Elsa Schiaparelli và hành trình đưa sắc hồng rực vào lịch sử thời trang đương đại
Ngày đăng: 17/09/20
Trước cả khi sắc hồng fuchsia thống trị giữa những năm 2000 và hồng millennial lên ngôi vào năm 2017, màu hồng rực (Shocking Pink) đã trở thành tâm điểm giữa đám đông những kẻ sành điệu nhất của Paris vào cuối những năm 30, 40 và viết nên một thời kỳ vẻ vang trong lịch sử thời trang. Người có công đưa màu hồng ấy đến đỉnh cao của sự chú ý chính là nhà thiết kế thời trang, couturier người Ý Elsa Schiaparelli.
Tựa như cách mà New Look gắn liền với Christian Dior, màu hồng là một phần không thể tách rời và là đặc trưng cho cái tên Schiaparelli. Với sự hút mắt và nổi bật của mình, sắc hồng là phép cộng hoàn hảo cho phong cách táo bạo theo trường phái Siêu Thực của bà.
Nói thế không có nghĩa Elsa Schiaparelli là người đầu tiên sử dụng sắc hồng vào trang phục. Nhưng trước bà không một ai từng sử dụng màu hồng cháy với tần suất nhiều đến như vậy. Những sắc hồng dịu và nhã nhặn hơn đã xuất hiện trong các tác phẩm hội họa và trang phục của quý tộc triều đình Pháp. Madame de Pompadour, Tình nhân của Vua Louis XV, đã ra lệnh xây dựng một vườn hồng của riêng mình tại vùng Sèvres, kể từ đó màu hồng của khu vườn được gọi với cái tên Rose Pompadour. Trong nghệ thuật, màu hồng được sử dụng để lột tả sự lãng mạn và tuổi trẻ – chưa mang tính cách mềm mại, nữ tính – được thể hiện trong các tác phẩm hội họa thời Rococo, chẳng hạn như bức “The Swing” năm 1767 của Jean-Honoré Fragonard.
Trải qua các thời kỳ nghệ thuật và đến thế kỷ 19, màu hồng tiếp tục mang trong mình sự tươi trẻ và lãng mạn ấy. Vào những năm 1800, màu hồng được nhìn nhận là có phần nam tính hơn. Vì trẻ sơ sinh thường mặc đồ trắng và đỏ, chủ yếu được dùng trong quân đội, nên màu hồng được coi là nam tính hơn và dành cho các cậu bé. Lúc nào, bản chất của màu xanh dương là tươi sáng và tinh tế, thích hợp với các bé gái hơn. Mãi đến cuối Đệ Nhị Thế Chiến, mọi thứ đã bị đảo ngược. Thông qua nghệ thuật, các nghệ sĩ miêu tả những người phụ nữ trẻ ngọt ngào và dịu dàng bằng màu hồng bởi sự lãng mạn và tươi trẻ mà nó từng đại diện, những sắc hồng pastel dịu nhẹ và hồng đào được kết hợp mạnh mẽ với phong cách thời trang nữ mãi đến thời của Elsa Schiaparelli.
Là một người nhìn có tầm nhìn xa, bà không có khuynh hướng chạy theo số đông với các màu sắc mà mọi người thường sử dụng. Bà chấp nhận dãy quang phổ màu sắc thông thường nhưng cũng thoát khỏi nó để chọn lấy một màu sắc rực rỡ mà bà bị nó thu hút – Shocking Pink (Hồng Rực).
Năm 1937, Schiaparelli biến sắc hồng này trở thành dấu ấn riêng của mình. Với sắc hồng rực, các thiết kế của bà trở nên vô cùng nổi bật so với các thiết kế mang màu sắc có phần u ám đang được ưa chuộng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Bằng cách sử dụng màu sắc tươi sáng, đặc biệt là màu hồng, Schiaparelli tách khỏi đám đông và tìm thấy nguồn cảm hứng cho riêng mình. Các sáng tạo của bà thách thức những định kiến về màu sắc, đặc biệt là màu hồng và khiến bà khác biệt với các nhà thiết kế đương thời.
Sắc hồng rực không chỉ xuất hiện trên váy áo, mà nó còn lưu dấu trên những gì cô ấy mặc, kể cả nước hoa. Dòng mùi hương Shocking, cũng ra mắt lần đầu tiên vào năm 1937, được đặc theo tên của màu sắc này – Shocking Pink.
Tại Paris, sự nổi tiếng của Schiaparelli ngày càng lớn, từ sự thành công hiện tại, cô ký hợp đồng với tư cách nhà thiết kế trang phục cho bộ phim “Moulin Rouge” (Cối xay gió đỏ) vào năm 1952, đặc biệt bộ váy màu hồng xuất hiện trong những phân cảnh chính cho nhân vật Jane Avril do minh tinh Zsa Zsa Gabor thủ vai. Thiết kế với sự bùng nổ màu sắc hồng, đỏ và chi tiết trang trí mang tính cấp tiến của nó trở thành lựa chọn không thể lý tưởng hơn để Gabor hóa thân vào một người ca sĩ ở một câu lạc bộ đêm và lột tả sự nữ tính không thể nhầm lẫn.
Màu hồng cũng tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử văn hóa đại chúng. Từ bộ trang phục của Marilyn Monroe trong “Gentlemen Prefer Blondes”, các kiểu quần áo, trang điểm, ô tô của búp bê Barbie, xu hướng mà Elle Woods tạo nên khi diện trang phục hồng trong bộ phim “Learies Blonde” mà cô diễn,… Nhưng tất cả sẽ không thể phát triển mạnh mẽ như vậy nếu không có những bước đi tiên phong của Schiaparelli. Mặc dù không phải người đầu tiên nghĩ đến sắc hồng, cũng không phải người sau cùng ca ngợi nó, nhưng việc Schiaparelli dám sử dụng và thể hiện màu sắc đã đưa tên bà vào lịch sử thời trang.
Dẫu Elsa Schiaparelli đã tạm đóng cửa thương hiệu vào năm 1954, nhưng các di sản cùng tầm nhìn đầy tính Siêu Thực của bà vẫn còn nguyên giá trị. Để rồi trong cuộc đời mới khi Marco Zanini hồi sinh thương hiệu vào năm 2013, những kẻ mộ điệu tiếp tục dành sự trân trọng cho người sáng lập nó và mang Shocking Pink đến với chúng ta.
Chuyển ngữ: Hiếu Lê
Theo CR Fashion Book