Christina Blüm tố Dear José đạo nhái thiết kế và chỉ trích ngành thời trang “độc hại”
Ngày đăng: 10/05/22
Một ngày trước, chủ thương hiệu thời trang bền vững Christina Blüm đăng tải một bài viết công khai chỉ trích thương hiệu Dear José vì hành động đạo nhái nguyên y một thiết kế mang tên Kassidy Skirt của mình. Nhà thiết kế bức xúc vì hành động thương mại hóa và sản xuất hàng loạt thiết kế của Dear José mà không có sự đồng ý của cô, gay gắt chỉ trích chủ thương hiệu Dear José vì không có lời giải thích thỏa đáng đồng thời lên án ngành thời trang là “độc hại” cũng như kêu gọi tẩy chay Dear José.
Tháng 4 vừa qua, thương hiệu thời trang khá được lòng phái nữ Việt Nam là Dear José ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2022 với những thiết kế mang màu sắc rực rỡ nổi bật, hướng tới những cô gái trẻ trung năng động nhưng vẫn mang những nét nữ tính, lãng mạn. Trong bộ ảnh campaign được truyền thông, có một thiết kế vừa bị chỉ đích danh “đạo nhái” bởi nhà thiết kế Christina Blüm, chủ của thương hiệu cùng tên.
Xem bài viết này trên Instagram
Theo Christina Blüm, thiết kế Kassidy Skirt của cô được trình diện như một phần của dự án năm đầu tiên tại trường đại học Parson Paris trước ban giám khảo là những nhà thiết kế và điều hành của các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Alexander McQueen, Dior và Loewe. Cô tiếp tục xây dựng thương hiệu cá nhân cùng tên từ chính dự án sinh viên của mình và trở nên nổi tiếng nhờ những thiết kế mang dấu ấn đặc trưng của kỹ thuật smocking cầu kỳ cùng những chi tiết móc cài, phom dáng xòe phồng và đặc biệt là triết lý thời trang chậm (Slow Fashion) và bền vững. Mỗi thiết kế của Christina Blüm đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay tại chính studio của mình.
Một ngày qua, cô công khai đoạn tin nhắn trao đổi với chủ thương hiệu Dear José (@larmuse) trên Instagram với những lời lẽ khá gay gắt, khẳng định thương hiệu này ăn cắp thiết kế của cô. Theo lời của cô, các thiết kế trong dự án sinh viên không hề mang giá trị thương mại mà là công trình nghiên cứu cũng như đam mê trọn đời của cô. Vì thế cô vô cùng bất bình và cảm thấy bị xúc phạm khi chủ thương hiệu Dear José cho rằng anh đã “nâng cấp” thiết kế của cô lên một phiên bản tốt hơn* và đề nghị mua lại bản quyền thiết kế của cô để sản xuất hàng loạt, mặc dù trước đó anh đã thừa nhận (qua tin nhắn riêng chứ không công khai trong các bài quảng bá) thiết kế của cô là một trong những cảm hứng để anh làm nên chiếc váy cho Dear José.
*Chủ Dear José cho hay anh nâng cấp chiếc váy (skirt) của Christina Blüm thành skort (quần short trông như váy).
Tình hình trở nên khá căng thẳng khi Christina kiên quyết giữ bài post, liên hệ với luật sư, đồng thời đăng cập nhật thêm các đoạn tin nhắn trao đổi giữa hai bên. Phía bên Dear José đưa ra những lời lẽ giải thích cho rằng kỹ thuật “smocking” không phải là kỹ thuật được sáng tạo và đăng ký bản quyền bởi Christina Blüm và phía bên Christina Blüm cũng không đăng ký bản quyền thiết kế cho sản phẩm Kassidy Skirt, nên nếu có thương hiệu làm lại thiết kế này với sự chỉnh sửa, nâng cấp để trông khác bản gốc thì không vi phạm pháp luật. Theo đó, chủ thương hiệu Dear José vẫn sẽ tiếp tục ra mắt các thiết kế ứng dụng kỹ thuật smocking và sẽ ghi nhận Christina Blüm là nguồn cảm hứng cho thương hiệu bên cạnh các thương hiệu tên tuổi khác, và sẽ cân nhắc mua lại bản quyền thiết kế của Christina Blüm nếu cô đưa ra được bằng chứng đã đăng ký bản quyền thiết kế này. Tuy nhiên hiện tại, phía Dear José đã xóa tất cả các hình ảnh và bài viết liên quan đến thiết kế đặc biệt này.
Không chỉ chất vấn trực tiếp với Dear José, Christina còn gửi ra thông điệp về mặt tối của ngành thời trang. Đó là nơi của những sản phẩm chất xám không được bảo vệ đúng mức, nơi những thương hiệu lớn với bộ máy sản xuất hàng loạt không màng đến môi trường hay nhân đạo đang kiếm tiền dựa trên thành quả của những thương hiệu nhỏ đi theo xu hướng slow fashion hay bền vững.
Xem bài viết này trên Instagram
Sự việc vẫn đang tiếp diễn và hãy cùng theo dõi diễn biến mới nhất sẽ được cập nhật trong 1-2 ngày tới. Trong lúc đó, phía Style-Republik xin đưa ra một số câu hỏi để độc giả cùng thảo luận:
- Khi đặt so sánh giữa hai thiết kế của Dear José và Christina Blüm, bạn nhận định thiết kế của Dear José là “sao chép” hay “lấy cảm hứng”?
- Bạn có nhận xét gì về cách giải quyết của Dear José?
- Thời trang cho đến nay vẫn được xem là ngành công nghiệp thiết yếu, không phải là nghệ thuật nên khó được bảo vệ bản quyền như những ngành nghệ thuật khác (kiến trúc, âm nhạc, văn học, hội họa, điêu khắc, biểu diễn nghệ thuật và phim ảnh). Đó cũng chính là lý do mà ngành công nghiệp thời trang nhanh có thể phát triển mạnh mẽ nhờ những copycat như ZARA, H&M và mới đây là SHEIN. Theo bạn, nếu đưa ra pháp luật, Christina Blüm và Dear José có thể phân thắng bại?
Đọc thêm bài viết về đạo nhái trong thời trang cùng những vụ kiện lịch sử của Christian Louboutin và Yves Saint Laurent.
Thực hiện: Mỹ Đỗ