một quyển tự truyện bằng tranh mô tả cuộc đời “thời trang” của ông.
Tư duy “thời trang” của Schwarz
Ulinka Rublack, Giảng Viên môn Lịch Sử Châu Âu Thời Kỳ Đầu Hiện Đại tại đại học Cambridge, đồng tác giả ấn phẩm “The First Book of Fashion: The Book of Clothes of Matthaeus and Veit Konrad Schwarz of Augsburg”, và là một trong những nhà sử học nghiên cứu sâu về “Trachtenbuch”, cho rằng: “Điều khiến Schwarz rất được chú ý chính là vì ông đại diện cho những người đầu tiên quan tâm đến thời trang như một hiện tượng văn hoá. Vào thời đại đó, người Đức giàu có rất nghiêm túc trong việc ăn mặc đúng quy cách, nhưng sẽ bị coi là ngu ngốc khi thể hiện trang phục theo cách của riêng mình“. Và như thế, quan niệm “thời trang” theo những phong cách thẩm mỹ và cá tính riêng là chưa hề tồn tại.
Matthäus Schwarz là một người có tinh thần cấp tiến và khác biệt, ông say sưa ăn diện với phong cách của riêng mình và khám phá những đường cắt mới lạ, quan tâm đến màu sắc vải và yêu thích những chi tiết độc đáo. Schwarz là một người đam mê thời trang đúng theo cách hiểu của chúng ta ngày nay.
Việc ăn mặc và minh hoạ “thời trang” của Schwarz không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong suốt cuộc đời ông, quy ước xã hội vẫn rất nghiêm ngặt và các quy tắc đối với việc mặc quần áo không cho phép ông hoàn toàn sáng tạo và lựa chọn phong cách một cách thoả mãn. Luật Sumptuary [4] ra đời nhằm mục đích kiềm chế sự xa hoa, hào nhoáng quá mức, quy định trang phục và đồ trang sức dựa theo cấp bậc xã hội của của mỗi người. Vì vậy, Schwarz có những ranh giới không thể vượt qua hoặc phải “lách luật” một cách hết sức cẩn thận.Một nhân viên kế toán chắc chắn không được phép ăn mặc nổi bật hơn chủ của mình, và thường bị cấm mặc một số vật phẩm. Nhưng tình huống của Schwarz còn có một sự phức tạp hơn nữa. Những người chủ cực kỳ giàu có của ông phải lo lắng về việc bị coi là quá giàu có và cố ý ăn mặc giản dị hơn. Vì thế Schwarz càng phải cố gắng ăn diện sao cho bản thân thật ưng ý, nhưng cũng phải thật khéo léo và trông có vẻ khiêm tốn hơn so với những ông chủ có cấp bậc xã hội cao hơn mình.
Thời đại của Schwarz là một chương sử viết rằng sự quan tâm đến thời trang và việc ăn mặc hào nhoáng chỉ dành cho giới quý tộc, cũng như những người có cấp bậc cao trong xã hội. Vì vậy, Schwarz cần phải ăn mặc cẩn thận để không vi phạm pháp luật và các quy tắc xã hội.
“Trachtenbuch” không phải là một quyển nhật ký. Schwarz chỉ hoạ chép lại các bộ trang phục gắn liền với các cột mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Ngay khi bắt đầu ý tưởng này vào năm 1520, Schwarz đã hồi tưởng lại thời thơ ấu và yêu cầu hoạ sỹ Narziss Renner (1502 – 1536) thực hiện 36 bức tranh, mô tả một Matthäus Schwarz từ thuở bào thai cho đến một đứa trẻ sơ sinh, một cậu học sinh, một thợ học việc và đến lúc 23 tuổi. Trong 4 thập niên tiếp theo, Schwarz uỷ thác thêm 101 tranh vẽ, chủ yếu vẫn là của hoạ sỹ Renner (cho đến khi ông qua đời vào năm 1536). Công việc sau đó được tiếp tục bởi hoạ sỹ Christoph Amberger (1505 – 1562) và một hoạ sỹ khác trong xưởng vẽ của Amberger.
