Từ Marine Serre đến Pieter Mulier: Thế hệ nhà thiết kế trẻ đang gầy dựng di sản của chính họ
Ngày đăng: 09/07/22
Thế hệ trẻ những nhà thiết kế này đang vẽ lên câu chuyện của chính mình bằng những ý tưởng, tinh thần độc bản và sự nhiệt huyết từ trái tim.
Giới thời trang dùng thuật ngữ “di sản” rất nhiều nhưng rất ít người thật sự đào sâu vào ý nghĩa của cụm từ này mà chỉ khai thác ở khía cạnh hình thức. Thông thường khi chúng ta nghĩ đến di sản, chúng ta chỉ tưởng tượng đến câu chuyện vắn tắt của người sáng lập hiệu hay một số yếu tố cơ bản của thương hiệu được lặp đi lặp lại và truyền bá rộng rãi đến mức chúng được xem là một phần của lịch sử thời trang.
Tuy vậy, có một lý do vì sao thương hiệu luôn dựa vào yếu tố di sản của họ: câu chuyện và biểu tượng mang quyền lực mạnh mẽ.
Dễ hiểu khi sau gần 100 năm kể từ ngày lần đầu tiên ra mắt, chiếc áo tweed của Coco Chanel trường tồn mãi trong tủ áo của một quý cô. Hoặc khi nghĩ đến kiểu dáng thắt eo, bạn sẽ nghĩ ngay đến Christian Dior và thiết kế New look của ông vào năm 1947. Chiếc bar jacket vẫn luôn là kim chỉ nan cho những hướng thiết kế của Maria Grazia Chiuri ngày nay. Tweed có thể là một loại vải, Bar jacket có thể là một kiểu dáng nhưng chính những di sản này mang đến giá trị lớn lao hơn cả.
Thời đại của tài năng trẻ
Thế hệ các nhà thiết kế trẻ đang xây dựng di sản của chính thương hiệu riêng của họ. Dù có thể họ không có quá nhiều tiền cho marketing như các tập đoàn lớn nhưng tầm nhìn của họ rất rõ ràng, các giá trị, biểu tượng và tính thẩm mỹ đồng nhất với nhau trong vũ trụ mang tên của họ.
Một trong những tài năng trẻ đang tạo được sự chú ý từ giới mộ điệu – Marine Serre, không chỉ thành công về mặt kinh doanh mà cô còn nhận được rất nhiều lời khen từ giới phê bình. Kể từ khi giành chiến thắng tại cuộc thi LVMH Prize 2017, Marine Serre vẫn luôn giữ vững phong độ cũng như tập trung xây dựng thương hiệu của cô một cách bền vững. Cô đã là người chinh phục kĩ thuật upcycling trước khi người khác biết đến rộng rãi, biến nó trở nên hiện đại và mang tính định hướng. Ở một góc độ nào đó, biểu tượng mặt trăng lưỡi liềm của thương hiệu Marine Serre luôn được khao khát như kí hiệu hai chữ C lồng nhau của Chanel.
Tuy vậy, di sản lớn nhất của cô vẫn là tư duy sáng suốt trong việc tiếp cận đến sáng tạo vật liệu. Cô ấy đã thúc đẩy ngành công nghiệp này suy nghĩ lại về việc tiêu thụ thời trang xa xỉ với những sáng tạo của cô ấy lấy từ những vật giản đơn, hàng ngày như chiếc khăn tắm, khăn trải bàn và áo phông cũ từ các cửa hàng quà tặng.
Telfar Clemens là một trường hợp khác đặt ra những câu hỏi hóc búa và xây dựng một thương hiệu di sản dựa trên các giá trị thật sự. Nhà thiết kế người New York đã gia nhập làng thời trang hơn 15 năm, nhưng tên tuổi của anh trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây.
Clemens đã xoá nhoà ranh giới của giới tính trong công việc của mình trước khi cụm từ “genderless fashion” – “thời trang phi giới tính” được nhắc đến nhiều hơn. Có thể hiểu, Telfar Clemens đại diện cho “phong cách Mỹ” và trong câu chuyện “American dream” – “Giấc mơ Mỹ” ấy, những người như anh – da màu, kì quặc và mạo hiểm – tồn tại và khẳng định chính bản thân mình.
Với nhà thiết kế người Mỹ, thời trang chỉ là một công cụ để anh thể hiện tham vọng lớn của mình. Mục tiêu của Telfar là tạo một cộng đồng, trong đó những con người tiên phong có thể kể đến chính là Solange, Selah Marley, Ashton Sanders và Jeremy O.Harris. Mặt khác, Telfar cũng hợp tác với các thương hiệu khác như White Castle, Century 21 và Converse.
Giá cả sản phẩm của anh hợp lý, không quá đắt như một lời chứng thực cho tầm nhìn của nhà thiết kế. “Hầu hết những người sành điệu không giàu có. Chúng tôi không hứng thú làm đồ mà bạn bè tôi còn chẳng thể mua nổi,” Clemens chia sẻ trong một cuộc đối thoại cùng Evan Ross Katz cho tạp chí Paper.
Được xem là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của thương hiệu, chiếc túi Bushwick là đại diện rõ ràng nhất cho tôn chỉ của thương hiệu. Mỗi lần giảm giá, chiếc túi sẽ bán sạch chỉ trong vài phút tại các cửa hàng bán lẻ lớn nhất với giá là 350 đô la Singapore. Mang túi Telfar tức là bạn đã trở thành thành viên của một cộng đồng lớn.
