Ngành hàng mỹ phẩm phát triển thế nào trên các sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2024? 

Ngày đăng: 21/09/24

Bất chấp suy thoái đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh số trong nửa đầu năm 2024 trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và Tiktok Shop của ngành hàng làm đẹp đã đạt 26 nghìn tỉ đồng, tăng hơn một nửa so với cùng kì năm ngoái.

Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel, thì Thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện nay đang có giá trị khoảng 2.3 tỷ USD, cho thấy người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến việc mua sắm trực tuyến. 

Theo số liệu thống kê, phân khúc giá từ 200,000₫ – 500,000₫ là phân khúc đem lại doanh thu cao nhất trong ngành mỹ phẩm, chiếm tỉ trọng 34% trong tổng doanh thu.

Nguồn Metric – Nền tảng số liệu E-commerce

Trong đó, top thương hiệu có doanh thu cao nhất trong ngành mỹ phẩm trên các sàn TMĐT bao gồm La Roche-Posay, Anessa và L’Oreal Paris, chiếm tỉ trọng 10,2% thị phần doanh thu. Mặt khác, khi nhìn vào sản lượng bán ra, top thương hiệu có sản lượng bán cao nhất trên các sàn TMĐT bao gồm Focallure, Vaseline và Cocoon, chiếm 8,3% thị phần sản lượng.

Nguồn Metric – Nền tảng số liệu E-commerce

Theo số liệu mới nhất, mỹ phẩm Việt hiện đang chiếm khoảng 10% thị trường mỹ phẩm trực tuyến. Nhìn chung các thương hiệu mỹ phẩm Việt đang phải giành giật thị phần với các thương hiệu mỹ phẩm Quốc tế đã có danh tiếng lâu năm trên thị trường. Ưu điểm của các thương hiệu mỹ phẩm Việt là mức giá gần gũi, tuy nhiên việc hạn chế trong ngân sách marketing khiến cho độ phủ sóng của thương hiệu đôi khi thấp, quy mô quảng cáo không cao. 

Điều đặc biệt cần lưu ý là xu hướng livestream Tiktok đang thúc đẩy ngành hàng “Chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp” với doanh thu đã đạt gần 250 tỷ/tháng. Influencer Marketing cũng là một trong nhiều chiến lược Marketing hiệu quả đang được các thương hiệu sử dụng. Màn hợp tác có lợi này sẽ giúp thương hiệu tận dụng những follower của Influencer và từ đó Influencer sẽ đem đến những tác động tích cực đến cộng đồng người hâm mộ cũng như những người tiêu dùng tiềm năng. Ngoài ra khách hàng hiện nay cân nhắc khá nhiều về đánh giá thực tế trên các sàn thương mại điện tử và có xu hướng cẩn trọng với các “review ảo”.

Thách thức của các thương hiệu Việt trên thị trường hiện nay, để cạnh tranh ở địa bàn thương mại điện tử là khẳng định niềm tin vào chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các giấy tờ liên quan về nguồn gốc, xuất xứ, kiểm định khi lên sàn thương mại điện tử cần được các thương hiệu chuẩn bị thật cẩn thận. Ngoài ra, thương hiệu cũng cần có định vị thương hiệu rõ ràng, chiến lược marketing nhất quán, xác định rõ mục tiêu của từng kênh để tối ưu chi phí bán hàng và ra được chuyển đổi doanh thu. 

Thực hiện: K. (tổng hợp)