Các hoạ sỹ đã tường thuật lại nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời Schwarz thông qua những bộ y phục đặc biệt do ông “thiết kế”. Chẳng hạn như bức tranh minh hoạ trang phục lễ hội của Schwarz trong chuyến viếng thăm của Thánh Hoàng Đế La Mã (Holy Roman Emperor) Maximilian I trong sự kiện Diet of Augsburg (một diễn đàn trung tâm, nơi thảo luận, đàm phán những quyết định quan trọng của Thánh Chế La Mã), vào năm 1520.
Và năm 1519, Schwarz đã mặc áo choàng màu đen ảm đạm trong đám tang của Cha. Hay trang phục dự lễ cưới của Anton Fugger [3] năm 1527. Và trang phục nhân chuyến viếng thăm của Công tước Áo – Ferdinand vào năm 1530. Những trang cuối cùng của quyển sách có một bức vẽ ghi lại sự kiện năm 1560, là ông già Schwarz đến dự đám tang của Anton Fugger.
Đi kèm với những bức vẽ là lời mô tả của Schwarz. Ông giải thích về từng bộ trang phục đã được mặc vào năm nào và nhân dịp gì. Ngoài ra, quyển “Trachtenbuch” còn bao gồm một châm ngôn tiếng Latin viết bởi Schwarz: “Omne quare suum quia”. Câu châm ngôn này chuyển ngữ sang tiếng Anh có nghĩa là “Every because has a why” (hay “Why is it all its own”), hoặc cũng có thể hiểu là “mỗi câu hỏi “tại sao” đều có câu trả lời “bởi vì” của riêng nó”, hay hiểu đơn giản là mỗi bộ y phục của Schwarz đều có ý nghĩa tồn tại của nó.
Theo Maria Hayward, Giáo Sư về Lịch Sử Châu Âu Thời Kỳ Hiện Đại, chuyên về Dệt May và Trang Phục, tại đại học Southampton (Anh) cho biết: “Nếu luật Sumptuary nghiêm cấm một mặt hàng quần áo, phụ kiện hoặc trang sức nhất định, Schwarz sẽ biến tấu theo một cách khác. Chẳng hạn, vì những kiểu hose [5] lạ mắt bị cấm (hose có thể tạm hiểu là quấn ống bó của nam giới thời đại này), Schwarz sẽ tuân thủ giới hạn và thoả mãn với việc đặt cái ý tưởng mới lạ đó vào ống tay áo“. Mặc dù, để làm được điều đó, Schwarz phải mất thêm nhiều thời gian, công sức và tiền của để tạo ra bộ y phục ứng ý và đúng luật nhất có thể. Không giống như ngày nay hay thậm chí cho đến hai thế kỷ sau đó, thời đại của Schwarz không có thương hiệu xa xỉ hay nhà may bespoke nào để ông được thiết kế riêng.
Khi “thời trang” chưa được gọi thành tên
Vì làm việc cho các thương nhân lớn và quan trọng, do đó Schwarz dễ dàng tìm được các nguồn nguyên phụ liệu tốt và những mối liên hệ cần thiết để đạt được những mong muốn của mình. Jenny Tiramani, một nhà thiết kế phục trang sân khấu, đồng thời là hiệu trưởng của trường Lịch Sử Trang Phục (School of Historical Dress) cho biết rằng: Schwarz đã thuê những người thợ lành nghề để làm ra những bộ y phục theo ý ông. Và ở thời đó, tất cả mọi thứ đều được thực hiện bằng tay vì máy may chưa được phát minh [6].
Như vậy, bất cứ ai quan tâm đến thời trang trong buổi hiện đại hôm nay đều có thể nhận ra “mầm mống” của Haute Couture phần nào đã hình thành từ đây, từ một tư duy cá nhân có niềm khao khát với “thời trang” vô cùng mãnh liệt, thậm chí khi đó “thời trang” còn chưa được gọi thành tên như ngày nay.
