7 điều ghi nhớ khi kiến tạo một thương hiệu thời trang
Ngày đăng: 21/08/17
Làm sao để bạn nắm bắt cơ hội để kinh doanh thành công sau khi tốt nghiệp khóa học thời trang? Có thể bạn đã nắm vững những kỹ thuật chuyên ngành, bạn có năng khiếu về mặt sáng tạo, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để bạn bơi ra biển lớn đầy rẫy những con “cá mập khổng lồ”, biển lớn đó mang tên gọi thương trường.
Đặc biệt là khi các vấn đề như tìm kiếm một showroom, liên hệ với người mua, chọn lựa địa điểm bán hàng chưa bao giờ trở thành đề tài thảo luận trong các trường dạy thời trang. Kiến tạo một thương hiệu riêng sau khi rời khỏi trường thời trang có thể coi là một bước nhảy từ sở trường đến một thế giới mà bạn hoàn toàn không biết. Trong các kinh đô thời trang, việc sản xuất hình ảnh, ý tưởng và đưa ra các bộ sưu tập mới đã trở thành một guồng quay không mệt mỏi. Và đôi khi không có thời gian cho các nhà thiết kế trẻ đứng lại và ngẫm nghĩ: mình phải gì tiếp theo? Đây là những điều cần ghi nhớ trước khi kiến tạo một thương hiệu thời trang.
1. Chọn lựa đưa ra những sáng tạo tốt nhất hay những ý tưởng kinh doanh hiệu quả nhất? Nhất định phải là cả hai. Sáng tạo không vẫn còn chưa đủ, mà còn phải khả thi. Nếu bạn không có đủ tiền vốn, bạn cần người cộng sự/ nhà sản xuất giúp đỡ đưa sản phẩm đến trực tiếp với người tiêu dùng.
2. Tư duy chiến lược và lập kế hoạch là một yếu tố quan trọng để kinh doanh thành công. Trước tiên: bạn phải có sản phẩm chiến lược bao gồm các kế hoạch cụ thể, giá cả và điểm khác biệt với những sản phẩm đã có trên thị trường. Phải trả lời được những câu hỏi: vì sao khách hàng nên mua sản phẩm của bạn thay vì đối thủ? Ưu thế của bạn là gì? Thứ nhì: Các nhà thiết kế trẻ cần phải có nhân lực cũng như tài chính để sản xuất. Và điều thứ ba, cần có chiến lược và ý tưởng kinh doanh tiếp nối, nếu sản phẩm được đón nhận, các kế hoạch phát triển là gì và nếu sản phẩm thất bại thì đâu là phương án để giải quyết.
Một trong những điều quan trọng nhất cần phải suy nghĩ là tạo nên một sản phẩm hấp dẫn đồng thời có độ tương tác với khách hàng.
3. Một trong những điều quan trọng nhất cần phải suy nghĩ là tạo nên một sản phẩm hấp dẫn đồng thời có độ tương tác với khách hàng. Cần phải để khách hàng rung động trước câu chuyện về thương hiệu cũng như câu chuyện mà sản phẩm mang lại, có như bạn mới có được khách hàng trung thành với thương hiệu. Các thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu như Chanel, Gucci… đều đẩy mạnh vào nội dung, câu chuyện cho mỗi sản phẩm của họ khi ra mắt.
4. Hoàn thiện sản phẩm chưa phải là bước cuối cùng, bạn nên tìm người đại diện cho thương hiệu để quảng bá sản phẩm. Những người nổi tiếng thường có rất nhiều chọn lựa và những email quảng cáo thường bị xóa thẳng tay, vì thế có mối quan hệ trong ngành cũng là yếu tố quan trọng giúp bạn có thể đứng vững. Bạn có thể tài trợ quần áo cho các KOL, ngôi sao, tạp chí… để sản phẩm được biết đến nhiều hơn một là cách thức quảng bá gián tiếp.
Hoàn thiện sản phẩm chưa phải là bước cuối cùng, bạn nên tìm người đại diện cho thương hiệu để quảng bá sản phẩm.
5. Không gian trưng bày sản phẩm cũng hết sức quan trọng, vì thế trước khi mở cửa hàng hãy đến các cửa hàng của những thương hiệu lớn tham khảo, đặt sản phẩm ở đâu là cần thiết, sản phẩm nên được trưng bày thế nào để thu hút khách hàng đặt chân vào cửa hàng tham quan mua sắm. Cần khảo sát ý kiến khách hàng, phải làm sao để khách hàng có được trải nghiệm tốt nhất khi đến với thương hiệu của bạn.
6. Instagram hay Facebook hiện tràn ngập các thương hiệu online đến nỗi dễ dàng khiến các thương hiệu mới bị nhấn chìm trong tích tắc. Mỗi thương hiệu không nhất thiết phải có mặt trên tất cả các mạng xã hội và số lượng người theo dõi chỉ có giá trị nếu bạn biết làm gì với nó.
Thương hiệu và các nhà thiết kế hiện đang tích cực quảng bá trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng số lượng người theo dõi (followers) chỉ hữu dụng nếu bạn biết cách chuyển tải thông điệp đến họ. Ví dụ như Edward Enninful, tân tổng biên tập của Vogue Anh, ảnh hưởng của ông không đến từ danh xưng tổng biên tập Vogue hay nửa triệu người theo dõi trên mạng xã hội, mà là những gì ông làm được trong giới thời trang, và hướng những người theo dõi mình đến với những cuộc thảo luận ý nghĩa.
7. Điều cuối cùng là bất luận việc kinh doanh của bạn trên đà phát triển hay vấp phải những khó khăn, bạn cũng cần cân bằng giữa cán cân cá nhân và công việc. Vào cuối ngày, hãy ưu tiên cho những cảm xúc cá nhân, những mối quan hệ đặc biệt, điều này sẽ tiếp năng lượng để ngày hôm sau bạn có thêm sức mạnh tiếp tục tiến về phía trước.
Thực hiện: Hoàng Khôi