[THE SIGNATURE] Tại sao “cuộc phẫu thuật trên vải” mang tên Áo Sơ Mi Tò Te của “bác sĩ” Duc Studio lại thành công?
Ngày đăng: 09/10/22
Trong hàng loạt các sáng tạo phom dáng độc nhất vô nhị của mình, Áo Sơ Mi Tò Te có lẽ là “ca phẫu thuật” thành công nhất của vị “bác sĩ” thời trang – Duc Studio.
Thời trang được hình thành và định nghĩa bằng những khuôn mẫu và phom dáng nhất định. Dù là áo croptop, áo xuyên thấu, áo hai dây thì tất cả đều bắt đầu từ một phom áo cơ bản. Vì thế những người làm thời trang trước khi tạo ra những câu chuyện thương hiệu thú vị thì các thương hiệu cũng như nhà thiết kế thời trang phải chinh phục thị hiếu và tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng người xem cũng như bản đồ thời trang bằng chính các thiết kế của mình. Để gây được tiếng vang và đứng trong top những thương hiệu và nhà thiết kế nổi bật, thì buộc người làm sáng tạo phải tạo ra được những cái mới lạ, phá vỡ và đi ngược lại với mọi tiêu chuẩn bó buộc – vì chả có điều gì đáng bàn tán hơn những thứ phá luật cả!
Nếu trên thế giới có không ít nhà mốt ghi dấu ấn trên bản đồ thời trang bằng những phom dáng có 1-0-2 thì ở thị trường thời trang Việt lại không quá nhiều thương hiệu hay nhà thiết kế chưa thể làm điều đó, đặc biệt là các “tân binh” trẻ tuổi và đầy tiềm năng. Ngày trước, thời trang thường nhường ánh hào quang lấp lánh cho vẻ ngoài hoàn mỹ, không tì vết và tất nhiên những cái tôi “nổi loạn” không có quá nhiều chỗ đứng. Tuy nhiên, với sự xâm nhập của công nghệ, cuộc sống hiện đại và tư duy của con người cởi mở hơn thì những “chú cừu đen” đã có lại được cơ hội và lấy lại được sự tỏa sáng vốn có. Để nói về những thương hiệu Việt trẻ tuổi gây ấn tượng với sự bứt phá trong phom dáng, chắc chắn không thể không nhắc đến Duc Studio.
Đi ngược lại với dòng thời trang nội địa hiện nay, Duc Studio là một thương hiệu luôn gây ấn tượng với giới mộ điệu Việt bằng cách định vị hình ảnh khác biệt, độc đáo và đầy mơ mộng. Duc Studio được thành lập bởi NTK trẻ Nguyễn Minh Đức – từng tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Thiết kế thời trang tại một trường Đại học ở Sài Gòn. Nguyễn Minh Đức cũng từng là Costume Designer cho Vinpearl Phú Quốc khu Venice, Costume Designer for Toyota Motor Show 2019. Duc Studio hướng đến tôn chỉ “Keep Fashion Weird”. “Weird” trong từ điển của Nguyễn Minh Đức hay Duc Studio đồng nghĩa với sự đa dạng chứ không đơn thuần là sự kì lạ giống nghĩa đen.
Chữ Weird cũng xuất hiện một cách rất tự nhiên và tình cờ. Vào những ngày đầu làm branding cho thương hiệu, “Weird” bắt đầu từ biểu tượng mặt cười :D, được kết hợp từ dấu hai chấm được đặt trước chữ D trong Duc. Kể từ đó, Duc Studio luôn truyền tải tinh thần vui vẻ, sự dí dỏm pha chút tinh nghịch vào những thiết kế sáng tạo của mình. Ngoài ra, Weird đối với Duc cũng đồng nghĩa với sự đa dạng – đa dạng về giới tính, đa dạng về phom dáng, đa dạng về cách xử lý chất liệu và cả kiểu dáng. Tựu trung, “Weird” chính là tóm tắt những gì mà Đức và cả team mình muốn làm và hướng đến.
Duc Studio được xây dựng bởi một mình Đức cùng đội ngũ những người trẻ, giàu nhiệt huyết và chuyên môn. Với một đội ngũ làm việc ăn ý, cùng nỗ lực mang thương hiệu Duc Studio đi xa hơn nữa, một cách bài bản và chuyên nghiệp. Điều đặc trưng trong kỹ thuật và chất liệu của Duc Studio chính là sử dụng rất nhiều volume trong từng thiết kế, tái cấu trúc các phần trên một thiết kế để có thể mặc nhiều cách khác nhau. Duc Studio không ngừng tìm tòi và sáng tạo để đem đến những kỹ thuật mới lạ, đi ngược với những điều thường thấy ở thị trường thời trang hiện nay. Sự “đời” nhưng rất “ngược đời” của thương hiệu đã “chạm” được sự nổi loạn cũng như khát vọng thể hiện cá tính của mỗi người. Sự “ngược đời” đó được Duc được thể hiện từ ý tưởng rồi đến thiết kế thực. Ví dụ, từ sở thích làm đồ veston, Duc đã áp dụng phom dáng không-dễ-làm này vào phom áo ứng dụng cao hơn, cụ thể là chiếc áo thun. Với chiếc áo thun được lồng ghép với khung mẫu veston, có đệm vai và cánh tay chuẩn chỉnh thì người mặc có thể dễ mua cũng như dễ mặc hơn rất nhiều.
