Chúng ta học được gì từ Karl Lagerfeld trong việc điều hành một đế chế thời trang xa xỉ?
Ngày đăng: 27/09/21
Nhắc đến sự thành công của Chanel, một trong những đế chế xa xỉ bậc nhất làng thời trang, ngoài Coco Chanel, không thể không nhắc đến Karl Lagerfeld. Nếu Coco là người đặt nền móng, thì Karl Lagerfeld chính là người kế thừa, duy trì và phát triển những di sản của thương hiệu trị giá hơn 10 tỷ USD. 36 năm với Chanel, 47 năm với Fendi, 17 năm với Chloé, dấu ấn Karl Lagerfeld để lại cho ngành công nghiệp thời trang là không thể kể hết.
Nhờ Karl Lagerfeld, người ta luôn truyền nhau một câu nói: “Haute Couture là Paris. Paris là Chanel”. Ngự trị ngai vàng hơn 6 thập kỷ, nâng đỡ cho biết bao thế hệ yêu thời trang, Karl Lagerfeld là hình tượng bất hủ cùng những bài học sâu sắc về sáng tạo và kinh doanh thời trang. Dưới đây, những triết lý này sẽ phần nào “vén màn” vì sao Karl Lagerfeld đủ sức cai trị làng thời trang thế giới trong thời kỳ có nhiều biến đổi như vậy.
1. Sang trọng từ trong tiềm thức
Có thể khẳng định rằng, “sang trọng” không phải là điều có thể cân đo đong đếm hay xác định bằng các phương pháp khoa học. Đó là một loại nghệ thuật, và ta chỉ có thể cảm nhận nó. Một thương hiệu xa xỉ thực thụ sẽ không chỉ dừng lại ở những chất liệu cao cấp, kỹ thuật may đo hoàn hảo hay những con số. Họ “sang trọng” ngay từ trong tiềm thức.
Tại mỗi điểm chạm cảm xúc với khách hàng, dù là thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, hay xúc giác, Chanel luôn thỏa mãn người dùng của mình một cách ngoạn mục. Karl Lagerfeld, hẳn nhiên, không bao giờ khoan nhượng với những điều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến di sản trăm năm của thương hiệu. Kể cả khi không kết nối trực tiếp với khách hàng mà chỉ tương tác qua màn hình nhỏ, hơi thở sang trọng của nhà mốt vẫn trọn vẹn và làm say đắm giới mộ điệu.
2. Bất kỳ điều gì cũng đều có một cơ hội thứ hai
Mối nhân duyên của Karl Lagerfeld và Chanel là điều mà bất kỳ con chiên thời trang nào cũng nằm lòng. Ông đảm nhận vị trí Giám đốc sáng tạo của nhà mốt trứ danh với 2 chữ C lồng ngược vào nhau sau khi Coco qua đời, để lại những di sản dần đi đến hồi lụi tàn sau hơn một thập kỷ bỏ bê. Chanel khi đó như một gã lông bông chỉ chờ đến ngày ngã xuống vực, và không ai biết Karl Lagerfeld đã nghĩ gì khi gật đầu ngồi vào chiếc ghế ấy. Người ta chỉ biết rằng, phần còn lại sau khi ông đến với Chanel, được gọi là lịch sử.
Bằng trí lực tự thân và những nổi loạn không kiêng dè, Karl Lagerfeld bóc tách hết những mộng mơ xưa cũ và tô màu thành thị vào váy áo của Chanel. Ví von như cuộc đời con người, không thương hiệu nào có thể nằm ngoài quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Và chỉ những người dũng cảm nhất, mới nhìn ra được “cơ hội thứ hai” từ đống đổ nát hoang tàn.
Nếu không có Karl Lagerfeld, hẳn Chanel đã ngủ yên trong lịch sử cùng tiềm thức của những con người sống ở thế kỷ 20. Và nếu không có Chanel, có lẽ cuộc đời của Karl Lagerfeld cũng sẽ bớt đi vài phần huyền thoại.
3. Sang trọng không có nghĩa là nhàm chán
Có một nghịch lý rằng, những người tạo ra xu hướng, thường sẽ luôn nằm ngoài xu hướng. Chanel sở hữu những giá trị vượt thời gian, và điều khiến thương hiệu luôn được yêu thích trong suốt nhiều thập kỷ đến từ tài năng và sự khó đoán của “đầu tàu” Karl Lagerfeld.
Dấu ấn của Karl Lagerfeld tại Chanel cũng chỉ xoay quanh những thiết kế vải tweed trứ danh, chuỗi phụ kiện làm từ ngọc trai hay xích vàng đồng. Nhưng chưa bao giờ người ta dám chê Chanel là nhàm chán hay vô vị. Sự bứt phá về mặt chất liệu lẫn phom dáng đã giúp loạt kiến tạo của hãng không chỉ quanh quẩn trong hình tượng “lady” đơn thuần mà đã trẻ trung hơn, “chic” hơn nhưng vẫn không mất đi nét thanh lịch vốn có.
Từ những ngày đầu thôi miên giới mộ điệu bằng loạt thiết kế cơ bản, tinh tế và mang đậm tinh thần Paris, bước sang thế kỷ 21, Karl còn có tài phù phép sàn runway của Chanel thành những không gian siêu thực. Thành thử, người ta không cách nào dứt tình được với Chanel khi cứ mỗi mùa mốt mới, chẳng ai biết năm nay Karl Lagerfeld sẽ cho mình du ngoạn đến đâu. Khi thì lên vũ trụ, khi thì quay ngược về Hy Lạp cổ đại, lúc lại lênh đênh ngoài biển khơi hoặc bất ngờ hơn nữa là ngồi trên bàn tiệc ngắm người mẫu trình diễn, ngồi hàng front-row mà ngỡ như đang đợi… người yêu mua đồ trong siêu thị.
4. Quy tắc đặt ra là để phá vỡ
Khi những điều đối lập song hành với nhau, chúng thường tạo ra những “cơn địa chấn” thú vị. Karl Lagerfeld có thể bảo thủ trong việc đánh giá hình thể người mẫu, theo đuổi tinh thần vương giả của những sản phẩm bằng lông thú xa xỉ đến mức cực đoan, nhưng cũng chính ông tự tay ghép đôi những cái tên tưởng chừng chẳng bao giờ có thể “nhìn mặt” nhau.
Tên tuổi hàng đầu trong giới haute couture, nay kết đôi cùng ông lớn ngành thời trang nhanh. Có lẽ người ta sẽ nghĩ, ngoài vị trí thống trị phân khúc thời trang riêng, Karl Lagerfeld và H&M sẽ chẳng có bất kỳ điểm chung nào. Ấy vậy mà sự hợp tác năm 2004 giữa đôi bên đã mở đầu cho kỷ nguyên hợp tác vô cùng thành công với các nhà thiết kế nổi tiếng của thương hiệu Thụy Điển. Còn với Karl Lagerfeld, lần hợp tác này có thể như một cuộc dạo chơi, nhưng đã góp phần củng cố thêm danh tiếng cho Chanel, với kỷ lục “cháy hàng” chỉ sau vài phút.
Nhìn lại, có lẽ suốt 68 năm phụng sự sự nghiệp thời trang, kim chỉ nam của Karl Lagerfeld chỉ có một: “Sự trung thành tuyệt đối sẽ giết chết tính sáng tạo”. Trở thành “linh hồn” của thời trang cao cấp, di sản Karl để lại hẳn sẽ đủ cho vài thế hệ yêu thời trang học mãi không hết.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo Verb Brands