Trò chuyện cùng Visual Artist Tùng Monkey: “Tôi luôn muốn thử thách bản thân ở những loại hình nghệ thuật mới mẻ”
Ngày đăng: 20/04/22
Style-Republik đã có cuộc chuyện trò cùng Visual Artist Tùng Monkey trước thềm sự kiện SR Fashion Business Talk Ep. 15 với chủ đề: “Metaverse and NFT in Fashion” mà anh đảm nhiệm vai trò khách mời sẽ diễn ra vào ngày 24.04 tới đây.
Nhắc đến Tùng Monkey, có thể nhắc đến các chương trình lớn như Lights Festival 2020 đến 2022, Monsoon Music Festival, Bừng Sáng Việt Nam 2021, Ravolution Music Festival, Tiger Remix 2019… cho đến các liveshow của các nghệ sĩ lớn Việt Nam: Thu Minh, Mỹ Tâm, Tùng Dương, Hương Tràm, Đông Nhi… mà anh đảm nhiệm vai trò Giám đốc Sáng tạo/ Giám Đốc Nghệ Thuật. Không chỉ vậy, anh hiện là Nhà sáng lập của The Box Collective. Các dự án nghệ thuật và công nghệ của Tùng đã được trưng bày và trình diễn ở nhiều nước trên thế giới như triển lãm South Wind Rise ở Đài Loan, Disembedding tại Bảo tàng Nghệ thuật HOW, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, anh còn có mối duyên “đặc biệt” với thời trang thông qua hoạt động nghệ thuật của mình, như từng cộng tác với nhà thiết kế Diệu Anh, hợp tác cùng NTK Vũ Thảo – thương hiệu Kilomet 109 và nhà thiết kế đồ họa Giang Nguyễn để đại diện cho Việt Nam tham gia London Design Biennale 2018.
Một cuộc chuyện trò sâu hơn về những điều mà anh đúc kết được từ 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Thiết kế – Sáng tạo và nghiên cứu cá nhân anh về các xu hướng như Đồ họa Máy tính Tạo hình, NFT và khía cạnh nghệ thuật của nền tảng Metaverse.
Ngày nay, rất nhiều người biết Tùng Monkey là một nhân vật tiêu biểu trong lĩnh vực Visual Artist cho các chương trình âm nhạc lớn. Tuy nhiên, có phải bệ phóng của anh chính là nền tảng hội họa mà có được thời còn sinh viên? Nền tảng nghệ thuật của anh đã được vun đắp như thế nào và theo cách nào?
Đúng là nền tảng hội họa đã giúp tôi nhận ra đồ họa máy tính là một công cụ nghệ thuật từ khá sớm. Khi còn đi học, ban ngày tôi thực hành với những chất liệu hội họa truyền thống, và ban đêm thì với những công cụ máy tính, cứ như vậy liên tục trong 3 đến 4 năm và quá trình này đã giúp tôi có kinh nghiệm phong phú về chất liệu và sự so sánh giữa các xu hướng, và tìm ra hướng đi của riêng mình.
Trong quá trình trưởng thành và chạm ngõ nghệ thuật, có điều gì đã khắc sâu vào anh và triết lý nào đã đi cùng anh đến tận ngày nay?
Sự pha trộn đa chất liệu và khai phá những khả năng mới trong sáng tác là tiêu chí duy nhất của tôi từ khi bắt đầu thực hành nghệ thuật cho tới thời điểm hiện tại.
Có thể nói, anh khá đa tài khi đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, từ vẽ minh hoạ đến giám đốc hình ảnh, sân khấu…. Điều gì đã thúc đẩy anh phá vỡ những ranh giới cũ và vượt qua giới hạn an toàn của bản thân?
Tôi luôn muốn thử thách bản thân cùng các kỹ năng của mình ở những thể loại nghệ thuật mới mẻ. Cùng với dòng chảy của công việc, khi bạn hoàn thành tốt một vai trò thì nhu cầu về việc mở rộng ngành nghề cũng dễ hiểu. Một điểm chung tôi nhận ra là ở bất kỳ lĩnh vực nào trong nghệ thuật, tôi đều phải đối mặt với yếu tố đổi mới và cách tân, nên với tôi các phạm vi thực hành của mình sẽ còn tiếp tục đa dạng, cho tới khi nào tôi không thể mang lại điều gì mới mẻ nữa thì thôi.
Nhân lúc nói về việc vượt qua giới hạn của bản thân, ngày nay chúng ta nghe thấy nhiều lời khuyên về việc người trẻ nên làm việc đa nhiệm, không ngừng vượt qua giới hạn để có thành công trong sự nghiệp. Riêng anh, anh nghĩ lời khuyên này có đúng không? Và anh có nghĩ mình là ví dụ sinh động cho việc thành công nhờ vào việc không ngừng theo đuổi cái mới và vượt qua ranh giới an toàn của bản thân?
