Jean Paul Gaultier: Cái đẹp là gì và cái gì không phải cái đẹp? (P1)
Ngày đăng: 23/09/17
Một ngày nào đó của nhiều năm về trước, Jean Paul Gaultier đang ở tại nhà cho mèo cưng ăn. Khi chiếc lon đã hết, ông nhận ra nếu cắt đi phần đầu và cuối của nó có lẽ sẽ thành ra hình dáng tương đồng như chiếc vòng tay truyền thống của dân Châu Phi. Ít có ai nảy sinh ra được những ý tưởng như thế trong khi đang cho thú cưng ăn. Và thậm chí thực sự cắt chiếc hộp, nhúng nó vào trong bạc, sử dụng nó như một phụ kiện trong bộ sưu tập thời trang, cùng với đó những vật dụng nhà bếp khác như lưới lọc trà hay cước chùi nồi.
Gaultier đã có nhãn hiệu của riêng mình vào năm 1976 và được nhận định là một trong những nhà thời trang có tầm ảnh hưởng và có sức sáng tạo hàng đầu, khá là khác biệt với những người khác. Ông tìm ra nhiều cách thức để tỏa sáng, thực sự, ông là một trong những người có niềm si mê một cách kiên định nhất mà tôi từng gặp. Ông ghét những gì mà ông cho là thói xấu của người Pháp, và những gì qua loa theo lối “pas mal” (cũng tạm được). Thay vào đó, ông có kiểu diễn dịch theo lối so sánh tối thượng.
Ông tìm ra nhiều cách thức để tỏa sáng, thực sự, ông là một trong những người có niềm si mê một cách kiên định nhất mà tôi từng gặp.
Cái hộp thức ăn cho mèo là “siêu-siêu-đẹp” liên tưởng đến những thứ khác thường không có mấy giá trị lại hấp dẫn ông suốt vài năm liền. Đặc biệt là cụm văn hóa như “British punks”: “siêu-thanh lịch!”; đám đông đường phố: “Tôi thấy ai đó, rất nghèo, anh ta đặt một cái áo lớn bên ngoài áo khoác, và tôi nghĩ là nó siêu-đẹp”!; Hasidim (người theo chủ nghĩa Hasid): “Tôi thấy rất nhiều học giả Do Thái với những bộ trang phục truyền thống của họ. Tôi rất kinh ngạc vì nó tuyệt đẹp xiết bao!”. Còn với màu tóc đỏ: “Tôi cảm thấy như, mái tóc đỏ, rất đáng kinh ngạc! Sự kinh ngạc tuyệt diệu! Nó siêu-đẹp!”.
Ông nói với tôi câu chuyện về chiếc hộp thức ăn cho mèo vào tháng Sáu, khi ông ăn trưa trong một nhà hàng ở Montreal. Bên kia đường, Bảo tàng Nghệ thuật Montreal đang giới thiệu một triển lãm lớn của ông mang tên “The Fashion World of Jean Paul Gaultier: From the Sidewalk to the Catwalk”, nó sẽ từ Dallas đến San Francisco rồi sau đó là Châu Âu. Đêm trước đó, cả ngàn người đứng đầu đường Sainte Catherine ở phố Montreal để chờ xem buổi lễ diễu hành của Gaultier và triển lãm. Trong sự tôn vinh Gaultier, nhiều người đã mặc đồ sọc mariner Pháp là một trong những đề tài thị giác mà ông yêu thích cùng những chiếc mũ thủy thủ bằng giấy nhỏ được tung lên đường phố. Nhiều người đặt chiếc mũ lên em bé hay chó cưng của họ. Cuộc diễu hành thật ồn ào và sôi động với hơn hai ngàn vũ công mặc váy cancan đến opulent hip-hop và cả váy cưới, những tác phẩm đặc trưng của Gaultier.
Tự thân Gaultier ở phía trước cuộc diễu hành, trong vòng vây của đội hộ tống trang nghiêm cùng ba cô gái xinh đẹp ăn mặc như tiên, còn có những người mẫu thân thiết, ông được đón chào như đội trưởng vừa đoạt cúp Santley. Những lúc ông đi chậm, đám đông van nài ông chờ giây lát để họ kịp chụp hình. Sự cuồng nhiệt của đám đông vây quanh khiến tôi kinh ngạc như bao người khác, là một nhà thiết kế trang phục nói riêng, dẫu sao thì ông là người tưởng chừng như đã bị lật đổ khi tạo nên những chiếc váy cho phái mạnh, cũng như sử dụng các chất liệu như nhựa hay cao su vào việc làm nên những chiếc couture thần thánh, còn có làm váy từ bánh mì.
