13 đồ án ấn tượng từ sinh viên thiết kế thời trang K22 trường Đại học Văn Lang (Phần 2)

Ngày đăng: 30/07/20

Ngày 24/07 vừa qua sinh viên thiết kế thời trang K22 trường Đại học Văn Lang đã có một đêm diễn Graduation Fashion Show mang đến 13 bộ sưu tập thời trang độc đáo và sáng tạo. Mỗi bạn đều có cách nghiên cứu đề tài khác nhau và áp dụng kỹ thuật đa dạng để thể hiện thiết kế của mình.

Tiếp nối Phần 1, Style-Republik mời các bạn khám phá các bộ sưu tập còn lại của các bạn sinh viên K22 trường Đại học Văn Lang.

J.E – Trần Nữ Kiều Trinh

Lấy hình tượng chủ đạo là các bức ảnh con sông đổ ra biển tại Việt Nam được chụp từ vệ tinh, Kiều Trinh mang đến bộ sưu tập “J.E” bằng vải denim độc đáo. Mực nước biển dâng lên cũng là lúc cái đẹp trên hành tinh này dần mất đi, đây như lời nhắc nhở về trách nhiệm của chúng ta đối với hành tinh mà ta sống.

Các kỹ thuật được áp dụng đa dạng từ xử lý bề mặt vải bằng phương pháp wash, laser quen thuộc đến đắp vải, in, rút sợi , thêu,… với các lớp vải xanh chuyển từ đậm sang nhạt để thể hiện 3 hình thái sông đổ ra biển.

Ấy ai một chút, đèo bồng xuýt xoa? – Lê Thị Xuân

Đồ án tốt nghiệp của Xuân mang cảm hứng từ nhân vật Mịch trong tiểu thuyết Giông tố của tác giả Vũ Trọng Phụng và thời trang Việt Nam giai đoạn Pháp thuộc; đây cũng là thời điểm tác giả ra đời cuốn tiểu thuyết. Trên tinh thần đồng cảm với số phận của nhân vật Mịch, các thiết kế cũng nói lên thông điệp rằng môi trường và xã hội có thể góp phần làm thay đổi tâm tính của con người.

Ảnh nguồn: Mai Anh Thư
Ảnh nguồn: Mai Anh Thư
Ảnh nguồn: Mai Anh Thư

Màu sắc chủ đạo của bộ sưu tập là cả những gam trầm (nâu sòng, đen,beige) hay sặc sỡ hơn (xanh,trắng, đỏ) cùng những kỹ thuật, họa tiết với phương pháp thêu chần bông và in chuyển nhiệt để làm rõ hơn sự thay đổi của nhân vật Mịch. Chất liệu cũng có sự đối lập giữa mộc mạc và bóng bẩy để khắc họa sự giằng xé trong nội tâm của Mịch.

Bà Hoa Mô-Đen – Ngô Gia Hân

Hình ảnh về người bà với các trang phục tự may mang phong cách thập niên 80 trở thành nguồn cảm hứng để Ngô Gia Hân tạo nên thiết kế đồ án của mình. Gia Hân chia sẻ: “…bà tự may và mặc quần áo lên người một cách đầy hãnh diện, điều đó đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc và tôi muốn phát triển nó lên trang phục của mình nhằm tạo ra cái mới có thêm chút âm hưởng từ bà để tôi cảm thấy bà luôn bên cạnh.”

Ảnh nguồn: Mai Anh Thư
Ảnh nguồn: Mai Anh Thư
Ảnh nguồn: Mai Anh Thư

Các kỹ thuật trong bộ sưu tập có thể kể đến như cắt may rã rập, móc len, thêu và đính kết, kết hợp với giải pháp phát triển ý tưởng chi tiết trang phục của Bà Hoa Mô-Đen – Như cách Hân gọi bà nội mình.

Pressed – Nguyễn Thị Ngọc Hiền

Lấy cảm hứng từ cách ép nhiệt hiện đại có thể lưu giữ vẻ đẹp của các loài hoa Ngọc Hiền đã đưa hình ảnh các loài hoa ấy vào trang phục với cách sắp xếp đối xứng. Màu sắc tươi sáng cho mùa Xuân-Hè với gam màu nóng như vàng, đỏ, cam được ứng dụng trên các dáng quần suông, áo không tay năng động cùng áo khoác và vest.

Pomegranate – Ngô Thu Hương

“Punica Granatum” hay “Pomegranate” – là tên tiếng anh của Quả Lựu, là một loại quả có nguồn gốc lịch sử lâu đời trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Quả lựu trong bộ sưu tập này mang ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ.

Giải pháp chủ đạo là in ép nhiệt toàn bộ họa tiết trên các nền chất liệu khác nhau, thể hiện vẻ đẹp nguyên bản nhất của quả lựu, kết hợp với các phương pháp khác như đính kết, thêu,…v.v.

Minihive – Nguyễn Thúy Phương

Bộ sưu tập mang tên “Minihive” lấy cảm hứng từ tổ ong “Beehive” ứng dụng kỹ thuật rập và xử lý bề mặt để tạo các hình lục giác – cấu trúc tiêu biểu của tổ ong. Bộ sưu tập thể hiện một góc nhìn khác của bản thân Thúy Phương về những công trình vĩ đại trong thế giới tự nhiên.

Ảnh nguồn: Mai Anh Thư

Các thiết kế sử dụng tông màu chủ đạo là trắng chuyển dần sang vàng nâu – màu sắc tiêu biểu của tổ ong biến đổi theo thời gian theo phong cách tối giản. Giải pháp thiết kế của bộ sưu tập dựa trên các phương pháp thiết kế rập, chủ yếu là từ hai phương pháp tạo khối rập và tạo rập từ hình lục giác kết hợp với giải pháp xử lý bề mặt đắp vải và smocking.

Girl among the flowers – Trần Tú Trân

BST lấy cảm hứng từ bức tranh “The knight of the flower” của họa sĩ Georges Antoine Rochegrosse. Bức tranh được vẽ vào năm 1894 kể về hành trình đi tìm Chén Thánh của chàng kị sĩ Parsifal, anh đã vượt qua mọi sự cám dỗ để tìm được Chén Thánh và trở thành người anh hùng.

Tú Trân khai thác những yếu tố chính như những loài hoa, những cô gái và chàng kị sĩ trong bức tranh kết hợp với những đặc điểm nổi bật của trang phục nữ châu u thế kỷ thứ 19 như trang phục có tầng, lớp, xếp nếp, bèo, corset và đường diềm trang trí để sáng tạo và sử dụng kỹ thuật in họa tiết kết hợp với kỹ thuật may như rút nhún, xếp nếp, may bèo. Tông màu chính được thể hiện xuyên suốt BST là xanh dương, xanh lá, tím, cam, màu da, hồng.

Thực hiện: Hiếu Lê

Hình ảnh: Nguyễn Trường Sơn và nhóm Kaat Lighting