Một cuộc tưởng niệm Issey Miyake qua di sản để lại tại Trung tâm Nghệ thuật Quốc Gia Tokyo
Ngày đăng: 10/08/22
Vừa qua, thế giới thời trang đã phải nói lời vĩnh biệt và tiễn đưa một huyền thoại lên bầu trời đầy sao – Bậc thầy kỹ nghệ thủ công, Issey Miyake qua đời ở tuổi 84 với căn bệnh ung thư gan. Không thể bàn cãi, những gì mà Miyake đặt nền móng, để lại cho thời trang Nhật Bản, Pháp và toàn thế giới không thể thay thế. Cái tôi sáng tạo, những signature của Miyake cất lên tiếng nói không chỉ về tư duy thẩm mỹ, đạo đức, thế giới quan của riêng mình mà còn truyền nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ sáng tạo mai sau.
Miyake là một chân đế thực sự của sự tiến hóa vải vóc, cả từ quan điểm cấu trúc và thẩm mỹ, ông sẽ được luôn lưu danh là một trong những nhà thiết kế thành công và có ảnh hưởng nhất trong thời đại của chúng ta. Thật đáng tiếc, huyền thoại sống đã rời xa chúng ta đến một vùng trời mới, để lại cả kho tàng sáng tạo đồ sộ.
Huyền thoại nay chẳng còn, cùng Style Republik ghé thăm triển lãm thời trang “The work of Miyake Issey” tại Trung tâm Nghệ thuật Tokyo để tưởng niệm bậc thầy Issey Miyake nhé!
Năm 2016, “bộ óc sáng tạo” của Issey Miyake đã được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Tokyo (Nhật Bản). Mặc dù là người đứng sau một trong những thương hiệu thời trang lớn bậc nhất Nhật Bản, Issey Miyake ghét việc được gọi là nhà thiết kế thời trang. Thật ra với tài năng và tư duy nghệ thuật vượt bậc đấy, chúng ta có thể gọi ông là một nhà thiết kế, một nhà sáng tạo, hay thậm chí là một nhà điêu khắc vải vóc, bất kể gì cũng được nhưng chắc chắn không phải là một người theo đuổi xu hướng tiêu dùng đại trà và phù phiếm.
Những gì mà Miyake đã theo đuổi và tạo ra từ những ngày đầu (những năm 1970) đến tận nay vẫn luôn là những di sản vượt thời gian hơn. Sự giản dị trên trang phục của ông là điều để tôn vinh cơ thể của con người, cơ thể của bất kỳ ai, bất kỳ chủng tộc, hình thể, kích thước hay độ tuổi nào.
“The work of Miyake Issey” tại Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia ở Tokyo, là một hành trình cảm động trong tâm trí sáng tạo của ông. Chuyến hành trình sẽ đưa người xem đến với những nếp gấp, những đường xếp ly đặc trưng của ông – cách mà Miyake biến polyester thô ráp thành nền chất liệu sang trọng, những nét uốn lượn mềm mại. Ở điểm dừng tiếp theo, người xem được chiêm ngưỡng lại dấu ấn đặc trưng A-POC (A Piece Of Clothing) – một chiếc váy được may liền tựa như một mảnh vải và được khoét từng lỗ ứng với số người mặc. Sáng kiến này được ông tạo ra bắt đầu từ năm 1998 với mục đích loại bỏ hoàn toàn công đoạn cắt may trong quá trình sản xuất. A-POC sử dụng công nghệ máy tính, điều này cũng giúp giảm thiểu được tác động có hại đến môi trường như lượng vải thừa.
Miyake cũng đã thổi hồn thời trang vào những nguồn cảm hứng của ông từ nhiều nền văn hóa, xã hội, những họa tiết khác biệt, cũng như các vật dụng hàng ngày – nhựa, mây, giấy “washi”, đay, lông ngựa, giấy bạc, sợi, batik, thuốc nhuộm chàm, dây điện.
