Phong cách thời trang Việt trong 50 năm hòa bình 

Ngày đăng: 26/04/25

50 năm sống trong chiến thắng hoà bình, Việt Nam phát triển với tốc độ chóng mặt từ kinh tế cho đến thời trang. Trong đó, phong cách thời trang là “tấm gương” phản ánh sự thay đổi rõ nét nhất.

Năm 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng của Việt Nam với lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Suốt 5 thập kỷ, Việt Nam trải qua cuộc chuyển mình to lớn từ văn hoá, phục hồi kinh tế, chho đến cải thiện đời sống nhân dân. Bức tranh về sự chuyển dịch đó ảnh hưởng đến lịch sử thời trang nước nhà. Trong phạm vi vi mô, sự thay đổi của thời đại đã ảnh hưởng trực tiếp đến cách ăn mặc cũng như phong cách của người Việt. Trong thời bình, thời trang Việt cũng được “giải phóng”; cách ăn mặc của con người trong thời kỳ này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các quốc gia phát triển trên thế giới cũng như các nước đã từng xâm lược, chiếm đóng tại đất nước mấy trăm năm.

1970s – Thập niên của sự giải phóng

Kể từ thập niên 60, phong cách thời trang Việt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi làn sóng văn hoá Tây Phương. Tủ quần áo chứng kiến cuộc cách mạng lớn, với sự gia nhập của hàng loạt thiết kế thời trang táo bạo, mang sứ mệnh giải phóng cơ thể, cũng như đề cao nét đẹp nữ quyền.

Nếu những năm 1960s là lúc phụ nữ cởi mở, bạo dạn với mốt mặc váy ngắn (mini skirt), thì thập niên 70 lại chính là thời điểm thời trang Việt chào đón cuộc du nhập của những chiếc quần ống loe từ phong cách sống lẫn ăn mặc Hippie của châu Âu.

Thiết kế quần ống loe lúc bấy giờ được làm với đa dạng loại chất liệu, phổ biến nhất là vải jeans. Trong khi kiểu dáng quần được đặc trưng với phần ống loe xoè rộng, cạp quần cao. Phối với quần ống loe thời đó là nhiều kiểu áo, từ sơ mi tay phồng có vai đệm, áo thun cho đến đa dạng kiểu áo khác. Họ hoàn thiện tổng thể bằng túi đeo vai, kẹp nách, sandal heels, kính râm và kiểu tóc bob ngắn đánh phồng, cũng như cách để râu tóc dài xõa thẳng.

Đối với phụ nữ nói riêng, phong cách ở thập niên 70 là tiếng nói của sự bình quyền trong thời trang; trong cái nhìn rộng hơn, bên trong nó là tinh thần nổi loạn, chống đối định kiến của thời đại cũ.

1980s – Khi ngôn ngữ thời trang gắn liền với khao khát tự do và quyền lực

Bên cạnh duy trì và phát triển tầm ảnh hưởng của phong cách ở thập niên 60 và 70, thời trang ở những năm 80 còn giao thoa hài hoà với dấu ấn menswear – được áp dụng trong tủ quần áo nữ giới. Phụ nữ lúc bấy giờ mạnh dạn khoác suit – được may đo lấy cảm hứng từ đồ nam, tự tin mặc áo blazer với quần âu, đóng thùng cùng áo sơ mi vô cùng thanh lịch.

Trong khi đó, những kiểu áo sơ mi ở thập niên 80 có độ diện cao bởi cánh tay phồng, đệm vai được ảnh hưởng từ lối ăn mặc power-dressing thịnh hành ở phương Tây, và cúc áo to. Không chỉ có phong trào Hippie sôi động từ những năm 70, thập niên 80 còn chứng kiến sự trỗi dậy của làn sóng disco năng động.

Thanh âm và từng giai điệu vui tươi của disco khoác lên bảng màu thời trang lúc bấy giờ một vẻ rực rỡ và vô cùng nổi bật. Những sắc thái neon, gam màu nổi, phối với những bản in hoạ tiết sống động được ưa chuộng hết mực. Ở những năm 1980s, thời trang trở thành một loại ngôn ngữ mạnh mẽ để người mặc thể hiện khát khao tự do và quyền lực, thay vì chỉ đơn thuần là quần áo che chắn cơ thể. 

1990s – 2000s: Thời đại phóng khoáng

Từ những năm 1970s, 1980s chỉ mới “cất tiếng nói”, vào thập niên 90 và 00, thời trang Việt hướng đến kỷ nguyên của sự phóng khoáng. Đầu những năm 1990s, thị trường phim ảnh Việt chứng kiến mà du nhập và phát triển vô cùng thành công của những bộ phim TVB. Từ yêu thích phim ảnh, khán giả Việt đem lòng say đắm phong cách ăn mặc thời thượng của các diễn viên Hồng Kông.

Quần mom jeans cạp cao, áo thun oversize, những set đồ thể thao năng động,…tủ quần áo của người Việt lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phim ảnh Hồng Kông. Phong cách thập niên 90 còn để lại dấu ấn với kiểu trang điểm thanh tú, đặc biệt nhấn ở phần son môi đỏ; trong khi phần mắt kẻ chì đậm và chuốt mi dày. Kiểu tóc thường uốn xù hoặc đánh rối để tạo hiệu ứng bồng bềnh. Nổi bật nhất trong phong cách thời trang lúc bấy giờ không thể không nhắc đến kiểu phối trang sức bản to, bằng nhựa và nhiều màu sắc. 

