8 chiến dịch marketing ấn tượng trong giới thời trang

Ngày đăng: 26/10/17

Một chiến dịch marketing thời trang tốt thường phải bao hàm tính sáng tạo cao, tạo được chất riêng để người xem nhớ đến. Dưới đây là một số chiến dịch quảng cáo tiêu biểu trong giới thời trang của vài năm trở lại đây.

1.Burberry Kisses

Burberry dành tới 60% vốn điều lệ cho việc quảng cáo trên mạng kỹ thuật số vậy nên thật dễ hiểu khi hãng đứng đầu trong lĩnh vực marketing. Trong khi hầu hết các chiến dịch quảng cáo đang trải nghiệm với xu hướng “see now, buy now”, có một chiến dịch trải rộng hơn và sáng tạo hơn rất nhiều- “Burberry Kisses”.

“Những nụ hôn từ Burberry” được thực hiện cùng với sự phối hợp với Google được coi là một trong những chiến dịch quảng cáo tuyệt nhất năm 2015. Chiến dịch sử dụng công nghệ vi tính để tạo ra tương tác cá nhân giữa các khách hàng, cho phép người dùng gửi những nụ hôn ảo tới những người mình yêu quý, chiến dịch này nhận được phản ứng tích cực từ người dùng tại hơn 215 quốc gia trên thế giới. Mặc dù chẳng có gì liên quan đến sản phẩm của hãng, nhưng chiến dịch vẫn thành công vang dội và tạo một dấu ấn sâu sắc đến với khách hàng toàn cầu bởi tính chất sáng tạo có một không hai.

2.Ted Baker – Những chiếc hộp bí ẩn

Chiến dịch mang tên “Cabinet of Curiosities”, một phần trong những chiến dịch quảng cáo cho bộ sưu tập Thu Đông năm 2015 của Ted Baker, là một ví dụ hoàn hảo cho cách dùng mạng xã hội để tạo sự chú ý từ khách hàng. Hàng ngày, tài khoản instagram của Ted Baker sẽ đưa ra một gợi ý cho followers của mình để đoán xem trong chiếc hộp bí ẩn chứa đựng thứ gì và ai đoán đúng sẽ dành chiến thắng với một phần quà từ thương hiệu. Với hiệu ứng thị giác siêu long lanh và tính tương tác cao từ followers, chiến dịch này được coi là một thành công lớn của hãng.

Không chỉ được thực hiện online, ngay tại các cửa hàng bán lẻ cũng áp dụng phương thức này, những món đồ bí mật sẽ được giấu đi đâu đó trong cửa hàng và để khách hàng đi tìm. Với chiến dịch này, Ted Baker đã chứng minh được rằng marketing luôn luôn cần sự sáng tạo vượt bậc nếu muốn thành công vang dội.

3. Nike – “Better for It”

Nike là một thương hiệu lớn mà hầu như ai cũng biết tới, và chiến dịch “Better for It” là một trong những chiến dịch đáng nhớ nhất của hãng trong vài năm trở lại đây. Nói lên suy nghĩ của những người phụ nữ khi tập thể thao, nó tạo được điểm nhấn thú vị của mối quan hệ giữa thể thao và lòng tự trọng, và ngầm ám chỉ một cách khéo léo rằng cách chúng ta mặc quần áo cũng có ý nghĩa riêng. Với một giọng điệu nồng ấm và truyền cảm hứng, video của chiến dịch đã thành công với rất nhiều khách hàng nữ.

4. Hermés – “House of Scarves”

La Maison des Carrés, một website nhỏ của Hermés, được dựng lên để trưng bày các mẫu khăn của hãng online. Thay vì việc vận động khách hàng mua sản phẩm online, Hermés chọn cách khác độc đáo hơn với mục đích quảng bá lịch sử và tố chất nghệ thuật của thương hiệu. Với thiết kế đẹp và tỉ mỉ đến từng chi tiết, chúng ta như có thể lạc trong thế giới hoạ hình tuyệt diệu của Hermés.

5. Inside Chanel

Cùng với Chanel News, Inside Chanel là một trang nhỏ kể về câu chuyện của thương hiệu- một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị của mình. Tách thành 12 chương, mỗi bộ mô tả một phần quan trọng trong lịch sử của thương hiệu, mang lại một giá trị thực cho khách hàng. Kết hợp với nhiếp ảnh, phác hoạ kỹ thuật số và video – chiến dịch này sử dụng nội dung phong phú để kể câu chuyện được sinh động hơn. Với việc đầu tư về mặt sản xuất và nội dung được đào sâu qua 100 năm lịch sử của Chanel, chiến dịch Inside Chanel cũng khẳng định được chất lượng của thương hiệu.

6. H&M – “Close the Loop”

Với mục đích thúc đẩy phong trào “sustainable fashion” (thời trang bền vững), H&M tạo ra một quảng cáo đa dạng nhất mọi thời đại – “Close the Loop”. Với sự xuất hiện của người mẫu plus size Tess Holliday và người mẫu Hồi giáo Mariah Idrissi, quảng cáo đã nhận được những phản ứng tích cực về việc đề cao mọi nền văn hoá trong mối quan hệ với thời trang. Bằng cách tạo tiếng vang, chiến dịch này đảm bảo rằng thông điệp về tính bền vững của thời trang đã được phủ rộng đến mọi người.

7. Nasty Gal – #GirlBoss

Nasty Gal là một thương hiệu cá tính và luôn thể hiện điều đó kể cả trong những chiến dịch quảng cáo. #GirlBoss là tên của cuốn sách do founder của Nasty Gal, Sophia Amoruso chắp bút và hashtag GirlBoss này cũng được chọn làm nội dung xuyên suốt cho chiến dịch marketing của thương hiệu.

Cùng với các bài báo chất lượng về thời trang và lối sống, Girl Boss còn là chương trình radio thu âm trong trang chủ đài phát thanh của Nasty Gal, nơi mà Sophia đã phỏng vấn nhiều nhân vật thời trang nổi bật. Đây là một ví dụ tuyệt vời về chiến dịch đa dạng hoá các kênh tương tác, nó phản ảnh các giá trị cốt lõi của thương hiệu trong khi quảng bá một cách tinh tế.

 

8. #CastMeMarc

Sử dụng mạng xã hội là công cụ chính cho chiến dịch quảng bá BST Thu Đông của mình, Marc Jacobs dùng tài khoản instagram để chiêu mộ model. Để có cơ hội xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo của Marc, followers cần hash tag #CastMeMarc vào bức ảnh của mình. Bằng cách đó, Marc và team có thể bấm vào hashtag và chọn ra gương mặt sáng giá. Phương pháp này không chỉ tăng thêm sự lan toả về thương hiệu mà còn thành công trong việc tạo cho khách hàng và người hâm mộ một trải nghiệm thú vị với thương hiệu.

 

Bài: Cherie Bee

Theo  E.