Điểm nhấn của cuộc diễu hành diễn ra vào khúc cuối, sau khi qua Tháp Eiffel và bỏ lại những vũ công trong trang phục học giả màu hồng neon. Sainte Catherine với quả bong bóng khổng lồ trong hình dáng mà Gaultier yêu thích: kiểu “pointy bra”. Trừ đi kích cỡ cũng như sức nổi, chiếc áo ngực giống như kiểu được làm cho “Teddy bear”, khi ông còn nhỏ, và giống như đã mang ông đến với thời kì đầu tiên khi ông sử dụng satin và trang sức làm cho Madonna mặc trình diễn trong tour Blond Ambition năm 1990. Tôi hỏi ông nếu ngày đó ông tưởng tượng nên thứ gì đó giống như vầy – triển lãm, đám đông tung hô và chiếc áo ngực bồng bềnh này. Ông cười toe toét. “Nó rất kì diệu. Nó là…” – ông ngừng lại rồi nói “Oh là là!”.
Trong suốt hơn ba mươi năm, Gaultier được biết đến là người độc đáo và hay gây tranh cãi trong giới thời trang, nhưng không chỉ thế, đôi khi ông hay bắt bẻ, nhưng ông ấy cũng rất tôn trọng truyền thống đến nỗi khó lòng nghĩ rằng ông ấy thật đáng sợ. Ông ấy năm mươi chín. Tóc ông, trước đây thường cắt sát, nhuộm màu bạch kim, giờ đây xám và được tỉa gọn. Trán ông cao với phần cằm và miệng rất được, đôi tai hơi thấp và gấp lại, nhìn ông có vẻ dễ thương hơn bảnh trai. Ông ăn ảnh, gương mặt lại rất sinh động khi lên hình, nhưng bối rối vô cùng khi tôi hỏi ông liệu có muốn làm mẫu. “Tôi á? Không, không, không, không bao giờ. Tôi không thích dáng vẻ của mình”. Ông thích những người kiểu như không bình thường, thậm chí cực đoan. Ông ấy tìm thấy chính mình trong một bản lý lịch đơn giản, “không có gì đặc biệt”.
Trong suốt hơn ba mươi năm, Gaultier được biết đến là người độc đáo và hay gây tranh cãi trong giới thời trang…
Cha của Gaultier là một kế toán viên và mẹ là một thư ký. Lúc ông còn nhỏ họ sống ở ngoại ô Paris, Gaultier kể nó có tiện nghi kiêm tốn. Ông bà ông sống gần đó, và ông dành phần lớn thời gian có thể để ở cùng bà ngoại Marie. Bà làm công việc tư vấn sức khỏe – làm đẹp tại nhà: massage, trị liệu, mặt khác đưa ra lời khuyên hôn nhân dành cho phụ nữ. Bà rất cưng Gaultier, bà để cậu bé xem tivi khi nào cậu đến, vì thế cậu đã xem các bộ phim cũng như show diễn trong nhiều giờ, bao gồm các màn trình diễn tại Folies Bergère, mà thường người lớn ngăn cấm trẻ nhỏ.
Marie thường để Gaultier ngồi cùng khi trò chuyện cùng khách hàng. Phụ nữ hay nhận định chồng mình chẳng còn hứng thú với họ, bà cậu đưa ra đề nghị rằng họ nên làm mới tủ đồ của mình. Ý tưởng rằng thời trang có quyền lực để cứu vãn mối quan hệ hình thành từ đó trong Gaultier. Thi thoảng, khi lắng nghe trong những buổi chuyện trò, cậu vẽ nên hình ảnh trước-và-sau-đó của phụ nữ. Hình ảnh “trước đó” là hình dáng của họ khi họ đến gặp bà, và “sau” là những gì họ mường tượng nên khi nhận được chỉ dẫn, mà thường là họ sẽ biến đổi như Ava Gardner hay Marilyn Monroe.
Ông thích những người kiểu như không bình thường, thậm chí cực đoan. Ông ấy tìm thấy chính mình trong một bản lý lịch đơn giản, “không có gì đặc biệt”.
