Những dấu ấn khó quên trong Tuần lễ thời trang New York Thu/Đông 2023 vừa qua
Ngày đăng: 18/02/23
Mỗi một mùa thời trang tại New York qua đi, có rất nhiều bộ trang phục được tạo ra để tôn lên “nét đặc trưng” của quốc gia Hoa Kỳ. Chính sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và bản sắc địa của họ đã “thành công” trong việc xây dựng một tuần lễ khó quên trong lòng các tín đồ thời trang. Hãy cùng Style-Republik tìm hiểu xem những khoảng khắc đã góp phần làm bùng nổ giới thời trang trong Tuần lễ thời trang New York.
Kinh đô thời trang New York trở nên cực kì sống động trong tuần này cho mùa Thu/Đông 2023, ta được chứng kiến sự xuất hiện của các nhà thiết kế mới và cũ bước lên sàn diễn trong một loạt các buổi trình diễn đầy ấn tượng. Mặc dù không thể bỏ qua sự thiếu vắng của những tên tuổi nức tiếng trong giới, chẳng hạn như Tommy Hilfiger, Ralph Lauren và cựu giám đốc CFDA Tom Ford, nhưng thành phố này vẫn “len lỏi” những cơ hội mới cho các tài năng trẻ, những người đã “góp nhặt” đủ bản lĩnh để đứng chung với các thương hiệu lâu đời trong mùa thời trang này.
Hiện tại, dường như thành phố New York đang cố gắng tăng gấp đôi sự đầu tư vào cải tổ ngành công nghiệp thời trang của mình nhờ vào hỗ trợ của thống đốc hiện tại của bang Kathy Hochul. Trong những năm gần đây, Hochul đã thực hiện ý định phát triển ngành này thông qua một loạt các khoản tài trợ và sáng kiến. NYFW (viết tắt của “Tuần lễ thời trang”) vừa qua, Hochul đã thông báo rằng 10 triệu USD tài trợ của Nhà nước sẽ được dùng để thành lập Trung tâm Đổi mới Thời trang ở New York, nơi sẽ phục vụ cho việc hợp tác sản xuất các loại cây trồng địa phương và công nghệ tạo sợi. Thống đốc sau đó cũng đã ký ‘New York Textile Act (Đạo luật Dệt may New York)’ với mục tiêu hỗ trợ nông dân trong ngành dệt may nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và các cơ hội Marketing mới.
Những gương mặt cũ và mới bước lên trên sàn diễn
Sự tập trung vào thiết kế với điểm trung tâm của chủ đề là người Mỹ – giống như một phần không thể thiếu của NYFW mùa này, thể hiện rõ trong sự lựa chọn của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA) đối với các nhà thiết kế mới nổi và những nhân vật gây chú ý trong ngành thiết kế Hoa Kỳ. Trong số những cá nhân tiêu biểu thì ta có Thom Browne, người đã trở lại sàn diễn sau khi được bổ nhiệm làm chủ tịch mới của CFDA. Sự hiện diện và đóng góp của ông ấy đã được tôn vinh trong một sự kiện do Anna Wintour tổ chức, nơi ông ấy phát biểu trước những người yêu thích thời trang và nói rằng sứ mệnh của ông ấy là giúp thúc đẩy ngành thời trang Mỹ.
Trong bài phát biểu tại sự kiện, Browne cho biết: “Mỗi người trong số các bạn đã truyền cảm hứng cho tôi thử thách bản thân hàng ngày để theo đuổi sự sáng tạo thuần túy. Nhiệm vụ của tôi là đặt sự sáng tạo lên hàng đầu. Tôi cam kết với bạn rằng khi tôi ở vị trí này, tôi sẽ quảng bá tất cả những câu chuyện thực sự độc đáo và đa dạng đã làm cho thời trang Mỹ trở nên ‘huyền thoại’ trên khắp thế giới… theo cách thuần túy nhất bởi vì tôi tin rằng thành công thực sự không nên đánh đổi bằng sự sáng tạo”.
Đây là mùa lần đầu tiên Browne trình diễn ở New York kể từ tháng 9 năm 2021 (trước đó là ở Paris), nhưng sàn diễn vẫn “nhuốm màu phong cách” của ông giống như những màn trình diễn tại thủ đô nước Pháp. Lấy bối cảnh trong The Shed, người xem được chiêm ngưỡng một khung cảnh xa hoa, với các hành tinh và ngôi sao lơ lửng trên trần nhà. Ngoài ra còn có một chiếc máy bay hai tầng với đôi cánh bị hư nằm ở trung tâm đường băng. Bản thân bộ sưu tập bao gồm các biến thể của phong cách may đo phá cách đặc trưng của Browne, bên cạnh những bộ quần áo không gian chần bông, bộ sưu tập váy lụa in và những tác phẩm kinh điển được làm mới, mỗi bộ dường như khiến ta liên tưởng đến câu chuyện kinh điển – Hoàng tử bé.
