[Fashionary] Từ điển thời trang: Các loại mũ nón

Ngày đăng: 27/09/20

Chuyên mục Fashionary: Từ điển thời trang sẽ cung cấp cho các bạn đọc giả một kiến thức tổng quan về các thuật ngữ, tên gọi, định nghĩa trong thời trang mà mọi tín đồ thời trang đều cần phải biết.

Tuần này, Style-Republik giới thiệu đến các bạn các thuật ngữ về các loại mũ nón. Dù thế giới thời trang có biến hóa đa dạng đến thế nào, chúng đều được phát triển dựa trên những item cơ bản được giới thiệu sau đây.

 

Beanie (mũ len trùm đầu): Beanie là những chiếc mũ len dệt kim xuất phát từ quân đội có hình dáng tròn hoặc bầu dục, kiểu dáng đơn giản, không có vành và nhẹ nhàng ôm lấy đầu.

Cloche (mũ quả chuông): “cloche” có nghĩa là quả chuông trong tiếng Pháp. Mũ chuông ôm gọn vào đầu tạo sự chắc chắn vì lòng mũ sâu và tròn như quả chuông, có phần hơi phình và loe ở đoạn gần mang tai. Chiếc mũ cloche gắn liền với những quý cô thanh lịch ở thập niên 20.

Bucket hat (mũ nồi): gần giống mũ chuông nhưng chóp mũ phẳng, lòng mũ nông hơn mũ cloche và vành mũ loe rộng hơn. 

Fez (mũ phớt): Loại mũ phớt của Thổ Nhĩ Kỳ, thường được gọi là fez, có hình nón cụt hoặc hình trụ ngắn, màu đỏ, có gắn sợi dây tua rua đặc trưng.

Snapback/Baseball cap (mũ bóng chày/mũ hip-hop): Mũ bóng chày là một loại mũ mềm với phần che nắng phía trước được thiết kế như một mặt phẳng thay vì hơi cong như mũ lưỡi trai. Chiếc mũ này gắn liền với những vận động viên thể thao và những người yêu thể thao. Mũ bóng chày xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1860 khi được đội bóng vùng Brooklyn mang tên Excelsiors sử dụng. Về sau, mũ được biến tấu với nhiều kiểu trang trí ấn tượng được những người biểu diễn và yêu thích nhạc hip-hop ưu ái vì thế nó còn có tên là mũ hip-hop.

Cap (mũ lưỡi trai): Mũ lưỡi trai (miền Bắc) hay nón kết (miền Nam) được đặt theo hình dáng của mũ vì phần che nắng của mũ dài ra phía trước mặt khoảng 15 đến 20 cm và bầu bầu như cái lưỡi của con trai.

Visor (mũ lưỡi trai nửa đầu): Thiết kế y hệt mũ lưỡi trai nhưng không có chóp mũ bởi nhu cầu cần để cho đầu thông thoáng mà vẫn bảo vệ khuôn mặt khỏi tác động của ánh nắng. 

Flat/Ivy/Newsboy cap (mũ phẳng): Mũ flat cap có phần nắp tròn làm từ vải mềm, có thể gấp gọn, lưỡi trai phía trước rất ngắn. Flat cap có hai kiểu đặc trưng: vành nhọn hình tam giác (do được ghép từ một mảnh và được kéo lại về phía vành trước rồi khâu lại) và vành tròn hay còn gọi là newsboy cap vì gắn liền với hình ảnh các cậu bé bán báo ở Anh ngày xưa (được ghép từ 8 mảnh vải được túm lại trên đỉnh bởi một chiếc nút, thân nắp cũng được kéo về phía vành trước nhưng ít hơn). Ra đời vào thế kỷ 14 ở nước Anh, chiếc mũ flat cap ban đầu chỉ được đội bởi tầng lớp lao động nhưng về sau được cả quý tộc kết hợp với suit lịch lãm và trở thành một biểu tượng thời trang. 

Beret hat (mũ beret): Mũ beret là kiểu mũ tròn, mềm, thường được làm từ len dệt, dạ và không có lưỡi trai như mũ flat cap. Nó được sản xuất đầu tiên từ thế kỷ 19 ở Pháp và Tây Ban Nha. Beret từng là kiểu mũ đồng phục của nhiều đơn vị quân đội và cảnh sát, tuy nhiên hiện tại nó được sử dụng rất rộng rãi.

Brando/Muir hat (mũ brando): chiếc mũ lưỡi trai lấy cảm hứng từ chiếc mũ của những sĩ quan cấp cao thường đội rồi sau đó được các chàng trai mê lái xe phân khối lớn yêu thích. Tên Muir được đặt theo tên của công ty Muir Cap Company chuyên sản xuất quân phục cho quân đội Đức vào thế chiến thứ II. Chiếc mũ được đặt tên theo nhân vật Marlon Brando trong bộ phim “The Wild One” (1953)

Trilby hat (mũ trilby): Trilby là kiểu nón có vành ngắn, phần vành trước sẽ chúi xuống và phần vành sau sẽ hơi hất lên cao. Phong cách thời trang với Trilby được xuất hiện trong một đoạn chuyển thể của của cuốn tiểu thuyết năm 1894 của George Du Maurier – Trilby, và chiếc mũ nhanh chóng trở nên nổi tiếng dưới cái tên của cuốn sách. 

