Theo chân Jirawat tìm miền đất mới cho nghề dệt chiếu cói truyền thống Thái Lan
Ngày đăng: 03/03/20
Thời trang bền vững đã dần tác động mạnh mẽ đến ngành thời trang Việt. Nó không chỉ là giải pháp giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, mà hơn nữa còn thay đổi cả cách chúng ta suy nghĩ và mua sắm. Bởi trong thời đại công nghiệp hóa, các làng nghề truyền thống dần mai một và bị thay thế bởi sản xuất hàng loạt. Thế nhưng, từng bị xem là lạc hậu và rẻ tiền, các vật liệu tự nhiên nay đã quay trở lại trong các sáng tạo ấn tượng và có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.
Cùng mang nhiều nét tương đồng với ngành thời trang Việt Nam, thị trường Thái Lan ngày càng ưa chuộng những sản phẩm thời trang bền vững đến từ các làng nghề truyền thống. Trong các thương hiệu làm nên dấu ấn của mình đối với người tiêu dùng phải kể đến Chaksarn với các dòng túi xách từ chiếu cói vùng Isaan. Và được thành lập bởi Jirawat Mahasarn, một chàng trai địa phương luôn trăn trở với nghề dệt chiếu cói truyền thống.
Nhưng làm thế nào để có thể tạo được sự tin tưởng từ phía người mua? Đâu là cách Jirawat đưa những tấm chiếu cói ấy vào các thiết kế túi da? Và điều gì thật sự đã khiến anh thành lập thương hiệu của mình? Hãy cũng nghe những chia sẻ của Jirawat Mahasarn dành cho độc giả Style-Republik.
Những tấm chiếu cói quan trọng như thế nào đối với dân làng Isaan?
Khi nói về người dân làng Isaan ở Thái Lan và văn hóa của họ, những tấm thảm, chiếu dệt từ cói đã góp mặt trong hầu hết mọi sinh hoạt đời sống. Chúng là món đồ không thể thiếu trong mọi gia đình. Người Isaan ăn trên sàn chứ không phải bàn ăn, vì thế mà ít nhất 3 buổi ăn hằng ngày, các tấm chiếu được trải ra và cả gia đình ngồi quay quần với nhau. Hơn nữa, chiếu cói cũng được dùng vào các dịp lễ nghi và tụ họp. Bởi thế mà chúng là một phần đã gắn bó rất lâu với người dân Isaan.
Có vẻ như tuổi thơ anh đã gắn liền với cây cói nước, anh có thể chia sẻ về kỷ niệm của bản thân với các làng nghề dệt chiếu truyền thống không?
Thật ra thì ngôi làng mà tôi lớn lên thường dệt lụa Thái thay vì chiếu. Tôi nhớ mình hồi nhỏ đã thấy mẹ se tơ dệt lụa cứ sau mỗi mùa gặt hằng năm và phụ giúp bà ở một số công đoạn. Tuy nhiên, gần làng tôi mọi người lại dệt chiếu và nhờ thế mà tôi đã được biết về nó từ khi còn nhỏ. Kỉ niệm đáng nhớ nhất với chiếu cói thường là về việc sử dụng hơn là cách làm ra nó. Thời thơ bé tôi thường theo ba mẹ lên đền và giúp trải những tấm chiếu dài để mọi người ngồi cầu nguyện, và tôi thấy nó làm một niềm vui thật sự. Dù lúc ấy tôi không tự tay dệt ra tấm chiếu cói nhưng bản thân hiểu rằng để làm ra một sản phẩm như thế khó khăn đến chừng nào.
Làm sao anh có thể nhận ra tiềm năng của ngành dệt chiếu truyền thống và làm thế nào anh đưa nó vào thời trang?
Thường thì những tấm chiếu tôi từng dùng để ngồi có hoa văn cực kỳ đơn giản, kiểu dáng cũng vậy. Có lần tôi bắt gặp một tấm chiếu dệt họa tiết truyền thống Thái Lan tuyệt đẹp và vô cùng yêu thích. Tôi nhớ là mình đã mua chúng ngay lập tức nhưng chưa từng sử dụng. Vì bản thân tôi cảm thấy một phần thiếu tôn trọng khi ngồi lên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời như vậy. Và rồi tôi tự nhủ rằng chúng phải trở thành thứ gì đó khác chứ không thể chỉ là những tấm thảm lót được. Đó là xuất phát điểm cho sự thay đổi trong suy nghĩ của tôi. Và các sản phẩm thời trang là điều đầu tiên tôi nghĩ đến, túi xách là một thứ có vẻ khả thi nhất.
