Couture Thu 2018: Mộng mơ và những điều kỳ diệu
Ngày đăng: 27/07/18
Haute Couture – thế giới của những giấc mơ, sự giải thoát và vô vàn những điều kỳ diệu. Thời trang sẽ không còn giữ được giá trị nguyên bản nếu thiếu đi Haute Couture. Hãy cùng đối diện thẳng với sự thật: Couture là cỗ máy marketing thần kỳ!
Nhìn lại ấn phẩm được viết trong khoảng thời gian từ năm 1751 – 1772, bởi Dennis Diderot và Jean le Rond d’Alembert có tựa đề Encyclopédie, ou dictionaire raisonné des sciences, des art et des métiers (Tạm dịch: Bách khoa toàn thư, hay từ điển lý luận khoa học, nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ) để thấy sức ảnh hưởng to lớn mang tính định hướng, mà tác phẩm này đã tác động lên những doanh nhân kinh doanh thời trang, trong việc định hình giá trị của nghệ thuật thiết kế thời trang thủ công, nhờ đó đặt ngành này ngang tầm với khoa học và nghệ thuật thời bấy giờ.
Đương nhiên, chúng ta không thể không nhắc đến cha đẻ của Couture, nghệ nhân người Anh Charles Frederick Worth (sinh tại Paris năm 1856), nhà thiết kế thiên tài đã cùng vợ của mình (cũng là nàng thơ của ông), đã biến thế giới của may đo thủ công thành “High Fashion”. Qua thời gian, nhà mốt Worth, cùng với những nhà thiết kế Couture khác đã đưa khái niệm “thủ công” lên một tầm cao mới bằng việc cho ra mắt các dòng thương hiệu thứ cấp về nước hoa, giày và phụ kiện thời trang. Hiệu ứng này đã gieo mầm cho cái sau này gọi là Lifestyle Branding với rất nhiều những trào lưu Marketing ấn tượng.
Chúng ta đều biết rằng, những “tác phẩm” thời trang Couture có một không hai này sẽ đi kèm với mức giá không hề dễ chịu. Trung bình, các nhà thiết kế cùng đội ngũ của mình phải mất đến hơn 800 giờ và hàng trăm ngàn đô la Mỹ để tạo ra một chiếc đầm Couture. Thậm chí trang phục Couture ứng dụng cũng sẽ có mức giá khởi điểm quanh mức 10.000 đô la Mỹ! Trên thế giới, Couture được ước tính có khoảng 2000 khách hàng, chủ yếu đến từ Nga, Trung Quốc, Mỹ và Trung Đông, với số khách mua thường xuyên không quá 300 người.
Với lượng khách hàng thường xuyên không nhiều, có thể nhận ra ngay rằng Haute Couture không phải là cỗ máy kiếm tiền. Đều đặn mỗi năm hai lần, các nhà mốt Couture dành ra hàng triệu đô la, chọn ra những chất liệu xa xỉ nhất, làm thủ công từng chi tiết, thuê những người thợ lành nghề giỏi nhất về thêu và đính kết, sử dụng những người mẫu hạng A cùng với đội ngũ trang điểm và làm tóc hàng đầu để làm ra những show diễn không thể hoành tráng hơn. Lợi nhuận không đáng kể, lợi nhuận gộp biên còn không tới 10% với nhiều nhà mốt, thậm chí nhiều khi còn lỗ. Tuy nhiên, giá trị nhận lại sẽ là dòng tiền từ việc bán các sản phẩm nước hoa, make-up, mỹ phẩm và những món hàng cùng thương hiệu giá phải chăng hơn, như giày và túi xách.
Những nhà thiết kế đang bán giấc mơ của vẻ đẹp, sự khát khao thời thượng và tính độc nhất.
Vậy tại sao các nhà mốt lại vẫn đua nhau đầu tư vào những bộ sưu tập Haute Couture, mà không tập trung phát triển các dòng sản phẩm phụ thêm kia? Câu trả lời chính là: Họ đang bán những giấc mơ. Những show diễn thời trang thu hút sự chú ý của truyền thông và từ đó giúp thương hiệu được nhận diện rộng khắp. Bạn thử nghĩ xem có bao nhiêu nghệ sỹ diện trang phục Couture trên thảm đỏ sự kiện? Những nhà thiết kế đang bán giấc mơ của vẻ đẹp, sự khát khao thời thượng và tính độc nhất.
