Chất liệu deadstock có phải là giải pháp mới cho thời trang bền vững?
Ngày đăng: 07/02/23
Sự xuất hiện của thời trang nhanh (fast fashion) đã khiến những chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã đau đầu trong nhiều thập kỉ. Chúng thay đổi không chỉ cách thức tiêu dùng mà còn có cả hành vi tiêu dùng của các tín đồ thời trang.
Tuy nhiên những năm gần đây, trái đất đang phát tín hiệu “cầu cứu” thông qua hàng loạt sự kiện biến đổi khí hậu giúp thúc đẩy sự phát triển của thời trang bền vững – sustainable fashion. Là tiền đề cho sự ra đời của nhiều loại vải tái chế – trong đó có chất liệu deadstock.
Định nghĩa về loại vải mang tên deadstock
Bên cạnh cái tên deadstock, chúng còn có nhiều tên gọi, như vải bị bỏ đi (leftover fabric), vải thừa (surplus fabric), vải dư (remnant fabric). Về cơ bản, deadstock là loại vải còn sót lại không thể sử dụng cho mục đích ban đầu. Có thể chúng bị lỗi màu, bị hư hỏng hoặc có khuyết điểm khiến nhiều thương hiệu trả lại nhà máy sản xuất. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác là hãng còn dư quá nhiều vải nên hủy đơn đặt hàng khiến chúng “không còn nhà để về” và kết cục là “bị vứt bỏ”.
Theo các chuyên gia, mặc dù đây có thể là giải pháp giúp giảm đi lượng rác thải của ngành thời trang nhưng chúng thật sự không đem đến ảnh hưởng lớn để giải quyết ổn thỏa vấn đề ô nhiễm môi trường.
Liệu deadstock có thật sự tốt hay chỉ là Greenwashing (Quảng cáo xanh)?
Deadstock nổi lên như một hiện tượng trong vài năm nay trên Instagram và website của các hãng thời trang với các hashtag được đính kèm trong phần mô tả sản phẩm. Đây có thể được xem là một phương pháp Marketing của hãng và khách hàng có thể yên tâm sử dụng chúng vì chất liệu ấy sẽ tốt cho môi trường hơn những loại vải thông thường. Nhưng nhiều câu hỏi đặt ra rằng đó là sự thật hay chỉ là chiêu trò marketing sai lệch?
Mọi vấn đề đều có hai mặt, trước tiên chúng ta hãy thử xem xét khía cạnh tích cực của loại vải deadstock này:
- Sử dụng lại những thước vải thừa để thay đổi “kết cục” của chúng. Vòng đời của các loại vải sẽ phải kết thúc sớm hơn so với vải deadstock khi chúng ta không cố gắng kéo dài tuổi thọ của chúng. Điều ấy khiến ta gợi nhớ đến cách xử lí hàng tồn kho hoặc hàng lỗi của các thương hiệu xa xỉ đã từng gây tranh cãi một thời thay vì tái sử dụng hoặc bán rẻ.
- Góp phần bảo vệ môi trường và giảm lượng khí Cacbon. Tái chế sẽ giúp các nhãn hiệu không cần phải sản xuất thêm vải mới, cắt giảm lượng khí CO2 trong quá trình sản phẩm.
- Điều đặc biệt của deadstock chính là họa tiết độc nhất vô nhị để cho ra mắt các bộ sưu tập. Đây là tính năng cực kì phù hợp cho các nhãn hiệu bền vững mới vừa ra mắt hoặc các hãng vừa và nhỏ vì chúng vừa giúp tiết kiệm chi phí và vải thừa chỉ được sản xuất với số lượng ít.
- Deadstock sẽ được tái chế “từ rễ đến ngọn” thông qua nhiều các dùng khác nhau. Có thể thấy, nhiều thương hiệu đã sử dụng deadstock để sáng tạo ra các phụ kiện khác nhau – trong đó có thể kể đến chính là chiếc khẩu trang trong đợt dịch vừa rồi.
Khi nói đến mặt tiêu cực của vấn đề sử dụng deadstock có thể bảo vệ môi trường hay không, có 3 điều chúng ta có thể cân nhắc:
- Việc cố tình sản xuất vải thừa với số lượng lớn để bán lại cho các hãng thời trang đang ngày càng “rầm rộ”. Nhiều nhà sản xuất vải có vẻ như đang trục lợi từ việc ấy.
- Đối với các thương hiệu thời trang sử dụng deadstock trong các sản phẩm của mình, thật khó để chứng minh nguồn gốc và tính minh bạch của chúng.