Một điều tôi nhận ra sớm từ khi còn đi học, đó là quyền năng của “multi-tasking”. Với kỹ năng công cụ đa dạng, tôi có thể kiểm soát hầu hết, không nói là toàn bộ các khâu sản xuất từ lúc sáng tạo ý tưởng cho tới sản phẩm cuối cùng. Với kỷ nguyên mạng xã hội như hiện nay, nơi đề cao bản sắc cá nhân và những cách thức sản xuất sáng tạo, thì “multi-tasking” thực sự là một yếu tố sống còn nếu bạn muốn kiểm soát trọn vẹn đầu ra cho sản phẩm mang giá trị thương hiệu cá nhân.
Với kỷ nguyên mạng xã hội như hiện nay, nơi đề cao bản sắc cá nhân và những cách thức sản xuất sáng tạo, thì “multi-tasking” thực sự là một yếu tố sống còn nếu bạn muốn kiểm soát trọn vẹn đầu ra cho sản phẩm mang giá trị thương hiệu cá nhân.
Anh từng thực hiện nhiều chương trình lớn như Lights Festival 2020 đến 2022, Monsoon Music Festival, Bừng Sáng Việt Nam 2021, Ravolution Music Festival, Tiger Remix 2019… cho đến các liveshow của các nghệ sĩ lớn Việt Nam: Thu Minh, Mỹ Tâm, Tùng Dương, Hương Tràm, Đông Nhi… Chắc hẳn mỗi dự án đều mang lại các trải nghiệm đáng nhớ. Đâu là chương trình mà anh nhớ nhất và mang lại trải nghiệm đặc biệt đối với anh?
Mỗi chương trình là một trải nghiệm độc lập, tôi đã được gặp rất nhiều nghệ sĩ, ekip và đạo diễn tài giỏi nhất của đất nước trong những năm làm việc, trải nghiệm này mang tới rất nhiều cảm hứng cũng như kiến thức cho tôi. Nhưng nếu để chọn một, với tôi đó là chuỗi lễ hội âm nhạc Monsoon tại Hà Nội, với mỗi chương trình diễn ra đều là những gì tôi tự hào nhất và tôi đã thực hiện với khả năng tốt nhất của mình.
Anh có bị áp lực trước mỗi chương trình không? Khi sự nghiệp người ta có nhiều thành công thì người ta lại càng sợ thụt lùi, đi xuống, hay sự đánh giá của cộng đồng nếu như làm gì đó không tốt chẳng hạn?
Với tôi áp lực duy nhất trước mỗi chương trình là việc hoàn thành trọn vẹn các hạng mục đã triển khai và mang tới chất lượng tốt nhất. Sau khi chương trình diễn ra, tôi cũng không dành nhiều thời gian để đánh giá hay quan tâm tới phản hồi cho lắm mà chuyển tới những mục tiêu kế tiếp ngay.
Người ta thường hay nói là một nhà sáng tạo đôi lúc hay làm việc không theo quy tắc và hình ảnh những người nghệ sĩ hay gắn liền với cách làm việc chỉ theo cảm hứng, rất khó cho họ khi trở thành lãnh đạo. (Tất nhiên không phải ai cũng vậy). Anh tự thấy thuộc tuýp người nào? Và là một người làm sáng tạo thì việc điều hành The Box Collective do chính anh sáng lập diễn ra như thế nào?
Điều này đúng, tôi tự nhận mình là tuýp người cảm tính, và điều này cũng đã gây cản trở cho tôi trong nhiều công việc liên quan tới kinh doanh – thương mại. Nếu bạn muốn làm sáng tạo tuyệt đối, thì bạn sẽ phải hy sinh bộ não của mình cho việc đó, và rất khó để san sẻ nó cho những phép tính lợi nhuận, con số kinh doanh. Tôi luôn tự hào vì với mỗi anh em đến và đi từ The Box, đều được truyền cảm hứng về nghề và có định hướng rõ ràng cho tương lai của họ, đối với tôi điều đó còn quý giá hơn lợi nhuận rất nhiều.
Nhân dịp anh sẽ trở thành khách mời của chương trình SR Fashion Business Talk ep 15 với chủ đề “Metaverse and NFT in Fashion” do Style-Republik tổ chức, chúng ta ôn lại một chút về các hoạt động của anh với lĩnh vực thời trang Việt: như từng cộng tác với nhà thiết kế Diệu Anh, hợp tác cùng NTK Vũ Thảo – thương hiệu Kilomet 109 và nhà thiết kế đồ họa Giang Nguyễn để đại diện cho Việt Nam tham gia London Design Biennale 2018. Qua những lần hợp tác đó anh nghĩ sao về việc kết hợp thời trang với khả năng sáng tạo của mình?
Các nhà thiết kế Thời Trang là những cái đầu bùng nổ nhất mà tôi được biết, và sẽ rất may mắn nếu tôi được kết hợp nhiều hơn với Thời Trang trong tương lai. Với lĩnh vực Thời Trang, tôi tìm được sự đồng cảm với tính xã hội, đa chất liệu và đa ngôn ngữ của loại hình này.
