Cuộc giao thoa của thời trang và hội họa
Ngày đăng: 08/12/20
Dù là trước đây hay hiện tại, thời trang vẫn bị một nhóm người xem là thứ phù phiếm, tầm thường và hầu như không phải là một loại hình nghệ thuật. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Mối quan hệ đan xen giữa hai ngành đã được gắn kết từ rất lâu và nuôi dưỡng lẫn nhau như một mối quan hệ cộng sinh.
Nhớ lại năm 2006, nhân vật Nigel đã than thở trong “The Devil Wears Prada” rằng: “Cô không biết rằng bản thân đang làm việc tại nơi (Vogue) sản sinh ra các nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ sao? Halston, Karl Lagerfeld, Oscar de la Renta. Những gì họ làm, những gì họ tạo ra còn vĩ đại hơn cả nghệ thuật bởi vì cô đang sống trong đó.” Tất nhiên, điều này nghe có vẻ rất cảm tính. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nghệ thuật ăn mặc là thứ có khả năng thể hiện những điều mà con người muốn truyền tải đến thể giới.
Nghệ thuật luôn được xem là một lĩnh vực nhiều cảm tính, và trường hợp đối với thời trang cũng không phải ngoại lệ. Những người hoài nghi luôn đánh giá thấp và thường ví thời trang như chiếc bánh răng vô nghĩa trong cỗ máy sản xuất hàng loạt phục vụ chủ nghĩa tiêu dùng, không có bản chất riêng và mâu thuẫn với tất cả ý thức hệ của các lĩnh vực như thơ ca siêu việt. Để hạ thấp giá trị duy mỹ của thời trang bằng giá trị vật chất, nhà làm phim và nhiếp ảnh gia Alex Prager đã từng nói: “Một số tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất đã được thực hiện bằng tiền hoa hồng.” Tất nhiên, không phải tất cả thời trang đều là nghệ thuật – nhưng không thể đánh đồng tất cả và rũ bỏ tầm nhìn mang tính cách mạng của các cá nhân trong ngành. Từ ảnh hưởng của Jean Cocteau, quan hệ đối tác của Jeff Koons với Louis Vuitton và Stella McCartney, và các bộ sưu tập Basquiat của Coach, đến việc Kim Jones của Dior tìm thấy nguồn cảm hứng từ nghệ sĩ Amoako Boafo, và Helmut Lang tham gia Dự án Rive Droite của Saint Laurent. Sự hợp tác của các nghệ sĩ và nhà thiết kế luôn thu hút sự chú ý và ngày càng phổ biến.
Để dẫn chứng cho sự giao thoa của thời trang và các ngành nghệ thuật khác, cụ thể là hội họa, Style-Republik đã điểm lại những sự kiện quan trọng khi nghệ thuật bước lên sàn diễn. Bên cạnh đó, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các tác phẩm mang tính biểu tượng và được yêu thích nhất.
SALVADOR DALÍ
Một trong những mối quan hệ hợp tác đã đi vào lịch sử thời trang chính sự cộng hưởng của nhà sáng tạo theo trường phái Siêu Thực, couturier người Ý Elsa Schiaparelli và nghệ sĩ Tây Ban Nha Salvador Dalí. Đây được xem là chuẩn mực và trở thành tiền đề cho các cuộc hợp tác nghệ thuật giữa thời trang và các lĩnh vực khác sau này. Nếu Salvador Dalí mang các tác phẩm của Schiaparelli vào hội họa, thì nhà thiết kế người Ý đã mời Dalí tham gia thiết kế mẫu nước hoa Shock!ng của mình, và cả chiếc váy tôm hùm nổi tiếng. Chiếc váy dáng chữ A với hình vẽ con tôm hùm nằm dài trên thân váy, điều chưa từng có trước đó, gây được sự chú ý khi được Nữ công tước xứ Windsor Wallis Simpson mặc và đi dạo trong khu vườn của Château de Candé của Cecil.
Cùng hình ảnh tôm hùng nhưng phản ứng của công chúng đối với với chiếc váy của Schiaparelli không giống hoàn toàn với tác phẩm điện thoại tôm hùm của Dalí một năm trước đó. Ông đã lồng ghép hình ảnh những con tôm hùm đỏ vào thiết kế của mình như biểu tượng tình dục, gợi nhắc rằng loài sinh vật biển này vốn là một loại thuốc kích dục.