“Cuối cùng thì mọi thứ không chỉ dừng lại ở thời trang mà nó còn là tầm nhìn và sức mạnh bên trong.” Clemens chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với The Cut.
Bình cũ, rượu mới
Những người hậu duệ của các tên tuổi lâu đời đã có chỗ đứng vững chắc dựa trên nền tảng sẵn có nhưng họ luôn tìm những lối đi mới, phát triển dựa trên những gì họ được kế thừa.
Một ví dụ điển hình chính là sự tái sinh của Gucci dưới thời Alessandro Michele. Với khả năng sáng tạo tuyệt vời, Michele đã kết hợp di sản thời trang của thương hiệu hơn 100 tuổi cùng điểm chạm rất riêng của mình.
Dù thế, ông không hề ngủ quên trên chiến thắng của mình. Alessandro Michele đem đến sự mới mẻ từ di sản của nhà mốt Ý pha trộn với sự năng động từ Adidas tại tuần lễ thời trang vào tháng 2 năm nay. Trong mối quan hệ mới chớm nở với ông lớn hãng thể thao, sự tập trung vẫn dành cho những bộ suit màu trung tính hoặc màu trung tính với hoạ tiết ba sọc phổ biến của Adidas.
Buổi trình diễn debut của Glenn Martens cho Diesel đã tạo tiếng vang nhất định trong ngành thời trang.
Với thương hiệu Y/Project, Martens thể hiện sự sáng tạo dí dỏm, thông minh và trở thành nhà thiết kế được yêu thích đối với giới phê bình. Nhưng tại Diesel, anh phải đối mặt với thử thách lớn hơn – làm sao để vực dậy thương hiệu đỉnh cao trong những năm 90 đầu năm 2000 khi những người nổi tiếng và hipster ưa chuộng denim và phong cách gợi cảm. Martens đã chứng minh năng lực của mình. Sức hấp dẫn vui tươi, không phô trương của dáng vẻ “Eurotrash” của thương hiệu được phản ánh qua lăng kính được định hình bởi ngôn ngữ thiết kế của chính anh.
“Ngay từ đầu câu hỏi đã được đặt ra “Làm cách nào để tái tạo denim hoặc đem đến điều bất ngờ từ vật liệu đã quá quen thuộc này?” Martens trả lời phỏng với W Magazine.
Di sản của Diesel vẫn ở đấy nhưng chính Martens đã nâng tầm chúng lên.
Diesel không phải là thương hiệu đầu tiên nơi ý tưởng của nhà thiết kế này được thăng hoa. Glenn Martens từng được bổ nhiệm là nhà thiết kế khách mời cho BST Haute Couture SS22 của Jean Paul Gaultier. Sọc breton, áo len, corset đều được anh biến tấu một cách thông minh. Và chúng ta có kết quả cuối cùng là sự cân bằng hoàn hảo giữa Gaultier và Martens, một màn trình diễn giữa cặp mắt tinh tế và bộ não xuất sắc.
Để có được sự cân bằng này không hề dễ dàng, đặc biệt là khi di sản của thương hiệu này gắn liền với một cá nhân đặc biệt. Tuy nhiên, Pieter Mulier đã chinh phục điều này khi tiếp quản đế chế Alaïa.
Tôn chỉ của Azzedine Alaïa – “The king of cling” – “ông hoàng của những chiếc đầm bó sát” không hề bị giới hạn trong những phom dáng tựa như điêu khắc, những thiết kế vượt thời gian hay cách ông cân bằng giữa sự gợi cảm và mạnh mẽ. Ông còn biết đến là một con người cầu toàn, chỉ khi nào các thiết kế đáp ứng đủ tiêu chuẩn cao của ông thì chúng mới được trình diễn trong các tuần lễ thời trang.
Tinh thần này vẫn được giữ vững trong thời của Mulier. Nhà thiết kế sẽ trình diễn BST của mình trong mùa couture mặc dù chúng là sự pha trộn giữa haute couture và ready-to-wear. Anh cũng đặt tên BST là Đông/Xuân hay Hè/Thu dựa vào thời điểm chúng được cập nhật tại cửa hàng.
Mulier thể hiện sự tôn trọng đối với di sản của Alaïa. Trong suốt hai mùa BST vừa qua, bên cạnh những nền tảng sẵn có của Alaïa, anh đem đến những điểm nhấn hiện đại, cá tính riêng phù hợp với thế hệ mới.
“Tôi chưa bao giờ mong muốn đứng trước ánh đèn sân khấu.” trích từ một đoạn phỏng vấn của nhà thiết kế với tạp chí i-D. Trước khi gia nhập Alaïa, Mulier là cánh tay phải đắc lực của Raf Simons, sau đó đến Jil Sander, Dior và Calvin Klein. “Khi được Alaïa mời làm việc, tôi không hề lo lắng bởi vốn dĩ nơi đây không phải của tôi. Tôi đơn giản là một người chăm sóc và tiếp quản nó.”
Khi được hỏi về cách anh tiếp cận với di sản mà Azzedine dựng xây, Mulier chia sẻ với tạp chí AnOther Magazine rằng “Đừng cố thay đổi nó, nhưng hãy thúc đẩy nó. Từng chút một.”
Đó là khi di sản trở thành vật sống – không chỉ là lịch sử mà còn là câu chuyện. Và câu chuyện luôn được viết tiếp.
Chuyển ngữ: Như Quỳnh
Theo Read-a.com