Lột xác ngành làm đẹp hậu đại dịch với 5 giải pháp digital marketing

Ngày đăng: 06/08/21

Mười tám tháng vừa qua đã chứng kiến không ít những cuộc chuyển dịch cơ cấu hoặc tái định vị của các ngành hàng, và ngành công nghiệp làm đẹp cũng không phải ngoại lệ. Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn đau xuống nền kinh tế thị trường, gây ra sự thay đổi lớn trong thói quen và nhu cầu của người dùng. Các thương hiệu cũng vì thế mà buộc phải thay đổi theo để có thể sinh tồn và chờ thời cơ trở mình.

Các chuyên gia kinh tế đều đã nhận định, thế giới sẽ không bao giờ giờ có thể quay trở lại như trước khi có đại dịch. Mà chúng ta sẽ cùng bước vào thời kỳ “new normal – bình thường mới”. Với các doanh nghiệp và thương hiệu làm đẹp, new normal bao gồm những thách thức không hề nhỏ về mặt công nghệ, chủ yếu là thay đổi xoay quanh thương mại điện tử và tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing).

Dù bạn đang lèo lái một doanh nghiệp nhỏ qua cơn bão đại dịch, hay là một người trẻ với khao khát dấn thân vào những thách thức mới của ngành beauty, bài viết dưới đây phần nào sẽ giúp bạn hình dung được các thương hiệu chăm sóc sắc đẹp nên hiển thị như thế nào trên các nền tảng công nghệ, trong thời kỳ new normal hậu đại dịch.

1. Xây dựng một cộng đồng riêng cho thương hiệu 

Các xu hướng làm đẹp luôn xuất phát từ một giá trị cốt lõi: nhu cầu của người dùng. Để có thể nắm rõ khách hàng trong lòng bàn tay, và khai thác được những insight không phải ai cũng có thể khai thác, thương hiệu nên tạo ra một không gian riêng 2 chiều, nơi người dùng có thể tương tác trực tiếp với thương hiệu, và ở chiều ngược lại, thương hiệu có thể triển khai những nội dung mang tính giáo dục (educate) khách hàng hiệu quả.

Một cộng đồng nhỏ trên các mạng xã hội (chủ yếu là Facebook) sẽ mang lại những trải nghiệm cá nhân và xuyên suốt hơn bao giờ hết. Điều tuyệt vời hơn là ở trong cộng đồng đó, khách hàng sẽ không còn cảm thấy “bội thực” hay nhàm chán với các nội dung được nhồi nhét quá nhiều yếu tố thương hiệu, nhưng vẫn giữ được sợi dây liên kết với thương hiệu đó.

Hãy thường xuyên tạo những chủ đề thú vị để mọi thành viên trong cộng đồng có thể thảo luận, và quan sát thật kỹ cuộc trò chuyện của mọi người. Biết đâu một ngày nào đấy, bạn lại “nhặt” được một insight cực kì đáng giá từ những “bão comment” đó, mà không tốn bất kỳ chi phí nào cho việc nghiên cứu thị trường.

2. Mạng xã hội – “Bình cũ rượu mới”

Mạng xã hội từ lâu đã gần như là một kênh truyền thông bắt buộc đối với các thương hiệu làm đẹp, nhất là với những thương hiệu nhắm đến đối tượng mục tiêu là Gen Z. Nhưng việc tập trung quá nhiều cho kênh tiếp cận này đang mang lại một tác dụng ngược: sự bão hòa về mặt nội dung và sự thờ ơ của người xem.

Vì vậy, thay một chút rượu bên trong, và cũng có khi là cả vỏ bình để làm mới hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng.