Triển lãm tất nhiên không thể thiếu đi những dấu ấn đầu tiên của ông, như bộ trang phục xuyên thấu với bản in chân dung của Jimi Hendrix và Janis Joplin – thiết kế được tạo ra vào năm 1970 – năm hai huyền thoại đó ra đi – đây như một lời vĩnh biệt mà Miyake tôn vinh họ. Ngoài ra, “The work of Miyake Issey” còn có sự kết hợp của Miyake và họa sĩ người Nhật – Tadanori Yokoo với bản in màu sắc, đầy sống động cũng thật ảo giác trên chiếc áo choàng mềm mại.
Đặc biệt, triển lãm còn trưng bày “bộ sưu tập” đồng phục Olympic với quốc kỳ của các quốc gia khác nhau, được Miyake thiết kế với kỹ thuật dập ly signature. Năm 1992, ông còn được giao nhiệm vụ thiết kế đồng phục chính thức cho Lithuania – quốc gia vừa giành được độc lập từ Liên Xô.
John Carpenter, người phụ trách tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản (curator) tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, cho biết: “Những thiết kế của Issey Miyake trong toàn bộ sự nghiệp của ông đã được trưng bày trong không gian hoành tráng của Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia, Tokyo, như những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, và chúng xứng đáng được như vậy.” “Không gian triển lãm và những mannequin được điêu khắc trừu tượng của Tokujin Yoshioka tạo thêm một khía cạnh nghệ thuật tuyệt vời khác,” Carpenter nói thêm.
Trong những năm qua, Miyake đã hợp tác với hàng loạt nghệ sĩ ở mọi lĩnh vực khác nhau của nghệ thuật, chẳng hạn như nhà thiết kế Yoshioka, nhà thiết kế nội thất Shiro Kuramata, nhiếp ảnh gia Irving Penn, biên đạo múa kiêm đạo diễn Maurice Bejart, thợ làm gốm Lucie Rie, Ballet Frankfurt và đội thể dục dụng cụ của Đại học Aomori ở miền bắc Nhật Bản.
Sinh ra tại Hiroshima vào năm 1938, Miyake đã trở thành một “ngôi sao” thời trang tỏa sáng ngay khi bước vào đường băng châu Âu, đem ngôn ngữ đậm chất Nhật Bản để kể câu chuyện thời trang của châu Âu cũng như tạo nên cuộc trò chuyện của sự gặp gỡ giữa phương Tây và phương Đông. Chiếc áo sơ mi màu nâu của ông, kết hợp loại vải “sashiko” của Nhật Bản với lụa dệt kim, và đã được tung lên trang bìa của tạp chí Elle số tháng 9 năm 1973.
Miyake cũng là người tiên phong phá vỡ ranh giới giới tính. Vào những năm 1970, ông đã từng mời nhà nữ quyền Fusae Ichikawa làm người mẫu cho ông, khi ấy bà ở độ tuổi 80, với thông điệp tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của con người. “Thiết kế tuân theo quy luật của một cơ thể sống về sức khỏe và cả tính trường tồn của nó theo dòng thời gian” Miyake viết trong cuốn sách được xuất bản cho triển lãm. “Nuôi dưỡng suy nghĩ, bắt tay vào làm và hãy biến nó thành hiện thật.” – một câu châm ngôn của Miyake.
Cách tiếp cận thời trang của Miyake gần gũi và trần tục đến nỗi khiến người ta phải tự hỏi liệu quần áo có thể giải phóng linh hồn của người mặc hay không? Những thiết kế của Miyake còn gợi nhớ đến các yếu tố thiên nhiên như nước, lửa, không khí và đất cùng sự phối hợp đồng thời giữa thủ công và kỹ thuật công nghệ cao trong tương lai. Triển lãm của Miyake thật ra không hẳn là một hành trình “hồi tưởng” mà là một chạm dừng với những di sản quý giá để nhìn về phía trước, một nền tảng cho những dấu ấn mới trong tương lai.
Thực hiện: Huỳnh Trân