Từ quãng thời gian lúc bé, Gaultier cũng có kinh nghiệm với vẻ ngoài, bà Maire dù ít hay nhiều cũng là một người đồng hành. Theo anh họ Gaultier là Évelyne, một trong những lần thử nghiệm đã đưa đến mái tóc nhuộm xanh của bà Marie. Trong catalogue của triển lãm Montreal, có một bức ảnh vui nhộn về cậu bé tuổi teen Jean Paul đang làm tóc cho bà Marie. Cậu bé trông rất thỏa mãn, còn bà thì nhìn như bị uy hiếp. Gaultier rất thường nói về bà của mình. Ông nói bà đã nuông chiều ông và từ bà ông tìm thấy một nguồn cảm hứng khác thường. Tỉ như Maire điểm chút son môi khi ra ngoài; bà có hơi lập dị. Đồng thời cũng yêu mẹ mình, nhưng ông ấy nói rằng mẹ “kém hấp dẫn” hơn so với bà mình. […]
Tại trường học, Gaultier là đứa trẻ không được chào đón mấy, không giỏi môn thể thao nào và bị các cậu trai cho ra rìa. Rồi cậu vẽ vẽ nguệch ngoạc trong lớp, sau khi bị đánh bằng thước kẻ, giáo viên đã lấy bản vẽ ghim vào sau áo và bắt cậu đi khắp các lớp để trừng phạt. Hình thức trừng trị này có một điểm sai lầm: bức vẽ hình ảnh phụ nữ cùng với áo lót và lưới bắt cá, lấy cảm hứng từ show diễn của Folies Bergère mà Gaultier đã xem tại nhà bà. Thay vì bị chế giễu, cậu bé lại trở thành đối tượng được các chàng trai ngưỡng mộ. “Nó giống như tấm hộ chiếu. Tôi nhận ra rằng nếu mình vẽ, mọi người sẽ mỉm cười”.
“Nó giống như tấm hộ chiếu. Tôi nhận ra rằng nếu mình vẽ, mọi người sẽ mỉm cười”
Lần đầu tiên tôi thấy Gautier làm việc là vào mùa hè năm rồi, khi tôi đến thăm ông tại Paris trước show diễn ra mắt BST Mùa Đông 2011. Tổng văn phòng không nằm ở “tam giác vàng của Champs-Elysées”, nơi tụ hội của những nhà couture hàng đầu, mà là một tòa nhà nghiệp đoàn, mang khẩu hiệu “tương lai của giai cấp vô sản”, tại Rue Saint-Martin, Marais. Bên trong, một màu trắng cẩm thạch tạo nên sự sang trọng uy nghi. Có nửa tá phụ nữ với chiều cao và cân nặng bất thường đang đứng ở hành lang khi tôi đến. Bởi vì tất cả họ đang mặc quần sọt ngắn với giày boots clunky cùng áo thun có dòng chữ “Tôi bận, đồ xấu xí, một ngày tốt lành”, tôi biết họ là siêu mẫu.
Đi lên phòng làm việc, Gautiler đang thực hiện khâu fitting cho chiếc váy xanh navy với Karlie Kloss, một người mẫu Mỹ tuổi teen với chân mày được tô vẽ cẩn thận và làn môi gợi cảm. Chiếc váy với những nếp gấp cầu kì và phức tạp, nhưng Gaultier chẳng bận lòng mà nói: “Nó chỉ là cái khăn choàng, một ít lông thú cắt tỉa, và thế là thành cái váy. Chẳng có gì, chẳng có gì hết!”. Nó thực sự là một cái gì đó, quyền lực, tính nữ và sang trọng theo lối cổ điển. Gaultier trở thành nhà thiết kế nổi tiếng của bạo dâm và tính dục, nhưng nhiều trang phục của ông, như chiếc váy xanh navy này chẳng hạn, lại rất đẹp và được cắt may tốt, không hề có yếu tố gây shock nào.
Gaultier trở thành nhà thiết kế nổi tiếng của bạo dâm và tính dục, nhưng nhiều trang phục của ông, như chiếc váy xanh navy này chẳng hạn, lại rất đẹp và được cắt may tốt, không hề có yếu tố gây shock nào.