Trước tiên, bạn cần xây dựng sự đồng nhất trên tất cả các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, YouTube, Zalo,…), ít nhất là về mặt thị giác. Hãy chuẩn bị một bộ nhận diện thương hiệu thật chỉn chu bao gồm logo, font chữ, icon, palette màu. Nhiều cuộc khảo sát đã ghi chép lại rằng, trong các giác quan, thị giác là giác quan dễ bị tác động và có khả năng ghi nhớ nhanh nhất, chỉ xếp sau khứu giác. Chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh và cảm giác quen thuộc có tác động thế nào lên cảm xúc của mình, và điều này sẽ giúp gia tăng nhận diện thương hiệu cũng như quyết định mua hàng.

Năm 2020, có một thương hiệu mỹ phẩm thuần Việt Nam vừa ra đời đã nổi lên như một hiện tượng: Cocoon. Với định vị là một thương hiệu mỹ phẩm thuần chay, cam kết không sử dụng nguyên liệu từ động vật và không thử nghiệm trên động vật. thương hiệu đã bước đầu nhận được sự chú ý trên thị trường mỹ phẩm Việt Nam lúc đó. Cocoon tiếp theo dần chinh phục người dùng nhờ tinh thần Việt trong từng sản phẩm, với thành phần 100% thuần chay từ nguồn nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên Việt Nam như: bí đao, cà phê Đắk Lắk, dầu dừa Bến Tre, hoa hồng Cao Bằng… Chính việc này đã tạo nên một Cocoon rất “Việt Nam”, không hề lẫn với bất cứ thương hiệu nào khác trên thị trường.

Một trong những công cụ đã giúp Cocoon thành công trong việc truyền tải sứ mệnh nhân đạo này đến người dùng chính là việc thường xuyên đặt hình ảnh những nguồn nguyên liệu tự nhiên bên cạnh mỗi sản phẩm của Cocoon. Không cần dài dòng kể lể trong mỗi bài viết, hình ảnh gọn gàng – tươi xanh của thương hiệu đã ghi dấu ấn và truyền nhiều cảm hứng tích cực đến người dùng, về sự bền vững của hệ sinh thái và tôn trọng sự sống của muôn loài.

Cocoon Việt Nam

Ngoài ra, 82X – một thương hiệu thức uống Collagen của Nhật Bản với gia nhập vào thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng màn chào sân với màu sắc chủ đạo xanh dương – vàng, hay mới đây là sự kết hợp của màu hồng đã nhân hóa thành công hình tượng người phụ nữ trưởng thành mà thương hiệu này nhắm tới: sang trọng, tinh tế nhưng vẫn đầy quyến rũ. 

82X

Hiển nhiên, sau khi đã lôi kéo thành công sự chú ý của khách hàng, bạn cần phải duy trì điều này trong khoảng thời gian tiếp theo. Hãy tìm kiếm và chọn ra những giá trị cốt lõi của thương hiệu, khai thác và triển khai những thông điệp đó dưới nhiều hình thức thú vị khác nhau. Hãy tạo một series các bài viết xoay quanh một chủ đề nào đó, một bộ sưu tập meme, hoặc hashtag thử thách trên mạng xã hội để tránh bị lãng quên hoặc nhàm chán trong mắt người dùng.

3. Testimonial – Những trải nghiệm chân thật của người dùng về sản phẩm

Một trong những cách tốt nhất và hiệu quả nhất để đạt được niềm tin và chứng minh giá trị thương hiệu của bạn là lời nhận xét và trải nghiệm thực tế từ khách hàng. Việc giới thiệu “lời chứng thực” từ khách hàng đã sử dụng sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội hoặc sàn mua bán điện tử sẽ giúp xây dựng lòng tin, tạo cảm giác an toàn hơn cho những khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, vấn đề của thương hiệu là phải làm sao cho những câu chuyện trải nghiệm từ khách hàng không được “giả trân” nhưng vẫn bao hàm đầy đủ các tính năng nổi bật của sản phẩm để thuyết phục người xem “quẹt thẻ” cho món đồ đó. 

