Gucci thua kiện trong cuộc chiến bản quyền với thương hiệu parody từ Nhật
Ngày đăng: 31/08/22
Thoạt nhìn có vẻ Gucci và Cuggl không hề liên quan với nhau. Đầu tiên, chúng ta có một thương hiệu xa xỉ lâu đời của nước Ý, mặt khác, chúng ta lại có một start-up thời trang nhỏ bé từ Nhật thường hay “parody” các thương hiệu lớn. Giữa hai thương hiệu này không có điểm chung gì cho đến khi bạn nhận ra “trò đùa” của thương hiệu từ Nhật trên chiếc áo thun với logo được che nửa đi và hoàn toàn có thể đọc được thành “Gucci”. Dĩ nhiên Gucci “thật” không hề vui vẻ trước trò đùa này.
Cuggl được sáng lập bởi Nobuaki Kurokawa – người chuyên kinh doanh áo thun “troll” các thương hiệu lớn tại Osaka. Ông Kurokawa đã đăng ký bản quyền thương hiệu cho CUGGL và GUANFI vào tháng 10 năm 2020. Nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra, tương tự như chữ cái CUGGL, khi che đi một nửa chúng ta sẽ thấy nó chính là “Chanel”.
Theo Marks IP, một công ty luật có trụ sở tại Nhật Bản, Gucci phản đối nhãn hiệu này, cụ thể là thiết kế một đường vẽ màu hồng che cụm từ tên nhãn hiệu ấy được in trên các sản phẩm như áo thun, giày dép và mũ nón. Văn phòng Bằng sáng chế Nhật Bản (JPO) đã bác bỏ đơn kiện của Gucci đối với “CUGGL”, tuyên bố rằng họ nhận thấy rằng khách hàng sẽ không hề bị nhầm lẫn khi so sánh với GUCCI chính hãng.
GUCCI và CUGGL
Trong đơn kiện của mình, Gucci tuyên bố rằng mẫu thiết kế này được thực hiện với mục đích xấu nhằm đem lại danh tiếng cho thương hiệu CUGGL một cách không thiện chí bằng cách che đi một nửa phần dưới của cụm từ trên và khiến dòng chữ được nhận biết thành thương hiệu GUCCI.
Tuy nhiên, áo thun của ông Kurokawa chỉ che khuất một nửa dòng chữ, đồng nghĩa với việc ý nghĩa của cụm từ cũng không còn vẹn toàn. “CUGGL” được phát âm là ‘kyuguru’ trong tiếng Nhật, không phải là thương hiệu duy nhất mang yếu tố chế giễu của ông Kurokawa. Những chiếc áo thun bắt chước biểu tượng Puma như tên động vật cũng như những chiếc áo thun nhái lại biểu tượng của adidas, Nike, Prada và Balenciaga. Do đó, có thể xem Gucci là một trong những công ty mà ông Kurokawa nhại lại một cách hài hước. Tờ The Financial Times đưa tin Văn phòng Bằng sáng chế Nhật Bản nhận xét rằng người tiêu dùng rất sáng suốt hơn những gì các thương hiệu lớn nghĩ.
Thời trang có cần “Parody” không?
Không đơn thuần là một sản phẩm parody, có một ý nghĩa khác ẩn sâu đó chính là việc lên tiếng về chủ nghĩa tiêu dùng và sự xa xỉ. Thực tế những chiếc áo phông cotton trơn có logo đơn giản ở mặt trước hoặc mặt sau lại chính là sản phẩm mang lại doanh thu cho các thương hiệu cao cấp. Dù đơn giản là thế, chúng thường mang giá rất cao với giá trị thực tế.
Các nhà mốt chắc chắn sẽ không đồng ý với tính cách hài hước này, ngược lại, họ quyết liệt phản đối bởi họ cần bảo vệ tên thương hiệu của họ trước những khả năng gây thất thoát doanh thu. Gucci và Balenciaga có thể tự “đạo nhái” chính mình qua cuộc kết hợp hay chính thương hiệu gọi đó là “hack” nhau và dĩ nhiên việc hợp tác này nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của cả hai thương hiệu. Nhưng mọi thứ sẽ trở nên nghiêm trọng nếu một vụ “hack” như thế xảy ra ngoài tầm kiểm soát của họ.
Những thương hiệu cao cấp này có sức mạnh marketing khổng lồ, thống trị chuyên mục thời trang trên báo in, xuất hiện ở mọi bảng quảng cáo, mạng xã hội, influencer và những ngôi sao nổi tiếng. Trong bài báo cáo “Nền kinh tế xa xỉ và sở hữu trí tuệ: Những phản ánh quan trọng” nhận định rằng những gì các thương hiệu xa xỉ đang kinh doanh chính là tính độc quyền, thế nhưng với sự chế giễu từ các thương hiệu như Cuggl chẳng hạn sẽ phá hoại thông điệp của họ.
Trong khi Gucci và các thương hiệu xa xỉ khác luôn tôn trọng tự do ngôn luận và tạo sự ảnh hưởng sâu rộng cho cộng đồng người tiêu dùng quốc tế (ví dụ điển hình như sự hợp tác parody giữa Vetements và DHL), ở một khía cạnh khác họ lại không hài lòng với việc hình ảnh thương hiệu, đặc biệt là tên hoặc logo của họ bị đem làm trò đùa cũng như cố tình thay đổi ý nghĩa của nó.
Chuyển ngữ: Như Quỳnh
Theo Fashion United