Đến những năm 2000s, cột mốc chuyển giao bước vào kỷ nguyên công nghệ, thời trang trên toàn cầu chuyển mình mạnh mẽ và vô cùng ngoạn mục; đương nhiên, Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Ở thập niên này, thời trang Việt bị chi phối sâu sắc với các phong cách thời trang ở thế giới. Những chiếc mom jeans cạp cao được “hạ thấp” không giới hạn, áo phông được thu nhỏ kích thước, cắt ngắn vượt qua rốn, chân váy suông ở thập niên 90 cũng được cắt ngắn vô cùng nóng bỏng và được gọi bằng cái tên mini skirt,…phong cách thời trang Việt vào những năm 2000s mạnh mẽ vượt qua các quy ước y phục truyền thống.

Trong khi đó, bảng màu chào đón những sắc màu rực rỡ; hoạ tiết in trên vải vóc trở nên trừu tượng hơn gợi nhớ đến thời đại công nghệ. Không giống kiểu trang điểm kiều diễm ở thập niên 90, những năm 2000s ưa chuộng phấn mắt pastel nhẹ nhàng, phủ thêm lớp kim tuyến, son bóng; trong khi tóc tai được tạo kiểu thể hiện tính sáng tạo hơn.

2010s – Những ngày tháng “ồn ào”

Bước vào những năm 2010s, phong cách thời trang Việt tiếp tục bị tác động bởi các trào lưu được lăng xê trên thế giới. Bức tranh về phong cách thời trang Việt ở thời điểm đó rực rỡ, nhiều sắc màu, thậm chí là “ồn ào” khi quy tụ nhiều phong cách đa dạng; nổi bật nhất trong đó chắc chắn là cuộc đổ bộ của quần skinny jeans, sự năng động của athleisure, trang phục đinh tán, đặc biệt là “cơn lốc” đồ hiệu dưới hình thức logomania.

Nếu những thời kỳ trước, làng mốt ưa chuộng kiểu trang phục loe, rộng, thì những năm 2010s làng mốt đặc biệt yêu thích phom dáng ôm sát cơ thể. Trong khi đó, các hoạ tiết và bản in thời trang đặc trưng với đường nét to, đậm nét, nhiều màu sắc và đặc biệt là các logo từ nhà mốt đình đám. 

2020s – Quay về sự đơn gỉan và một thời đại được vận hành bởi các xu hướng vi mô

Đại dịch COVID-19 đi qua khiến bối cảnh thời trang bị xê dịch và chuyển hướng quỹ đạo. Nó làm thói quen “sử dụng” thời trang lẫn phong cách ăn mặc của làng mốt trên toàn cầu thay đổi. Một thế giới bị bao vây bởi dịch bệnh khiến con người đề cao cảnh giác, quan tâm hơn đến sức khoẻ vật chất lẫn tinh thần.

Họ bắt đầu ưa chuộng những kiểu dáng oversized, ưu tiên sự thoải mái và đề cao tính ứng dụng cao. Ngoài ra, suy thoái kinh tế đã khiến người tiêu dùng “thắt chặt” chi tiêu của mình, thói quen mua sắm không còn thoải mái, từ đó phong cách ăn mặc cũng trở nên tối giản hơn. Ở Việt Nam, cuộc hội thoại về phong cách vào những năm 2020s được dẫn dắt bởi phong cách thể thao năng động, cũng như minimalism. 

Khoảng 2 năm trở lại đây, thế giới thời trang chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt xu hướng vi mô – từ phiên bản lấy cảm hứng từ các nguyên tác trong quá khứ cho đến mang theo hơi thở vị lai. Đây là thời điểm ngành công nghiệp thời trang bắt đầu được vận hành bởi chính các xu hướng của thời đại. Từ Y2K, mermaidcore, barbiecore, blokecore, “quiet-luxury”,…cho đến thuật toán từ trí tuệ nhân tạo, các xu hướng thời trang liên tục được ra đời cũng là bởi mong muốn thể hiện bản sắc của người mặc. Thời trang trong kỷ nguyên này cũng trở thành ngôn ngữ để người mặc vay mượn kể câu chuyện về cái tôi, cũng như bản sắc độc bản bên trong. 

Nguồn cội của thời trang Việt

Dẫu có thay đổi qua từng thời kỳ, trải qua không ít cuộc chi phối từ thời trang thế giới, nhưng di sản, cốt lõi truyền thống của thời trang Việt chưa bao giờ bị “lung lay”. Xuyên suốt 50 năm của hoà bình, áo dài vẫn là một “trang sử chói lọi” trong thời trang Việt. Áo dài vẫn là một “ngôi đền” bất khả xâm phạm; dù phong cách thời trang Việt bị ảnh hưởng phần lớn từ nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. 

Truyền thống mặc áo dài vẫn còn được lưu truyền và phát huy từ những năm 70 cho đến tận nay. Từ một món đồ truyền thống thường được mặc trong các dịp quan trọng, áo dài được giới trẻ nâng niu, ứng dụng nó vào cả những dịp thường ngày. Không chỉ vào những ngày Tết đến Xuân về, áo dài ngày nay còn có thể trở thành một lựa chọn trang phục độc đáo cho tủ quần áo tham dự concert. Minh chứng vẻ vang nhất là đêm diễn concert thứ 3 “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” đã lập kỷ lục Guinness thế giới với danh hiệu “Sự kiện có số lượng người tham gia mặc trang phục truyền thống Việt Nam đông nhất”. Bên cạnh đó, “concert quốc gia” trong đại lễ kỷ niệm Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất (30/4) sắp đến chắc chắn sẽ là thời khắc tà áo dài Việt được toả sáng khắp mọi ngóc ngách đường phố, trên diện mạo của biết bao thế hệ.

Thực hiện Dory