Nhiều bộ y phục của Schwarz được chế tác rất đặc biệt. Một bức tranh màu nước được vẽ ngay sau sinh nhật thứ 26 của ông vào năm 1523, cho thấy Schwarz trong một chiếc hose trắng mặc cùng áo khoác doublet trắng (doublet là một dạng áo được may chần, dùng để bảo vệ và giữ ấm) kèm thắt lưng để buộc giữ đôi hose.
Trong thời gian đó, quần áo “pink” (đục lỗ) là một kiểu “thời trang” thịnh hành. Đây có thể hiểu là một kỹ thuật xử lý chất liệu, bằng cách dùng một cái đục sắc nhọn để cắt thủng bề mặt vải và tạo ra một vết rạch. Ghi chú của Schwarz tiết lộ chiếc áo khoác doublet của ông có đến 4.800 vết “pink” nhỏ.
Màu sắc trang phục và các phụ kiện đi kèm mà Schwarz lựa chọn thường có ý nghĩa và ngụ ý cụ thể. Màu trắng sử dụng cho trang phục đặc biệt, đại diện cho niềm tin và sự khiêm tốn.
Schwarz không chỉ diện quần áo để trông thật “hợp thời trang” theo thị hiếu của mình. Ông cũng lựa chọn cách ăn mặc phù hợp mục đích xã hội hoặc chính trị cụ thể, từ việc thăng chức đến việc tán tỉnh một quý cô.
Trong số các bộ cánh độc đáo của Schwarz, một bộ trang phục phối màu đỏ – vàng khá phức tạp, đã được nhà thiết kế Jenny Tiramani tái tạo dựa trên tranh minh hoạ và các mô tả “thiết kế” của ông. Đây là bộ y phục được Schwarz mặc trong dịp Thánh Hoàng Đế La Mã Charles V quay trở lại Đức sau 9 năm, khi mà phần lớn cư dân của nước Đức đã chuyển dần sang tín ngưỡng Tin Lành.
Schwarz đã chọn những màu sắc mang ý nghĩa hạnh phúc nhằm mục đích thể hiện lòng trung thành với Công giáo và Thánh Đế Chế. Ông đã được Thánh Hoàng Đế La Mã Charles V phong tặng một danh hiệu vào năm 1541, đánh dấu một bước nhảy vọt lớn về địa vị xã hội.
Hayward nói: “Thật dễ bỏ qua Schwarz cũng như những bộ quần áo màu sắc tươi sáng. Nhưng ông đã sử dụng quần áo một cách rất thông minh để khẳng định nhiều điều về bản thân mình. Y phục của Schwarz không chỉ đơn thuần là những gì ông thích mặc, mà còn chứa đựng hàm ý và ý nghĩa nhất định“.Tiến sĩ Ulinka Rublack, nhận định: “Những gì mà Schwarz đã làm cho quyển Trachtenbuch là biến nó thành một trong những tài liệu độc đáo nhất từng được tạo ra trong lịch sử thời trang – đó là một kho tàng thông tin“.
Các nhà sử học nhận xét rằng có một lý do khác khiến quyển “Trachtenbuch” của Schwarz mang tính đột phá, chính là 2 bản vẽ khoả thân của chính ông, một phía trước và một phía sau. Schwarz ghi chú 2 bức vẽ được thực hiện khi ông 29 tuổi.
Rublack nhận xét: “Vào thời đó, vẽ tranh khoả thân trong bối cảnh thế tục là cực kỳ hiếm, và chỉ thường được vẽ trong bối cảnh Kinh thánh và kinh điển“.
Matthäus Schwarz, 29 tuổi 4 tháng lẻ 8 ngày – vào ngày 1 tháng 7 năm 1526, đó là hình dáng khoả thân thực sự của tôi nhìn từ phía sau bởi vì tôi đã trở nên béo và to lớn. © Thư Viện Quốc Gia, Paris. Nguồn: thefashioncommentator.com
“Tractenbuch” đã được Schwarz hoạ chép lại một cách chân thật, ông không có yêu cầu để được vẽ cơ thể mình đẹp hơn hay chỉ tập trung vào những sự kiện hào nhoáng. Ông vô tư ghi chú kèm trong bức vẽ khoả thân của mình rằng: “Tôi đã trở nên to béo hơn“. Ông cũng yêu cầu hoạ sỹ thực hiện một bức vẽ khi ông đang phục hồi sau một cơn đột quỵ, ở tuổi 52.