Với phom dáng bứt phá đặc trưng của Duc Studio, một món đồ thời trang không chỉ “mặc đẹp” mà còn phải “mặc được nhiều cách”. Chẳng hạn một chiếc áo sơ mi có chiếc tà có thể biến thành một chiếc túi tote… Thương hiệu cũng không ngừng thể hiện sáng tạo nghệ thuật trên các chi tiết khiến chúng trở nên vô cùng đắt giá. Một chiếc denim jacket của Duc Studio không đơn thuần một mảnh vải đơn mà còn được giải thích vô cùng “cồng kềnh” với những dòng vải chắp nối đặc biệt. Hầu hết mọi thiết kế của Duc Studio dường như được gấp hai, gấp ba chiều dài và tất nhiên phần nối rộng đấy sẽ được ứng dụng thành một chiếc túi, một chiếc khăn, một lá cờ hay bất cứ thứ gì bất ngờ.
Là một thương hiệu trẻ thành lập cách đây không lâu nhưng với “độ điên” cùng biên độ sáng tạo ngoạn mục, Duc Studio đã sớm tạo được tiếng vang trong cộng đồng thời trang Việt. Để làm nên sự thành công đó, Áo Sơ Mi Tò Te signature là một phần quan trọng không thể không kể đến. Sản phẩm này ắt hẳn là một minh chứng cụ thể để mọi người hiểu được sự ngược đời của thương hiệu. Tò Tè được Việt hóa từ chữ Tote (trong tiếng Anh). Phom dáng áo sơ mi này là một bản phối phản lại cái tự nhiên, quá đỗi bình thường: mặc đồ và mang túi. Lấy cảm hứng từ sự “bất tiện” đó, Duc đã gắn hai món đồ thời trang lại với nhau, “adapt” hai sản phẩm bình thường lại với nhau và tái cấu trúc lại ở chỗ vạt áo sơ mi cũng được nối dài ra, gắn thêm quai xách để biến thành một chiếc túi tote chuẩn chỉnh. Sự kết hợp táo bạo đó đã tạo nên một dấu ấn để mọi người nhớ đến, một signature giúp thương hiệu tạo được dấu ấn trên thị trường. Để tiếp tục phát triển và phát huy signature này, ngoài Áo Sơ Mi Tò Te ra thì Duc cũng nỗ lực áp dụng dấu ấn này lên nhiều thiết kế mới của thương hiệu như Đầm Tò Te, Jacket Tò Tè. Câu chuyện “Tò Te” chính là minh chứng cho tôn chỉ “Keep Fashion Weird” – đảm bảo được sự đa dạng mà Duc mong muốn.
Áo Sơ Mi Tò Te nguyên thủy được làm từ 100% vải polyester vì nó có độ xốp nhất định và đảm bảo được hiệu ứng như mong muốn thay vì vải cotton. Dần dà, để cải tiến chất lượng cũng như đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, Duc đã nâng cấp Áo sơ mi Tò Te với việc thay đổi chất liệu bằng vải denim mỏng. Với denim thương hiệu cũng có thể “chơi đùa” với nhiều chất liệu kết hợp khác như cúc kim loại, dây kéo,… Cũng giống như mọi thương hiệu khác, quy trình sản xuất một sản phẩm cũng đi theo những bước cơ bản như từ lên ý tưởng, lên rập, may mẫu… Đặc biệt, ở phần rập Duc thường đi tìm những món đồ cũ để từ đó rã phom dáng đó rồi từ đó tạo nên khuôn mẫu hay volume phù hợp, lên rập theo đúng ý của mình nhất. Vì đặc thù với phom dáng sáng tạo đầy bứt phá cho nên quy trình sản xuất để có được sản phẩm cuối cùng của thương hiệu cũng phải cân đo đong đếm rất nhiều, cho nên đây cũng là một trong những lý do giá thành sản phẩm của Duc cao hơn bình thường, nhưng không quá mắc.