Fedora hat (mũ fedora): Fedora là một kiểu mũ có vành mềm, tròn và dài hơn so với trilby. Ngoài ra thân mũ thường hơi lõm vào trong. Fedora được làm đầu tiên vào năm 1891, được đặt tên theo vở kịch Fédora biểu diễn ở Mỹ năm 1889 và sau đó đã trở thành món phụ kiện yêu thích của cả nam lẫn nữ. 

Cowboy hat (mũ cao bồi): Mũ cao bồi là những chiếc mũ da lộn vành rộng, gắn liền với hình ảnh của những chàng cao bồi vùng Bắc Mỹ, chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Mexico từ thế kỷ 19. Mũ có phần chóp cao hơn và vành loe rộng hơn nhiều và vểnh lên so với mũ fedora.

Boater (mũ boater): Boater là kiểu mũ rơm với vành tròn, chóp tròn, trước đây được các thủy thủ dùng để đi biển. Mũ thường có dải ruy băng để trang trí.

Panama hat (Mũ Panama): có kiểu dáng tương tự boater, tuy nhiên nó xuất phát từ Ecuador và thường được kết từ lá cọ sau đó nhuộm trắng. Phần chóp mũ có hình nhọn không phẳng. Mũ Panama (mũ rơm toquilla) là một loại mũ rơm truyền thống của Ecuador. Mũ Panama mang màu sắc tươi sáng, nhẹ, thoáng khí, được đeo kèm theo những bộ trang phục mùa hè, đặc biệt là quần áo làm từ lanh hay lụa. Loại mũ này trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ 20 như một phụ kiện đi biển và du lịch nhiệt đới nhờ sự tiện dụng và thoáng mát. Mũ rơm của Ecuador, cùng với nhiều mặt hàng Nam Mỹ khác trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, luôn được đưa tới eo đất Panama trước khi được mang sang châu Á, các vùng còn lại của châu Mỹ và châu Âu. Vì lý do này mà mũ mang tên của nơi trung chuyển hàng hóa — “mũ panama” — chứ không phải tên nơi xuất xứ, là Ecuador.

Floppy hat (mũ rộng vành) Mũ floppy là loại mũ có vành rộng, độ mềm rủ nhất định để tạo cho gương mặt sự dịu dàng và duyên dáng.

Bowler hat (mũ quả dưa): Mũ quả dưa còn được biết đến với các tên gọi khác như coke hat, derby hay billycock, là những chiếc mũ cứng có hình dạng tròn giống như hình dáng quả dưa. Thiết kế bowler hat đầu tiên được ra mắt vào năm 1849 và được dành cho những sĩ quan của Anh Quốc. Sau này những chiếc mũ quả dưa được trở nên phổ biến trong tầng lớp nhân dân lao động dưới thời kỳ Victoria.

Homburg hat (mũ homburg): hường được làm bằng nỉ, chỉ có duy nhất một vết lõm ở đỉnh nón (phân biệt với mũ trilby), phía trên vành nón có thêm lớp vải ôm trọn thân nón và đôi khi có một lông vũ nhét vào trong nhìn rất lịch lãm.

Top hat (mũ chóp cao): mũ top hat có phần chóp cao, hình trụ và chóp mũ phẳng. Vành mũ cong và có một dải ruy băng bao bọc thân mũ. Chiếc mũ thường được làm bằng nỉ và gắn liền với giai cấp thượng lưu vào những dịp cực kỳ trang trọng của thế kỷ 18, 19. 

Turban hat (mũ khăn quấn): mũ turban thực chất là một dải khăn dài được quấn nhiều vòng tạo thành chiếc mũ lớn phổ biến ở nhiều nền văn hóa như Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Đông, Ả Rập, Bắc Phi, Đông Phi và Tây Phi. 

Trapper (mũ thợ săn/phi công): là kiểu mũ được cách điệu với phần che tai kéo dài xuống và thường được lót lông dày để giữ ấm. Thuở ban đầu, mũ trapper được thợ săn đội để bảo vệ phần đầu khỏi những nguy hiểm tiềm tàng lúc đi săn và còn để giữ ấm. Vào thế chiến thứ I, chiếc mũ trapper gắn liền với những phi công để bảo vệ khỏi những luồng gió mạnh từ trên không khi phải lái những chiếc máy bay hở mui và về sau là để tránh áp lực không khí trên cao khi máy bay được cải tiến để đạt được độ cao vượt trội vào thế chiến thứ II.

Pillbox hat (mũ hộp): Tên gọi mũ pillbox bắt nguồn từ hình dáng hộp đựng thuốc (pill-box) với các cạnh thẳng, đỉnh phẳng và không vành. Theo Fashion Encyclopedia, thiết kế này bắt đầu phổ biến từ thập niên 1930, nhưng đạt đến đỉnh cao vào những năm 1960, khi được đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy đội.

 

Thực hiện: Mei