Cùng điểm qua những điểm sáng của mùa Haute Couture Thu 2018.
VALENTINO
Pierpaolo Piccioli đã chứng tỏ vai trò của ông ở nhà mốt Valentino bằng việc khép lại Tuần lễ thời trang Paris Haute Couture với nhiều lời bình luận tích cực. Mùa này, Piccioli đã dành tặng người hâm mộ một màn trình diễn của màu sắc tương phản và form dáng swagger rộng cá tính. Piccioli đã phát biểu với Vogue: “Couture đòi hỏi sự quan sát thật sâu sắc và tinh tế, nhằm khai phá tầm nhìn về cái đẹp của mỗi nhà thiết kế”. Tầm nhìn của Piccioli là sự kết hợp hoàn hảo của thần thoại Hy Lap, những bức vẽ từ thế kỷ 17-18, những bộ phim của Pasolini và những bức ảnh của Deborah Turbeville, chiếc áo giáp thời trung cổ, và Ziggy Stardust.
Nguồn cảm hứng được truyền tải trong những chiếc áo cape thêu tay phức tạp, váy dạ hội dệt thổ cẩm nhiều lớp được đính đá, sequin và ngọc trai, chiếc váy jersey đỏ với những đường nét mạnh mẽ và bộ ba váy taffeta mỏng nhẹ ôm lấy cơ thể.
FENDI
Làm sao một nhà mốt nổi tiếng xưa nay với những sản phẩm lông thú có thể thích ứng với dòng chảy của thời trang anti-fur (phản đối việc dùng da và lông động vật trong sản xuất thời trang)? Những nhà mốt tên tuổi nhất như Gucci, Versace và Michael Kors cuối cùng đã đưa ra thông cáo rằng họ sẽ chỉ sử dụng các chất liệu giả lông thay cho lông thật trong các bộ sưu tập của mình. Riêng đối với Fendi, nhà mốt này không đưa ra một khẳng định như vậy, nhưng trong mùa này, người hâm mộ không còn thấy nguyên bộ sưu tập từ lông động vật như các mùa trước.
Mặc dù Fendi vẫn đưa vào đó một vài thiết kế từ lông động vật nhưng điều đáng chú ý hơn trong bộ sưu tập lần này là sự sáng tạo, vượt ra khỏi giới hạn của chất liệu lông thật và giả lông (tuy cách này cũng không giảm áp lực lên môi trường hơn dùng lông thật và lông giả là bao). Nhà mốt đã khéo léo sử dụng chất liệu vải để tạo ra những chất liệu mới giống y hệt lông thú thật, điển hình là, một thiết kế áo khoác được tạo bởi những sợi vải chiffon mảnh, được mài sờn và khâu lại với nhau thật sít đến mức người ta có thể nhầm nó với một chiếc áo lông chồn thật.
Bên cạnh những thiết kế lông thật để giữ bản sắc vốn có, những sáng tạo về chất liệu này đã đem đến một làn gió mới cho nhà mốt. Hơn nữa, đây cũng là một concept tái chế nâng cấp (Upcycling) khá tuyệt.
JEAN PAUL GAULTIER
Được biết đến với sự phá cách trong thiết kế, Jean Paul Gaultier đã giới thiệu bộ sưu tập Haute Couture của mình trên cả mẫu nam lẫn mẫu nữ đại diện cho tính linh hoạt, phi giới tính của bộ sưu tập mà nhà thiết kế muốn truyền tải. Với điểm nhấn vào những đường cắt may, “thời thượng” là từ được nhắc đến nhiều nhất. Gaultier đã đưa thiết kế “Le Smoking” mà ông lấy cảm hứng lên một tầm cao mới của thế kỷ 21.
MAISON MARGIELA
Trước báo giới, John Galliano đã nói về những sáng tạo của mình trong bộ sưu tập Couture của Maison Margiela như sau: “Đó là tinh tuý nguyên bản, trần trụi nhất, là giọt ngọc của nhà mốt”. Nối tiếp bộ sưu tập thủ công dành cho nam giới của mình, Galliano đã giới thiệu một bộ sưu tập thật sự tân tiến, với concept mới lạ, phô diễn giá trị của thủ công lành nghề- đúng theo nghĩa đen- bằng việc để lộ ra những đường khâu tinh vi trong cấu trúc của thiết kế áo khoác làm 100% bằng tay. Sự thiên tài của Galliano được thể hiện trong cách xếp lớp trang phục cùng cấu trúc hình ống và chất liệu nilon dẻo, cái mà Vogue gọi là ‘translucent fabric sandwiches’ (những chiếc bánh sandwich bằng vải trong).
