Kinh doanh thời trang: Vì sao mọi người chỉ lo đăng bài bán hàng mà bỏ quên câu chuyện thương hiệu?
Ngày đăng: 22/06/21
Trong kinh doanh, tất nhiên việc bán được sản phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu của các chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít người chỉ tập trung vào việc bán được sản phẩm theo cách trực tiếp mà bỏ qua những điểm quan trọng giúp tăng khả năng nhận biết của thương hiệu, hay đưa thương hiệu đi xa hơn trên con đường kinh doanh dài lâu.
Số lượng thương hiệu thời trang Việt có câu chuyện thương hiệu rõ ràng rất hạn chế. Điều này rất dễ thấy tại các Fanpage của các Local Brand phần giới thiệu của nhiều thương hiệu gần như bị bỏ trống hoặc chỉ điền nội dung sơ sài, kiểu chúng tôi bán trang phục mặc ngày hay đồ thiết kế, hết! (vâng, nhìn sản phẩm mà các bạn đăng bán chúng tôi cũng có thể nhận ra điều đó!). Tìm đến phần giới thiệu trên Website (nếu có) cũng cùng chung số phận.
Nguyên nhân chính là vì đa số các thương hiệu chưa có định hướng kinh doanh một cách cụ thể và rõ ràng, cũng như hướng đi về lâu dài cho thương hiệu. Tất cả chỉ nằm trong ý nghĩa “nhập hàng (hay làm việc với xưởng) rồi đem hàng về bán”, còn việc tạo dựng một thương hiệu lâu dài hay chia sẻ về cốt lõi hình thành thương hiệu thường ít được để tâm. Bởi nhiều người kinh doanh thời trang không thể tìm thấy giá trị của nó.
Nếu đang trên đà tìm hiểu về kinh doanh thời trang, xây dựng câu chuyện thương hiệu là điều mà bạn nên cân nhắc ngay từ giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Vậy câu chuyện thương hiệu là gì?
Câu chuyện thương hiệu là những điều mà bạn muốn kể cho khách hàng về chính thương hiệu của bạn. Đó có thể bao hàm nền tảng sáng lập ban đầu cho đến chặng đường hôm nay. Có nhiều cách để kể câu chuyện thương hiệu, từ giản dị gần gũi cho đến mang tính nghệ thuật trong từng câu chữ.
Câu chuyện thương hiệu mang tính tiếp thị (tất nhiên) nhưng quan trọng hơn nữa là nó phải truyền được cảm hứng cho khách hàng và giúp bạn trở nên đặc biệt hơn trong một rừng thương hiệu có mặt trên thị trường kinh doanh ngày nay.
Mặt khác, việc xây dựng một “câu chuyện thương hiệu” thường được hiểu lầm thành “đánh bóng tên tuổi”. Điều này không đúng! Chúng tôi không khuyên bạn tạo nên những câu chữ hào nhoáng, bóng bẩy về những điều không thực. Nhiều thương hiệu danh tiếng không hề giấu giếm mình từng là một thương hiệu nhỏ chỉ với vài nhân sự, (như Charles & Keith cũng chỉ là một cửa hàng bán lẻ giày dép tại trung tâm thương mại vào ngày đầu). Hãy cứ minh bạch! (Bởi giờ đây cư dân mạng tinh lắm!)
Nếu bạn chưa thể tiếp cận được những Copywriting tên tuổi, chí ít cũng hãy xây dựng được phần giới thiệu cơ bản của về thương hiệu của bạn:
– Các bạn là ai? Thương hiệu của các bạn ra đời như thế nào?
– Vì sao các bạn xây dựng thương hiệu thời trang này? Thương hiệu của các bạn đang bán những gì?
– Mục tiêu trong tương lai của các bạn là gì?
– Các bạn có những gì ý nghĩa có thể mang đến cho cộng đồng cùng khách hàng tiềm năng của mình? v.v…
Hãy nêu rõ những điều này trong phần giới thiệu ở tất cả các nền tảng mà bạn hiện diện. Việc này giống như bạn tự giới thiệu bản thân mình trong buổi tiệc kinh doanh, bạn cho đối tác biết mình là ai, tương tự thương hiệu của bạn “kể” cho khách hàng biết, “chúng tôi” là ai.
Bạn có được gì khi có câu chuyện rõ ràng về thương hiệu?
Vì sao câu chuyện thương hiệu quan trọng? Bởi vì theo thời gian, khách hàng sẽ không nhớ gì về mẫu hàng mà bạn từng đăng bán (cứ cuộn news feed là nó trôi) nhưng họ sẽ nhớ về thương hiệu của bạn nếu biết cách chia sẻ về chúng thường xuyên và kết hợp lồng ghép ý nghĩa vào từng sản phẩm.
Hãy để khách hàng tham gia vào câu chuyện và hành trình của thương hiệu, hãy truyền cảm hứng họ mỗi ngày. Một câu chuyện hay sẽ khiến khách hàng muốn được kết nối với thương hiệu. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến việc họ trở thành người giúp thương hiệu ngày càng mở rộng hơn với tư cách là người ủng hộ.
Trong vài năm trở lại đây, theo trang Shopify đề cập: “Chi phí hướng khách hàng đến các trang thương mại điện tử thông qua quảng cáo ngày càng tăng. Trong năm năm qua, chi phí trung bình cho mỗi lượt nhấp chuột (Cost per click – CPC) vào quảng cáo Facebook đã tăng 612,5%. Đồng thời chi phí trên mỗi 1000 lượt hiển thị (Cost per mille – CPM) của Facebook cho quảng cáo bán hàng trong danh mục sản phẩm hiện đắt hơn 645% so với lượt ghé qua cửa hàng.”
Khi chi phí tăng cao, hãy để mỗi lượt hiển thị (đã được trả phí) của bạn trở nên có ích. Đó không nên chỉ là hình ảnh một món hàng, mà nên là nội dung được đầu tư nghiêm túc để có thể ghi dấu ấn trong lòng khách hàng. “Phát triển nội dung là chìa khóa cho sự phát triển” – Shopify nhận định.
Một điều quan trọng nữa, là nhiều thương hiệu thời trang nhỏ hay thương hiệu độc lập của các nhà thiết kế trẻ được giới thiệu trên các mặt báo, một phần nhờ vào việc họ có câu chuyện thương hiệu. Họ kể được về những gì mà mình đã và đang làm, những giá trị mà mình đang hướng đến, nhờ đó họ được giúp đỡ của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc lan tỏa các dự án hay chiến dịch của mình trong cộng đồng.
Nếu đang kinh doanh thời trang và muốn đi xa hơn nữa trong tương lai, hãy bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về câu chuyện thương hiệu của bạn.
Thực hiện: Hoàng Khôi