Rublack nói: “Sự trung thực của Schwarz rất nổi bật và khác thường. Mọi người sẽ sử dụng tranh vẽ để lý tưởng hoá hình tượng bản thân, nhưng Schwarz thì không. Ông rất thành thật khi minh hoạ quá trình sống và già đi, ông ấy đã cho thấy những gì không thể kiểm soát cũng như những gì có thể“. Đó là một tư duy rất tiến bộ, chấp nhận sự lão hoá và thay đổi tự nhiên, cũng như đối với việc ăn mặc “thời trang”, ông khẳng định nỗ lực cá nhân trong một bối cảnh kiểm soát nghiêm ngặt của luật Sumptuary là một niềm vui xứng đáng mà mỗi người đều có thể học hỏi và trải nghiệm.
Schwarz đã cho ngừng hoạ chép phong cách y phục của ông ở tuổi 67. Tuy nhiên, ông đã thuyết phục người con trai là Veit Konrad Schwarz (1541 – 1588) tiếp tục công trình để đời này. Veit Konrad Schwarz sau đó đã uỷ thác hoạ sỹ thực hiện 41 hình vẽ của mình nhưng cuối cùng ngừng lại sau tuổi 19, quyển sách được cho là bắt đầu thực hiện từ năm 1561 và được giới nghiên cứu gọi là “Little Book of Cloths”. Với Rublack, điều quan trọng nhất của công trình “Trachtenbuch” chính là, quyển sách này thách thức một trường phái tư tưởng chung chung rằng “thời tran thực sự” chỉ mới xuất hiện và hình thành trong tư duy của nhân loại từ thế kỷ XVIII [7].
Nhà thiết kế Tiramani cũng đồng ý rằng: “Quyển sách làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về quá khứ. Nó cho chúng ta thấy thời trang không thể được coi là một hiện tượng hiện đại và lan xuống từ các tầng lớp xã hội hàng đầu ngay từ thời Phục Hưng. Trachtenbuch thách thức những sáo ngữ rằng tất cả những người không thuộc dòng dõi Hoàng gia chỉ hài lòng đi quanh quẩn trong những bộ quần áo vải thô, vải vụn, nâu sờn xám xịt“.
Lý do mà Schwarz bỏ công bỏ sức, dồn hết tiền của vào việc thực hiện quyển “Trachtenbuch” vẫn còn là một bí ẩn. Nguyên nhân tạm thuyết phục nhất, có lẽ chỉ có thể nói là vì “đam mê”. Đó có thể chỉ là một công trình phù phiếm của một cá nhân lập dị và điên cuồng với quần quần áo áo, thích “selfie”, yêu chính mình. Hoặc Schwarz đã có một tầm nhìn vượt trội và tư tưởng lớn lao, mong muốn lưu giữ một bằng chứng về “thời trang” của thời đại mà ông đang sống.
Thực ra, Schwarz đã không xuất bản quyển sách nhưng cũng không hề giấu giếm bí mật như một quyển nhật ký, có vẻ như ông sẵn sàng để giới thiệu với mọi người về biệt tài “thiết kế thời trang” của ông. Sau khi Schwarz qua đời, quyển sách được lưu truyền bởi nhiều thế hệ trong gia đình và cuối cùng được bán đi.
Nhà thiết kế Jenny Tiramani chia sẻ ý kiến rằng: “Có thể Schwarz không phải là người duy nhất tạo ra một quyển sách minh hoạ thời trang của chính mình như vậy, nhưng ông là người duy nhất mà chúng tôi biết đến, tính cho đến thời điểm này. Nhưng bất kể lý do của ông là gì, Trachtenbuch thực sự không phải điều mà chúng ta có thể ngờ đến – cả khi đó hoặc về sau này, vì nó đã xuất phát từ một kế toán viên“.
