People in Fashion: Những hướng đi trong ngành thời trang (Phần 1)
Ngày đăng: 20/05/20
Thời trang là một ngành công nghiệp gắn liền với lịch sử phát triển của xã hội. Những năm gần đây, khi internet và mạng xã hội phát triển, ngành thời trang Việt Nam trở thành một chân trời mới với nhiều cơ hội việc làm đa dạng và rộng mở.
Nhưng khi nhắc đến ngành nghề trong lĩnh vực thời trang, nhận thức của phần lớn mọi người trong xã hội chỉ dừng lại ở nhà thiết kế, người mẫu và nhiếp ảnh gia. Thông qua chuyên đề “People in Fashion”, Style-Republik hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về các nghề nghiệp trong ngành thời trang vốn đa dạng, để từ đó có được định hướng rõ ràng cho tương lai.
Nhà thiết kế – Designer
Khi nhắc về thời trang người ta thường nghĩ ngay đến nhà thiết kế. Nhà thiết kế thời trang là người sáng tạo ra những mẫu mã trang phục. Mỗi nhà thiết kế lại có những phong cách hay thế mạnh khác nhau. Nhà thiết kế thời trang cũng có thể phân chia theo dòng sản phẩm như quần áo, giày dép đến phụ kiện… Nhà thiết kế thời trang có thể làm trong các thương hiệu thời trang, nhà xưởng hay thậm chí cho các đoàn phim.
Nhìn chung, kỹ năng cần thiết của một nhà thiết kế thời trang: khả năng phác thảo được các thiết kế bằng tay hoặc bằng máy, thành thạo các quy trình sản xuất các mẫu quần áo, phân biệt được các loại chất liệu, kết cấu khác nhau, có cảm thụ về màu sắc, về hình dáng, am hiểu về lịch sử thời trang và các xu hướng…
Khi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế thời trang, nhà thiết kế có thể thăng tiến lên vị trí Giám đốc Sáng tạo (Creative Director). Ở vai trò này nhà thiết kế là người tìm cảm hứng, chia sẻ tầm nhìn, định hướng cho từng bộ sưu tập, từng mùa và quản lý các nhà thiết kế khác làm việc dưới mình.
Những nhà thiết kế tiêu biểu: Yves Saint Laurent, Coco Chanel, Donatella Versace, Giorgio Armani, Karl Lagerfeld…
Nhà tạo mẫu – Fashion Stylist
Ngày nay, công việc của một Stylist khá đa dạng. Chúng ta thường thấy Stylist với vai trò là người cố vấn trang phục và xây dựng phong cách cho khách hàng của mình, tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể. Bên cạnh việc xây dựng phong cách thời trang cho cá nhân, còn có Stylist chuyên xây dựng phong cách hình ảnh tạp chí hay xây dựng phong cách hình ảnh cho các thương hiệu, nhãn hàng, phim ảnh…
Một người stylist giỏi cần có một đôi mắt thẩm mỹ nhạy bén, tinh tường trong việc biến hóa, mix-and-match, cập nhật xu hướng và có một khả năng giao tiếp tốt để thực sự hiểu được nguyện vọng của khách hàng. Ngày nay, stylist không chỉ cần am hiểu về thời trang, phong cách mà cần phải khéo léo trong việc điều phối, thuyết phục khi làm việc với cả một ekip như nhà thiết kế thời trang, nhiếp ảnh gia, chuyên gia trang điểm, chuyên gia ánh sáng…
Những stylist tiêu biểu: Karla Welch, Ilaria Urbinati, Kate Young, Brandon Maxwell…
Biên tập viên/Phóng viên thời trang – Fashion Writer/Journalist
Nếu bạn ham thích việc tìm hiểu thông tin, thích viết lách, tìm tòi và có khả năng vận dụng sức mạnh của ngôn từ, thì công việc của một biên tập viên hoặc phóng viên thời trang là lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Là một biên tập viên/phóng viên thời trang, bạn sẽ có cơ hội được làm việc trong những tạp chí lớn, được gặp những người nổi tiếng, được tham gia những sự kiện về thời trang. Thậm chí khi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, bạn có thể tạo dựng sự nghiệp riêng cho mình, viết blog riêng hoặc cộng tác tự do với nhiều công ty khác. Sẽ là một lợi thế lớn nếu bạn được đào tạo qua lĩnh vực báo chí hay xây dựng content.
Những biên tập/phóng viên thời trang tiêu biểu:
- Anna Wintour – Tổng biên tập tạp chí VOGUE
- Carmel Snow – Biên tập của Harper’s BAZAAR (1934-1958)
- Diana Vreeland – Biên tập của Harper’s BAZAAR (1936 -1962)
- Robin Givhan – Biên tập của The Washington Post
- Nguyễn Thắng – Tổng biên tập của Tạp chí Đẹp Việt Nam
Nhà thiết kế về chất liệu – Textile Designer
Tại Việt Nam, đa phần nguồn nguyên phụ liệu đều được nhập khẩu, vì thếvai trò của các chuyên gia/ nhà thiết kế chất liệu ít được biết đến. Nếu như các nhà thiết kế thời trang là người làm nên kiểu dáng và quyết định tinh thần của một bộ sưu tập, thì vai trò của các chuyên gia xử lý chất liệu giúp đề cao khả năng sáng tạo và hiện thực hóa các yêu cầu từ các nhà thiết kế thời trang.