Đối với Duc, Áo Sơ Mi Tò Te là signature, đưa thương hiệu đến gần hơn khách hàng. Tuy nhiên, có lẽ độ nhận diện (identity) của thương hiệu vẫn không thể nào gói gọn lại được trong một chiếc áo. Nói cách khác, áo sơ mi Tò Te là phương tiện để Duc thể hiện sự dí dỏm, sự hài hước, tính ứng dụng và đầy thực tế. Vì thế, Duc không muốn mỗi người nhớ đến dấu ấn của thương hiệu chỉ bằng một chiếc áo hay bất cứ signature nào đó nhất định mà đó là một ADN, mỗi chuỗi dấn ấn độc đáo, như cách xử lý chất liệu, phá vỡ phom dáng, “độ điên” trong cách truyền tải,… Một sản phẩm “signature” còn được gọi là một “masterpiece” mà “masterpiece” thì sẽ cần được cải tiến nhiều hơn nữa, giống như sau chiếc áo sơ mi Tò Te thì sẽ có áo sơ mi Ba Lô chẳng hạn…
Biên độ sáng tạo của Duc chưa bao giờ bị giới hạn phạm quy, ngoài câu chuyện “Tò Te” signature, gần đây thương hiệu còn gây ấn tượng với một sản phẩm mới – có thể là một dấu ấn khác, sắp tới của thương hiệu – chiếc Áo Thịt, được lấy cảm hứng từ việc bản chất nguyên thuỷ của con người là làm từ thịt. Thật ra, chiếc áo thịt là một sản phẩm cũ được làm từ năm 2020, đến nay mới được Duc đem ra làm lại. Lấy cảm hứng từ nguồn gốc và điểm chung của con người – cơ thể của bất kỳ ai cũng được cấu thành từ những mảng thịt và dòng máu đỏ, Duc đã cho ra đời chiếc áo đặc biệt này. Điểm mạnh và đặc trưng của áo Thịt nằm ở hiệu ứng photograph, bản in trên vải được vẽ AI từ bức ảnh của những mảng thịt ngoài chợ.
“Mặc được nhiều cách” là những gì miêu tả chính xác nhất để nói về sản phẩm của thương hiệu. Tuy nhiên để đảm bảo được điều đó, kết hợp hài hòa độ thẩm mỹ với tính tiện năng, thì Duc đã phải tốn rất nhiều thời gian, gói gọn trong hai từ “thử nghiệm”. Để làm những sản phẩm có thể mặc được nhiều cách, “biến hình” thành nhiều kiểu khác nhau thì Duc cũng phải trải qua rất nhiều giai đoạn thử nghiệm để tìm ra được đúng phom dáng và shape volume mà mình mong muốn và đương nhiên cũng chấp nhận nhiều thất bại.
Ngoài áo sơ mi Tò Te ra thì Duc còn đem lại nhiều signature với các sản phẩm cùng sự sáng tạo không thể trộn như Áo thun Tay Vest, Áo sơ mi Nhăn, Áo sơ mi Xạo, Áo sơ mi Nhái,… Dù là sản phẩm nào đi nữa thì tinh thần vui vẻ, hài hước chính là nguồn năng lượng chủ đạo mà Duc muốn truyền tải đến khách giả – “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”
Điều gì đã khiến sự đa dạng, dí dỏm, và weird đặc trưng đó thuyết phục được cái gật đầu của khách hàng? Có thể nói, đối với một thương hiệu trẻ, mới tập tành kinh doanh 1 năm trở lại đây, thì để có được cái “gật đầu” hay sự công nhận của khách hàng như hiện tại thì Duc đã phải đánh đổi và trả bằng rất nhiều thứ. Để khách hàng Việt có thể mua được sản phẩm của thương hiệu, trước tiên và quan trọng nhất là các sản phẩm của Duc phải ghi điểm bằng những câu chuyện ý tưởng độc lạ, bởi vì “không có một khách hàng nào đến đây mua một sản phẩm mà nó không có ý tưởng đằng sau”. Đi cùng đó phải là sự chất lượng đến từ kỹ thuật may đo cũng như sự đầu tư vào chất liệu. Ngoài ra, cách chăm sóc khách hàng chu đáo là yếu tố không thể thiếu.
Đi theo tôn chỉ đa dạng, vì thế tệp khách hàng hay đối tượng phù hợp với Duc Studio cũng là một tập thể đa dạng. Tại đây, Duc cũng cung cấp đa dạng các mặt hàng từ đồ “Weird” đến đồ basic, ứng dụng bình thường để có thể phục vụ được tất cả các loại khách hàng – Duc dành cho tất cả mọi người! Đến với Đức, mọi người có thể bung xõa hết tất cả khả năng, không bị giới hạn bởi bất kỳ điều gì. Các sản phẩm của thương hiệu cũng thỏa mãn được sự đa dạng, một chiếc áo mua của Duc có thể mặc được ở nhiều nơi, nhiều dịp, nhiều kiểu. Tuy nhiên, cũng giống như những thương hiệu khác, Duc cũng có và nhắm đến một tệp khách hàng nhất định – cộng đồng Ductionary. Với những chiến lược, chiến dịch hay hoạt động cụ thể, Duc mong rằng cộng đồng đó sẽ ngày càng phát triển, quyển từ điển sẽ liên tục được bổ sung thêm nhiều cụm từ mới mẻ. Và với những nguồn cảm hứng gần gũi, quen thuộc nhất từ cuộc sống, xuất phát điểm từ con người – một đơn vị cơ bản cấu thành nên xã hội, thì có thể tuyên bố rằng trang đầu của “quyển từ điển” này – Duc Studio sẽ không bao giờ cạn ý tưởng – “Chỉ khi con người không tồn tại thì Duc mới không còn ý tưởng.” – Minh Đức chia sẻ.
The Signature Ep.02 – Duc Studio
Thực hiện: Huỳnh Trân