Thông qua BST lần này, Browne đã biểu đạt sự biết ơn về lần hỗ trợ và tăng trưởng cho sản xuất và thiết kế của Mỹ. NYFW cũng là “sân chơi” của các nhà thiết kế mới nổi với mong muốn đạt được cơ hội giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của họ, trong đó có rất nhiều người là buổi trình diễn đầu tiên của họ. Có thể kể đến như Maya J, nhà thiết kế của thương hiệu từng đoạt giải Amiri Ayama, người đã thể hiện nét nữ tính trong các bộ sưu tập thường lấy cảm hứng từ nam giới của mình và Kate Barton, một nhà thiết kế tập trung vào các quy trình sản xuất công nghệ tiên tiến cho dòng trang phục dạ hội của cô.
Trong khi đó, bên cạnh những gương mặt mới là những nhà thiết kế độc lập cực kì quen thuộc, đã được biết đến trong ngành nhưng vẫn có một cách tiếp cận mới trong công việc của họ. Giám đốc sáng tạo của Hervé Legér – Christian Juul Nielsen – đã phô diễn tài năng của mình tại NYFW nhưng với thương hiệu theo phong cách đơn giản Aknvas của anh ấy. Một gương mặt mới nhưng vẫn có tiếng tăm nhất định là Robert Rodriguez, cựu nhà thiết kế của Dior, người đã rời khỏi thương hiệu lớn để ra mắt thương hiệu quần áo dạ hội sang trọng mới của mình là Kolston.
Heron Preston cũng là một cái tên nổi tiếng khác tại NYFW, giới thiệu nhãn hiệu cùng tên của anh ấy tại sự kiện gần sáu năm kể từ buổi trình diễn cuối cùng tại Tuần lễ thời trang Paris. Trong khi phần lớn bộ sưu tập của anh nhằm chỉ ra tầm quan trọng của việc tái chế, Preston cũng nhân cơ hội này ra mắt bộ sưu tập quần áo trượt tuyết đầu tiên của mình.
Jonathan Simkhai, người đã giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của thương hiệu cùng tên của mình với cái tên “mới” là ‘Simkhai’ – họ đã bỏ đi chữ ‘Jonathan’. Với việc “thay áo mới”, họ còn cải tổ bản sắc thương hiệu, chúng được thể hiện thông qua sự thay đổi hướng tới may đo và tạo ra các tác phẩm di sản để làm nổi bật nghề thủ công. Mặc dù phần lớn dòng sản phẩm Thu/Đông 2023 đề cập đến mối liên kết của Simkhai với các phương pháp sản xuất của Iran, thể hiện qua việc ông sử dụng ren, nhưng sự hợp tác của thương hiệu với Wolford cũng được thể hiện trong trang phục bó sát và trang phục kết hợp các kỹ thuật đặc trưng của nhà thiết kế.
Các nhà quản lý tuần lễ thời trang với các chiến lược đặc sắc
So với các sàn diễn châu Âu, New York có vẻ tinh tế hơn, chính là các dòng phụ kiện và giày dép. Ví dụ, sự hợp tác giữa hai thương hiệu Oliver Peoples và Khaite đã ra mắt BST kính mắt. Trong khi đó, Kate Spade giới thiệu dòng sản phẩm Pantone có chủ đề màu xanh lá cây thì Heron Preston và Zellerfeld bắt tay nhau lần lượt tung ra sản phẩm giày Area và Serigo Rossi. Mặc dù hợp tác và tung ra sản phẩm với nhau không phải là một hình thức tiếp thị mới, nhưng chúng mang lại khả năng tương tác với một nhóm khách hàng mới. Điều này đặc biệt đúng đối với các thương hiệu tại NYFW, nơi mà các nhà thiết kế được cho là có ít tầm ảnh hưởng hơn so với những gã khổng lồ xa xỉ như Gucci hay Prada.
Trong khi đó, các thương hiệu khác đang tập trung nhiều vào việc thu hút thế hệ trẻ hơn – một số thông qua những thiết kế sáng tạo độc lạ, một số còn lại thì tập trung vào những sản phẩm có liên quan đến văn hóa đại chúng. Rodarte là một ví dụ điển hình, ông trở về với tuần lễ thời trang New York để đưa phong cách gothic vào những bộ váy dạ tiệc, khi CFDA đã tham khảo một bộ phim yêu thích hiện tại trên nền tảng Netflix vào thứ Tư, thì Christian Siriano đã ra mắt những bộ trang phục lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển đình đám của thập niên 90 Clueless.