Đó là cách mà “thời trang” ảnh hưởng đến con người, hoặc nói ngược lại, đó là cách mà con người tạo ra “thời trang”. Và điều đó thật kỳ diệu! Chúng ta không thể ngờ một kế toán viên có thể đam mê “thời trang” mãnh liệt như thế, cũng như buổi đương đại của chúng ta hôm nay, nhà Couturier có thể định hướng sự vận hành của một ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, các vị “phù thuỷ thời trang”, influencer và trendsetter có sức ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới, nhưng “thời trang” cũng có thể xuất phát từ bất kỳ ai, bất kỳ nơi đâu. Vì thời trang đủ để: dành riêng cho mỗi người và thuộc về tất cả mọi người!
Thực hiện: Xu
Chú thích
[1] Augsburg là một thành phố ở Swabia, Bavaria, Đức, cách thủ đô Munich khoảng 50 km về phía tây. Đây là thành phố lớn thứ ba ở Bavaria, sau Munich và Nuremberg. Augsburg là một trong những thành phố lâu đời nhất của Đức, được thành lập vào năm 15 trước công nguyên bởi người La Mã với tên gọi là Augusta Vindelicorum – đặt theo tên của Hoàng Đế La Mã Augustus. Đây là Thành Phố Đế Quốc Tự Do (Free Imperial City) từ năm 1276 đến năm 1803, quê hương của Fugger và Welser, hai gia đình yêu nước thống trị ngành ngân hàng Châu Âu trong thế kỷ XVI. Thành phố Augsburg đã đóng vai trò hàng đầu trong cuộc cải cách với tư cách là nơi diễn ra Lời Tuyên Xưng Augsburg (Augsburg Confession) vào năm 1539 và Hoà Bình Augsburg (Peace of Augsburg) vào năm 1555. Fuggerei, khu phức hợp nhà ở xã hội lâu đời nhất trên thế giới, được thành lập vào năm 1513 bởi Jakob Fugger.
[2] Thánh Ulrich (Sant Ulrich) (890 – 973), cùng với Afra và Simpert, Ulrich là một vị thánh bảo trợ của Augsburg. Ông là vị thánh đầu tiên không phải được phong thánh bởi chính quyền địa phương mà là bởi Giáo Hoàng. Truyền thuyết kể rằng những phụ nữ mang thai uống chén rượu của ông sẽ sinh nở dễ dàng, và do đó người ta tin rằng khả năng bảo trợ của ông là đối với phụ nữ mang thai và sinh nở dễ dàng. Những nơi được đặt theo tên của ông được cho là nơi có khả năng chữa bệnh
[3] Fugger là một gia đình tư sản thượng lưu người Đức. Trong lịch sử, gia đình Fugger là một nhóm các chủ ngân hàng nổi tiếng ở Châu Âu, thành viên của tổ chức trọng thương Augsburg ở thế kỷ XV – XVI. Cùng với gia đình Welser, gia đình Fugger kiểm soát phần lớn nền kinh tế Châu Âu trong thế kỷ XVI. Anton Fugger là một trong những thành viên kế thừa sản nghiệp của người chú, Jakob Fugger. Anton Fugger được gọi là “Hoàng Tử của thương gia”, là người đưa sự nghiệp của gia tộc mở rộng đến tận Buenos Aires, Mexico và Tây Ấn. Thành tựu lớn nhất của ông là thiết lập đường lối cho tương lai của gia tộc Fugger thông qua các cuộc hôn nhân sắp đặt của các con trai và con gái với giới quý tộc.