Bản chất gợi dục ấy của con tôm hùm đã khiến hình ảnh đầu tiên của Wallis Simpson trở nên tai tiếng hơn. Nhưng đây vẫn được xem là sự nỗ lực đáng kinh ngạc đã trở thành yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thời trang và nghệ thuật. Cựu Giám đốc Sáng tạo của nhà mốt, Bertrand Guyon đã tái hiện hình ảnh loài giáp xác này trong bộ sưu tập Haute Couture Xuân-Hè 2017 để tôn vinh kỷ niệm 80 năm ngày ra đời của chiếc váy.
PIET MONDRIAN
Bên cạnh việc là một nhà thiết kế thời trang mới và triển vọng thời ấy, Yves Saint Laurent còn là một nhà sưu tập các tác phẩm mỹ thuật được yêu thích vào những năm 50 từ nhiều nghệ sĩ lớn trên khắp thế giới. Một trong những người có sức ảnh hưởng đến nhà thiết kế chính là nghệ sĩ theo phong cách Trừu Tượng người Hà Lan Piet Mondrian. Các tác phẩm của Mondrian vào đầu những năm 1930, được gọi là trường phái Tân tạo hình (Neo-Plasticism) thể hiện sử dụng sắc thái tương phản của đen và trắng với các màu cơ bản là đỏ, xanh và vàng.
Chỉ ba năm sau khi mở ngôi nhà thời trang của riêng mình, Yves Saint Laurent đã nhận được sự đánh giá cao của giới mộ điệu khi ra mắt bộ sưu tập Haute Couture Mondrian Thu-Đông 1965 gồm sáu mẫu thiết kế khác nhau. Bằng cách lấy cảm hứng từ những mảng màu của Mondrian, kết hợp với các thiết kế hiện đại như những chiếc váy ca rô xếp nếp, các bản vẽ của Yves Saint Laurent đã khai thác một phong cách cấp tiến của phong trào tuổi trẻ thập niên 60, trở thành một trong số các tác phẩm nổi bật nhất của ông thời bấy giờ.
PABLO PICASSO
Bên cạnh Mondrian, Yves Saint Laurent còn sưu tập được một kho tàng các tác phẩm khổng lồ và ấn tượng từ những nghệ sĩ khác. Ông tiếp tục giải mã các tác phẩm hội họa trong dòng sáng tạo của mình. Buổi giới thiệu bộ sưu tập Haute Couture Xuân-Hè 1988 của Yves Saint Laurent là sự tri ân dành cho các bậc danh họa từ Picasso và Braque đến Matisse và Van Gogh. Trên thực tế, những năm 1980 là giai đoạn giới thời trang được chứng kiến sự tôn kính của Saint Laurent đối với các tuyệt tác hội họa, điêu khắc và ảnh ghép của nghệ sĩ người Tây Ban Nha Picasso. Một trong những tác phẩm tiêu biểu theo trường phái Lập Thể vẽ chiếc đàn guitar và chiếc vĩ cầm của Picasso đã được tái hiện tuyệt vời thông qua sự sáng tạo của Saint Laurent.
Gần đây hơn, Giám đốc sáng tạo của Moschino, Jeremy Scott, đã lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Picasso để sáng tạo bộ sưu tập Xuân-Hè 2020 của mình với những người mẫu dường như bước ra từ chính các khung tranh. Anh đã tham khảo như tác phẩm như Les Demoiselles d’Avignon (1907), Guitar (1914) và Girl Before a Mirror (1932) với những người mẫu mặc lấy những bức tranh có chữ ký “Moschino”.
VINCENT VAN GOGH
Thật hiếm có nghệ sĩ nào lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong lịch sử phương Tây như tay cọ hậu ấn tượng người Hà Lan Vincent van Gogh. Hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật được vẽ bởi Van Gogh trở nên sống động trong các bộ sưu tập của Yves Saint Laurent, Maison Margiela, Dior, Rodarte, và nhiều tác phẩm khác bằng cách in, trang trí và thêu thủ công hoàn hảo.
Phong cảnh vùng nông thôn hấp dẫn với hình ảnh hoa lá đầu sức biểu cảm trên bảng màu rực rỡ thu hút sự chú ý của thương hiệu Rodarte. Hai chị em nhà thiết kế Kate và Laura Mulleavy đã mang vẻ đẹp của các tác phẩm hội họa ấy vào gấm lụa. Từ bức tranh Vase with Twelve Sunflowers (1888), The Starry Night (1889), Almond Blossoms (1890) với những bản in rực rỡ và kỳ quái.
(Còn tiếp)
Thực hiện: Hiếu Lê