5 ý tưởng đổi mới cho doanh nghiệp thời trang Việt Nam sau cú ngã đại dịch
Ngày đăng: 08/12/21
Để có thể thật sự trở lại đường đua, các thương hiệu thời trang cần có những chiến lược phù hợp với cuộc sống bình thường mới của người dùng.
Ngành thời trang không nằm ngoài vòng xoáy đại dịch và không chỉ các thương hiệu quốc tế, mà ngay cả những local brand cũng phải chịu cảnh “ảm đạm” trong suốt 2 năm qua. Không chỉ gặp vấn đề về sụt giảm doanh số hay khó khăn trong vận hành sản xuất, ngành thời trang còn chứng kiến sự thay đổi trong thói quen và lối sống của khách hàng.
Từ việc người tiêu dùng chuyển sang xu hướng chỉ mua sắm các mặt hàng cần thiết, cho đến việc bão hòa nội dung trên mạng xã hội và sự “bành trướng” của thương mại điện tử, tất cả đã tạo ra một thử thách không nhỏ cho những người làm thời trang trong ngày trở lại thị trường. Để kịp thời vực dậy sau đại dịch, những kiến thức và chiến lược mới là điều các thương hiệu rất cần trong thời điểm này.
1. Mô hình sản xuất theo yêu cầu
Trong bối cảnh bấp bênh về mức thu nhập, giãn cách xã hội chưa thật sự nới lỏng, và người dân vẫn còn e dè về chuyện ra phố tiếp xúc với mọi người, việc mua những mẫu quần áo mới để trưng diện hoàn toàn là chuyện… xa xỉ. Khi đó, mô hình sản xuất theo yêu cầu sẽ giúp các thương hiệu tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và tránh được vấn đề về hàng tồn kho.
Mô hình sản xuất theo yêu cầu, hay còn được gọi là sản xuất theo đơn đặt hàng, là một mô hình mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Theo đó, các thương hiệu chỉ gửi số lượng cần may đến các cơ sở sản xuất sau khi đã có đơn đặt hàng. Điều này cho phép các doanh nghiệp thời trang giảm hàng tồn kho và giảm chi phí hoạt động (không cần nhập kho và không cần tồn kho). Qua đó có thể giữ ổn định về mức giá, hoặc thậm chí là giảm giá thành sản phẩm cho người dùng.
2. Bán lẻ trực tuyến
Có thể nói, thời trang đang là ngành phải chịu nhiều tác động nhất bởi công nghệ kỹ thuật số (digital). Ngay cả ở thời điểm trước đại dịch, nhiều chuyên gia đã nhận định, yếu tố này được xem như một mối đe dọa tới những thương hiệu bán lẻ truyền thống.
Minh chứng là trong năm 2017, tập đoàn bán lẻ Fung Global Retail & Technology đã phải đóng cửa gần 7.000 cửa hàng bán lẻ của mình trên toàn nước Mỹ. Con số này thậm chí còn vượt xa thời điểm 2008 – là lúc diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế. Thậm chí nhiều lãnh đạo của tập đoàn H&M còn nhận định rằng, xu hướng “đóng cửa” này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng và lan rộng ra toàn thế giới, chứ không chỉ riêng tại Mỹ nữa.
Ưu điểm của một hệ thống bán lẻ trực tuyến đến từ việc nó không chỉ mang lại một nền tảng bán sản phẩm thời trang trực tuyến, mà còn mang lại được trải nghiệm mua sắm tuyệt vời cho khách hàng. Hệ thống bán lẻ trực tuyến cho phép doanh nghiệp lắng nghe, cũng như thấu hiểu sâu sắc hơn nhu cầu của người dùng rất. Thương hiệu sẽ đạt hiệu quả nếu biết vận dụng được những đột phá trong công nghệ như mạng xã hội, những công cụ phân tích dữ liệu tân tiến và trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp thời trang cần nhanh chóng xử lý, thích ứng với những Insight thu thập được của khách hàng thông qua những công nghệ Digital, sau đó kết hợp chúng vào trong quy trình được ra quyết định.
Có thể chốt lại rằng, nếu các thương hiệu thời trang không thể bổ sung được yếu tố công nghệ vào trong mô hình kinh doanh, cũng như không thể đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu của khách hàng, kết cục phải chịu cảnh bại trận trong thị trường sẽ tới trong một tương lai không xa.
3. Ứng dụng thực tế ảo
Thời trang trang thực tế ảo tăng cường (AR Fashion) là một giải pháp công nghệ mới dựa trên ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR, cho phép khách hàng có thể thoải mái trải nghiệm các sản phẩm thời trang trước khi quyết định mua. AR Fashion sẽ tạo ra một không gian ảo tương tự như mua sắm thực tế ở cửa hàng, cho phép người mua có đánh giá rõ ràng về kiểu dáng và chức năng của sản phẩm, cảm nhận sản phẩm có phù hợp với bản thân không.