“Ngày nay, chúng ta đều là những kẻ du mục”, Galliano nói thêm, “… chúng ta đều có bộ lạc của mình.” Galliano gọi nó là “ sự hào nhoáng du mục”. Nó làm người hâm mộ liên tưởng một chút đến Yeohlee và bộ sưu tập “Urban Nomads” (Những kẻ du mục của thành thị), nhưng bộ sưu tập của Galliano quả thật nặng đô hơn nhiều.
ARMANI PRIVE
Được biết đến với khả năng cắt may thần sầu và là thầy phù thuỷ của những trang phục thảm đỏ, bộ sưu tập mùa thu của Armani Privé đã không làm giới mộ điệu thất vọng. Báo giới đã nói về bộ sưu tập: “Đó là một phong cách đậm tính điêu khắc và mang hơi hướng hoàng tộc”. Nửa đầu của show diễn (tổng cộng gần 100 thiết kế) là một biển những bộ suit, váy dạ hội màu đen và champagne, tất cả tạo nên tinh hoa của nhà mốt một cách trọn vẹn.
Tuy nhiên, với nỗ lực nhằm bắt kịp thời đại, nửa cuối của bộ sưu tập đã thay đổi hoàn toàn sang những tông màu chói và mạnh hơn trong tất cả mọi thứ từ chiếc áo cape lông đà điểu cho đến bộ suit màu hồng và ngọc lam, dường như không có sự liên kết với nửa đầu. Đây thật sự là một cú twist táo bạo!
CHANEL
Giới mộ điệu có thể tin tưởng hoàn toàn vào Karl Lagerfeld trong việc tạo nên một backdrop ấn tượng cho bộ sưu tập của Chanel. Với bộ sưu tập lần này, ông đã không làm giới mộ điệu thất vọng khi cho những người mẫu của mình sải bước bên bờ sông Seine, phía sau là toà nhà Institut de France (Viện hàn lâm Pháp), được xây dựng bởi Louis le Vau cho Cardinal Mazarin vào những năm 1660 (đồng thời là nơi Academie Française- Học viện Pháp ngữ toạ lạc).
Có lẽ ở tuổi này, Lagerfeld có những hoài niệm về những ngày đầu tiên của ông ở Paris khi ông 18. Trong cuộc phỏng vấn ngay trước show diễn với tạp chí Vogue, Lagerfeld đã hồi tưởng lại hình ảnh thành phố vẫn còn những tàn tích của chiến tranh với con phố tối tăm và bụi bẩn, những toà nhà chưa được sửa chữa. Học giả thời trang cho biết: “Người ta nói với bố mẹ tôi rằng ‘cậu ấy có thể sẽ bị lạc. Mẹ tôi trả lời rằng: Tôi có bản năng sinh tồn cực kỳ mạnh mẽ”.
Bộ sưu tập tràn ngập chất liệu vải tweeds kinh điển của nhà mốt, tất cả với tông màu xám. Rất nhiều những chiếc váy dài được xẻ tà để show ra những chiếc váy ngắn quyến rũ có hoạ tiết thêu tinh tế bên trong. Lagerfeld cũng mang đến những chiếc đầm dạ hội ánh bạc, những chiếc áo khoác thời thượng và một số thiết kế chiffon xếp ly trong suốt.
CHRISTIAN DIOR
Qua rất nhiều năm gắn với hình ảnh của sự hào nhoáng bậc nhất và hấp dẫn giới tính đặc trưng, Dior, nếu như dưới bàn tay của Raf Simons và John Galliano đi theo phong khách tối giản, thì nay đến thời của Maria Grazia Chiuri lại có sự thay đổi mang tính cách mạng. Bộ sưu tập Couture 2018 tập trung đi sâu vào chủ đề nữ quyền. Nhà thiết kế tìm hiểu về Leonor Fini, một trong những nghệ sĩ của trường phái Avant- garde mà đích thân Christian Dior đã lựa chọn đặt tác phẩm để trưng bày trong gallery của mình trong thời gian trước khi ông bén duyên với thời trang.