Khi tôi đến phòng làm việc, Gaultier đang lấy ít vải và điều chỉnh váy của Kloss, và tiến đến trao đổi với ông Pearl người thợ corser. Gaultier thường mặc áo polo đen quần jean đen nốt và đôi giày mọi. Ông Pearl, người đàn ông Nam Mỹ đã tự mình mặc corset trong nhiều năm và đạt được vòng eo 16 inch đang chỉnh váy và xoay chuyển Kloss bằng cách ấn lên hông cô. Trong suốt thời gian đó, nhiều cuộc trò chuyện đã diễn ra, giữa ông Pearl và Gaultier cũng như Gaultier cùng những người thợ may của mình, họ cứ ra ra vào vào mà Gautltier với Kloss thì không hề để ý, cô nói có lẽ ngày nào đó khoa học sẽ có thể nhân bản con người. “Tôi hi vọng không thế” Gaultier nói với tiếng thở dài “Tôi thích sự độc nhất trong mỗi con người”.
Họ rất bận bịu, trong căn phòng bài bừa ngổn ngang; bản phác thảo của bộ sưu tập được dán đầy trên các bề mặt, các bộ váy được treo trên tường, bàn làm việc đầy những đôi găng tay, đồ trang trí tóc, một hộp nến Werther’s Original, một quả cầu tuyết bên trong có tượng Phật vàng, rất nhiều satin và velvet màu xanh cùng với lông vũ. Lông vũ này hết sức quan trọng – chủ đề của bộ sưu tập “Black Swan”, thứ hợp nhất những bộ phận nhỏ. (Sau show diễn, Gaultier ra mắt mùi hương cho nam giới tiếp nối với chủ đề lông vũ – nó được gọi là Kokorico, có nghĩa là “cock-a-doodle-doo”). Với bộ sưu tập đã qua, ông lấy cảm hứng từ những yếu tố: Frida Kahlo, James Bond, hình tượng tôn giáo. Ông yêu thích bộ phim “Black Swan” và show flamenco mà ông đã xem một trong những vũ công nam vươn cánh và biến đổi, nên ông đã quyết định cho bộ sưu tập của mình, ông sẽ thiết kế với đề tài song song giữa khiêu vũ và lông vũ.
“Tôi thích sự độc nhất trong mỗi con người” – Jean Paul Gaultier
Còn chưa đến 24 giờ nữa là diễn ra show diễn mà nhiều chiếc váy còn chưa hoàn thành, và an ninh cho show trở nên đáng ngại khi mà ngôi sao nhạc pop người Pháp đắt giá của thời đại Mylène Farmer, khách hàng trung thành với Gaultier sẽ bước lên sàn diễn. Những người hâm mộ cô quây quanh Rue Saint-Martin, vẫy những Sharpies và đĩa nhạc với hi vọng nhận được chữ ký. Tôi tự hỏi Gautiler có bị rối trí và khó chịu, nhưng ông có tâm trạng rất tốt, đó dường như là một chế độ đã được định sẵn bên trong. Đạo diễn phim Pedro Almodóvar, người đã gặp Gaultier trong club vào năm 1988 và sau đó trở thành bạn thân cho biết “không tài nào đánh nhau với hắn ta được hết”.
Khi Gaultier đính thêm vào trang phục cho Kloss, ông nói về show flamenco đã truyền cho mình cảm hứng và nó khiến ông nghĩ đến lông vũ – “Họ rất rất siêu!” – điều đó khiến ông nhớ tới năm mà ông mua rất nhiều gà tây sống làm quà Giáng Sinh. “Họ làm nên một công trình lớn giữa văn phòng. Nó… khổng lồ”. Ông cười khi nhớ lại, và giờ ý tưởng từ “quà tặng gà Tây” lại đến với người đàn ông lập dị có tiếng – món quà kì dị ngày nào giờ đây rõ ràng trở thành một phần công việc. Nhưng ông không mang những chú gà chỉ để làm nên tính kì dị, ông nghĩ rằng nó đẹp thiệt, và nó nhắc ông nhớ đến bản năng ngang ngạnh tự nhiên trong những cô người mẫu.
