Phát triển cửa hàng có còn quan trọng trong thời buổi người người livestream? 

Ngày đăng: 19/03/24

Trong thời đại bán hàng livestream ngày nay, cửa hàng vật lý còn giữ được vai trò quan trọng trong việc tạo nên trải nghiệm mua sắm của khách hàng? 

Livestream bán hàng là hình thức thường được các thương hiệu sử dụng để quảng bá sản phẩm thông qua các buổi livestream trên nền tảng kỹ thuật số, thường là kết hợp với các KOL (người có ảnh hưởng). Theo kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia, đặt mục tiêu đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa bán lẻ trực tuyến đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021.

Theo kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia, đặt mục tiêu đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa bán lẻ trực tuyến đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021.

Mặc dù livestream đã trở thành một xu hướng mạnh mẽ trong việc kinh doanh trực tuyến, nhưng cửa hàng vật lý vẫn mang lại những lợi thế mà khó có thể thay thế. Đây là điều mà những nhà kinh doanh cần lưu tâm!

Thời đại của livestream vẫn đang tiếp diễn

Bán hàng qua livestream đã trở thành ngành công nghiệp tỉ đô của Trung Quốc nhiều năm nay kể từ khi bùng nổ vào giữa những năm 2010. Kể từ đó livestream phát triển thần tốc cùng thương mại điện tử và đạt con số trên 420 tỷ USD vào năm ngoái. 

Ở Việt Nam, kể từ ngày các sàn thương mại điện tử cập nhật tính năng này, cuộc chơi cạnh tranh của những nhãn hàng, doanh nghiệp, nhà bán lẻ qua sóng trực tuyến bắt đầu. Theo thông tin của Meta, được chia sẻ cho các đối tác công nghệ kinh doanh như Haravan (Meta Business Partner), bán hàng livestream đã nhanh chóng đạt được 9% trên tổng doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam trong 2023.

Theo thông tin của Meta, được chia sẻ cho các đối tác công nghệ kinh doanh như Haravan (Meta Business Partner), bán hàng livestream đã nhanh chóng đạt được 9% trên tổng doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam trong 2023.

TikTok Shop bắt đầu ra mắt tại Việt Nam từ giữa năm 2022 và nhanh chóng vươn lên trở thành sàn thương mại điện tử có thị phần lớn với sự phát triển của “Shoppertainment”. Tại Việt Nam, theo báo cáo từ TikTok, tính đến hết tháng 11/2023, có gần 3 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trên nền tảng này. 

Vừa qua, Đại diện của TikTok Việt Nam xác nhận doanh số 75 tỷ đồng trong ngày 2/3 của một kênh TikTok. Kênh TikTok này tổ chức livestream bán hàng trực tuyến kéo dài 13 tiếng đồng hồ. Tài khoản này bán được gần 100 sản phẩm đến từ 50 thương hiệu thuộc các ngành hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng, trang sức, điện tử… 

Có thể nói, trong thời đại ngày nay, người tiêu dùng không nhất thiết phải đi nửa vòng thành phố hay mất nửa giờ để đến một cửa hàng và chọn lựa sản phẩm ưng ý, trong khi đó họ hoàn toàn có thể ung dung ở nhà, mở smartphone và xem livestream rồi nhanh chóng chốt đơn tùy theo cảm xúc. Câu hỏi đặt ra cho những nhà kinh doanh ngày nay là, các cửa hàng vật lý có còn quan trọng như trước đây? 

Tầm quan trọng của cửa hàng vật lý đang lung lay? 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, livestream hoàn toàn không thể thay thế được sự kết nối trực tiếp với khách hàng của các cửa hàng vật lý. Cửa hàng vật lý cho phép khách hàng tương tác trực tiếp với sản phẩm và nhận được sự tư vấn từ nhân viên bán hàng. Điều này giúp tạo ra một trải nghiệm mua sắm chân thực và hấp dẫn hơn cho khách hàng. Thông qua việc xem trực tiếp sản phẩm và cảm nhận được chất lượng, khách hàng sẽ có độ tin cậy cao hơn đối với cửa hàng và sản phẩm.

Cửa hàng vật lý cũng giúp tạo ra một không gian tương tác xã hội giữa khách hàng và người bán hàng, mang lại cơ hội kết nối và giao lưu hơn cho cả hai bên. Một số cửa hàng vật lý còn là “bộ mặt” quan trọng của thương hiệu. 

Ở phân khúc thời trang xa xỉ, các thương hiệu thời trang lớn như Gucci, Louis Vuitton, Dior, Chanel… không ngừng nâng cấp trải nghiệm mua sắm dành cho khách VIP, từ cách bày trí vận hành cho đến trưng bày sản phẩm mang đậm tính nghệ thuật. 

Xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt và đa dạng

Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái hiện nay, các doanh nghiệp cần lưu ý và xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt và đa dạng để đảm bảo sự tồn tại và phát triển. 

Kết hợp giữa cửa hàng vật lý và bán hàng trực tuyến là điểm mấu chốt để phát triển trong thời buổi ngày nay, thay vì chỉ chọn một trong hai để phát triển. Để tận dụng lợi thế của cả hai hình thức kinh doanh, doanh nghiệp nên kết hợp giữa cửa hàng vật lý và bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, để thu hút và giữ chân khách hàng, cần tạo ra những trải nghiệm mua sắm độc đáo và hấp dẫn tại cửa hàng vật lý, kết hợp với các chương trình mua sắm (như khuyến mãi và ưu đãi) hấp dẫn.

Với dự án “Le Bleu” thương hiệu Jacquemus đã kết hợp cùng Selfridges để tạo nên “không gian phòng tắm” nhằm trưng bày các mẫu túi Chiquito và Bambino mang tính biểu tượng của thương hiệu một cách bắt mắt. CHAUTFIFTH, thương hiệu thời trang túi xách Việt đã gọi vốn đầu tư 10 tỷ đồng với 20% cổ phần tại Shark Tank Việt Nam mùa 6​​, cũng tập trung vào trải nghiệm thị giác tại cửa hàng, như cách mà các thương hiệu Hàn Quốc như Gentle Monster, Tamburins đã áp dụng thành công, 

Trong thời đại bán hàng livestream, cửa hàng vật lý vẫn đóng vai trò quan trọng và có thể phát triển trong bối cảnh suy thoái kinh tế, miễn là doanh nghiệp biết tận dụng và kết hợp các hình thức kinh doanh một cách linh hoạt và sáng tạo.

Thực hiện: K.