“Con sói trong chiếc áo khoác cashmere” Bernard Arnault vượt qua Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới
Ngày đăng: 15/12/22
Nhà sáng lập SpaceX và Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, không còn là người đứng đầu trong danh sách những Người giàu nhất thế giới nữa, vị trí ấy giờ đây thuộc về Bernard Arnault, với biệt danh “con sói trong chiếc áo khoác cashmere”, người lãnh đạo của Tập đoàn thời trang LVMH.
Bernard Arnault, 73 tuổi, sở hữu 48% cổ phần của công ty thời trang LVMH có trị giá 170,8 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị tài sản của Chủ sở hữu Twitter đã giảm hơn 100 tỷ USD kể từ tháng 1 xuống còn 163,6 tỷ USD, theo Bloomberg đưa tin. Trong danh sách này, vị trí thứ ba và thứ tư thuộc về Gautam Adani và Jeff Bezos, những người có khối tài sản tương ứng là 125 tỷ USD và 116 tỷ USD.
Trước khi vượt qua Elon Musk, trong vài năm gần đây, Bernard Arnault luôn đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất trong ngành thời trang. Năm 2019, ông từng vượt mặt Bill Gates để trở thành người giàu thứ 2 thế giới.
Hành trình đứng đầu thế giới của Tỷ phú Bernard Arnault
Hồi còn trẻ, Arnault đã bộc lộ khả năng kinh doanh thiên bẩm. Sau khi lấy bằng kĩ sư tại ngôi trường danh tiếng Ecole Polytechnique (Pháp), ông về làm việc tại công ty xây dựng của gia đình ở tuổi 25. Đến năm 1979, khi tròn 30 tuổi – ông trở thành Chủ tịch công ty của gia đình. Tuy nhiên, một số thay đổi trong chính trường Pháp thời ấy khiến gia đình Arnault di cư đến nước Mỹ.
Vị tỷ phú gia nhập thị trường xa xỉ vào năm 1984, với sự giúp đỡ của Antoine Bernheim, một đối tác cao cấp của Lazard Frères, Arnault đã mua lại Financière Agache, một công ty hàng xa xỉ. Ông trở thành CEO của Financière Agache và sau đó nắm quyền kiểm soát Boussac Saint-Frères, một công ty dệt may trong tình trạng hỗn loạn. Boussac sở hữu Christian Dior, cửa hàng bách hóa Le Bon Marché, cửa hàng bán lẻ Conforama và nhà sản xuất tã giấy Peaudouce.
Trên thương trường, vị tỷ phú đã khiến các đối thủ vừa sợ hãi vừa khâm phục bởi tính quyết đoán đến mức khó tin. Ông đã bán gần như tất cả tài sản của công ty, chỉ giữ lại thương hiệu Christian Dior uy tín và cửa hàng bách hóa Le Bon Marché. Ông Arnault hiện kiểm soát tầm một nửa cổ phần trong LVMH, đồng thời sở hữu phần lớn cổ phần của Christian Dior.
Sau khi trở thành Chủ tịch của tập đoàn LVMH, tham vọng của Arnault là đưa LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, ngang tầm với hai tên tuổi trong lĩnh vực là Richemont (Thụy Sĩ) và Kering (Pháp) và ông đã hoàn toàn làm được điều đó. Trong 30 năm qua, tỷ phú Bernard Arnault đã biến LVMH thành một đế chế khổng lồ về hàng hóa xa xỉ. LVMH sở hữu 75 thương hiệu với các cái tên tiêu biểu như Louis Vuitton, Moet-Hennesy, Christian Dior, Sephora, Tiffany & Co và Bulgari.
Triết lý kinh doanh của Tỷ phú giàu nhất thế giới
Nguyên lý kinh doanh của Bernard Arnault là các thương hiệu thuộc tập toàn sau khi được thâu tóm vẫn hoạt động như doanh nghiệp độc lập, theo văn hoá và bản sắc lịch sử riêng. Vai trò của tập toàn là hỗ trợ lợi ích chung cho các thương hiệu. Phương thức táo bạo và dứt khoát này giúp sức sống của các thương hiệu thuộc LVMH phát triển bền vững và giữ được truyền thống trong bối cảnh kinh tế đầy rẫy biến động.
Công thức xây dựng thương hiệu nổi tiếng sẽ theo các bước: Nhận dạng DNA thương hiệu bằng cách khai thác lịch sử thương hiệu và khai thác nhân lực có thể thể hiện được điều đó, sáng tạo biện pháp tiếp thị hữu hiệu và quản lý chặt chẽ chất lượng, phân phối hàng hóa.
Việc Bernard Arnault lãnh đạo LVMH khiến các nhà đầu tư yên tâm và có thể ông sẽ tiếp tục điều hành tập đoàn đến năm 80 tuổi, sau khi đề nghị thay đổi chính sách quản lý trong thời gian qua. Trong khi Prada và Kering đều đã xác nhận người thừa kế trong tương lai, ai sẽ thay thế Bernard Arnault vẫn còn là bí mật.
Thực hiện: K.
Đọc thêm:
LVMH và con đường trở thành đế chế thời trang hàng đầu thế giới