50 năm giá trị Việt – Chuẩn mực mái tóc dài đen bóng của phụ nữ Việt Nam

Ngày đăng: 29/04/25

Việt Nam đã đi qua hành trình nửa thế kỷ từ năm 1975 đến nay với nhiều thay đổi sâu rộng về kinh tế, xã hội và văn hóa. Thế nhưng, trước mọi biến thiên của thời đại, mái tóc dài thẳng bóng của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn là biểu tượng bất biến. Không đơn thuần là những chuẩn mực thẩm mỹ được hình thành từ xa xưa mà nét đẹp ấy còn là hệ giá trị văn hóa lâu đời, kết tinh từ dòng chảy lịch sử và bản sắc dân tộc.

Trong tâm thức dân gian, mái tóc không chỉ phản ánh vẻ bề ngoài mà còn là “tấm gương” phản chiếu tâm hồn bên trong. Câu tục ngữ “Cái răng cái tóc là góc con người” từ lâu đã khẳng định vai trò của mái tóc trong việc thể hiện phẩm giá và nhân cách.

(Ảnh: @hellytong)

Từ ngàn xưa, trong nền văn hóa Á Đông, vẻ đẹp người phụ nữ luôn gắn liền với sự nền nã, khiêm nhường và đức hạnh. Khi Nho giáo theo chân các cuộc xâm lược phương Bắc du nhập vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ I, tư tưởng này vẫn chỉ là lớp văn hóa xa lạ, chỉ len lỏi trong tầng lớp quý tộc. Phải đến thời Lý-Trần và đặc biệt là Lê sơ (Thế kỷ 15), các quan niệm về phẩm hạnh như “tam tòng tứ đức” mới thực sự phát triển và bám rễ vào đời sống xã hội. Chính từ đây, mái tóc dài đen bóng dần trở thành biểu tượng hữu hình cho chuẩn mực đạo đức của phụ nữ – đoan trang, mực thước và biết giữ gìn gia phong.

Cô gái Hà Thành đang trang điểm trong giai đoạn 1900 (Ảnh: Leon Busy)

Yếu tố tự nhiên cũng góp phần củng cố hình ảnh này. Người Việt vốn mang gene tóc đen, thẳng với sợi tóc nhỏ và đã thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đặc trưng. Độ ẩm cao quanh năm khiến tóc dễ xù rối nếu tóc quá khô hoặc xoăn tít. Vì vậy, mái tóc thẳng và dày theo thời gian, đã hình thành chuẩn mực thẩm mỹ chung cho phụ nữ Việt Nam.

(Ảnh: @Wilbur E. Garrett)

Đồng thời, mái tóc của người phụ nữ Việt Nam cũng trở thành “nhân chứng sống” cho những năm tháng đói nghèo và bất an dưới mưa bom bão đạn. Những mái tóc được cắt ngắn để tiện hành quân, cháy xém bởi bom đạn, hay những lọn tóc khô cằn và chẻ ngọn vì thiếu nước sạch cũng như điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Mái tóc thời ấy thường được “giấu” dưới lớp khăn rằn, mũ tai bèo và nhường chỗ cho những nỗi lo về sự sống còn, về khát vọng giải phóng dân tộc. Khi bom đạn vẫn còn vần vũ trên đầu, người ta không còn nghĩ đến chuyện tóc tai, càng không dám mơ đến mái tóc dài đen bóng.

Các nữ du kích miền Nam Việt Nam năm 1996 (Ảnh: Getty Images)

Biểu tượng của sức sống sau chiến tranh (1975-1985)

Giai đoạn đầu sau chiến tranh đánh dấu thời kỳ đất nước khắc phục hậu quả nặng nề trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Trong những năm này, có thể thấy hình ảnh người phụ nữ với mái tóc buộc gọn hoặc cắt ngắn trở nên quen thuộc, tiếp nối thói quen từ thời chiến để thuận tiện cho lao động sản xuất, học tập và tham gia xây dựng vùng kinh tế mới.