Anh từng chia sẻ mình là người thích sự mới mẻ, vậy có phải chính sự mới mẻ của vũ trụ metaverse đã thu hút anh?
Đúng vậy.
Được biết anh đang nghiên cứu về metaverse, NFTs… Anh có nghĩ vũ trụ metaverse sẽ ra một thế giới sáng tạo không giới hạn cho những nghệ sĩ trong tương lai?
Đối với tôi, Metaverse sẽ tạo ra một không gian “Hybrid”, nơi là cầu nối giữa thực và ảo, và tại không gian này các quy luật về vật chất, vật lý sẽ bị phá bỏ, điều đó rất tuyệt cho những loại hình nghệ thuật có tuổi đời lâu năm như Thời Trang. Tôi có nói chuyện với một cô bạn, cô ấy đang thực hành các thiết kế của mình trên nền tảng DressX, một nền tảng cho phép mọi người khoác lên mình những trang phục hoàn toàn tạo ra bởi đồ họa 3D, và với cô ấy việc sáng tạo một trang phục trong phần mềm 3D cho phép cô thể nghiệm được nhiều hình dạng, chất liệu và cách phối đồ táo bạo hơn nhiều lần thực tế, nếu không nói là hoàn toàn “phi thực tế”, và tôi nghĩ điều đó đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế thời trang trẻ tuổi khác.
Và có lẽ nó sẽ trở thành bệ phóng cho những nghệ sĩ trẻ? Như cách mà mạng xã hội đã giúp nhiều cá nhân có cơ hội thể hiện mình nhiều hơn với cộng đồng theo cách của họ. Một điều khác biệt với việc được nổi tiếng vào những năm 2000…
Chắc chắn điều đó sẽ xảy ra. Tôi nghĩ các nhà thiết kế và thương hiệu thời trang nên chuyển dịch về xu hướng số hóa này, vì tương lai chắc chắn nhân loại sẽ vẫn cần những bộ trang phục thực để mặc lên người họ, nhưng yếu tố thương hiệu và giá trị ý niệm có khi lại tới từ một chiều không gian ” ảo ” nào đó?
Anh có băn khoăn gì về sự phát triển này không?
Điều băn khoăn duy nhất của tôi với xu hướng này là tôi đã làm những gì để chuẩn bị cho tương lai. Ví dụ việc phát triển một thương hiệu mang tính “Hybrid” ngay từ bây giờ sẽ là một lựa chọn tốt.
Mỗi người sẽ có thước đo thành công theo cảm nhận của bản thân, nếu thang thước đo thành công trong nghề nghiệp là 100, thì hiện nay anh tự cho mình được bao nhiêu điểm?
Tôi xin nhận 100 điểm. Đối với tôi, cuộc sống này được hít thở và làm những điều mình yêu đã là thành công. Ngoài ra tôi còn có tiền để mua sắm, lo cho gia đình và tích lũy cho tương lai nữa, nên thực sự tôi rất mãn nguyện với những gì mình đang có.
Anh sẽ làm gì để nạp lại năng lượng sau một thời gian làm việc nhất định?
Bơi, tôi rất thích bơi. Và chơi game, tôi đang chơi XCOM 2 trên chiếc máy Nintendo Switch của mình.
Cám ơn anh và hẹn gặp anh trong chương trình SR Fashion Business Talk ep 15 với chủ đề “Metaverse and NFT in Fashion” sắp tới!
Thực hiện: Hoàng Khôi
Ảnh: NVCC
SR Fashion Business Talk Ep. 15: “Metaverse and NFT in Fashion”
“Metaverse” và “NFT” được xem là từ khoá của ngành thời trang và bán lẻ trong năm 2022. Khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn để sử dụng internet, thì vũ trụ metaverse trở thành “bệ phóng hoàn hảo” cho “hàng hóa ảo”.
Giữa bối cảnh hỗn loạn thông tin về Metaverse và NFT khiến chúng ta choáng ngợp và mơ hồ về khái niệm này, Style-Republik sẽ cùng các chuyên gia thảo luận các vấn đề nóng hổi xung quanh Metaverse và NFT (thế giới ảo và tài sản ảo) đã và đang tạo nên một cục diện mới trong ngành thời trang. Từ đó, giúp người làm trong ngành sáng tạo và thời trang, những chủ doanh nghiệp có cái nhìn chuẩn xác về Metaverse và NFT, đồng thời khám phá sự tác động của chúng lên ngành thời trang thời gian gần đây.
THÔNG TIN SỰ KIỆN:
Đăng ký tham dự: https://bit.ly/SRFBTep15FashionMetaversenNFT
Thời gian: 9:30 AM Chủ Nhật, 24.04.2022
Địa điểm: Auditorium 2.1.004, RMIT University Saigon South Campus, 702 Nguyễn Văn Linh, TP Hồ Chí Minh.
*Sự kiện không thu phí nên số lượng chỗ ngồi giới hạn, vui lòng đăng ký sớm sẽ được giữ chỗ