Tại sao thế giới thời trang rộng lớn kia lại cần đến sự thể hiện của những cái tôi nhỏ bé?
Ngày đăng: 10/05/23
Thời trang có lẽ một thế giới luôn chào đón tất cả mọi người nhưng chúng lại vận hành bằng sự khẳng định và thể hiện của những cái tôi riêng biệt.
Theo dòng chảy thời gian, thời trang được tái vận hành và mang nhiều tầng ý nghĩa, vai trò đối với xã hội và con người chúng ta. Vượt khỏi định nghĩa gắn liền với mục đích thiết yếu nhất, thời trang không còn đơn thuần là quần áo, thời trang còn có một mối tình đặc biệt giữa nghệ thuật, và đến nay đối với những người trẻ cởi mở thời trang còn tựa như một “chốn” quen thuộc để họ kể những điều khó nói cũng như những câu chuyện về cái tôi đầy riêng biệt của mình.
Có lẽ sẽ không dễ dàng để phủ nhận sự thật rằng thời trang và cách chúng ta “sử dụng” thời trang ảnh hưởng sâu sắc đến bản sắc, lòng tự tôn và cả cách giao tiếp xã hội của chúng ta. Chẳng hạn, tủ quần áo của một người chính là sự phản ánh đầy phức tạp và chân thực về bản sắc bên trong của họ. Nó nói lên rất nhiều điều về con người mỗi chúng ta và không bàn đến những yếu tố tác động khác, thời trang là phương tiện để thể hiện bản thân và để mỗi cá thể kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài. Tương tự cách những người nghệ sĩ thể hiện thế giới quan của chính mình cho công chúng thưởng thức, các nhà thiết kế thời trang cũng luôn cố gắng khắc họa chân dung cái tôi của mình vào các tác phẩm của mình cũng như đưa những câu chuyện của bản thân “chạm” gần hơn đến số đông khán giả. Bởi lẽ, ngôn ngữ hay lời nói chưa bao giờ đủ để những người nghệ sĩ, nhà thiết kế cũng như những người làm sáng tạo thể hiện hết tâm hồn nhạy cảm đấy.
Đối với chúng ta, cách ăn mặc cũng phần nào thể hiện được sự khác biệt trong mỗi người. Quần áo hay thời trang chính là sự phản ánh gần như chính xác nhất về những suy nghĩ và cảm xúc bên trong chính mình. Từ góc độ tâm lý, cách chúng ta ăn mặc có thể có tác động đáng kể đến cách người khác nhìn nhận về chúng ta cũng như sự tự tin. Thời trang mang đến cơ hội để sáng tạo và thể hiện bản thân một cách chân thực. Chẳng hạn, khi chúng ta lựa chọn một phong cách thời trang phù hợp cho bản thân chính là lúc chúng ta chọn ra “khía cạnh” hay tinh thần thời trang nào phù hợp nhất để đại diện cho bản sắc bên trong (không bàn đến những yếu tố ảnh hưởng khác như sở thích, chuẩn mực văn hóa và kỳ vọng của xã hội). Nói không ngoa, giao tiếp bằng thời trang là một cách vô cùng đặc biệt, bởi lẽ thời trang sẽ cho phép chúng ta tự do thể hiện một cách mạnh mẽ bản thân mình là ai mà chẳng cần thốt ra một từ nào! Bên cạnh đó, thời trang còn phản ánh giá trị của cá nhân, thái độ và niềm tin của chúng ta, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân, người khác và ngược lại. Ví dụ, khi chiêm ngưỡng những “tuyệt tác” thời trang của cố nhà thiết kế Alexander McQueen, ắt hẳn làng mốt cũng cảm nhận được những dằn xé trong cảm xúc của chính anh thông qua những lần nhà thiết kế vĩ đại “chống đối” xã hội bằng vẻ đẹp lập dị nhưng đầy duy mỹ và lãng mạn.
Tuy cách mà thời trang thể hiện cái tôi của mỗi người tiếp cận chỉ mới được phổ biến và đón nhận rộng rãi vào thời đại mới ngày nay nhưng cách thể hiện mình trong thời trang đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử loài người với nhiều hình thức khác nhau. Từ thời cổ đại, con người đã sử dụng quần áo và phụ kiện như cách để thể hiện địa vị và bản sắc của họ. Thời gian trôi qua, các nền văn hóa khác nhau đã sử dụng thời trang để thể hiện bản thân theo những cách khác nhau.
Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, quần áo có mối liên hệ chặt chẽ với địa vị xã hội và sự giàu có. Phong cách ăn mặc lúc bấy giờ còn được xem là một cách để thể hiện lòng trung thành của ai đó đối với niềm tin chính trị hoặc tôn giáo. Vẻ ngoài đẹp mắt về mặt thẩm mỹ còn là một dấu hiệu của sự uy tín và quyền lực. Trong thời Trung cổ, thời trang chịu ảnh hưởng nặng nề của tôn giáo và giai cấp. Các tầng lớp thượng lưu thường mặc những màu sắc tươi sáng và trang trí công phu trong khi các tầng lớp thấp hơn chỉ được phép mặc những màu trầm như xám hoặc xanh lục xỉn. Rất lâu sau đó trong thời kỳ Baroque vào thế kỷ 17, sự xa hoa và sang trọng được coi là biểu tượng của sự thành công trong xã hội – điều này vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng sâu sắc cho đến tận ngày nay. Từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, làng mốt đã chứng kiến sự bùng nổ tạo nên cách mạng từ sự ra đời của quy trình sản xuất quần áo may sẵn, từ đây thời trang cũng dần trở nên dễ tiếp cận hơn đối với mọi người từ mọi tầng lớp trong xã hội, cho phép họ thử nghiệm với nhiều phong cách khác nhau từ đó tạo ra những vẻ ngoài riêng biệt để khiến họ khác biệt với đám đông. Đặc biệt với kỷ nguyên của các tiểu văn hóa như punk rock, trào lưu thể hiện cá tính của bản thân ở giới trẻ đã trở nên bùng nổ và phổ biến hơn bao giờ hết. Lúc bấy giờ, thời trang chính là một trong những thứ đã khiến những người trẻ có thể “nếm” được mùi vị của tự do. Cũng chính nhờ vào những lần đứng lên đầy nổi loạn của những cái tôi đặc biệt này mà thời trang mới có được những giai đoạn, những thời đại thật rực rỡ tạo nên những dấu ấn lịch sử không thể thay thế, chẳng hạn như hào quang chẳng bao giờ lụi tàn của thời trang punk.
Thế giới thời trang có lẽ chẳng bao giờ hạn chế một ai hay bất kỳ một cá thể nào hay có thể nói thời trang dành cho tất cả mọi người. Thời trang một thế giới đa dạng, biến đổi liên tục theo cách vận hành của từng thời đại khác nhau và nó được hình thành và phát triển bằng những lần thể hiện của những cái tôi riêng biệt, những tiếng nói của từng cá thể. Đối với những người làm sáng tạo, làm thời trang hay những nhà thiết kế, việc thể hiện cái tôi được xem là tối quan trọng. Bởi lẽ, nếu không đem cái tôi vào các tác phẩm của mình thì có lẽ họ sẽ khó có thể tỏa sáng trong một thế giới thời trang thật rộng lớn này. Và ngược lại, thế giới thời trang cũng chẳng còn đa dạng nếu thiếu đi những lần “lên tiếng” của các bản sắc riêng biệt. Từ đó, nếu chẳng có ai can đảm thể hiện cái tôi độc nhất vô nhị của bản thân thì có lẽ ai cũng giống ai, thương hiệu nào cũng giống thương hiệu nào,… và thời trang sẽ dần trở nên vô vị. Nếu Tom Ford những năm 70s không thể hiện tư duy thời trang táo bạo của mình trên sàn diễn của Gucci thì có lẽ năm đấy nhà mốt Ý đã rơi xuống vực thẳm, nếu không có một Alessandro Michele thật maximalism thì có lẽ vị thế của Gucci chẳng còn mạnh mẽ như ngày nay và nếu không có “cuộc đua” của những cái tôi thì cũng chẳng có sự xuất hiện của Logomania.
Không chỉ tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm, đối với các nhà thiết kế, cái tôi và những lần thể hiện cái tôi còn là cánh cửa giải thoát họ ra khỏi thực thế không như trong mộng, cái tôi đưa họ đến với vùng đất sáng tạo đầy mộng mơ để trở nên can đảm hơn, bản lĩnh hơn thực hiện những điều mà họ chưa từng làm trước đây.
Với thời đại mới, một kỷ nguyên mới của thời trang, việc thể hiện cái tôi trong thời trang dần không còn là một trào lưu quá mới mẻ. Nói không ngoa, sự phát triển từng ngày của thị trường thời trang Việt Nam hiện nay cũng nhờ một phần vào sự can đảm trong việc thể hiện cái tôi của chính mình của lớp nhà thiết kế trẻ. Nếu ngày trước, phần lớn nhà thiết kế chưa “dám” thể hiện cái tôi bản thân để thuyết phục thị hiếu của khách hàng thì hiện nay thì thời trang Việt ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu trẻ nổi bật được dẫn dắt bởi cái tôi táo bạo của các nhà thiết kế tài năng,.. để thoát khỏi thị trường mass ai cũng giống ai ngày trước.
Thực hiện Dory
Ảnh: Tổng hợp