Hiện nay, tour showroom thực tế ảo đang là xu hướng thịnh hành cho ngành bán lẻ toàn cầu. Chỉ cần một click nhẹ, khách hàng đã có thể đặt chân đến showroom thực tế ngay trên chính chiếc điện thoại di động và thoải mái mua sắm ở bất cứ đâu, nhưng vẫn nhận được sự phục vụ và trải nghiệm như tại cửa hàng.
Giải pháp này gồm một phòng trưng bày ảo được thiết kế và dựng sẵn mô hình 3D, là phương án tối ưu để mô phỏng tích hợp toàn cảnh từ khu vực lễ tân, cho đến bên trong khu vực trưng bày từng sản phẩm một cách chân thực và trọn vẹn nhất. Bên cạnh đó, người dùng có thể thao tác xoay 360, phóng to, thu nhỏ, chuyển đổi các gian hàng để lựa chọn được sản phẩm ưng ý nhất, qua đó mang lại trải nghiệm mua sắm gần gũi và tiện lợi hơn bao giờ hết.
4. Hợp tác giữa các thương hiệu
Phân tích thị trường gần đây của AdNews cho thấy, chi phí cho việc hợp tác trong bất kỳ ngành nào cũng đều rẻ hơn 30 lần so với chi phí quảng cáo trên các kênh kỹ thuật số, nhờ vào lượng khách hàng có sẵn của mỗi bên. Điều này củng cố lại ưu điểm của việc hợp tác thông qua mạng lưới của đối tác, có thể đem lại giá trị quảng bá cao hơn với mức chi phí mềm hơn.
Ngành công nghiệp thời trang cũng không phải một ngoại lệ. Khi một nhãn hàng thời trang kết hợp cùng một thương hiệu (cùng hoặc khác lĩnh vực) để ra mắt sản phẩm mới, sự thích thú từ khách hàng sẽ là yếu tố thúc đẩy doanh số bán hàng cho sản phẩm đó. Thông thường, những sản phẩm này sẽ mang tính giới hạn, sưu tầm, hoặc kỷ niệm một sự kiện đặc biệt với những dấu ấn đặc trưng của cả hai bên. Những màn hợp tác như vậy bao giờ cũng dễ dàng thu hút sự chú ý của khách hàng và cả giới truyền thông.
Giả sử, khi thói quen ăn uống lành mạnh được kết hợp cùng câu chuyện thời trang, cả hai thương hiệu đều có thể mở rộng khả năng tiếp cận tệp khách hàng chéo của nhau, mang về một lượng lớn những khách hàng mới và đầy tiềm năng.
Không chỉ hợp tác giữa hai thương hiệu, trong bối cảnh quảng cáo kỹ thuật số đang dần trở nên phức tạp, việc hợp tác giữa các nhãn hàng và cá nhân người ảnh hưởng để cho ra mắt sản phẩm cũng là một giải pháp hiệu quả. Không chỉ đơn thuần là về khía cạnh quảng cáo, việc mời người nổi tiếng cùng tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo và sản xuất sản phẩm sẽ tạo ra sự thích thú cho người hâm mộ, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng và lượng người theo dõi cho cả hai bên.
5. Thời trang bền vững
Giờ đây, thời trang không chỉ là phương tiện để con người phô diễn hình thức, phong cách cá nhân, mà với những người khắt khe và kỹ lưỡng, thời trang còn phải đáp ứng được yêu cầu thân thiện môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh tất cả đang phải thắt chặt hầu bao vì dịch bệnh. Cũng do đó khái niệm “thời trang bền vững” đã ra đời.
Những chất liệu tiêu biểu của thời trang bền vững có thể kể đến như: Vải sợi tự nhiên dễ phân hủy, vải hữu cơ (làm từ sợi tự nhiên không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ), chất liệu thủ công (làm bằng tay như đan len, sợi…).
Tuy nhiên, tính “bền vững” ở đây không chỉ dừng ở yếu tố bảo vệ môi trường. Một thương hiệu được gọi là bền vững khi nó có thể cân bằng được các yếu tố bảo vệ môi trường, con người và những giá trị nhất định cho cộng đồng. Tính nhân đạo đối với những người góp công tạo dựng nên trang phục bằng cách giúp họ được trả lương tương xứng; nhân đạo cả với thiên nhiên, môi trường khi tạo dựng một tương lai xanh đáng sống cho thế hệ kế cận là một trong những giá trị cốt lõi được nhiều thương hiệu theo đuổi.
Trong tương lai, nếu muốn theo đuổi xu hướng bền vững, các thương hiệu thời trang sẽ cần đầu tư nhiều hơn cho vận chuyển xanh, vật liệu đóng gói có thể phân hủy, sản xuất thủ công và sản xuất theo đơn đặt hàng để giảm lượng hàng tồn đọng.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo Social Fix