Sự thật là Gaultier làm “haute couture” rất xuất sắc. Ngôi nhà của ông là một trong số mười một nhà chính thức được công nhận bởi Chambre Syndicale de la Haute Couture. Ông khởi nghiệp vào năm 1996, vào thời điểm mà các nhà haute couture đóng cửa nhiều hơn là khai trương. Giờ đây, ông đã làm việc trong giới thời trang hơn hai mươi lăm năm. Ông ra trường sớm, vào năm 1970, làm trợ lý cho studio của Pierre Cardin, nhà thiết kế của những chiếc váy tiên phong, váy bubble và chiếc áo khoác hiện đại rất được yêu thích bởi Ferdinand Marcos. Gaultier thần tượng Cardin, người không mấy để tâm đến những hiệp ước và không hề e ngại hội đồng couture vốn được điều hành bởi luật Pháp. (Ông bị đá ra một lần, bởi vì bán trang phục ready-to-wear trong department store). Sau Cardin, Gaultier làm việc cho Jacques Esterel rồi đến Jean Patou, một nhà mốt lâu năm ở Pháp, nơi ông bị châm biếm vì cách ăn mặc của mình. Một lần ông kể: “Buổi sáng khi đến tôi mang một đôi boot cưỡi ngựa, nhân viên sales lâu năm ở đó nói với tôi ‘Cậu để ngựa ở đâu? Ở bên ngoài đó hả?’”.
Ở Patou hay ở chỗ là nó mang đến kinh nghiệm chuyển tải các ý tưởng của Gaultier sẽ hình thành trong giới thời trang. Giống như những ý tưởng đến từ bộ phim: Falbalas của Jacques Becker (1945) nói về một người may trang phục sau khi thất tình với vợ của bạn mình, đã cảm thấy suy sụp rồi nhảy lầu ôm theo một mannequin. Gaultier yêu những bộ phim kịch tính và lãng mạn, và ông cũng yêu thế giới được miêu tả trong đấy – những nghệ sĩ couture làm việc ở những tòa lâu đài, đội ngũ nhân viên cần mẫn hoàn thành từng chi tiết một cách khéo léo. Ông từng nói rằng nếu bản thân chưa từng xem “Falbalas” có lẽ ông không trở thành một nhà thiết kế. Ngôi nhà của Patou, trụ sở chính nằm tại một tòa kiến trúc của thế kỉ 18, khiến ông nghĩ rằng mình sống trong bộ phim yêu thích.
Năm 1974, Gaultier trở lại làm cho Cardin, thiết kế và sản xuất trang phục ready-to-wear cho cửa hàng Mỹ. Cũng vào thời điểm đó, bạn trai ông, Francis Menuge, động viên ông ra mắt dòng ready-to-wear của chính mình. Cùng nhau hùn vốn cũng như nhờ vả bạn bè và gia đình (anh họ Évelyne đan sweaters, người gác cửa giúp may vá và Menuge làm phụ kiện cũng như quản lý việc kinh doanh), Gaultier đã ra mắt bộ sưu tập đầu tiên năm 1976 tại Paris. Có tất cả chín người mẫu, mặc trang phục được làm từ miếng lót dĩa, canvas, vải nệm và biker jacket với trang phục vũ công (tutus). Những bộ trang phục quyến rũ mà hài hước, sử dụng những motif mang tính biểu tượng của thời trang (toile, biker jacket, trang phục ballet) theo cách bất thường và chất liệu kết nối đặc biệt theo kiểu không ngờ tới. Tinh thần đó vẫn tiếp nối về sau, chuyển tải ý niệm từ các ý tưởng lai tạo khó ngờ, được Gaultier lý giải “Câu hỏi được đặt ra là cái đẹp là gì và cái gì không phải là cái đẹp?”.
Những bộ trang phục quyến rũ mà hài hước, sử dụng những motif mang tính biểu tượng của thời trang (toile, biker jacket, trang phục ballet) theo cách bất thường và chất liệu kết nối đặc biệt theo kiểu không ngờ tới. Tinh thần đó vẫn tiếp nối về sau, chuyển tải ý niệm từ các ý tưởng lai tạo khó ngờ…
Cụm từ mà Gaultier thường nói là “Tại sao không?” – khi nói ông nhún vai chân mày ông nhướn lên cao, như thể đó là lẽ đương nhiên. Ông nói thế thường xuyên để trả lời về những quyết định cách ông làm trang phục. Tại sao ai đó mặc tutu với biker jacket? À, tại sao không chứ?
Jean Paul Gaultier: Cái đẹp là gì và cái gì không phải cái đẹp? (Tiếp theo)
Tác giả: Susan Orlean
Bài viết ra mắt vào 26/12/2011 – The New Yorker
Chuyển ngữ: Hoàng Khôi
Ảnh: Sưu tầm