Những khó khăn ban đầu khi thành lập thương hiệu là gì? Anh đã giải quyết như thế nào?
Ở mỗi giai đoạn thành lập thương hiệu lại có những khó khăn khác nhau. Đặc biệt hơn nữa là tôi chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Nhưng tôi nghĩ hai khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải đó là:
Đầu tiên, làm thế nào để tạo nên các thiết kế túi hoặc hoa văn có thể ứng dụng chiếu cói vào. Nhưng đồng thời, thiết kế đó phải đẹp và được mọi người yêu thích, muốn mua. Chiếu cói nước ở Isaan khá đặc biệt và cứng. Vì thế nó không được linh hoạt và cũng không thể uốn cong thành bất kỳ hình dạng gì mà mình muốn. Tôi đã nghiên cứu chất liệu của loại chiếu này một thời gian khá lâu để có thể tạo được những mẫu thiết kế khác nhau. Kể cả việc dệt chiếu cũng phải học lại từ những bước đầu tiên. Tôi dành một tuần để thử nghiệm, nhuộm và dệt cói thành chiếu để có thể hiểu cấu trúc của nó. Tôi đã dành ra hơn 4 tháng để tạo nên các mẫu túi đầu tiên. Liên tục thử nghiệm với 10 thiết kế khác nhau, mỗi lần như thế tôi đều rút kinh nghiệm và ghi chú lại những gì có thể, đến khi thật sự hài lòng mới thôi. Thời gian cùng với sự kiên nhẫn dường như là điều cần thiết nhất.
Tiếp theo có là sự thay đổi nhận thức của khách hàng. Thị trường mục tiêu của tôi là những người Thái quan tâm đến các sản phẩm này. Bạn không thể xây dựng một doanh nghiệp hay thương hiệu nào nếu những gì bạn làm ra không thể bán được. Hầu hết người dân Thái Lan vẫn còn nghĩ rằng các sản phẩm nguyên liệu địa phương Thái Lan là những thứ lạc hậu dành cho hế hệ cũ và không bắt kịp xu hướng. Thật sự rất khó để thay đổi nhận thức và giúp họ tin rằng những chiếc túi cói cũng thời trang và xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Thật lòng thì tôi đã đổ rất nhiều tâm huyết vào các thiết kế của mình và phát triển nó đến mức có thể thu hút sự chú ý và làm khách hàng nhận ra thông điệp rằng: Những chiếc túi hand-made làm từ cói cũng có thể hợp thời trang và mang tính đương đại. Chất liệu của bạn là gì, đó không phải vấn đề, ý tưởng và thiết kế mới là thứ thay đổi mọi người.
Chất liệu của bạn là gì, đó không phải vấn đề, ý tưởng và thiết kế mới là thứ thay đổi mọi người.
“Chaksarn” cũng có nghĩa là “dệt”, phải chăng cái tên tương hiệu đã bao hàm trách nhiệm của nó đối với ngành dệt chiếu cói truyền thống?
Chắc chắn là vậy rồi. Khi người dân Thái Lan thấy cái tên “Chaksarn” họ sẽ biết ngay rằng thứ họ mua được dệt thủ công bằng tay. Và khi nhìn thấy sản phẩm thì họ sẽ biết rằng đó là sản phẩm của các làng truyền thống địa phương chứ không phải là sản phẩm của ngành công nghiệp. Tất cả giá trị thương hiệu đều nằm trọng trong cái tên của chính nó.
Được yêu thích và lựa chọn bởi ngày càng nhiều người trẻ, theo anh điều gì đã khiến các khách hàng lựa chọn sản phẩm của Chaksarn?