(Ảnh: Michel Blanchard, @diligam_te)
(Ảnh: Philip Jones Griffiths)

Giữa dòng chảy đời sống mới, nhu cầu chăm chút ngoại hình, đặc biệt là mái tóc dần được quan tâm. Tuy nhiên, với nền kinh tế chưa phục hồi, những vật phẩm làm đẹp như thuốc nhuộm, hóa chất tạo kiểu vẫn là món xa xỉ, ngoài tầm với của đại đa số. Mái tóc dài, đen bóng vì thế tiếp tục phổ biến.

Trong ký ức của nhiều người, hình ảnh các bà, các mẹ, các chị với mái tóc được buộc gọn gàng, đội nón lá đi làm đồng, đi học hay xây dựng kinh tế mới đã khắc sâu như dấu ấn sâu sắc nhất về ý chí hồi sinh của cả dân tộc vừa đi qua lửa đạn.

Đổi mới và tiếp nhận văn hóa (1986-1995)

Giai đoạn Đổi mới từ năm 1986 với chính sách tự do hóa kinh tế, khuyến khích buôn bán và sản xuất đã thổi bừng sức sống cho những thành phố lớn. Các cảng giao thương như Bến Bạch Đằng (Sài Gòn), chợ Đồng Xuân (Hà Nội) trở nên tấp nập với vô số hàng hóa từ nước ngoài đổ về, kéo theo sự bùng nổ của thị trường tiêu dùng, thời trang và làm đẹp.

Trong bối cảnh ấy, những luồng tư tưởng sống phóng khoáng từ phương Tây bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống đô thị. Các xu hướng làm đẹp hiện đại như tóc ngắn, tóc uốn phồng hay tóc nhuộm dần xuất hiện, phản ánh tinh thần cởi mở và nhu cầu thể hiện bản thân của thế hệ mới.

(Ảnh: Raymond Depardon)

Tuy vậy, chuẩn mực mái tóc dài đen bóng không dễ dàng bị thay thế. Nếu những mái tóc uốn xoăn, nhuộm sáng mang đến vẻ đẹp nổi loạn, tân thời thì mái tóc dài thẳng mượt vẫn là biểu tượng của sự nền nã và nét đẹp thuần Việt giữa dòng chảy đa sắc của văn hóa, neo giữ những giá trị truyền thống đã ăn sâu trong tâm thức người Việt. 

Những cô gái Sài thành với mái tóc dài đen bóng
(Ảnh: Catherine Karnow)

Đặc biệt trong những dịp trọng đại như lễ cưới, lễ hội hay các lễ nghi gia đình, mái tóc dài thướt tha vẫn luôn được coi là lựa chọn trang trọng.

Diễn viên Diễm Hương và Thái San trong ảnh chụp lịch thập niên 90s

Hội nhập văn hóa (1996-2005)

Khi Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng từ cuối thập niên 1990, làn sóng văn hóa quốc tế bắt đầu len lỏi vào đời sống đô thị thông qua các bộ phim Hollywood chiếu băng đĩa, tạp chí thời trang ngoại nhập và những trang mạng Internet đời đầu.

Nhóm nhạc 5 dòng kẻ với phong cách Tây hóa

Dù còn hạn chế, những hình ảnh mới mẻ về phong cách sống tự do và cá tính hóa đã khơi gợi sự thay đổi trong tư duy thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ thành thị. Bên cạnh mái tóc dài nền nã quen thuộc, các kiểu tóc bob ngắn, tóc tém pixie, layer uốn nhẹ hay tóc nhuộm sáng màu bắt đầu xuất hiện, phản ánh mong muốn thể hiện bản thân và hòa nhập với xu hướng hiện đại toàn cầu. Hình ảnh những cô sinh viên hay nữ công nhân trẻ vừa chân ướt chân ráo vào thành phố, mạnh dạn rũ bỏ mái tóc dài truyền thống để thử nghiệm các dáng tóc hiện đại đã trở nên phổ biến trong giai đoạn này. 