Sự hồi xuân đã được thể hiện đặc biệt rõ ràng qua nhãn hiệu Coach, vị giám đốc sáng tạo của thương hiệu Stuart Vevers đã đặt quy chuẩn của thế hệ trẻ lên hàng đầu và trung tâm của những thiết kế. Kết quả khiến cho di sản Mỹ của Coach được nâng lên tầm cao mới thông “qua con mắt của một thế hệ mới”. Chúng được thể hiện ở tính trẻ trung và cổ điển được hiện đại hóa. Vevers cũng đã cố gắng phát huy khả năng khám phá tính tuần hoàn của các sản phẩm thời trang gần đây cho thương hiệu. Điều này có thể được nhìn thấy trong các mặt hàng quần áo may sẵn và phụ kiện làm bằng vật liệu tái chế, cũng như việc mở rộng sự kiện (Re)Loved của thương hiệu. Ban đầu sự kiện ấy chỉ dành riêng cho những chiếc túi đã qua sử dụng, nhưng sau này đã có thêm giày dép và đồ trang sức. Một bộ sưu tập giày thể thao bằng da mới ra mắt đều có phần trên được làm thủ công từ những chiếc túi Coach đã được tái sử dụng, trong khi đồ trang sức được mô phỏng lại từ những món đồ cổ điển được tái sử dụng.
Một thương hiệu vẫn tiếp nối truyền thống của họ là Khaite. Hãng đã một lần nữa giới thiệu bộ sưu tập xa xỉ cho người tiêu dùng dẫn đầu xu hướng. Những bản thiết kế trang phục có cấu trúc và mạnh mẽ, tương phản với việc sử dụng các kết cấu mềm mại hơn như lông cừu sang trọng, voan nhiều lớp và áo sơ mi bóng mượt. Loạt áo khoác dài quét sàn, áo nịt ngực phức tạp và hàng dệt kim chất lượng của thương hiệu dường như rất được lòng người hâm mộ.
“Tham vọng” đạt được độ thảo luận cao trên mạng xã hội
Trong khi một số thương hiệu bắt đầu “đau đầu” giải quyết các chiến lược nội bộ của họ, thì những thương hiệu khác đang khơi dậy các cuộc thảo luận đề tài trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý về mọi thứ, từ cách trình bày kỳ quái đến phong cách PR xuề xòa của họ. Dion Lee và Collina Strada đã nắm bắt được cảm giác tự nhiên trong các bộ sưu tập, cả hai đều kết hợp thế giới động vật vào các sàn trình diễn theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, chính cái thứ hai đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với những tín đồ thời trang, với việc nhà thiết kế của thương hiệu, Hillary Taymour, đã chọn để người mẫu trình diễn bộ phận giả của động vật trên đường băng.
Khi một số người không thích tỏ ra quá hào nhoáng trên sàn catwalk, thì những người khác lại coi đó là phong cách giao tiếp của họ. Một yếu tố khiến tuần lễ thời trang ngày càng trở nên có ảnh hưởng – hãy nghĩ đến những chiếc iPhone bị hỏng của Balenciaga cho AW22 hay đồng hồ Louis Vuitton của Virgil Abloh. Tuy nhiên, do môi trường kinh tế vĩ mô, các nhà thiết kế tại NYFW đã chọn các hình thức kín đáo hơn một chút. Ví dụ: Area “mời mọc” với hình thức một một túi giao đồ ăn với những quả chuối giả (trông y hệt thật). Và chuối cũng được đưa vào bộ sưu tập của thương hiệu, trình diễn trên đường băng.
Trong khi đó, giống với dòng sản phẩm AW23 tập trung vào quy trình tái chế, Heron Preston đã đưa hoạt động tái chế trở nên nổi bật hơn nữa bằng cách tạo ra 400 thiệp mời từ những món đồ bỏ đi, chính là rác thải của Thành phố New York (Anh ấy đã cố lục lọi chúng, trong một video giới thiệu trước buổi biểu diễn đã đề cập đến điều này). Tác phẩm nghệ thuật biến lời mời được xây dựng dựa trên triết lý ‘bền vững với môi trường’ của Preston, triết lý mà anh thể hiện rõ ràng thông qua cả phương pháp sáng tạo và vận hành của mình. Khi nói về hành động này, nhà thiết kế đã tuyên bố trên trang Instagram của mình: “Nếu bị vứt bỏ, chúng sẽ trở lại thùng rác nhưng nếu được giữ lại, đó là một kho báu để sáng tạo. Dù bằng cách nào, đó cũng mang một ý nghĩa nhất định đối với tôi. Nếu một lời mời không có giá trị sử dụng, thì khả năng chúng bị vứt bỏ là rất cao. Thật là lãng phí”.
Thực hiện: Mỹ Tâm
Theo Fashion United