Tôi tin rằng 2 khó khăn vừa rồi cũng chính là câu trả lời. Mỗi lần thiết kế một chiếc túi mới, tôi luôn nghĩ về những người trẻ, liệu họ có thể mang chúng theo mà không ngại ngùng gì không? Thiết kế phải thật tươi trẻ và nổi bật. Không dừng lại ở đó, tôi cũng phát triển thêm những kiểu dáng mới. Đồng thời, tôi cũng lắng nghe các phản hồi từ khách hàng và đưa những gợi ý đó lên sản phẩm mới. May mắn là những gì tôi đã và đang làm cho thấy hiệu quả và các thiết kế túi xách ngày càng được các khách hàng trẻ ưa chuộng.
Bên cạnh đó, việc tạo một câu chuyện đằng sau mỗi thiết kế cũng rất quan trọng. Tôi chắc rằng mọi người đều biết thảm chiếu cói nước là gì nhưng họ có thể đã quên mất rằng để làm ra một sản phẩm như thế khó đến chừng nào. Những gì tôi làm là trình bày và giải thích cụ thể từng bước quy trình làm ra một chiếc túi. Từ đó họ sẽ nhận ra thứ họ đang cầm trên tay mang nhiều giá trị và câu chuyện hơn họ nghĩ. Nhất là số tiền họ chi cho mỗi sản phẩm sẽ được dành cho những người dân trong các làng dệt.
Anh đã trải qua trường lớp đào tạo thiết kế nào chưa?
Thời gian đầu thành lập thương hiệu, tôi có tham gia một khóa học làm túi da ngắn hạn (1 tuần) ở Bangkok để làm quen với đồ da. Họ không dạy cách thiết kế sản phẩm mà nhưng là dẫn bạn bước vào thế giới vật liệu bằng da và các loại hoa văn cơ bản. Tôi phát triển ý tưởng thiết kế thông qua việc quan sát và đánh giá các sàn diễn thời trang mà tôi xem trên trực tuyến. Sau 1 năm xây dựng thương hiệu, tôi đặt chân đến Milan để tham gia khóa học thiết kế kéo dài 1 tháng, đó là nơi tôi ngắm nhìn thế giới thời trang ở một cấp độ khác. Tôi luôn tâm niệm rằng việc học hỏi sẽ không bao giờ dừng lại và thời trang cũng thế. Tôi sẽ nghiên cứu và phát triển kỹ năng bất cứ khi nào có cơ hội.
Anh có thể chia sẻ về quá trình ra đời một sản phẩm túi xách của Chaksarn không?
Quá trình sản xuất bắt đầu từ việc thu hoạch cói, sau đó cói được cắt thành các mảnh mỏng và sấy khô trước khi nhuộm và dệt thành chiếu. Công đoạn này mất ít nhất 1 tuần để chuẩn bị sẵn sàng cho việc dệt. Sau đó, mất khoảng 3-5 ngày để dệt một tấm thảm dài 2 mét. Sau khi dệt xong, chúng ta cần phơi khô vài ngày để đảm bảo nó thoát hết nước hoàn toàn. Sau khi có chiếu cói, chúng tôi kết hợp chúng với da theo những mẫu thiết kế của chúng tôi.
Những kế hoạch trong tương lai của anh dành cho Chaksarn là gì?
Kế hoạch trong tương lai của tôi là tăng mức sản xuất để có thể khuyến khích nhiều người dân địa phương phát triển nghề dệt chiếu cói hơn nữa. Hiện tại, số nghệ nhân dệt đều đến từ một vài ngôi làng. Việc kinh doanh của Chaksarn có thể mang lại thu nhập và giúp người dân làng hạnh phúc hơn. Chính vì thế mà tôi muốn đưa công việc này lên một quy mô lớn hơn nữa. Khi công việc sản xuất có thể đáp ứng lượng cầu lớn hơn và cổ phiếu ổn định, tôi thật sự mong muốn mở rộng ra thị trường toàn cầu. Mục tiêu của tôi là khiến người tiêu dùng nhớ đến Chaksarn ngay khi họ nghĩ đến túi cói dệt tự nhiên và cả túi rơm.
Cảm ơn Jirawat Mahasarn vì đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả Style-Republik.
Thực hiện: Hiếu Lê
Ảnh: NVCC & Internet