- Cuối cùng chính là hành động tạo ra quan niệm sai lầm và làm xấu đi hình ảnh của loại vải deadstock này. Có thể thấy nhiều công ty chỉ quan tâm đến lợi nhuận và doanh thu rồi sản xuất vải bằng phương pháp không hợp pháp với các loại thuốc nhuộm và vật liệu gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Từ đó, khiến nhiều người tưởng rằng deadstock là một định nghĩa tiêu cực trong ngành thời trang.
Có vẻ thật khó để trả lời câu hỏi rằng deadstock có phải là loại vải bền vững hay không. Tùy vào cách sử dụng và mục đích sử dụng mà chúng ta sẽ có cái nhìn khác nhau. Simone Ferraro – giám đốc thiết kế của thương hiệu A Better Mistake – đã từng nói: “Là một thương hiệu thời trang bền vững, chúng tôi không thể bền vững theo bất kỳ cách nào và chúng tôi chỉ có thể cố gắng trở nên tốt hơn. Tôi thích từ ‘có ý thức’ hơn. Việc sử dụng vải deadstock sẽ không thay đổi toàn bộ hệ sinh thái, nhưng đó là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến các công ty khác và cả con người. Chúng tôi không biết nguồn gốc của vật liệu này, nhưng vì nó đã có sẵn trên thế giới nên chúng tôi cho rằng việc tái sử dụng nó thay vì đặt vải mới là cách làm tốt”.
Những cái tên đi đầu trong ngành thời trang sử dụng chất liệu deadstock
Christy Dawn
Nổi danh trong làng thời trang bền vững, Christy Dawn đã được ra đời với tiêu chí tôn vinh mẹ thiên nhiên. Họ sử dụng loại vải deadstock và cotton hữu cơ để sáng tạo ra những bộ sưu tập thân thiện với môi trường.
Tonlé
Đây là một thương hiệu thời trang Zero Waste (không rác thải) và họ đã sử dụng hoàn toàn deadstock trong các BST của mình. Phần lớn những loại vải thừa họ nhập từ chợ ở Phnom Penh, Cambodia. Có một sự thật thú vị mà bạn cần biết về thương hiệu này. Cho dù là những mảnh vải nhỏ đến mức nào đều được hãng tái chế lại bằng một cách sáng tạo độc lạ. Chúng sẽ được cắt tiếp và khâu riêng thành sợi được dệt thủ công và đan thành những mảnh mới.
ManduTrap
Với cương vị là một thương hiệu thời trang bền vững tại Berlin, Đức. Họ thường sử dụng những chất liệu thân thiện với môi trường cho các sản phẩm của mình, chẳng hạn như cotton hữu cơ, vải thừa và vải Tencel (Lyocell). Triết lý của thương hiệu đối lập với thời trang nhanh và lên án những thương hiệu fast fashion một cách gián tiếp thông qua những bộ trang phục.
Lois Hazel
Đến từ quốc gia chuột túi, Lois Hazel là một thương hiệu thời trang nữ. Những sản phẩm của hãng thuộc phân khúc bình dân được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường như nhựa tái chế, vải deadstock và vải cotton hữu cơ có chứng nhận GOTS.
Vải deadstock được các nhà mốt xa xỉ “lồng ghép” vào các BST như thế nào?
Nona Source – LVMH
Romain Brabo là người sáng lập ra Nona Source – một doanh nghiệp bán lại hàng tồn kho thuộc sở hữu của LVMH – đã từng bảo rằng “Có những nhà thiết kế đang tìm kiếm những vật liệu chất lượng nhưng không đủ khả năng chi trả vì chúng rất đắt hoặc số lượng họ cần đặt hàng rất cao – vì vậy chúng tôi [đã tạo ra] sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ”. Đó là cách mà thời trang xa xỉ đang dần thâm nhập vào thị trường vải deadstock.
Gabriela Hearst
Người đã từng nhận giải thưởng nhà thiết kế trang phục nữ gốc Mỹ của năm đã từng chia sẻ rằng thời trang bền vững là mục tiêu của cô ấy. Gabriela Hearst sinh ra tại Uruguay và cho ra mắt BST Xuân/Hạ 2021 đầu tiên tại Paris, Pháp – đó là BST được sáng tạo từ loại vải deadstock.
Missoni
Hãng thời trang Ý Missoni gần đây đã tạo ra một bộ sưu tập phiên bản giới hạn gồm 25 món đồ từ vải tái chế.
Viktor & Rolf
Các nhà thiết kế thời trang Hà Lan thuộc thương hiệu Viktor & Rolf đã tái sử dụng những chiếc váy vintage thành những sáng tạo mới của họ – hai bộ sưu tập cuối cùng của họ chỉ được làm bằng những loại vải vintage còn thừa ra.
Thực hiện: Mỹ Tâm