Bí quyết hàng đầu là đừng ngại thể hiện những mặt hạn chế của sản phẩm. Người ta bảo “tốt khoe xấu che”, nhưng trong trường hợp này, tốt quá sẽ chỉ khiến khách hàng cảm thấy lời nhận xét này đầy “giả tạo”. “Lùi một bước, tiến ba bước”, giữa 3 tính năng nổi trội, hãy chèn thêm một khuyết điểm nhỏ của sản phẩm (dĩ nhiên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả với khách hàng) để người xem thấy lời nhận xét này là hoàn toàn khách quan. 

Ngoài ra, testimonial hoàn toàn có thể được triển khai dưới nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Với hình thức truyền thống là dạng bài PR đăng tải trên các báo điện tử hoặc website vốn đã quá nhẵn mặt với người dùng, thương hiệu có thể lựa chọn hình thức khác là sản xuất video kể lại trải nghiệm của khách hàng. Dưới đa dạng cách tiếp cận khác nhau như video dạng phỏng vấn, video ghi lại quá trình sử dụng sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định,… thương hiệu sẽ có nhiều đất hơn để sáng tạo và thiết kế một câu chuyện thu hút người xem hơn.

82X

4. Trải nghiệm ảo trực tuyến

Khi khách hàng hạn chế ghé qua các cửa hàng truyền thống do đại dịch hoặc do sự phát triển của xu hướng mua sắm online, các thương hiệu buộc phải tìm cách để không làm gián đoạn trải nghiệm mua sắm này của khách hàng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Ở cửa hàng, khách hàng sẽ ngay lập tức nhận được sự hỗ trợ từ các nhân viên bán hàng cho việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với làn da của mình. Nhưng trên các kênh mua hàng online, thường phải mất một khoảng thời gian sau khách hàng mới có thể nhận được sự hồi đáp từ phía tư vấn viên. Khoảng thời gian chờ đợi này rất có thể sẽ khiến thương hiệu đánh mất vị khách hàng tiềm năng này.

Vì thế, những chương trình thực tế ảo thay thương hiệu “chăm sóc” và hỗ trợ khách hàng một cách nhanh chóng, thậm chí là còn đáng tin cậy hơn do được tích hợp khả năng phân tích thông tin, đang là một xu hướng mới trong công cuộc thu hút sự chú ý của khách hàng.

Không những vậy, công nghệ AR giúp khách hàng tận hưởng trải nghiệm mới mẻ và thú vị, các chiến dịch quảng cáo sản phẩm hay thương hiệu không bị trở nên nhàm chán mà ngược lại có tính lan truyền khá cao. AR thường sẽ tạo được điểm nhấn khác biệt, thu hút khách hàng bởi tính thực tế sống động, và mang lại được cảm giác chân thực cho người xem.

5. Thương mại điện tử

Cách đây mới chỉ hơn 2 năm, có lẽ Black Friday mới là dịp mua sắm lớn nhất năm với mức giảm giá sâu trước sự mong chờ của nhiều người. Nhưng hiện nay, siêu sale mỗi tháng từ các sàn thương mại điện tử mới chính là điều người ta mong ngóng. Với 73% các sản phẩm được mua thuộc về ngành hàng mỹ phẩm (số liệu năm 2020 của dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me), các sàn thương mại điện tử ẩn chứa một tiềm năng phát triển và sức mua sắm rất lớn đối với các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.

Ngoài việc dễ thấy nhất là các chương trình giảm giá cùng mã ưu đãi để thu hút khách hàng, thương hiệu hoàn toàn có thể tận dụng không gian trên kênh thương mại điện tử của mình để tạo ra những kết nối tích cực với người dùng thông qua các sự kiện giao lưu trực tuyến. Điều này cho phép thương hiệu tiếp cận với khách hàng ở một quy mô rộng lớn hơn, đồng thời kết nối chặt chẽ hơn với người dùng cũ, là một công cụ vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy lòng trung thành cũng như phát triển marketing truyền miệng.

Thực hiện: Diana Nguyễn