10 năm sau cái chết của Alexander McQueen, ngành thời trang học được gì?
Ngày đăng: 21/06/21
Sau một thập kỷ kể từ cái chết của Alexander McQueen, ngành thời trang vẫn hoạt động với guồng quay chóng mặt và mạng xã hội luôn khát khao những điều mới mẻ đã tạo áp lực khổng lồ lên đôi vai của các nhà thiết kế.
Một số công ty, như LVMH, đã bắt đầu kết hợp các nguồn nhân lực chuyên về sức khỏe tinh thần và phúc lợi vào hoạt động kinh doanh, nhưng những người trong cuộc cho biết vẫn không có nhiều thay đổi đáng kể. Các nhà thiết kế chọn sự nghiệp độc lập có thể tự quyết định hướng phát triển và lịch trình của mình, nhưng các nhà sáng tạo trẻ vẫn có thể gặp rủi ro khi nhận áp lực từ phía công ty mà họ đang làm.
Mười năm trước, Nhà thiết kế Lee Alexander McQueen (1969-2010) đã tự kết liễu đời mình ở tuổi 40, trong căn hộ ở Mayfair, London. Đó là vụ tự sát nổi tiếng trong giới thời trang. Nhưng những bệnh lý dẫn đến nó – ví dụ như lo âu cấp tính, trầm cảm nặng và nghiện ngập do căng thẳng quá độ – không còn quá xa lạ đối với cộng đồng thời trang xa xỉ. Các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng khác, đặc biệt là John Galliano, người đã được giới thiệu cùng với McQueen trong cuốn sách của tôi, Gods and Kings: The Rise and Fall of Alexander McQueen and John Galliano, đã phải chịu đựng các vấn đề về kiệt sức và nghiện ngập do điều kiện làm việc khắt khe và tính chất công việc nặng nhọc.
Trong những năm kể từ cái chết của McQueen và sự cố của Galliano, một số người trong ngành nghĩ rằng trường hợp của họ sẽ là lời cảnh tỉnh cho các phòng ban điều hành của các thương hiệu lớn. Bài học rút ra là: sức khỏe tinh thần của những tài năng nghệ thuật cần được ưu tiên hơn deadline và kết quả báo cáo hàng quý.
Nhưng thay vào đó, vẻ đẹp hào nhoáng của sự vất vả vẫn tiếp diễn, nhờ vào sức ép từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Lịch trình ra mắt những bộ sưu tập mới tăng vọt cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội (McQueen qua đời cùng với năm Instagram ra mắt, trước khi nó có sức nặng trong lĩnh vực thời trang) và việc ra mắt các sản phẩm theo chu kỳ tuần đã trở thành tiêu chuẩn, đòi hỏi nhiều hơn từ nhà thiết kế và đội ngũ của họ. Thêm vào đó, các công cụ truyền thông trực tiếp đến người tiêu dùng mà các thương hiệu đã áp dụng trong vài năm qua, chẳng hạn như video và podcast trên YouTube, cũng yêu cầu sự tham gia của phía sáng tạo và nó đã “bóc lột các nhà thiết kế nhiều hơn bao giờ hết” Robert Burke, thuộc Robert Burke Associates, một công ty tư vấn bán lẻ sang trọng ở New York, cho biết.
Hơn nữa, “guồng quay công việc của các nhà thiết kế và sự thiếu ổn định thậm chí còn trầm trọng hơn 10 năm trước”, một cựu biên tập viên tạp chí chỉ ra. Burke đồng tình: “Thước đo tài năng của bạn chính là bộ sưu tập cuối cùng của mình, và tần suất xuất hiện của những bộ sưu tập đó đã bị đẩy lên một tầm cao mới.” Sự đe dọa bị sa thải liên tục đè nặng lên nhân viên.
“Văn hóa hối hả”, được ngành công nghệ thổi phồng và làm cho hấp dẫn, không phải là điều gì mới lạ. Cộng đồng doanh nghiệp, dù ít dù nhiều, đã bắt đầu các cuộc thảo luận về vấn đề kiệt sức và ban hành các chính sách thúc đẩy sức khoẻ tinh thần. Tuy nhiên trong thời trang, những vấn đề này chưa rõ ràng và chưa phải là ưu tiên, những nguồn tin quen thuộc cho biết. “Thành thật mà nói, tôi không thấy có nhiều thay đổi” trong thập kỷ kể từ khi McQueen qua đời, một nhà tư vấn tuyển dụng thời trang hàng đầu ở Paris tiết lộ, với điều kiện phải được giấu tên.