(Ảnh: Phim Mắt Biếc)
Mỹ nhân Việt thập niên 2000s với đa dạng kiểu tóc.

Trong khi đó, ở các vùng nông thôn mái tóc dài đen bóng tự nhiên vẫn là chuẩn mực thẩm mỹ quen thuộc. Tốc độ tiếp nhận các trào lưu mới chậm hơn do hạn chế về truyền thông và và lối sống gắn bó với lao động truyền thống cũng khiến những kiểu tóc đơn giản, tự nhiên tiếp tục được ưa chuộng.

(Ảnh: Đoàn Minh Tuấn)

Đa dạng hóa chuẩn mực (2006-2014)

Giai đoạn 2006–2014 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy thẩm mỹ của phụ nữ Việt Nam. Khi làn sóng Hallyu – hiện tượng văn hóa giải trí Hàn Quốc bùng nổ thông qua âm nhạc, điện ảnh và thời trang lan rộng tại Việt Nam, cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, gu làm đẹp của phụ nữ Việt trở nên phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết.

Tại Việt Nam, Hallyu phổ biến mạnh mẽ thông qua các bộ phim truyền hình chiếu giờ vàng, tạp chí giải trí hay băng đĩa nhạc K-pop bày bán ở các chợ đĩa và diễn đàn trực tuyến như Yahoo!360.

Sự xuất hiện dày đặc của các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc đã mở ra một thế giới thẩm mỹ mới, gần gũi với tinh thần Á Đông nhưng trẻ trung, hiện đại và dễ tiếp cận hơn so với văn hóa Mỹ hay Nhật Bản. Phụ nữ Việt bắt đầu tiếp cận nhiều xu hướng tóc mới, mang đậm dấu ấn Hàn Quốc với những kiểu tóc thời trang như duỗi thẳng tự nhiên, uốn lơi nhẹ nhàng hay mái tóc bob ngang vai trẻ trung hoặc tóc nhuộm nâu hạt dẻ, ánh rêu mềm mại. Những thần tượng giải trí như T-ARA, Girls’ Generation (SNSD) và các diễn viên nữ Hàn Quốc như Jang Na-ra hay Song Hye Kyo đã hình thành nên những hình mẫu mái tóc mới, vừa thanh lịch, nhẹ nhàng, vừa mang nét hiện đại trẻ trung.

Tại các đô thị lớn, phụ nữ công sở ưa chuộng mái tóc dài thẳng tự nhiên hoặc uốn nhẹ, kết hợp nhuộm những gam màu trầm để phù hợp với môi trường chuyên nghiệp. Trong khi đó, giới trẻ thành thị, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa thần tượng, mạnh dạn thử nghiệm mái tóc xoăn sóng nước, tóc cắt ngắn ngang vai, hay nhuộm ánh khói, ánh rêu để khẳng định cá tính riêng giữa xã hội đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng. 

Sự trở lại mạnh mẽ của mái tóc dài, đen bóng (2015-2025)

Từ năm 2020, cùng với sự lên ngôi của xu hướng minimal beauty, phong cách tóc dài tự nhiên càng được yêu thích. Không chỉ dễ dàng phối hợp với nhiều phong cách thời trang, mái tóc thẳng, bóng khỏe còn thể hiện sự tự tin với vẻ đẹp tự nhiên giữa những xu hướng thay đổi liên tục, đồng thời khẳng định bản sắc Á Đông.

(Ảnh: @hellytong)
(Ảnh: @hatangthanh)

Trên các nền tảng mạng xã hội như TikTokInstagram, cùng với xu hướng clean girl ưa chuộng diện mạo tối giản và tinh tế, cũng như văn hóa siêu cường ngày càng phổ biến, đề cao bản sắc cá nhân, mái tóc dài đen bóng dần trở thành tuyên ngôn thẩm mỹ mới trong đời sống thường nhật và khẳng định những giá trị vẹn nguyên của người phụ nữ Việt Nam. 

Thực hiện: Amelia