Nhà thiết kế chất liệu hay xử lý chất liệu giúp mang đến những chất liệu độc đáo/ khác biệt cho những bộ sưu tập, điều làm nên sự mới mẻ hay khác biệt tùy vào yêu cầu của các nhà thiết kế. Nhà thiết kế chất liệu có thể làm việc cho tập đoàn, nhà xưởng hay cộng tác tự do. Nhiều chuyên gia có sự am hiểu về chất liệu vải hay kỹ thuật sáng tạo trên bề mặt do được thừa hưởng kiến thức và kinh nghiệm từ nhà xưởng truyền thống hoặc do quá trình học hỏi, nghiên cứu cá nhân ở nhiều nơi. Ngoài ra, một chuyên gia trong lĩnh vực này còn cần có khả năng cảm thụ mỹ thuật, màu sắc, bố cục và thêm vào là khả năng thiết kế đồ họa…
Những nhà thiết kế vải tiêu biểu: Lucienne Day, Jacqueline Groag, Zandra Rhodes, William Morris, Astrid Sampe, Aleksandra Gaca…
Visual Merchandiser
Sau khi các nhà thiết kế hoàn thiện các mẫu quần áo và sẵn sàng để đưa ra cửa hàng, một trong những công việc quan trọng nhất là làm sao để thu hút khách hàng và thuyết phục họ mua những thiết kế được bày bán. Đó là nhiệm vụ của một Visual Merchandiser, người sẽ bày trí cửa tiệm và sắp xếp, phối quần áo sao cho khi nhìn vào, khách hàng có thể cảm nhận ngay được tinh thần và phong cách của nhãn hàng, từ đó sẵn sàng chi tiêu.
Công việc của Visual Merchandiser cần có kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, song song đó họ cũng chịu trách nhiệm về doanh số của cửa hàng mà họ bày trí. Để làm tốt công việc của mình, một Visual Merchandiser cần có kiến thức về kiến trúc, mỹ thuật, thời trang kết hợp để làm nên một không gian khoa học, thẩm mỹ và khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.
Người mẫu – Model
Bên cạnh việc thể hiện được vẻ đẹp của trang phục qua những bước đi uyển chuyển và lả lướt trên sàn catwalk, người mẫu còn dùng thần thái và dáng điệu của mình chuyển tải được tinh thần của các bộ sưu tập qua các shoot ảnh thời trang. Hiện nay, người mẫu còn xuất hiện ở các sự kiện để quảng bá cho sản phẩm, nhãn hàng… Tùy vào vị trí cần thể hiện mà có yêu cầu riêng về hình thể của người mẫu. Một người mẫu trên sàn diễn sẽ có những yêu cầu về vóc dáng khác hơn so với tại sự kiện.
Với sự phát triển của mạng xã hội, các người mẫu có nhiều cơ hội kiếm được thu nhập cao nếu biết xây dựng thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, đây cũng là một nghề có tính cạnh tranh cao, đào thải nhanh chóng, cần nhiều chi phí đầu tư cho việc xây dựng hình ảnh… đòi hỏi phải có quyết tâm cao để đi đến cùng với đam mê của mình.
Những người mẫu tiêu biểu: Kendall Jenner, Cara Delevingne, Kate Moss, Naomi Campbell, Miranda Kerr…
Nhiếp ảnh gia thời trang – Fashion Photographer
Nhiếp ảnh gia thời trang là một lĩnh vực đặc thù mà không phải bất cứ nhà nhiếp ảnh nào cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia thời trang, sự am hiểu về thời trang là điều bắt buộc. Một nhiếp ảnh gia thời trang phải là một người có con mắt thẩm mỹ tinh tường, nắm bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất của người mẫu, tìm ra những góc chụp đắt giá thể hiện được tinh thần của trang phục từ các nhà thiết kế. Một nhiếp ảnh thời trang cũng cần thấu hiểu được ý tưởng mà giám đốc sáng tạo muốn chuyển tải qua bộ ảnh trong quá trình hợp tác. Một số nhiếp ảnh gia tài năng còn có đủ khả năng tự lên concept theo ý tưởng của riêng mình.
Những tạp chí thời trang hàng đầu như Vogue, Elle, Harper’s Bazaar hay L’officiel thường tạo nên những bộ ảnh đắt giá với sự hợp tác cùng các nhiếp ảnh gia thời trang tài năng. Song song đó, các nhiếp ảnh gia thời trang cũng cộng tác cùng các thương hiệu để tạo nên các bộ ảnh mang mục đích quảng bá hay tiếp thị cho các sản phẩm của ngành thời trang và có thể bao gồm cả ngành làm đẹp.
Những nhiếp ảnh gia thời trang tiêu biểu: Karl Lagerfeld, Richard Avedon, Steven Meisel, Peter Lindbergh, Jingna Zhang…
—
Style-Republik mời bạn tiếp tục đón xem phần 2 của chuyên mục People in Fashion: Những hướng đi trong ngành thời trang vào tuần tới.
Thực hiện: Mỹ Đỗ