Thịnh suy hai mảnh bikini
Ngày đăng: 09/09/19
Bikini chính thức ra mắt vào thập niên 40, tuy nhiên theo một số bức tranh mosaic trong cung điện Villa Romana del Casale (Sicily, Italy) thì tiền thân của bikini – những bộ đồ hai mảnh của phụ nữ (phục vụ cho hoạt động thể thao) xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, cách đây cỡ 1400 năm trước Công Nguyên.
Từ những tiền thân
Cũng như những trang phục phổ thông, tiến trình “ngắn lên, gọn hơn” của bikini cũng mất kha khá thời gian để được công chúng chấp nhận. Năm 1913, 13 năm sau khi các chị em được phép tham dự Olympics, NTK Carl Jantzen giới thiệu những bộ đồ tắm tạo nên từ áo phông và quần short ôm sát để phụ nữ có thể dễ dàng thi thố và trình diễn.
Những năm 40, dưới sự siết chặt kinh tế và hạn chế về vải vóc do chiến tranh, những thước vải để may đồ tắm thậm chí còn eo hẹp hơn, một mảnh cắt bớt thành hai mảnh, cho phép lộ da thịt nhiều hơn, tạo tiền đề cho những bộ bikini ra đời sau đó.
Cho đến bộ đồ ăn theo những cú dội bom
Đến tận năm 1946, khi NTK người Paris Jacques Heim giới thiệu bộ đồ bơi hai mảnh nhỏ xíu đầu tiên với tên gọi “atome” và giật title “the world’s smallest swimsuit” thì bikini hiện đại mới chính thức ra đời. Cái tên atome được đặt ăn theo vụ đánh bom tàn khốc tại Hiroshima và Nagasaki, cũng với mục đích lăng xê những bộ đồ ngắn cũn nóng bỏng sẽ tạo nên cú nổ lớn trong thế giới thời trang.
Năm 1947, kỹ sư người Pháp Louis Réard thiết kế nên một bộ đồ bơi với title ranh mãnh không kém – “smaller than the world’s smallest bathing suit”, ra mắt 4 ngày sau khi quân đội Mỹ thử nghiệm bom hạt nhân trên đảo Bikini Atoll (thuộc quần đảo Marshall). Cái tên Bikini có nguồn gốc từ đây và không ngoài kỳ vọng, trở thành những công cụ đắc lực trưng trổ vẻ đẹp thần thánh của cơ thể phụ nữ trên các bãi biển châu Âu. Dù vậy, ban đầu, không một người mẫu Paris nào dám diện bikini ngoài Micheline Bernardini, một vũ công thoát y.
Bộ đồ bơi nhỏ tới độ có thể bỏ vừa một hộp diêm (như cô nàng cầm trên tay trong shot hình quảng cáo) tạo nên một cơn chấn động. Những cuộc tranh cãi nổ ra giữa phe thủ cựu và những người theo trào lưu tiến bộ. Suốt thập niên 50, những điều luật cấm kị được ban hành nhằm dập tắt trào lưu bikini trên những bãi biển dọc Châu Âu và Địa Trung Hải.
Mặc bikini là tội ác?
Bikini xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc thi nhan sắc cấp quốc tế Miss World năm 1951 tại London và sau đó bị cấm luôn tại Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Úc, đồng thời bị Giáo hội Vatican tuyên bố là một loại “tội lỗi”. Tất nhiên, cuộc chiến không dừng lại ở đó. Réard vẫn nhận được hàng chục ngàn bức thư khẩn nài sản xuất bikini và thậm chí còn tung ra một chiến dịch quảng cáo với slogan sặc mùi khiêu khích: “Bikini thực sự là thứ mà có thể xỏ xuyên qua một chiếc nhẫn đính hôn.”
Và quá khứ cũng như hiện đại, khi công chúng phân vân chưa quyết định theo hay không theo trend thì hãy để các minh tinh màn bạc thuyết phục. Brigitte Bardot gây chú ý tại Liên hoan phim Cannes với những tấm hình “tươi mát” trong những bộ bikini, xuất hiện trên mọi bãi biển ở miền Nam nước Pháp. Theo bước Brigitte, các cô đào Hollywood như Marilyn Monroe và Esther Williams cũng không ngại ngùng phô bày những đường cong nhức nhối dù cánh phụ nữ “tiết hạnh khả phong” nơi Mỹ quốc khi đó vẫn còn khăng khăng coi rằng mặc bikini là “kém sang, kém duyên và kém phẩm vị”.