Kết quả của nguồn cảm hứng này được thể hiện trong những thiết kế xếp ly sẫm màu, mang tính điêu khắc được gia công phức tạp hơn nhiều so với những gì mắt thường có thể nhìn thấy. Chỉ có những nhà thiết kế như Chiuri mới biết cách sử dụng những bàn tay lành nghề nhất của ngành thời trang để làm hài lòng những khách hàng Couture khó tính nhất. Chiuri đã mang đến những bộ suit với chất liệu cashmere, những chiếc đầm đơn giản dài đến mắt cá chân, những thiết kế xếp ly và dạ hội e lệ dịu dàng đẹp khó cưỡng. Phải nói rằng bộ sưu tập lần này vừa kinh điển, thanh tao, lại vừa hiện đại và mới lạ.
SONIA RYKIEL
Trong suốt 50 năm qua, cái tên Sonia Rykiel luôn gắn liền với những thiết kế knitwear trẻ trung và vui tươi. Ở mùa này, nhà thiết kế Julie de Libran đã mang đến bộ sưu tập Couture đầu tiên của thương hiệu. Giữ nguyên bản sắc của nhà mốt, bộ sưu tập tràn ngập không khí “joie de vivre” (niềm vui cuộc sống) phong cách gắn liền với tên tuổi cha đẻ của nhà mốt này.
Hoàn toàn không có bóng dáng của một chiếc đầm dạ hội – hình mẫu của thế giới thời trang cao cấp Couture, thay vào đó de Libran mang đến những thiết kế trẻ trung và cá tính. Từ những chiếc áo len lệch vai kẻ sọc đính cườm đến chiếc váy len đen với hoạ tiết thêu bikini bắt mắt, cùng thiết kế corset cưới với phần ren ở mặt trước, viền lông vũ và quần jeans màu xanh. Đồng ý là bộ sưu tập của de Libran có tính đột phá, nhưng liệu nó có xứng đáng được gọi là Couture không?
IRIS VAN HERPEN
Luôn là một kẻ nổi loạn trong thời trang, Iris van Herpen đã quyết định cho ra mắt bộ sưu tập của mình tại Galerie de Minéralogie et de Géologie, một lựa chọn không thể phù hợp hơn, khi tên của bộ sưu tập này là “Ludi Naturae” (Tạm dịch: Vở kịch của tạo hoá).
Tuy nhiên, ý tưởng của van Herpen về sự quyến rũ tự nhiên cùng với sinh học tổng hợp thông qua việc sử dụng kỹ thuật cắt laser kinh điển của bà và công nghệ in 3D trên vải tạo hiệu ứng thị giác đã được nâng lên một tầm cao mới. Bà đặt tên cho bộ sưu tập của mình là “Syntopia”. Herpen phát biểu: “Tôi nghĩ rằng chúng ta – trên cương vị là con người – thậm chí còn không thể tiền gần đến tinh hoa của tự nhiên. Thật buồn cười khi người ta cứ nói rằng tự nhiên là thứ giản đơn và công nghệ là cái phức tạp. Nhưng thực tế thì ngược lại. Công nghệ đơn giản còn tự nhiên lại phức tạp vô cùng”.
Được biết đến với những lần bắt tay kết hợp với các nghệ sỹ, lần này người mà Herpen chọn hợp tác là cặp nghệ sỹ người Amsterdam Lonneke Gordijn và Ralph Nauta của Studio Drift, những người đã tạo nên backdrop của show diễn, mang tên science fantasy (khoa học diệu kỳ). Bà cũng bắt tay cùng với nhà điêu khắc người Đức Peter Gentenaar, người nổi tiếng với việc thu trọn “ký ức hữu cơ” và sự chuyển động thông qua những tác phẩm điêu khắc bằng cellulose lớn và công phu của ông. Hai người đã cùng nhau tạo nên một show diễn có thể nói là “đưa người xem đến một thế giới khác”.
Được xem như “nhà thiết kế tương lai ở thực tại”, mùa thời trang Couture sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi Iris van Herpen và tầm nhìn của bà.
Chuyển ngữ: Bùi Đạt
Theo University of Fashion