Gen Z nói gì về vấn đề phát triển bền vững của Chanel?

Ngày đăng: 20/12/24

Chanel thường xuyên xuất hiện ở vị trí thấp trong các chỉ số bền vững. Nhưng liệu những khách hàng tinh tế, luôn chú trọng đến vấn đề môi trường, có thật sự quan tâm đến điều này?

Trong suốt thập kỷ qua, các thương hiệu xa xỉ đã chuyển hướng mạnh mẽ trong việc công khai những nỗ lực bền vững của mình. Tuy nhiên, một điểm chung trong các bảng xếp hạng hàng năm theo dõi sự cải tiến của ngành công nghiệp này là vị trí tụt lại phía sau của Chanel.

Các tiêu đề thịnh hành về nhà mốt Pháp trong 12 tháng qua chủ yếu liên quan đến buổi trình diễn thời trang bất ngờ tại Manchester, sự ra đi của giám đốc sáng tạo Virginie ViardJennie (Blackpink) nhuộm tóc vàng tại show Xuân 2025. Trong khi đó, Chanel vẫn đang vật lộn để phát triển bền vững ở mức độ tương đương với các đối thủ, phản ánh những thách thức trong việc cải thiện tính minh bạch và các hoạt động tiết kiệm nguồn nước.

Thương hiệu đứng cuối bảng xếp hạng được công bố bởi CLB trong tháng này (đo lường 10 thương hiệu trên chín tiêu chí bao gồm lương, dữ liệu khí thải và xác minh nguồn gốc vật liệu). Chỉ số Minh Bạch Thời Trang 2023 của Fashion Revolution cho thấy hiệu suất của Chanel đã suy giảm so với năm 2022. Trong khi Gucci đạt được 100% năng lượng tái tạo vào năm 2022, mục tiêu của Chanel là đạt được cột mốc này vào năm tới.

Sau khi công bố kế hoạch hành động khí hậu Chanel Mission 1.5° vào năm 2020, tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu bằng các mục tiêu dựa trên khoa học để giảm dấu chân carbon của thương hiệu, Chanel hy vọng sẽ đạt được mục tiêu net-zero vào năm 2040 (sớm hơn 10 năm so với Hermès hay Prada). Hai tuần trước, Sophie Brocart đã rời bỏ vị trí CEO của Patou tại LVMH để dẫn dắt bộ phận tuần hoàn đầu tiên của Chanel, điều này phản ánh một chút lạc quan của nhà mốt.

Quan điểm của Gen Z

Đây là một năm đầy thử thách đối với nhiều thương hiệu xa xỉ, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường này vẫn rất quan trọng và với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Gen Z, các giá trị bền vững của họ đang trở thành một động lực mạnh mẽ mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua.

Dabria Wang – nhân viên quan hệ công chúng tại Thượng Hải là một phần của thế hệ người tiêu dùng xa xỉ mua sắm với suy nghĩ về tính bền vững. Cô chia sẻ với Jing Daily: “Chắc chắn tôi đang chi tiêu theo cách ngày càng có ý thức hơn. Là một người yêu thích đồ vintage và đồ tái chế, việc mua sắm quần áo một cách tự nhiên trở thành cách tôi ủng hộ thời trang bền vững.”

Vào tháng 4, TikTok Shop đã tăng giới hạn giá lên 4.000 bảng Anh (5.077 USD), cho phép người bán (đã được xác minh) cung cấp các sản phẩm xa xỉ đã qua sử dụng trên nền tảng này, giúp người dùng dễ dàng mua sản phẩm từ nhiều thương hiệu như Chanel.

Tuy nhiên, việc Chanel xếp hạng thấp trong các bảng xếp hạng bền vững dường như không ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của thương hiệu, mặc dù Gen Z đang mua sắm với ý thức về môi trường nhiều hơn. Nhà mốt Pháp là một trong những thương hiệu phổ biến nhất trên Douyin. Trên quy mô rộng hơn, Chanel cũng là một trong những thương hiệu xa xỉ lớn có doanh thu tăng trưởng trong năm 2023 (với mức tăng 16%).

Đầu tư xa xỉ dài hạn

“Trong những năm gần đây, tôi cũng chú ý hơn đến tính tái sử dụng và tính thực tế lâu dài của trang phục khi mua sắm” Wang chia sẻ.

Sự chuyển hướng xem quần áo như một khoản đầu tư lâu dài đang trực tiếp tác động đến các xu hướng trên thị trường, nổi trội như “xa xỉ thầm lặng” đã phát triển mạnh mẽ trong hai năm qua, đến mức thậm chí đã thúc đẩy việc mở cửa nhiều cửa hàng mặc dù nền kinh tế Trung Quốc có phần chững lại.

Nicki Zhang, một marketer đồ thể thao và cũng là một Gen Z sống tại Thượng Hải, cho biết: “Tôi nghĩ đến tính bền vững khi mua sắm, nhưng tôi thích mua những món đồ mà tôi có thể sử dụng lâu dài hơn.”

Là một thương hiệu cao cấp ưu tiên tay nghề thủ công, Chanel không cắt giảm chất lượng, điều này khiến thương hiệu được lòng khách về độ bền. Wang nói: “Tôi quan tâm đến triết lý bền vững của một thương hiệu, nhưng so với thiết kế, kết cấu, sở thích cá nhân và tính hiệu quả về chi phí, bền vững thường không phải là yếu tố quyết định — trừ khi là sản phẩm làm từ lông thú hoặc chất liệu tương tự.”

Vào năm 2018, Chanel đã trở thành nhà mốt xa xỉ đầu tiên cấm sử dụng da động vật quý hiếm như da thằn lằn, cá sấu và da rắn trong các bộ sưu tập của mình.

Nâng cao nhận thức về thương hiệu và tính minh bạch

“Bạn bè tôi rất quan tâm đến tính bền vững. Tôi nghĩ gần đây, các thương hiệu không còn giao tiếp nhiều về bền vững như vài năm trước, có lẽ vì khách hàng nhận ra rằng tiêu dùng và bản thân thời trang không bền vững, nên các thương hiệu đã giảm ưu tiên việc truyền thông về tính bền vững” Zhang chia sẻ.

Mối lo ngại về greenwashing (sử dụng các thực hành bền vững như một công cụ marketing) có thể khiến một bộ phận người tiêu dùng có học thức cao tẩy chay các thương hiệu, vì vậy các thương hiệu đang cẩn trọng hơn trong năm 2024. Tuy nhiên, việc nâng cao tính minh bạch có thể giúp cải thiện cảm nhận của những người tiêu dùng xa xỉ thuộc thế hệ trẻ, đặc biệt là đối với Chanel.

Thực hiện: Elio

Chuyển ngữ theo Jing Daily