Khẳng định từ các kiều nữ trên màn bạc
Năm 1962, hình ảnh Ursula Andress với bộ bikini trắng ướt át, mạnh mẽ và đầy nhục cảm xuất hiện trong phim “Dr.No” – phim về James Bond đầu tiên của San Connery đã trở thành một trong những cảnh kinh điển nhất trong lịch sử điện ảnh, tạo nên cơn sốt phòng vé đồng thời đưa nàng minh tinh lên đài cao danh vọng. Gần 40 năm sau bộ bikini được bán đấu giá thành công mang về khoản tiền $60,000.
Sau Ursula Andress, Raquel Welch tiếp tục diện bikini trong phim One Million Years BC năm 1966 và hình ảnh cô nàng trong bộ bikini bằng da thú bên bờ biển thậm chí còn nổi tiếng hơn cả bộ phim, giúp nàng giật lấy danh hiệu “Người phụ nữ được khao khát nhất của tạp chí Play boy thập niên 70. Những ai là fan của serie phim Star Wars hẳn cũng khó mà quên cảnh nàng công chúa Leia, do Carrie Fisher thủ vai, diện bộ chiếc bikini màu vàng kim xuất hiện trên màn bạc.
Cũng vẫn những năm 60, tạp chí dành cho cánh mày râu Playboy đưa bikini lên trang bìa, kéo theo hàng loạt những tờ báo “đứng đắn” một thời khác. Bryan Hyland đưa bikini vào âm nhạc và tạo nên cú hit với cái tên rất bắt tai “Itsy Bitsy Teenie Weenie Yellow Polka Dot Bikini” chứng tỏ bikini thực sự đã trở thành một hiện tượng văn hoá.
Sóng gió vẫn chưa qua
Với trợ lực từ điện ảnh, âm nhạc và các tạp chí, bikini từng bước lên ngôi trở thành một cơn sốt thời trang từ Châu Âu sang châu Mỹ. Hưng thịnh là thế, song bikini cũng có lúc chịu thua trước những bộ đồ bơi một mảnh khoét cao tới tận eo vào những năm 80, khi mà làn sóng aerobic lan toả khắp nơi, trưng trổ trên thân hình của Jane Fonda hay Cindy Crawford, cùng những cáo buộc gây… ung thư da do mặc bikini phơi nắng. Năm 1988, hãng bikini của Louis Reard chính thức phá sản khi doanh số liên tục sụt giảm không có dấu hiệu ngóc dậy. Những bộ đồ bơi hai mảnh tưởng chừng đã tới ngày bị bức tử.
Tất nhiên, câu chuyện sẽ không thể dừng lại ở đó khi mà gần một thập niên sau, bikini chính thức tái thịnh và thậm chí còn nóng mắt hơn bởi những chiếc quần G-trings trên những bãi biển Rio de Janeiro, Brazil, nhờ sự phát triển và phổ biến thành công kem chống nắng. Thế giới lại một lần nữa dậy sóng bởi những thân hình mỹ miều trong bộ đồ hai mảnh tin hin.
2002, Halle Berry tái hiện hình ảnh Bond Girl hồi năm 60 của Ursula Andress trong Die Another Day. 2003, Demi Moore khoe body ở tuổi 40 vẫn nóng bỏng chẳng kém các cô nàng đôi mươi trên màn bạc với vai diễn trong Charlie’s Angels: Full Throttle. Còn hiện nay? Có một danh sách dài những cô nàng bốc lửa như Kate Upton, Ashley Graham hay gia đình Kardashian để minh chứng cho sức ảnh hưởng của bikini trong khái niệm “quyến rũ”, “gợi cảm” của phụ nữ hiện đại, dù ta đã có vô số lựa chọn khác.
Thực hiện: Quỳnh Nga