Bằng chứng là, một người tư vấn tuyển dụng đã kể lại những câu chuyện về điều kiện làm việc khắc nghiệt tại một thương hiệu xa xỉ lớn ở Paris trong những năm sau cái chết của McQueen. Áp lực không ngừng và những yêu cầu bất thường của giám đốc sáng tạo đã dẫn đến việc hàng loạt nhân viên nghỉ việc và phải nhập viện. Không ai từ phía công ty nói chuyện với nhà thiết kế hoặc ít nhất là đặt ra các giới hạn, người này cho biết.
Một số ít các công ty – Stella McCartney ở London, Lululemon ở Vancouver và Tommy Hilfiger ở Amsterdam – cung cấp các lợi ích kèm theo liên quan đến sức khỏe tại nơi làm việc, chẳng hạn như bữa trưa miễn phí và các lớp học yoga. Nhưng đối với hầu hết các công ty thời trang lớn (và nhỏ), nhà tư vấn tuyển dụng nói, “một đặc quyền thực sự là đưa ra mức phí giảm giá hội viên tại phòng gym”. Ngoài ra, chương trình chăm sóc sức khỏe nhân viên do công ty thời trang định hướng “vẫn không phải là ưu tiên hàng đầu”, người này nói thêm.
Tuy nhiên, từng chút một, một số công ty lớn đang áp dụng các chính sách chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nếu không muốn nói là trên diện rộng. Ví dụ: theo Báo cáo Trách nhiệm Xã hội của LVMH năm 2018, “hầu hết các nhà mốt [hoặc thương hiệu] đều có một tổng đài hỗ trợ tâm lý nào đó”.
Ví dụ về các sáng kiến được thực hiện tại 75 thương hiệu của tập đoàn (mặc dù không nêu rõ sáng kiến nào) có thể kể đến: “Đào tạo về sức khỏe và sự bình yên tâm trí do chuyên gia trị liệu thư giãn hướng dẫn”, “đào tạo về phòng ngừa và hạnh phúc tại nơi làm việc do chuyên gia công thái học hoặc bác sĩ vật lý trị liệu hướng dẫn”, và “các buổi hội thảo liên quan đến bữa trưa an sinh hàng tháng”.
Kering báo cáo trên trang web của mình rằng kể từ ngày 1 tháng 1 năm nay, tập đoàn cung cấp 14 tuần nghỉ phép có lương cho các bậc cha mẹ có con mới sinh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, công ty đã không trả lời các truy vấn về sức khỏe tinh thần nơi làm việc.
Một giải pháp là bắt đầu đổi mới hoàn hoàn, với sức khỏe tinh thần là tôn chỉ của công ty. Có một loạt các nhà thiết kế trẻ, cũng như một số ông lớn lâu đời trong ngành xa xỉ phẩm – như Alber Elbaz và Jean-Paul Gaultier – những người đã bước ra khỏi guồng quay bận rộn của ngành thời trang và đang áp dụng cách tiếp cận tử tế hơn, nhẹ nhàng hơn.
“Alexandre Mattiussi từ AMI hay Simone Rocha – họ có thể quyết định việc hợp tác với những thương hiệu lớn hay có chấp nhận nhà đầu tư không . Thêm vào đó, họ có thể thiết lập nhịp điệu mà họ muốn,” Floriane de Saint Pierre, người sáng lập công ty tư vấn nhân sự cùng tên của cô cho biết. “Trước đây, các nhà thiết kế phải được các tạp chí, hoặc các cửa hàng bách hóa thông qua để có thể phát triển các mẫu thiết kế của họ. Giờ đây, họ có thể bỏ qua tất cả những điều đó và giao tiếp trực tiếp với khách hàng của mình. Đây là thế hệ đầu tiên có sự tự do giống như các nhà thiết kế vào đầu những năm 1900.”
Nhưng đối với những người theo đuổi con đường truyền thống, tức là theo đuổi học vấn rồi mới sáng lập ra thương hiệu của riêng họ, “việc cảm thấy căng thẳng tột độ được coi là một phần của công việc. Có thể nói đó là một rủi ro nghề nghiệp” người tư vấn tuyển dụng đầu tiên cho biết. “Thời trang bây giờ có vẻ lạc hậu hơn khi đề cập đến những vấn đề này hơn là thời điểm mà Lee qua đời,” biên tập viên nói. “Và nó thật đáng đau lòng.”
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Theo Vogue Business