[4] Luật Sumptuary (có nguồn gốc từ tiếng Latin sūmptuāriae) là những luật lệ nhằm điều chỉnh sự tiêu thụ. Từ điển Black’s Law định nghĩa luật Sumptuary là: “Các bộ luật được đưa ra nhằm mục đích hạn chế sự xa hoa hoặc phung phí, đặc biệt là chống lại các khoản chi tiêu quá mức cho quần áo, thực phẩm, đồ nội thất…”. Về mặt lịch sử, luật này đã được dùng để điều chỉnh và củng cố thứ bậc xã hội và luân lý thông qua các hạn chế về quần áo, thực phẩm và chi tiêu xa xỉ, thường phụ thuộc vào cấp bậc xã hội của một người.
Các xã hội đã sử dụng luật Sumptuary cho nhiều mục đích khác nhau. Chúng được sử dụng để cố gắng điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách hạn chế thị trường đối với hàng hoá nhập khẩu đắt tiền. Bộ luật này giúp dễ dàng xác định cấp bậc xã hội và đặc quyền, và như vậy có thể được sử dụng để phân biệt đối xử trong xã hội. Luật lệ ngăn cản dân thường bắt chước vẻ ngoài của quý tộc, vì thế có thể được sử dụng để bêu xấu các nhóm bị coi thường.
Cuối thời Trung Cổ, và thường áp dụng ở các thành phố lớn, luật Sumptuary được thiết lập như một cách để giới quý tộc hạn chế việc tiêu dùng hiển nhiên của giai cấp tư sản thịnh vượng. Nếu các thần dân tư sản tỏ ra giàu có ngang bằng hoặc giàu hơn giới quý tộc cầm quyền, thì điều đó có thể làm giảm sự thể hiện của giới quý tộc rằng họ là những người thống trị hợp pháp và đầy quyền lực. Điều này có thể đặt ra câu hỏi về khả năng kiểm soát và bảo vệ thái ấp của họ, đồng thời khuyến khích những kẻ phản bội và phiến quân. Những luật lệ như vậy tiếp tục được sử dụng cho những mục đích kiểm soát và điều chỉnh đó cho đến thế kỷ XVII.
[5] Hose (hay chausses) là một loại vớ dài kéo cao đến hết đùi và có dây thắt cố định hoặc may nối liền vào phần thắt lưng, có thể nói hose có cách mặc tương tự như kiểu quần tất có dây nịt đùi dành cho phụ nữ thời nay. Hose là một trong những món y phục phổ biến của nam giới thời Trung Cổ, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Hose bằng len phổ biến trước hơn cả.
Vào thế kỷ XV, hose đã được may với nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau, hơn nữa, màu sắc có thể phối 2 màu trên 1 ống chân hoặc mỗi ống chân là một màu khác nhau. Các quý ông thường mặc bases (một loại y phục quân sự bằng vải, mặc bên ngoài áo giáp, trông như áo peplum ngày nay) và slops (quần phồng) bên ngoài hose. Cho đến khi các kiểu hose được cải tiến hơn, phần codpieces được may thêm vào (lúc đầu được giữ bằng dây buộc hoặc nút cài) để che và độn bộ phận sinh dục của nam giới. Codpieces là một phụ kiện quan trọng trong cách ăn mặc của nam giới thời Phục Hưng, từ thế kỷ XV đến XVI.
[6] Máy may được phát minh trong giai đoạn Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ nhất. Người phát minh ra máy may đầu tiên được cho là Thomas Saunt ở Anh, vào năm 1790. Thomas là một nhà sản xuất cabinet, sinh ra ở Greenhiill Rents, giáo xứ St. Sepulchre, London, Anh. Ông được nước Anh cấp bằng sáng chế số 1764, cho chiếc máy được tạo ra vào năm 1790, có thể dùng để chần bông, khâu vá, may thêu, làm giày…[7] Người được giới sử học thời trang gọi là “Cha đẻ của haute couture” – Charles Frederick Worth (13/10/1825 – 10/3/1895) là một trong những nhà thiết kế thời trang quan trọng nhất của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhưng ít nhất từ 3 thế kỷ trước đó, thế kỷ cùa Matthäus Schwarz, tư duy “thời trang” đã xuất hiện ngay trước khi chính nó được gọi tên.